Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

NHỮNG NGÀY APEC ĐÃ QUA MAU



Những ngày APEC đã qua mau!

Hạ Đình Nguyên
15/11/2017
BVN

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc lặng lẽ, không để lại một tiếng vọng gì sau buổi bế mạc. Nó phủ lên một lớp sương mù, che bên dưới là sự lúng túng toàn diện của bộ máy Đảng và Nhà nước, về toan tính nhân sự không xong, thông qua chiến dịch “chống tham nhũng” chừng như ngưng trệ, mà cả xã hội nhìn nhận như là chỉ là hồi hưu chiến của các phe nhóm. Kế tiếp là trận thiên tai bão lụt mất người, mất của, đau thương và cơ cực, trong lúc các lãnh đạo Đảng dành sức lực làm lễ tưởng niệm “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”.

May thay, tuần lễ APEC lại diễn ra đúng lúc, che bớt tạm thời nỗi u ám của chính trường Việt Nam và não trạng mất niềm tin tăng lên cao trong dân chúng. Tâm trạng người dân tạm vui vội vã trong một tuần lễ, lại trở về với thực trạng ngổn ngang của mình.

APEC, vốn là một diễn đàn kinh tế, nhưng lần này ẩn bên trong là một cuộc đọ sức về tư tưởng chính trị có tầm quốc tế với đủ thành phần quan trọng. Người dân không chỉ ngắm cảnh rộn ràng những “ngựa xe như nước”, mà họ còn đặc biệt quan tâm đến bốn đề mục sau đây:

- Phát biểu của siêu cường Mỹ.

- Phát biểu của siêu lãnh đạo Tập Cận Bình. Tâm lý chung, không có sự chờ đợi nào về đối tượng này, bởi tất cả đều có kinh nghiệm về những lời lẽ có cánh của họ.

- Ngoài ra, quan sát thái độ của Nga, Nhật và các nước khác.

- Và cuối cùng, quan trọng nhất nó tác động gì với Việt Nam sau APEC?

1- Trump và “nước Mỹ là trên hết”

Mỹ đã từng cổ xúy “toàn cầu hóa”, với vai trò là quốc gia số một thế giới, thì nay Trump làm rõ hơn chủ trương “nước Mỹ là trên hết”. Theo đó, “lợi ích của mình là trên hết, tìm kiếm đối tác mạnh, song phương, và không mơ về sự thống trị”. Trump đã mở rộng và cụ thể hóa khu vực quan tâm, từ “Châu Á - Thái Bình Dương” trở thành “Ấn Độ - Thái Bình Dương” trong đó không bao gồm Trung Quốc. Chủ trương song phương và nước Mỹ trên hết của Trump đã từng nhận một luồng phê phán gay gắt từ trong nội bộ nước Mỹ, cho là tiêu cực, tự cô lập mình. Song Trump đã cho thấy một cách nhìn khác, nó vượt lên trên kinh nghiệm cũ mà Mỹ đã trải qua. Chưa có một quốc gia nào có kinh nghiệm như thế, trong vai trò hàng bao thập kỷ được mang danh là tên “sen đầm quốc tế”. Trump cho rằng nhiều quốc gia đã ỷ lại mọi thứ vào tên “sen đầm” này, từ kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại, nhân quyền…, đến cả cái dù hạt nhân bảo vệ an ninh cho nước này nước khác. Mỹ lại đóng vai trò nòng cốt tài chánh cho các hoạt động Liên Hiệp Quốc, lại bị các đối tác lợi dụng để tăng trưởng, ăn cắp sở hữu trí tuệ, moi móc các lợi ích khác, … Cáí ý thức “ỷ lại” đó biến thành trách nhiệm của Mỹ! Anh muốn tôi xem anh là đàn anh, cho phép anh liên kết với tôi, anh phải lo cho tôi, nếu không tôi chửi anh, tôi xem anh là kẻ xấu, kẻ bỏ rơi tôi... Trong quá trình đó Mỹ cũng có lợi ích khác, bằng các ưu thế của mình.

Nhưng giai đoạn đó đã qua, với Trump.

