Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Chu Mộng Long: TÔI CŨNG THẬT SỰ LO LẮNG


Chu Mộng Long

TÔI CŨNG THẬT SỰ LO LẮNG

Tôi cũng quan sát thấy nhiều đảng viên đọc tin xấu nên ngồi ở đâu cũng thấy bàn tin xấu. Họ bàn có trách nhiệm.

Tin xấu là tin không tốt. Mà tin không tốt thì không chỉ trên các trang chống cộng mà cả trên báo cộng: tin tham nhũng, tin phá hoại môi trường, tin mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tin giết người cướp của, tin đồng bóng... Trên một tờ tin tức, kể cả báo Nhân dân, thỉnh thoảng chỉ có vài mẩu tin người tốt việc tốt, còn lại đều toàn tin xấu. Ngay cả trong một kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đưa ra tin xấu. Trong miệng Tổng bí thư nói ra cũng có tin xấu, rất xấu, xấu đến mức "ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng và chế độ".

Rõ khổ cho đảng viên. Nếu không đọc tin xấu thì không có gì để đọc.

Nói thật, cá nhân tôi không là đảng viên, nhưng gặp phải một trang nào đó, chỉ cần liếc qua vài dòng là nhận ra nó bịa đặt, xuyên tạc, tôi đóng ngay lập tức và chẳng hơi đâu mà đọc hết cho mệt.

Có một bạn ở Quảng Ngãi vừa rồi tiết lộ thông tin rằng lãnh đạo cơ quan bạn ấy cấm đọc Chu Mộng Long. Nhưng các bạn trong cơ quan vẫn lén lút đọc, vì "ghiền". "Càng đọc càng sáng ra nhiều điều", nguyên văn chứ không phải tôi tự khen nhé. Ơ, thế là lãnh đạo cái cơ quan ấy khuyến khích đọc tin xấu và cấm đọc tin tốt. Bởi vì đọc mà "sáng ra nhiều điều" thì phải là tin tốt chứ? Mà sự thực trang của tôi chỉ làm cho dân cho nước tốt lên vì nó khai dân trí, làm cho dân trí sáng lên.

Hay là lãnh đạo cơ quan ấy chỉ muốn nhân viên của mình đầu óc luôn tối tăm để chăn dắt nhân viên như chăn bò?

Tôi nói với bạn ấy rằng, kẻ đọc trang tôi mà giãy đành đạch rồi ra lệnh cấm thì ắt không thể là người tốt. Dân gian vẫn nói, ma quỷ thường sợ ánh sáng! Mà ma quỷ thì nó nằm ở bất cứ lề nào. Tôi từng trải nghiệm ma quỷ lề trái cũng từng giãy đành đạch khi đọc trang tôi.

Nhớ hồi ông vua Kiệt tham nhũng ở cơ quan tôi cũng cấm như vậy, thậm chí in hết ra để chờ dịp trả thù, nhưng tiếc là... hết dịp vì bóc lịch.

Chỉ trích cái xấu để truy quét cái xấu ra khỏi đời sống là sứ mệnh của báo chí cách mạng. Marx, Lenin, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định như vậy. Không tin học lại xem!

Nếu thực tâm muốn xây dựng, kiến tạo một xã hội tốt, thì việc hàng đầu là phải truy quét cái xấu chứ né tránh thì là rõ ràng là đồng phạm, đồng lõa với cái xấu.

Các ông lo sợ tin xấu rồi cấm lung tung thì hóa ra bây giờ tình trạng tốt xấu rối tùng phèo rồi ông Thưởng ơi. Tôi cũng thật sự lo lắng, nhưng lo cho lãnh đạo hơn là lo cho đảng viên. Bởi tình trạng lú lẫn tốt xấu là do cái đầu tăm tối của lãnh đạo chứ tôi tin các đảng viên của ông không đến nỗi tăm tối lắm đâu.

12 nhận xét :

  1. Nếu ông Thưởng lo lắng thì ông nên làm cho đảng của ông tốt lên! Thế thôi! Chuyện chỉ có thế! Ông than vãn thì nó vẫn xấu! Phải không? Ông Thưởng nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Hề hề,ông Thưởng có gan nêu trang nào,báo nào hay có "tin xấu" không?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi lo lắng cán bộ, đảng viên tìm tin xấu
    (Võ Văn Thưởng)
    ___________________________
    Văn Thưởng nói câu này buồn cười quá! Tin xấu thì khỏi phải tìm! Nó nhan nhản đầy trên mặt báo, trên mạng kia kìa! Tin xấu nhiều đến nỗi không muốn đọc vì nó quá nhức đầu!
    Tại sao Văn Thưởng không đặt vấn đề rằng tin xấu vì đâu mà có? Vì việc xấu! Phải không? Việc xấu nhiều như thế thì bó tay! Vậy thôi!

