Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

CÙNG NHAU TÌM MUA VÀ ĐỌC CUỐN SÁCH RẤT HAY VỀ LÊN ĐỒNG



TS. Nguyễn Xuân Diện: Đây là cuốn sách chuyên khảo hay nhất, đầy đủ, nghiêm túc và giá trị nhất về Nghi lễ Lên Đồng. Ngồn ngộn tư liệu, kết quả điều tra, nhiều bí mật được tiết lộ; phân tích khoa học, có lý luận, văn phong trong sáng dễ hiểu và thuyết phục.

NGHI LỄ LÊN ĐỒNG - LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ
Sách chuyên khảo

Tác giả: TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Tôn giáo)
Nxb. Hà Nội, 2017. 422 trang, khổ 16 x22 cm.
Giá bìa: 250.000 đ.

Liên hệ mua sách: Tác giả Nguyễn Ngọc Mai, số ĐT: 098 237 6655
Email: ngocmai.dr@gmail.com 

“Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị” không chỉ là tổng hợp của hai công trình luận án Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Ngọc Mai, mà còn là kết quả của các nghiên cứu khác về mối liên/quan hệ giữa thực hành nghi lễ lên đồng của người Việt và các thực hành Shaman giáo, múa nghi lễ tôn giáo… của người nhiều tộc người khác trên dải đất Việt Nam.

Công trình mang tính chất chuyên khảo, có kết cấu chặt chẽ, lôgic với một dung lượng kiến thức, tri thức không nhỏ. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, sách gồm hai phần, mỗi phần năm chương:

- Phần I: Nghi lễ lên đồng - Lịch sử phát triển.

Chương 1: Lên đồng hầu bóng ở đồng bằng Bắc Bộ và lịch sử phát triển.

Chương 2: Nghi lễ lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ và mối quan hệ
với các tôn giáo khác trong khu vực.

Chương 3: Nghi lễ lên đồng hầu bóng và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu ở châu thổ Bắc Bộ.

Chương 4: Hiện tượng lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ từ đổi mới đến nay
và những tác động của nền kinh tế thị trường.


Chương 5: Trang phục trong nghi lễ lên đồng - góc nhìn văn hóa.

- Phần II: Chủ thể thực hành và giá trị của nghi lễ lên đồng.

Chương 6: Chủ thể văn hóa lên đồng hầu bóng dưới góc nhìn phân tâm học.

Chương 7: Nghi lễ lên đồng hầu bóng và sự chuyển đổi nhận thức
về tâm linh của các Thanh đồng hiện nay.

Chương 8: Bản hội của các Thanh đồng, vốn xã hội và những hệ lụy.

Chương 9: Nghi lễ lên đồng hầu bóng - những giá trị về y học.

Chương 10: Ý nghĩa xã hội, vai trò của nghi lễ lên đồng hầu bóng
đối với văn hóa châu thổ Bắc Bộ.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên khảo công phu, toàn diện về nghi lễ lên đồng với nhiều góc độ của loại hình tín ngưỡng nghi lễ vừa độc đáo vừa đầy tai tiếng mà như tác giả kết luận: “Tồn tại trên nền tảng của tín ngưỡng thờ thánh ở Việt Nam, lên đồng hầu bóng cho dù xét ở góc độ nào đi nữa thì nó vẫn cứ là một dạng diễn xướng văn hóa đặc thù… Nó không chỉ là một cách ứng xử độc đáo mang tính giai cấp mà còn là một hiện tượng văn hóa điển hình mang bản sắc văn hóa Việt. Điều đó thể hiện ở đặc tính tổng hợp, chồng xếp đan xen nhiều sắc thái: tôn giáo tâm lý, văn hóa, xã hội…”. (Lời Nhà xuất bản).

_____________________

Lời tác giả

Nguyễn Ngọc Mai

.
Ngay từ khi làm khóa luận tốt nghiệp đại học về lễ hội đền Trần tại Nam Định (1994) chứng kiến những canh hầu đồng còn vụng về, nửa công khai, nửa bí mật ở đây đã khiến tôi có rất nhiều cảm giác lạ. Phần vì tò mò, thích thú, phần vì e ngại do tính chất nửa thực nửa hư của nghi lễ. Ngày ấy còn quá trẻ, trẻ về con người cũng như về trí tuệ để có thể nhận biết và lý giải. Mọi việc cứ thế trôi đi đọng trong ký ức chỉ là một câu hỏi. Duyên nghiệp thế nào mà khi làm luận văn thạc sĩ tại Viện nghiên cứu Văn hóa, tôi được anh Văn Ti “cà” tôi làm luận văn tốt nghiệp về trang phục trong nghi lễ lên đồng (lúc ấy chưa biết anh là nghệ sĩ hát văn). Nghe bùi tai tôi làm về trang phục trong nghi lễ thờ Mẫu ở Hà Nội và theo anh đi xem các giá đồng để khảo tả về trang phục, có lúc lại cùng anh giúp Barley Norton viết lại một số bài hát văn bằng tiếng Việt (hồi ấy Barley chưa sõi tiếng Việt cho lắm). Cứ vậy âm nhạc của hát văn ngấm vào người, mối quan hệ với các đồng cũng ngày càng mở rộng, tôi thành “con nhang đệ tử phi chính thức” lúc nào không biết !.