Anh phải tự đứng lên, tự lo cho mình, đừng ăn vạ nữa. Anh và tôi bình đẳng. Trump nói: “Thương mại song phương, và công bằng. Các nước khác cũng vậy, không có quốc gia nào chịu hy sinh quyền lợi của quốc gia mình cho nước khác”. Ở đây chỉ khác nhau ở chỗ nói thật và nói dối. Trump nói thật và thẳng thắn. Tự duy trì độc lập, tự do, Mỹ không thúc đẩy các nước khác làm phiên bản của mình… Trump đã nói điều đó với thế giới. Tại Việt Nam, Trump lay gọi chị em Hai Bà Trưng thức dậy, để cảnh tỉnh dân tộc Việt phải giữ lấy sự độc lập trường tồn của mình. Người Việt nghe và cảm thấy xốn xang trong lòng, trước đại lễ “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”, mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới trân trọng tiến hành, cùng với bóng ma của “Giấc mơ Trung Hoa” đã được cụ thể hóa bằng những hành động hung hăng của Tập ở Biển Đông. Mỹ nói rõ là họ không mơ về sự thống trị, vì điều đó họ thấy không cần, vì nó đã lạc hậu.

Nước Mỹ, với Trump, đang tiến lên một thời kỳ mới với quan niệm mới: từ bỏ chủ nghĩa nước lớn, đề cao vai trò độc lập tự do mỗi nước, và dứt khoát đòi hỏi quan hệ bình đẳng. Trump đã khích lệ thành quả tiến bộ của từng quốc gia Đông Nam Á đã từng hợp tác với Mỹ theo hướng đi này. Trump đang nói và đang làm như thế. Trump đang chống lại lối mòn tư duy của các chính trị gia nước Mỹ, đã thổi một làn gió mới vào các quốc gia khu vực trải dài từ Ấn Độ đến Thái Bình Dương. Nó đánh thức tinh thần tự tôn và giá trị đạo đức dân tộc của mỗi quốc gia trên cơ sở làm ăn sòng phẳng. Điều đó làm cho mỗi nước phải biết xem lại mình, phải biết tự cường, không thể luôn trông chờ sự cứu vớt và xin xỏ, dù là xin xỏ bất cứ ai, dựa hơi vào ý thức hệ vốn không còn nữa. Tâm lý phụ thuộc ấy cần phải vượt qua, và có khả năng vượt qua được, trong điều kiện thuận lợi mà thời đại đang có sẵn, cho bất cứ quốc gia nào có ý chí ấy. Trump đã bỏ TPP, và thay đổi một số chủ trương khác, kêu gọi hợp tác song phương và bình đẳng. Ông ta có cái lý của mình, khó mà bác bỏ. Người ta cho rằng bài diễn văn của Trump đã có sức thuyết phục lớn, đánh dấu một bước tiến bộ về hướng đi của mỗi quốc gia vào thời kỳ mới. Đặc biệt, bài phát biểu ấy có những nội dung sát sườn với bối cảnh Việt Nam, hơn bất cứ quốc gia nào khác.

2- Tập Cận Bình với những lời lẽ có cánh

Khuôn mặt không muốn nhìn, tiếng nói không mong đợi, nhưng vẫn từ nó đã cất lên lời giả dối ngọt ngào. Hãy chú ý nghe sự trống rỗng: "Cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung, thông qua xây dựng, phát triển các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người”, “đa phương, toàn cầu hóa là không thể đảo ngược”. Đó là những từ ngữ chỉ là từ ngữ, với khái niệm hình thúc cũ mèm, không nội dung, cố che đậy một cách gượng ép mộng bá chủ của “Giấc mơ Trung Hoa”, “Một vành đai một con đường”, “Biển Đông là thuộc sở hữu của Trung Hoa từ thời cổ đại”. Ai đã từng đề nghị Mỹ cùng nhau chia đôi Thái Bình Dương? Ai đã từng chống đa phương, mà chỉ đòi “song phương” với âm mưu chia tách các nước ASEAN để dễ soán đoạt các đảo và Biển Đông?