    Trả lờiXóa
  4. Này anh bạn trẻ Thưởng : thế anh có lo lắng cán bộ đảng viên của anh ( cứ tạm gọi thế đi , dù anh không phải là tổng bí thư hay chủ tịch nước ) hít phải khói bụi , ăn phải thực phẩm bẩn v.v.... hay không ? Nếu Đảng các anh trong sạch , thơm tho .... thì sợ gì quân cán ngả nghiêng ? Cây ngay không sợ chết đứng mà ! Tưởng anh lo cho dân , cho nước cái gì - ai dè tầm anh chỉ biết lo cho vài triệu cán bộ đảng viên của anh trong cái bọc , sợ nó vỡ tung vỡ nát ra thôi !

    Trả lờiXóa
  5. Xấu trong mắt các ông nhưng nó lại giúp dân hiểu hơn đời thực và do vậy họ hay đi tìm các tin ở lề trái, thưa ông Thưởng

    Trả lờiXóa
  6. Thế thì phải gấp rút đào tạo loại viết văn biết uyển chuyển viết xuuas thành tốt, không thì biết viết lập lờ biết sảo ngôn sảo ngữ. Từng có loại văn chương đó, khi bàn việc thì mâu thuẫn, mỗi người mỗi ý, nhưng các 'tú tài' viết kết luận thì lại thấy nhất trí cả và ai cũng vừa lòng vì có ý mình trong đó. Tôi từng nghe ông Đậu Ngọc Xuân kể lại việc ông Lê Đức Thọ khen mấy thầy ký cung đình. Và mấy thầy ký này chui sâu leo cao lắm.

    Trả lờiXóa
  7. Đã là tin thi chỉ là tin thật hay tin giả, chứ làm gì có "tin tốt" và "tin xấu". Theo ông Thưởng, "tin xấu" ở đây là tin có hại cho đảng, có hại cho chính phủ. Nếu thế thì đảng và chính phủ nên làm điều gì đó để các "tin xấu" không có nữa chứ đừng bịt miệng báo chí, bịt mắt nhân dân.

    Trả lờiXóa
  8. Ngặt một nỗi là các "tin xấu" đó đều là sự thật.

    Trả lờiXóa
  9. Nói thêm, lo ngược đời. Làm sao ít việc xấu, ít người xấu, ít người nói năng lẩm cẩm thành nói cũng xấu. Quản trị quốc gia là tạo nên môi trường để người tử tế sinh xôi nẩy nở. Không có lửa xấu thì lấy đâu ra khói xấu mà tìm. 'Lo con bò trắng răng, mua ba đồng thuốc nhuôm răng cho bò'. Cứ nghe các siêu VIP ăn nói lại nhớ đến ông Đoàn Duy Thành. May ông Đoàn Duy Thành không bị kỷ luật, chi bộ ông có 19 đảng viên thì có đến 16 không kỷ luật ông dưới bất cứ hình thức nào. Biết đâu nếu bị kỷ luật như ông Kim Ngọc thì ông Thành thành thánh phát ngôn.

    Trả lờiXóa
  10. Người đọc muốn biết sự thật bất kể là báo lề trái hay phải ; Mà sự thật , theo kinh nghiệm , có phần nhiều ở ...lề trái . Không ai muốn đọc những bài viết đã được định hướng , che dấu sự thật vì ...vô tích sự , phí thì giờ .
    Mà trớ trêu thay ; Càng cấm thì người ta lại càng tìm kiếm để đọc .
    Tôi chả biết cái ông Chu Mộng long là ai ; Nhưng vì có nơi như Quảng Ngãi , lãnh đạo cơ quan cấm nhân viên không được đọc Chu Mộng Long ;
    Vậy thì chắc hẳn bài của ông Chu Mộng Long là rất đáng đọc rồi .
    Ai cũng thấy , " Cấm" cũng là một phương pháp PR vô cùng hữu hiệu ..
    Thật đúng là : Gậy ông lại nện lựng ông !.

