Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

ÔNG NGUYỄN QUANG THIỀU TIẾT LỘ 3 CÂU CHUYỆN VỀ BẢN QUYỀN


TIẾT LỘ 3 CÂU CHUYỆN VỀ BẢN QUYỀN

Nguyễn Quang Thiều
10 Tháng 1 lúc 8:29 · 
 
Lẽ ra tôi không kể những chuyện dưới đây. Vì tôi tâm niệm rằng: nếu mình làm một điều tốt mà kể ra thì việc làm tốt ấy có nguy cơ biến mất. Nhưng chắc các bạn sẽ chia sẻ với tôi khi tôi kể những chuyện này. Mong mọi người thông cảm.

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: gần 30 năm trước, tôi có in một truyện ngắn có tên “ Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên nghành. Ít lâu sau, tôi thấy một truyện ngắn xuất hiện trên báo Tiền phong Chủ nhật trùng tên bèn đọc thì hóa ra là truyện ngắn của mình nhưng lại tác giả lại là người khác. Hỏi ra biết “tác giả” là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng tôi đã không công khai chuyện này. Tôi chỉ nhờ người phụ trách tờ báo nói với bạn sinh viên này phải nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm đó. Tôi không làm ầm ĩ chuyện này vì nghĩ bạn ấy còn rất trẻ và sai lầm là chuyện dễ hiểu. Người Pháp có câu “ 70 tuổi cũng không dám chắc mình không đui, không què”. Tôi đã sống 60 năm trên cõi đời này và ngày nào tôi cũng có nguy cơ mắc sai lầm. Nếu tôi công khai chuyện đạo văn này thì bạn ấy sẽ bị dư luận lên án và nếu không đủ bản lĩnh, bạn ấy sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc. Như vậy, quyền chính đáng và sự minh bạch của tôi trong chuyện này có thể lại hại đến tương lai của một người trẻ.


CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tận viên của một Nhà xuất bản. Mấy năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “nhậy cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế thì ông ấy trả lời vòng vo. Một số bạn bè tôi trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi mấy năm đều rất nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Nhưng tôi đã yêu cầu họ bỏ qua. Vì sao ? Vì tôi có quen biết gia đình ông ấy và tôi rất cảm thông với vợ và con của ông ấy. Họ theo ông từ một miền quê nghèo ra Hà Nội và sống một cuộc sống rất khó khăn. Người vợ của ông ấy là một phụ nữ vô cùng hiền dịu và chịu khó. Nếu tôi công khai chuyện này thì chị ấy sẽ xấu hổ và đau khổ vô cùng. Có một lý do phụ nữa mà tôi đã nói với những người bạn biết chuyện này là “ trong đầu tôi còn rất nhiều cuốn sách, tôi “tặng” ông ấy cuốn sách đó”. Một điều lạ lùng là sau này và cả bây giờ, ông ấy thi thoảng lại phê phán những sáng tác của tôi trên báo chí một cách không thiện chí. Trên thực tế, tôi đã quyết định in một bài phê phán thơ tôi trên tờ báo tôi phụ trách nội dung vì nhà phê bình ấy đã phê thơ tôi một cách trong sáng theo cách hiểu của ông. Tệ hơn là ông ấy còn phê phán đạo đức của tôi nữa . Và trong phần tiểu sử bản thân in trong sách của mình bây giờ, ông ấy vẫn kê khai cuốn tiểu thuyết của tôi là của ông ấy. Một câu chuyện thật bi hài phải không các bạn.

CÂU CHUYỆN THỨ BA: Tôi có viết một bài thơ về mẹ mình như là một sự ân hận về những gì trong những năm tuổi trẻ tôi đã làm cho mẹ buồn và lo lắng về tôi. Tôi chưa in bài thơ này ở đâu mà chỉ thi thoảng cho một hai người bạn đọc trong cuốn sổ làm thơ của mình. Khi từ Cuba về nước, tôi nghe tin một người bạn vong niên bị mất. Tôi đã đến gia đình em ấy để thắp nén hương cho em. Người mẹ của em ấy đã lấy cho tôi xem lá thư của em viết cho bà trước khi mất chừng một tháng. Kèm theo lá thư đó là bài thơ mà trong thư em ấy viết “ con viết tặng mẹ bài thơ này”. Mẹ em ấy là một tri thức, bà nhận ra trong bài thơ là tình yêu của em ấy dành cho bà và sự ân hận của em ấy về những năm tháng trước đó em ấy đã làm cho bà buồn phiền và lo lắng. Bà cho tôi đọc bức thư và bài thơ. Tôi “choáng váng” nhận ra đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình. Sau đó bà nói với tôi bà đã khóc trong đau đớn khi mất đứa con của mình và bà cũng khóc vì hạnh phúc bởi lần đâu tiên bà thấy con mình đã viết được những lời như vậy về mẹ. Lúc đó tôi hiểu rằng: em ấy đã chép bài thơ trong sổ tay của tôi viết cho mẹ tôi để gửi cho mẹ em ấy. Tôi đã khóc.