Giấc mơ đế quốc, sẽ vẫn chỉ là giấc mơ, vì hình thái đế quốc ấy đã quá cũ, đã bị thế giới vượt qua. Nhiều nước đã từng có thời kỳ làm “đế quốc” thực sự, như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, và cả Mỹ. Họ đã trải nghiệm và đã phải từ bỏ vì sự tiến bộ của nhân loại về văn hóa và khoa học. Họ đã tiến lên thành những quốc gia phồn vinh theo một cách khác, với giá trị nhân bản hơn, nhân văn hơn, ở mặt bằng cao hơn thời của “đế quốc gắn liền thuộc địa”.

Trong lúc đó, Trung Hoa mang thân phận thuộc địa, bị chà đạp và coi thường cả trăm năm, bởi nguồn cơn là sự lạc hậu của chính mình. Nhưng bằng sự chịu đựng gần nửa thế kỷ, cần cù học tập, cùng với thiên tài bắt chước và nhiều mưu mẹo, Trung Quốc đã đạt thành quả lớn về kinh tế, vươn lên hàng nhì thế giới. Với đà hãnh tiến, Trung Quốc lại mơ làm đế quốc – cái mà nhân loại từ bỏ – như là đến phiên mình thế chỗ vậy!

Dù tiến bộ về kinh tế, khoa học và sức mạnh quân sự, nhưng đại bộ phận nhân dân Trung Quốc vẫn tồn tại trong nghèo khổ và lạc hậu, xã hội trong tình trạng bất công trầm trọng, dân chủ và hạnh phúc còn xa vời. Đó là một mầm họa lớn hiện tiền của Trung Quốc. Bản thân giới lãnh đạo thì sung túc, nhưng cốt cách văn hóa cùng thể chế độc tài của họ thì chứa đầy tham vọng, nên không bắt kịp tầm nhìn thời đại. Một quốc gia có thể gây ra chiến tranh, sau đó là sụp đổ, chứ không thể trở thành một đế quốc như cuồng vọng. Trung Quốc không có bạn gần gũi, không có đồng minh tin cậy. Trung Quốc chỉ có những quốc gia thù hận ở chung quanh, cả Việt Nam cũng thế, dù có cái được gọi là “đảng anh em”.

Những lời có cánh của Tập, vẫn không che lấp được nội hàm “hàng nhái” đã cũ, không thuyết phục được ai.

Dân Việt Nam nhiệt liệt đổ xô xuống đường đón chào Trump một cách tự nguyện, nhưng Tập thì không được ai hoan nghênh, dù Tập đã có nhiều cố công mưu kế. Trong quá khứ và đến nay, và sẽ lâu dài hơn nữa, tâm lý và nhận thức đó của người dân Việt nằm ngoài định hướng mong muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Đó mới đích thực là một sức mạnh. Tấm rèm che rườm rà ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của Tập không hơn tấm giẻ lau.

Trong buổi đại tiệc APEC, Trần Đại Quang cụng ly với Trump bằng một cái nhìn đậm nét. Với Tập, chỉ là cái lướt qua nhanh, rất lạnh với lối lịch sự ở tầm tối thiểu. Đó chỉ là dấu hiệu mơ hồ của người quan sát, mà chưa hẳn đã nói lên điều gì. Nhưng người dân Việt nhìn mọi thứ đến từ Tập đều nằm trên mức nghi ngờ với sự cảnh giác tối đa, nếu nói không lịch sự, là ghét cay ghét đắng.

3- Cuộc dạo chơi của các nước còn lại

* Putin không cần thể hiện điều gì, ông ta có chỗ đứng tự tin của riêng mình, biết rõ điều mình làm, với cái nhìn trải nghiệm sâu sắc về lịch sử và hiện tại. Trong khi bộ sậu Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêng mình lễ bái: “Cách mạng tháng Mười là vĩ đại nhất trong lịch sử loài người” (Nguyễn Phú Trọng), nào “lý tưởng cao đẹp, ý nghĩa to lớn”, “lý tưởng tỏa sáng” (Võ Văn Thưởng – Ôi! Anh Thưởng!); thì Putin đã nói tại quê hương “Cách mạng” của mình: “Tất cả phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này của lịch sử nước ta”, và “Quá khứ khủng khiếp ấy không bị xóa nhoà khỏi ký ức quốc gia, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh được…”. Dù Putin chỉ nói về Stalin, chứ không nói đến Lenin hay Cách mạng tháng Mười, nhưng đó là một dòng chảy tất yếu không thể ngăn cắt. Thế cũng đủ thấy một sự lệch pha quá lớn về cách nhìn!

