Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ XUẤT GIẢM 10 TỈNH, 4 BỘ

Đại biểu Phạm Văn Hoà đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính. Ảnh: QH .


Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm 10 tỉnh và 4 bộ
VNE 

Thứ tư, 1/11/2017 | 06:53 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho biết nhiều đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh hiện có quy mô dân số ít, nên sáp nhập.

Đại biểu Quốc hội: 'Không thể để quá nhiều tổng cục như hiện nay'

Ngày 31/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về chủ trương thu gọn đầu mối bộ máy hành chính, giảm biên chế, ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp, đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính.


Theo ông, quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, hiện 50% số xã không đạt chuẩn theo quy định này. "Cần sáp nhập các xã nhỏ, sau đó tính toán hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện và tỉnh, những nơi có ít dân số. Hiện nhiều tỉnh dân số thấp như Bắc Kạn chỉ hơn 300.000 dân, một số nơi khoảng 800.000 dân", ông Hoà nói.

Đại biểu Đồng Tháp nhận định, thời gian đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức, bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường. "Như Hà Tây và Hà Nội, dân số lớn nhưng khi sáp nhập vẫn hoạt động hiệu quả", ông dẫn chứng.

Điều quan trọng, theo ông Hoà, khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ giúp thu gọn đầu mối và giảm biên chế, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

"Theo tính toán của tôi, chúng ta có thể sáp nhập để giảm 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, giảm được 3 đến 4 bộ có chức năng, nhiệm vụ nhiều điểm tương đồng. Qua đó, mỗi năm sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng chi thường xuyên", ông Hoà nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, cho rằng đề xuất hợp nhất bộ ngành cho chức năng tương đồng và sáp nhập một số tỉnh là có cơ sở.

Đại biểu này từng đề nghị hợp nhất một số bộ như Kế hoạch Đầu tư với Tài chính, Giao thông Vận tải với Xây Dựng. "Bộ Kế hoạch và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. Một anh thì xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một anh thực thi nguồn lực ấy, nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách. Vì thế nên nhập làm một, gọi là Bộ Kế hoạch - Tài chính hoặc Bộ Kinh tế tổng hợp", ông nói.
.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Nghị quyết Trung ương 6 
chưa nói đến sáp nhập tỉnh. Ảnh: Quochoi

Đánh giá đề xuất nêu trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng cần phải có thời gian tổng kết, vì quy mô mỗi tỉnh với điều kiện đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị thì đều có tính chất khác nhau.

"Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh", ông Tân cho hay.

Còn về hợp nhập một số Bộ, theo ông Tân, chủ trương này đã được đề ra để "tiếp tục nghiên cứu".

Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc có thể làm ngay là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương; rà soát chức năng, nhiệm vụ sao cho không bị chồng lấn...

Vào cuối tháng 10, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết này yêu cầu sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; giảm số lượng thôn, tổ dân phố.

Nghị quyết cũng có nội dung về việc làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành để có giải pháp thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới như ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; dân tộc - tôn giáo…
Hoàng Thùy

4 nhận xét :

  1. tinh giảm bộ máy hành chính thì cứ thẳng tay như chế độ 176 đối với công nhân nhân viên ngày xưa rôi đâu cũng vào đấy có sao đâu

    Trả lờiXóa
  2. Khắc nhập , khắc xuất . Trò này không mới ở VN . Dù nhập hay tách, CQ phải gần Dân nhất và phục vụ Dân cách hiệu quả nhất ! Nếu không thì chỉ bọn ăn hại đái nát mà thôi ! Người Dân đã quá khổ vì giấy tờ do tách nhập các đơn vị hành chánh mới cũ . Nhớ cái thời Hà Nam Ninh , rồi Nam Hà và bây giờ là Ninh Bình , Hà Nam, Nam Định . Rồi Hà Bắc, Hà Tây , Hà Sơn Bình nay là Hà Nội !
    Ở Miền Nam thì Hậu giang với Cần Thơ , Cửu Long với Vĩnh Long, Trà Vinh và cái tiền sử của nó trước 1975 !

    Trả lờiXóa
  3. Trước hết sáp nhập các cơ quan ở trung ương , gồm : Cơ quan TW đảng với Chính phủ, các bộ tương đồng chức năng nhiệm vụ, các Cục, Vụ , ban, phòng.. ở các cơ quan trực thuộc các bộ. Trên cơ sở đó , tinh giảm cơ quan đảng và chính quyền địa phương ở cấp tỉnh, huyện và xã .

    Trả lờiXóa
  4. Làm 3 tỉnh: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ.

    Trả lờiXóa