Tôi đến trước ban thờ có di ảnh em ấy, thắp một nén hương cho em và thầm nói: “ Bài thơ này thuộc quyền sở hữu trọn vẹn của em. Anh chỉ là người chấp bút bài thơ này cho em mà thôi. Cầu nguyện cho em thanh thản chốn thiên thu”.

Bài thơ ấy vẫn trong sổ tay của tôi. Tôi chỉ viết thêm một dòng chữ phía trên tên bài thơ . Dòng chữ đó là tên của em ấy. Và tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc vì điều đó. Đến bây giờ tôi vẫn tin, tôi không sáng tác bài thơ ấy mà tôi chỉ là người chép giúp em bài thơ của em cho mẹ em mà thôi. Mong linh hồn em ở chốn thiên thu thứ lỗi cho tôi khi kể câu chuyện liên quan đến em.

Đấy là 3 câu chuyện về bản quyền trong không ít câu chuyện về bản quyền của tôi và những câu chuyện bản quyền của bạn bè tôi mà tôi biết. Vấn đề bản quyền tôi nghĩ không chỉ là luật pháp mà trong đó còn chứa đựng sự tôn trọng, sự chia sẻ và lòng cảm thông đối với những trường hợp cụ thể.

Để đi đến một hành động văn hóa là vô cùng khó khăn, tôi đã từng viết : để vứt một cọng rác xuống nơi công cộng chỉ mất 1 giây, nhưng để tự nguyện cúi xuống nhặt một cọng rác nơi công cộng lên phải mất 100 năm. Thời gian 100 năm ước lệ ấy chỉ sự hình thành văn hóa. 
____________________ 
.
Phần lớn độc giả ca tụng cách ứng xử của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong cả 3 câu chuyện nói trên (có thể nếu chính họ bị như vậy thì họ không làm như nhà văn được). 

Một số ý kiến khác: 

LS. Quang Vy Lê Câu chuyện 1 và 2 về lý là sai hoàn toàn, cần phải lên án. Câu chuyện thứ 3 về lý tuy sai nhưng về tình có thể cảm thông dc, bởi do có nhiều người ko hiểu về luật bản quyền, đôi khi trong cảm xúc họ muốn tặng ai 1 tác phẩm nào đó mà họ đã vô tình quên ghi tên tác giả. VD: 1 chàng trai tặng 1 cô gái câu thơ, và viết trỏng rằng: Anh tặng em câu thơ: " Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím" . Chàng trai ko ghi tên tác giả câu thơ đó là của nhà thơ HT. Và nếu cô gái ấy ko biết nhiều về thơ ca nên ko biết câu thơ ấy là của nhà thơ HT thì sẽ tưởng rằng cầu thơ ấy là của chàng trai viết ra tặng mình.
.
Phương Thuỷ Trân Anh Thiều ạ, cái trường hợp thứ 3 , nghĩ một cách nhân văn thì nó ko nằm trong hệ ăn cắp bản quyền được , và việc anh ứng xử thì thật xứng với cái cao cả của tâm hồn nghệ sĩ , em ko nghĩ về người chép thơ anh gửi mẹ cậu ta, có thể cậu ta yêu mẹ mà ko có khả năng nói được thành lơi và thấy thơ anh nói đúng nỗi lòng mình nên chép về cho mẹ, đôi khi trong cảm xúc người ta ko lý giải mọi điều đến nơi đến chốn được , nhưng tựu lại là cậu ấy đã làm người mẹ hạnh phúc và cái nhân văn của anh là ko mổ xẻ để tước đi hạnh phúc của người mẹ đang quá đau vì mất con. Cậu ấy mất rồi và câu chuyện ấy cũng chỉ hai mẹ con cậu ấy cảm nhận cùng nhau, anh vẫn hoàn toàn có bản quyền với bài thơ của mình.Còn hai câu chuyện bản quyền trên thì em thấy anh đáng trách . Có thể anh ko muốn công khai để tránh tổn thương người nọ người kia nhưng việc quyết liệt không tha thứ cho những thói ăn cắp bản quyền với chính những nhân vật ấy là cần thiết , vì nếu không biết quyết liệt với cái xấu nghĩa là mình đã đồng ý thỏa hiệp với cái xấu trong đời rồi , và nó cứ vì thế mà nhân rộng đến hôm nay .Nói thật , em thấy anh cũng phải có trách nhiệm một phần vì đã để những câu chuyện xấu như thế tồn tại .Em không thấy nhiều cảm xúc trước những cái xấu mà ko đủ sức mạnh để lên tiếng.Em thật lòng,cũng chỉ là ý kiến theo cá tính riêng , nếu không thích thì anh bỏ qua .
.
Dang Thi Lan thông tin chỉ nên gữi kín có thời hạn (theo luật quốc tế), đến hết thời hạn đó phải công khai minh bạch. Xin anh hãy công khai tên tuổi của anh lđ nào đó trên tiểu sử vẫn giữ quyển sách của anh. như thế là công hiến cho VN một cách thiết thực nhất,
.
Hương Lê Tôi ngả nón trước câu chuyện đầu và cuối của Nhà thơ NQT! Nhưng tôi không tán thành cách xử lý câu chuyện thứ 2, ít ra là đến thời điểm này! Ông anh Nv đó không xứng đáng được đối xử tử tế như vậy, dù người vợ ông ấy có thánh thiện như một thiên thần! Cám ơn Nhà thơ!
.
Nguyen Hoang Anh Dù ngưỡng mộ anh nhưng tôi k tán thành anh dung dưỡng cho những người ăn cắp như vậy. Hành động ấy k chỉ hại anh mà còn tiếp tay cho kẻ cắp. 
__________