Putin đến Đà Nẵng thấy cảnh tang thương của bão lụt, thực hiện ngay một cuộc cứu trợ khẩn cấp. Và không nói gì thêm.

* Thủ tướng Nhật – ông Abe – bỗng dưng “khan tiếng” nên không lên diễn đàn, mà âm thầm lo thu xếp cho TPP trở thành CPTPP. Ông biết việc của mình, không cần thiết phải nói năng.

* Về chuyện dạo chơi, ăn bánh mì đường phố, uống cà phê vỉa hè, chạy bộ ở kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn, Thủ tướng Canada Trudeau nổi bật một phong cách mới. Hình ảnh thân thiện, bình dân, tự nhiên, lại trẻ trung, cân đối (bụng sáu múi nữa), khác hẳn cái xúng xính quan cách, bụng có bầu của lãnh đạo vùng trũng hình chữ S. Thanh niên xứ Việt buồn rười rượi khi thoáng qua một cái nhìn so sánh mà không cần phải nghĩ ngợi lâu.

4- Sau APEC, ngổn ngang tâm sự đời cô Lựu

Những ngày vui tạm lướt qua mau. Cái mênh mông tâm sự “Đời Cô Lựu” lại hiện về. Chính trường mang màu u ám như cảnh quan sau cơn bão lụt. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại trận cờ nội bộ căng thẳng của mình.

Dù sao APEC cũng đã là một thành tựu trong một giới hạn biểu kiến. Việt Nam bị lóa mắt bởi ánh sáng của các tầm nhìn? Nếu được như thế thì quá may! Putin quá hiểu Việt Nam; Merkel dù không tham dự, nhưng cũng quá hiểu, vì họ đã thoát ra từ chung một ổ trứng, biết rõ cái nghẹn ngào của Việt Nam ở chỗ nào. Trump đã vạch giúp một hướng đi, vì không có một con đường nào khác, là Việt Nam phải tự mình giải ảo, nhanh chóng thoát khỏi cơn mơ. Nhưng cũng nhờ một phần “địa chính trị” mà có sự hội tụ quốc tế tại đây, Tập không thể âm thầm bỏ túi được Việt Nam. Ở diễn đàn này, vai trò và tiếng nói của Tập nhẹ tênh. Những lời có cánh của Tập tan nhanh, bởi hình ảnh hai chị em Bà Trưng do Trump khơi lên, đã xoáy sâu vào tâm thức dân tộc Việt suốt cả chiều dài lịch sử. Nó cũng có thể làm thức tỉnh thêm một số ai đó trong giấc ngủ quá sâu.

Nhưng Tập cũng có thành công giới hạn, vẫn đề huề gió trăng với một đám quan thủ cựu, vẫn gieo hạt mầm ở một số trẻ nít ríu rít dâng hoa. Còn việc Trọng nói cái gì, ký cái gì với Tập thì ngưởi dân không buồn để ý.

Vấn đề còn lại là chính người Việt Nam, và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những sự kiện nóng bỏng trong nội tình đất nước đều đáng lo, từ kinh tế, giáo dục, đạo đức và an ninh xã hội, đến các mâu thuẫn giữa các địa bàn dân cư, các tầng lớp dân chúng với chính sách nhà nước do các nhóm lợi ích thao túng, đặc biệt là mâu thuẫn rối bời của các thế lực chính trị trong nội bộ Đảng, Nhà nước, thông qua “chống tham nhũng” theo y công thức của đàn anh.

Nguyên nhân cốt lõi là vấn đề thể chế, cần thay đổi mà khôngchịu thay đổi!

Về đối ngoại, Putin lầm lì giấu bài. Tập cười mỉm chứa đòn độc, như luôn vẫn vậy. Abe biết việc của minh, và biết phải làm gì, không cần một lời khoa trương. Đức tỏ thái độ lạnh nhạt bằng cách tránh mặt, kéo theo châu Âu lượn lờ đi phượt. Với Trump thì rõ ràng và thẳng thắn: cách như thế đấy, chơi hay không? Kính cẩn gọi hồn Hai Bà Trưng dậy, trên cơ sở đó, cùng tiến hành luật chơi bình đẳng. Lặp lại, ta không mơ thống trị ai! (như thằng hàng xóm).

