Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Lí Học: ĐÌNH CÓ CÒN LÀ ĐÌNH?

Đình Lưu, xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình) bị cháy rụi. Ảnh: VNE

Đình có còn là đình?

Lí Học

1. Mỗi thời một khác, nên trước hết tôi không có ý định lấy những tài liệu về đình xưa để nói đình nay. Tuy nhiên, trước hết về kiến trúc, đình xưa không có tường bao quanh chỉ có tứ trụ nghi môn bên ngoài. Sân đình thực sự là chỗ sinh hoạt cộng đồng mọi lúc, mọi đối tượng.

Ngày nay, hầu hết những ngôi đình đều xây tường rào bao quanh và có cổng sắt vững chắc. Sinh hoạt ở sân đình hiếm hoi các sự kiện. Cổng vào luôn khóa. Người ta ghi số điện thoại người trông coi đình, ai cần vào t hì alo liên hệ. Với cách làm đó, bước 1 đình đã tự đi ra khỏi đời sống làng xã.

2. Ngày nay, làng xã có Nhà văn hóa sinh hoạt riêng. Việc lớn sinh hoạt ở UBND xã. Nơi đó có Hội trường, amply, tượng bác Hồ, khẩu hiệu v.v... Sân đình không còn các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, ngoại trừ lễ hội và buổi tuyên dương các cháu học sinh giỏi của làng, mỗi năm một lần.

Đây cũng là một bước thứ 2 để đình dần ra khỏi đời sống làng xã.

Một số nơi, Chi bộ Đảng địa phương lấy Đình là nơi sinh hoạt, họp hành. Tại một gian trong đình, người ta treo cờ, tượng bác Hồ và kê bàn ghế để họp thường kì. Dẫu vậy, đây là sinh hoạt của một số người, không phải đại chúng trong làng.

3. Tôi không phải dân nghiên cứu làng xã chuyên nghiệp nhưng có sự đam mê với làng xã nên cũng hay đến các di tích của làng như đình, chùa, văn từ văn chỉ v.v... Trong những lần điền dã đó, một sự thật không lấy làm vui là ngoại trừ một số đình nằm trong làng có phát triển du lịch, luôn cởi mở đón tiếp khách thập phương, còn lại, nhiều đình luôn cửa kín then cài. Có hai trường hợp: Một trường hợp là phải gọi điện người trông coi đình để mở cửa vào một cách vui vẻ. Một trường hợp là người trông coi đình lại yêu cầu, muốn vào phải qua UBND xã, xã cử người dẫn vào mới mở cửa.

Thông cảm với hiện thực nhiều di tích đang bị mất cổ vật hiện nay nên địa phương tìm phương án chắc chắn như vậy, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, làm vậy cũng là một bước nữa đẩy lùi đình ra khỏi đời sống của người dân. Bởi vì khi khách thâp phương có lòng đến với đình mà phải qua nhiều thủ tục hành chính như vậy chắc không ai làm và họ sẽ lẳng lặng rút lui.

4.Hiện nay, nhiều đình được công nhận là di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia. Đó là điều rất tốt để bảo tồn và trung tu. Tuy nhiên nếu như cách quản lí và sử dụng đình vẫn mang tính hành chính quan phương, để đình xa rời đời sống làng xã như hiện nay thì dù có là di tích cấp nào đi chăng nữa, ngôi đình đó coi như đã chết một nửa, đình mất đi phần hồn mà chỉ còn phần xác. 