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết của một số giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội (Tạp chí Nghiên cứu chính sách và quản lý Vol.33, Số 3, 2017 của Đại học Quốc gia Hà Nội với tiêu đề “Uber và Grab bổ sung một luận điểm mới vào lý thuyết kinh tế học chính trị và chính sách kinh tế”. … đã bàn về việc sử dụng mô hình Uber trong chính sách thu hút nhân lực KH&CN (3). Từ đây cho thấy một gợi ý, không chỉ tồn tại thực tế Uber và Grab trong lĩnh vực dịch vụ taxi, mà đây là một gợi ý nhân rộng mô hình Uber và Grab trong hàng loạt hoạt động xã hội khác
    Hình thức kinh doanh mới này không phải ngẫu nhiên được sinh ra. Nó chính là một sản phẩm rất đặc trưng của Cách mạng Công nghiệp thứ Tư.
    Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực, từ quyền lực tài chính sang quyền lực thông tin.
    Chúng ta đã rất quen biết một luận điểm trong các bài giảng về kinh tế học chính trị marxist: Quyền lực thuộc về kẻ sở hữu tư liệu sản xuất. Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với đặc trưng vật chất của tư liệu sản xuất.
    Đến khi xuất hiện Uber và Grab thì luận điểm này không còn đứng vững nữa, và có lẽ phải được nhìn nhận lại: Quyền lực thuộc về kẻ sở hữu thông tin. Đến đây, chúng ta có thể nghe những lập luận ngụy biện rằng thông tin cũng là vật chất .
    Đương nhiên, vật mang thông tin chắc chắn là vật chất, song, bản thân thông tin là vật chất hay ý thức lại là vấn đề không dễ đi đến nhất trí.
    Giới nghiên cứu lúng túng, không thể xem thông tin là ý thức, vì một thông tin, chẳng hạn, ngoài phố đang bán ma túy giá rẻ, luôn dẫn đến dăm bảy ý thức khác nhau: anh nghiện nảy ý thức mua mấy tép về xài lai rai; con buôn có ý thức mua mươi lố về bán kiếm lời; anh cảnh sát nảy ý thức ra tóm gọn cả bọn nghiện lẫn con buôn; nhà nghiên cứu có ý thức phanh phui sự kiện này để phân tích, v.v…
    Họ cũng lúng túng, không thể xếp thông tin vào vật chất, vì thông tin không có thuộc tính nào của vật chất, xét cả trên phương diện vật lý học, hóa học, sinh học, hoặc triết học.
    Và giới nghiên cứu đành thở dài: “Thông tin không phải vật chất, thông tin cũng chẳng phải ý thức, mà thông tin là … thông tin”, và điều này kéo theo một hệ lụy, là dẫn tới sự khủng hoảng các phạm trù cơ bản của triết học: Ngoài hai phạm trù cơ bản, là “Vật chất” và “Ý thức”, có lẽ phải xem xét một phạm trù thứ ba: Đó là “Thông tin”, và đi xa hơn nữa, ngoài hai trường phái “Duy vật” và “Duy tâm”, phải chăng sẽ xuất hiện thêm một trường phái mới: “Duy tin” (?!).
    ...
    Thực tế này đặt ra một vấn đề hết sức thú vị về mặt lý luận, cả trong triết học, cả trong kinh tế học chính trị.
    Cũng qua các thông tin trên mạng, chúng ta hiểu, các nhà hoạch định chính sách hiện còn lúng túng, chưa tìm ra được giải pháp khả dĩ, vừa không cản trở xu thế tiến bộ công nghệ, vừa tạo được sự kết hợp hài hòa giữa tiến bộ công nghệ với hoạt động truyền thống.
    Đương nhiên, không thể đưa ra những chính sách nhằm bóp chết xu thế tiến bộ công nghệ. Uber và Grab là những tiến bộ công nghệ. Nó đang mở ra cho người dân những thuận lợi mới, chưa từng tồn tại. Không thể vì bảo vệ những non kém của taxi truyền thống mà tìm cách cản trở sự phát triển Uber và Grab.
    Và cũng đương nhiên, không thể chấp nhận sự tiến bộ công nghệ để làm chết một cách tức tưởi các ngành nghề truyền thống.
    ...

    Lý thuyết kinh tế học chính trị của Marx cho rằng kẻ sở hữu tư liệu sản xuất sẽ có quyển lực, nhưng ngày này đang bị Uber và Grab làm rạn nứt.
    Uber và Grab, tuy mới hình thành không lâu, nhưng đang rung chuyển cả một hệ thống lý thuyết kéo dài từ giữa thế kỷ 19 đến nay, và hệ thống quản lý truyền thống ngay trong đời sống thường nhật của chúng ta.
    NHỮNG THÔNG TIN TRÊN LIỆU CÓ PHẢI LÀ XẤU ?

    Trả lờiXóa