Với người dân, nhìn hình ảnh cuộc lễ bái trang nghiêm của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc lễ nghĩa “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại” với những lời lẽ tuyệt vời bay bổng, liền nhớ lại hình ảnh của một fan thanh niên Việt Nam cúi hôn lên chỗ ngồi của thần tượng ca nhạc vừa rời ghế, lại một thanh niên nữa ở miền cao, xuống thủ đô Hà Nội, quỳ gối và bái lạy hình ảnh của doanh nhân Jack Ma mà Trung Quốc ra công đánh bóng, gửi qua xứ Việt trước APEC mấy ngày…

Vâng, tất cả đều là thần tượng.

Tính chất về thần tượng chẳng có gì khác nhau!

Nhức nhối thay, về một “thời kỳ rực rỡ nhất lịch sử” theo cái nhìn của lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà vị ấy cũng không kém phần rực rỡ theo. Và, nghiệt ngã thay, làm sao để “cứu vớt một cơn ác mộng”, thay vì quên nó đi!

13-11-2017
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu. Ảnh: Twitter.


Thủ tướng Abe không phát biểu tại CEO Summit vì lý do sức

Tân thủ tướng Canada từng là thầy giáo, võ sĩ


Thủ tướng Canada với cơ bụng 6 múi trong bức ảnh thời trẻ. Ảnh: Twittter

Trong quá trình chờ, Thủ tướng Turnbull được đầu bếp Luke Nguyễn tiết lộ cách chế biến món bánh mì kẹp thịt.


Thủ tướng lấy tiền túi trả và cảm ơn chủ quán.

H.Đ.N (Tác giả gửi BVN)

5 nhận xét :

  1. Có một mà "đảng và nhà nước" chẳng bao giờ công bố cho mấy chục triệu người đóng thuế biết : tổng chi phí của APEC.

    Trả lờiXóa
  2. Tóm lại APEC với Nhật là sự tranh thủ công việc khác ,Canada -Úc : thưởng thức đường phố , Mỹ : chỉ thấy Trump is first, Nga : nhìn đểu cái đồng hồ của TMT , TQ : khoe khoang , VN: nói phét về sự đại thành công!

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết rất hay. Cám ơn tác giả Hạ Đình Nguyên.

    Trả lờiXóa
  4. "Tập không thể âm thầm bỏ túi được Việt Nam" :
    Bài Nhận định của Ô. Hạ Đình Nguyên rất hay, nhưng câu " Tập không thể âm thầm bỏ túi được Việt Nam." hoàn toàn sai lầm , Sự thật Tập Đã và Đang âm thầm bỏ túi được Việt Nam...toàn bộ trong mọi lãnh vực Kinh tế Chính Trị và Quân sự.

    Trả lờiXóa
  5. Câu chuyện không chỉ có thế, bên lề, sau liền kề APEC là buổi đón tiếp " trọng thị" Tập Cẩm Bình tại Hà Nội do ông Nguyễn Phú Trọng TBT ĐCSVN chủ trì. Cũng 21 phát đại bác, cũng trải thảm đỏ, cũng trẻ em cầm cờ, hoa ra đón, cũng đội danh dự bồng súng oai nghiêm .. nhưng thấy sao nhạt nhẽo, ít người quan tâm, báo chí lề phải, trái chẳng ai bình luận hoặc có thì bình loạn cho vui. Trái ngược hình ảnh nhân dân Đà Nẵng tự giác cầm cờ, hoa hân hoan chào đón và tiễn TT Mỹ Donal Trump khi đến và khi đi. Người dân vẫn sôi nổi bàn luận về phong thái và bài phát biểu của ông Trump tại APEC. Như thế cũng đủ biết niềm tin của người dân đang đặt vào đâu và cái gì. Còn Dân là còn tất cả, mất dân là mất hết và "Dân là người đẩy thuyền và cũng là người lật thuyền " là như vậy đó.

    Trả lờiXóa