5. Xem clip ngôi đình Lưu Xá, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) bị cháy vào trưa 27/11 thấy: Người dân già trẻ, giá trai đến xem đình cháy một cách hồn nhiên, ai ai cũng chỉ biết giơ máy điện thoại lên để quay đình cháy. Tuyệt không thấy ai hô hào lấy nước cứu đình. Thế, nghĩa là dân đã thờ ơ với đình, vô cảm với tài sản thiêng liêng nhất của làng. Thế nghĩa là dân và đình như hai thực thể khác biệt hoàn toàn. Nếu dân coi đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, nếu dân coi đình là chốn linh thiêng, trao gửi niềm vui, nỗi buồn thì thiết nghĩ sẽ có cảnh mỗi người một tay, mỗi người một chậu nước, xô nước, cả làng cùng nhau chung sức tiếp nước cứu đình. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Khi viết dòng này, tôi cũng được đọc một ý kiến rất xác đáng của một bạn ở Vĩnh Phúc khi anh ấy nhắc đến chuyện thờ ơ của dân làng với đình và kể lại chuyện dân làng Hương Canh đã cứu đình của họ thế nào.

6. Đình- về phần xác nó vẫn còn. Với cơ chế và chính sách hiện nay, đình được trùng tu và công nhận di tích rất bài bản và thường kì. Có điều như thế chưa đủ. Đình cần phần hồn của nó. Đó chính là sự tham gia của người dân với đình. Mối quan hệ giữa đình và người dân phải gần gũi và liên tục. Thế đình mới tồn tại, mới thực sự sống là chính đình. Đừng để đình qua mấy lần mà từng bước ra khỏi làng xã một cách hồn nhiên và vô tâm như thế.

27/11/2017
Nguyễn Văn Học.

5 nhận xét :

  1. Đình mà không phải là đình. Đình với Làng là Hồn với Xác.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói đúng quá trời ! Hồn thiêng Sông Núi và Nhuệ khí quốc gia chắc chắn đã sụt giảm đáng kể. Thủ đoạn đoạt quyền đã biến hầu như tất cả thành cát bụi. Đình, chùa, khi là sở hữu của một nhóm, dân thờ ơ là phải. Làng xã vẫn cần sinh hoạt cộng đồng. Đáng lẽ là đình như xưa, người ta lại xây nhà văn hóa !...Hồn đình mất rồi...Bởi hồn quê cũng phiêu bạt... Ngay ở mỗi làng quê...

    Trả lờiXóa
  3. Cái đình ngày xưa chứa chất cả tâm hồn Việt, nhưng rồi sau năm 1954, đảng đã cho đập phá cả đình, cả chùa từ đó cái hồn Việt không còn chốn nương thân, ý nghĩa của cái đình bây giờ lớp trẻ không còn biết đến, xã hội phân hoá cùng cực, niềm tin không còn thì mái đình cũng chỉ là một cái mái ngói cũ kỹ, già nua mà thôi!

    Trả lờiXóa
  4. Rồi đây , chắc hẳn đình sẽ được xây dựng lại , chả biết có khôi phục như cũ , giữ nét xưa truyền thống hay sẽ to và đẹp hơn , xanh đỏ lòe loẹt thêm đôi nghê chực cổng và cái đỉnh giữa sân như kiến trúc Tầu .
    Thôi thì , cũng là dịp ... kiếm miếng ăn .

    Trả lờiXóa
  5. Biết đâu đình được xây lại lại biến thành ĐỀN! Thời nay, làng xã VN không còn thuần khiết như xưa, được "lãnh đạo" bởi những cán bộ CM nửa vời, văn hóa nửa vời, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì hết, mang trong đầu một khối "tư tưởng vĩ đại", sống thực dụng, thì rất dễ đình sẽ phải "chết" để cho đền được sinh ra... Xây dựng tôn tạo ĐỀN mới "ăn" được tiền của trên!
    Ngày xưa, các cụ tạo ra những không gian văn hóa cho đủ mọi lớp người dân sinh hoạt. Các lửa trẻ tha hồ chơi bời thỏa thích chốn đình chung.
    Ngày nay, đình dẫu có còn cũng biến thành nơi sinh hoạt của một số ít người, các lứa trẻ bị "hê" ra khỏi Trung tâm văn hóa của làng xã đó, tự kiếm tìm chốn sinh hoạt vật vờ bên bờ bên đường, xó xỉnh.
    Đình mà biến thành đền như quê tôi và bao nơi khác thì tuổi trẻ coi như đối tượng sống ngoài lề làng xã!

    Trả lờiXóa