Tốt nghiệp cao học, tôi không có dịp gặp lại nghệ sĩ hát văn, chỉ thấy anh trên ti vi đã chuyển nghiệp sang ca trù và xẩm, chàng trai người Anh ngày nào giờ đã là nhà nghiên cứu âm nhạc Việt nổi tiếng. Bể dâu cuộc đời, tôi lầm lũi tự mình tìm tòi khám phá về nghi lễ lên đồng để lấy bằng Tiến sĩ. Cuốn sách các bạn đang có trong tay là một hành trình như thế: cảm quan, chấp nhận và hạnh ngộ !.

Nghiên cứu về nghi lễ, mà lại là nghi lễ lên đồng quả thực là vấn đề không dễ, việc đọc những tư liệu đã có về lên đồng đã không làm tôi thỏa mãn. Với kinh nghiệm nhiều năm quan sát, “làm bạn”, làm “tín đồ” của nhiều căn đồng đã mách bảo tôi rằng lên đồng gặp số phận khá thăng trầm trong lịch sử, sự tồn tại và phát triển được đến ngày nay nhất định phải có triết lý riêng của nó. Lên đồng không lý giải về cuộc sống sau khi chết, cũng không chỉ bảo con người ta cái cách tu dưỡng để thành người quân tử, cũng chẳng có triết lý cao siêu hay phép bí tích nào để dẫn dắt con người ta về « nước Chúa », vậy mà đã tồn tại hơn chục thế kỷ ở Việt Nam và ngự trị tâm linh ở một nhóm xã hội không nhỏ. Những câu chuyện khỏi bệnh điên dở sau thực hành nghi lễ của một số tín đồ; những câu hỏi về sự tham gia nghi lễ khá tốn kém của nhiều đệ tử ; sự gia nhập đồng ngày càng nhiều của nhóm xã hội yếu thế ...tất cả đều khó lòng lý giải bằng nhãn quan của
folklore culture (văn hóa dân gian) hay tôn giáo thông thường. Vì lẽ ấy tôi quyết định tìm đến với nghi lễ bằng cách tiếp cận hoàn toàn khác những nhà nghiên cứu đi trước: Nhân học tôn giáo và tâm lý học tôn giáo, tâm lý bệnh học. Chính phương pháp tiếp cận này đã đem lại cho tôi nhiều ý tưởng và những gợi mở nghiên cứu thú vị khi tìm hiểu và lý giải về bản chất của nghi lễ lên đồng xưa cũng như phần nào thỏa mãn được trí tò mò của cá nhân về vai trò, tác dụng và giá trị của nghi lễ lên đồng hiện đại với một số nhóm xã hội ngày nay. Cuốn sách là tổng hợp của hai công trình luận án thạc sĩ và luận án tiến sĩ và những nghiên cứu bổ xung khác trong những năm vừa qua, có thể chưa làm sáng tỏ được mọi chiều cạnh và giá trị của nghi lễ, nhưng cũng lý giải được phần nào lý do vì sao thăng trầm đến thế trong lịch sử phát triển mà hình thức thực hành nghi lễ này vẫn bền bỉ bám trụ cùng thời gian và vẫn âm ỉ vận hành trong tâm thức dân gian.

Xuất phát từ tư duy cái gì tồn tại, nhất định đang đảm nhiệm chức năng xã hội tích cực của nó, lên đồng dẫu tiếp cận ở góc độ nào: giá trị tâm linh của lên đồng cổ xưa[1], hay giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế, giá trị y học, giá trị văn hóa... của lên đồng hiện đại thì hình thức diễn xướng này vẫn đáng được trân trọng và bảo lưu. Cố nhiên, bất cứ loại hình tôn giáo nào cũng có những mặt này, mặt kia. Vì vậy, để hạn chế được những nhược điểm phái sinh của nó, bài toán thuộc về các nhà quản lý.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng nhận được khá nhiều sự chỉ bảo giúp đỡ tận tình và những khuyến khích quý giá của GS.TS. Lê Hồng Lý; GS.TS. Phạm Thành Nghị; PGS.TS. Ngô Văn Doanh; GS.TS.Nguyễn Xuân Kính; PGS.TS.Trần Lâm Biền; TS. Nguyễn Quốc Tuấn... Đặc biệt là sự trợ giúp về tinh thần, vật chất, điều kiện của người thân, bạn bè gần xa; sự hợp tác của các Thanh đồng và sự chấp nhận thiệt thòi của hai con gái nhỏ !. Cuốn sách ra đời cũng là để tỏ lòng cảm tạ và tri ân những tấm lòng, tấm tình như thế.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng sách khó tránh khỏi còn có những điều chưa thoả mãn bạn đọc gần xa. Tất cả xin được lĩnh hội mọi ý kiến đóng góp để lần xuất bản sau đươc tốt hơn.

------------------------------
[1]Hiện tượng này hiện nay rất hiếm gặp.

1 nhận xét :

  1. Phải viết là "Bổ sung" chứ không phải "BỔ XUNG" Nguyễn Ngọc Mai nhé.

    Trả lờiXóa