Tễu Blog: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Rất mong nhà văn lên tiếng về việc Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của tác giả Trần Quỳnh Nga.

8 nhận xét :

  1. Tán thành Tễu. Ông Nguyễn Quang Thiều cần lên tiếng về truyện ngắn đang "gây bão" của Trần Quỳnh Nga. Bởi, ông là một quan to của Hội NV.VN, cấp trên của tờ VN. Bởi, như lâu nay thường vậy, ông luôn luôn tự bộc lộ là một người thánh thiện. Ông có dám thay mặt Hội NV xin lỗi độc giả ? Hay, như trường hợp với TMH, ông thẳng thừng rằng chúng bay (những người lên án truyện ngắn xuyên tạc lịch sử) đều là đồ hèn ?...Đối với chúng tôi, ông bây giờ là Chúa đấy !...

    Trả lờiXóa
  2. Bần hàn sinh đạo tặc cả trong Văn chương !

    Trả lờiXóa
  3. Kể cả trường hợp thứ ba. Ông Thiều cứ tình cảm kiểu này thì lộn tùng phèo hết. Thương thì thương nhưng nên rành mạch. Một anh nào đó chép thơ người khác rồi bảo là của mình, chỉ chấp nhận được (chỉ cho qua được chứ ko f chấp nhận được) khi viết trong sổ tay, 1 vài ng biết. Chứ đem in hay đưa lên fac. ô Thiều có chấp nhận ko.

    Còn đây nữa, ô Thiều cg sai chính tả ah?: "Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên nghành"

    Trả lờiXóa
  4. Một tấm lòng cao cả. Khâm phục.

    Trả lờiXóa
  5. Nhưng tiểu thuyết KẺ ÁM SÁT CÁNH ĐỒNG thì ông Thiều bịa đặt hoàn toàn về làng Nhô ( một dạng làng Đồng Tâm cách đây 25 ở Hà Nam). Tôi không phục!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi không ngờ việc " đạo " văn thơ lại trắng trợn ( trường hợp 1-2 ) tệ hại đến như vậy nhất là cách hành xử của kẻ " đạo " đối với nhà văn NQT .
    Riêng trường hợp thứ ba , tôi không cho là " đạo " mà chỉ là mượn ( hay dùng ) thơ của NQT để nói lên cảm xúc của mình đối với người mẹ , là chuyện bình thường như ta ngồi bên cạnh người yêu có thể hát tặng nàng bài " Tình ca " chả phải là sáng tác của mình ...
    Chỉ nên gọi là " đạo " , là ăn cắp sáng tác của mình khi kẻ đạo dùng nó để in ấn , phát hành và lấy tên của mình .
    Nhìn chung , cách ứng xử của nhà văn NQT là rất văn hóa , đáng trân trọng . Tuy nhiên , cái gì cũng có mức độ . Tử tế quá đối với kẻ xấu chưa hẳn đã là tốt mà chỉ là dung dưỡng cái xấu mà thôi .

    Trả lờiXóa
  7. May cho cụ Lê Đình Kình ở Đông Tâm thời Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã phát triển. Nên không bị chết tức tưởi như ông Trịnh Khả ở làng Nhô. Ông Thiều có dám về Hà Nam đối mặt với dân oan làng Nhô về những điều ông viết theo đơn đặt hàng của công an không? Đừng ngồi đấy mà rao giảng đạo đức nữa! Ông cũng chỉ là công cụ trong tay người khác thôi. Dù tôi biết ông đã bỏ Đảng hơn 5 năm nay rồi.

    Trả lờiXóa
  8. Chẳng vui gì khi phải lên tiếng. Mùa hoa cải ven sông hình như cũng "thuổng" của một cây bút Mỹ la tinh ! Văn học nghệ thuật là ngay thẳng. Không ngay thẳng, trước sau cũng lộ, bất chấp che chắn tinh vi cỡ nào ...Âu đó mới là bản quyền, bản quyền thực sự, bản quyền của mọi bản quyền: bản quyền nhân bản !...

    Trả lờiXóa