Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

NGƯỜI CUNG NỮ CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU NGUYỄN QUA ĐỜI


NGƯỜI CUNG NỮ CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU NGUYỄN QUA ĐỜI

Bà Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã từ trần vào hôm qua (21/2) tại phủ Kiên Thái Vương, TP. Huế, thọ 102 tuổi.

Bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Bà được biết đến là cung nữ cuối cùng hầu cận Đoan Huy Hoàng Thái hậu - mẹ vua Bảo Đại cho đến ngày Thái hậu qua đời năm 1980. Sau đó bà Dinh về ở hẳn phủ Kiên Thái Vương lo hương khói cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại.

Không riêng thờ vua, mỗi khi có người trong gia đình vua qua đời, bà Dinh đều tổ chức lễ cầu siêu theo đúng tục lệ cung đình xưa.

Bà ra đi mang theo cả tấm lòng suốt đời tận tụy với Vương triều. Bà cũng đem theo nhiều bí mật cung đình và bí quyết làm đẹp của cung nữ trong hoàng cung xưa.


Xin cầu chúc hương linh Bà thanh thản về cõi Phật an lạc vĩnh hằng. Và xin giới thiệu bài viết về việc trang điểm cung đình triều Nguyễn của Họa sĩ Trịnh Bách.
 
TRANG ĐIỂM CUNG ĐÌNH

Trịnh Bách

Mỗi sáng sớm các viên lính giản khiêng loan ỷ Thánh Cung Hoàng thái hậu, đích mẫu của Vua Khải Định, từ trên lầu Tịnh Minh xuống chính sảnh Cung Diên Thọ để các Cô làm tốt. Đây là cách người Huế xưa gọi việc trang điểm. Phải mất công như thế vì bà bị thấp khớp rất nặng, đi đứng khó khăn. Theo lời yêu cầu của ông Quan Năm bác sỹ người Pháp, triều đình xây cái lầu này trên nhà Thông Minh Đường để Thái hậu nghỉ ngơi cho đỡ ẩm thấp. Dù đau đớn thế nào đi nữa, trong suốt thời gian làm tốt Lệnh bà cũng vẫn phải ngồi yên, lưng ngay, mặt nhìn thẳng theo đúng phép tắc cung đình. Sau khi việc điểm trang, áo xống đã xong, Thái hậu vẫn phải giữ vẻ trang nghiêm trên ngai, đến nỗi trông bà giống như các tượng tiên, thánh trong đền.


Khoảng năm 1970 tôi có dịp được bà Điềm Tần, thứ thất của cố Hoàng đế Khải Định, cho tôi xem cách bà trang điểm để sửa soạn cho một dịp đại kỵ. Lúc ấy vì không hiểu nên tôi chỉ thấy buồn cười mà không dám nói. Bà dùng phấn nụ pha nước sền sệt đánh mặt trắng bệch như vôi, nhưng từ dưới cầm xuống cổ, và hai tai, lại để da trần. Cho dù da bà trắng, sự tương phản vẫn rõ nét, gần như do cố ý. Điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi lúc ấy là cặp mắt không trang điểm của bà hiện ra giữa mầu phấn trắng một cách siêu thực. Có khi đấy cũng là do cố ý? Bà bôi lên mỗi gò má một khoảnh tròn phấn hồng. Môi trên dưới đều đánh phấn trắng, nhưng sau đấy bà dùng ngón tay tô sáp lên môi trên, và chỉ một điểm sáp son vào chính giữa môi dưới. Như vậy để môi chum chím như một nụ hoa. Lông mày cũng được đánh che hết bằng phấn trắng, để rồi được tô lại bằng bút lông với muội than gỗ điên điển (có thể thay gỗ điên điển bằng nút bấc).

Bà Tần giải thích rằng khi một nữ nhân đã nhập nội (vào làm vợ vua) rồi thì ngoài chồng, tức là vua, không một người đàn ông nào khác được thấy mặt mình nữa, dù là cha ruột. Gặp những dịp các bà phải có mặt ngoài cung cấm, thì các bà phải đánh phấn trắng như vậy để “trăm Mệ như một”. Người ngoài chỉ được thấy cái mặt giả của các bà. Bà nói các kỹ nữ (geisha) bên Nhật cũng phải theo nguyên tắc này. Mặt thật của họ chỉ có chồng con được biết thôi.




Theo lệ thời cuối Nguyễn Triều thì các hoàng thái hậu và các bà hậu, phi trong tam cung không phải đánh phấn trắng lối này. Các bà trong lục viện mới phải đánh mặt trắng. Ba viện trên được đánh sáp môi lên môi trên và một chấm sáp giữa môi dưới. Ba viện dưới đánh trắng môi trên với một chấm son giữa môi dưới…

Bây giờ tôi chỉ ước được quay lại khung cảnh ấy để chiêm ngưỡng. Cô Lê Thị Dinh, người giữ phận sự trang điểm cho bà Từ Cung Hoàng thái hậu, sau này cho tôi biết rằng tôi rất may mắn. Vì trong tất cả các bà trong nội cung thời cuối Nguyễn, chỉ có bà Điềm Tần còn giữ các cung cách cổ.

Phụ nữ trong cung thủa xưa dùng phấn nụ để trang điểm. Gọi là phấn nụ vì do cách sản xuất thời bấy giờ, mỗi viên phấn có hình dáng giống như một nụ hoa nho nhỏ. Các bà tự làm ra phấn nụ để dùng chứ ít khi họ tin tưởng vào phấn mua ngoài phố. Phấn nụ được làm từ chất cao lanh thượng hạng mua từ Trung Quốc và đem về chế biến.

Khi đánh phấn, người ta nhón viên nụ phấn bằng các đầu ngón tay rồi miết với động tác xoay tròn lên mặt. Sau đó dùng các đầu ngón tay xoa cho đều. Lập lại nếu cần. Phấn cũng còn được pha sẵn với nước đựng trong hũ nhỏ để bôi lên mặt khi cần đánh lớp trắng, dầy trong các dịp đại kỵ.

Người xưa đốt gỗ điên điển, và sau này là nút bấc, rồi dùng cọ lông viết chữ Nho quết than khô để vẽ lông mày. Sau khi đã vấn khăn hay búi tóc xong, các bà cũng dùng than này chấm lên che bớt tóc bạc, đường rẽ ngôi và các chỗ tóc bị sói.

Lối đánh phấn trắng bệch với phấn hồng và môi điểm nụ chỉ được dùng trong các dịp đại kỵ trong cung ngày xưa. Vào các lễ lạc khác và ở đời thường, phấn nụ và sáp môi cũng chỉ được điểm trang như cách phụ nữ vẫn làm ngày nay mà thôi. Phấn nụ vẫn được làm thành từng thỏi lớn và bán tại các hàng xén trong chợ Đông Ba ở Huế. Nhưng các bà xưa vẫn thường tự mua cao lanh về làm phấn nụ để dùng riêng. Họ phải kỹ vì chất cao lanh loại thấp cấp dễ gây tổn hại cho da mặt.

Phấn nụ loại tốt ngày xưa còn được xem là có công dụng dưỡng da. Phấn được bôi dầy lên mặt mỗi đêm, để trong khi ngủ da sẽ thẩm thấu phấn và trở nên mịn màng. Các phụ nữ nội cung còn sống ở Huế hiện nay vẫn chỉ dùng phấn nụ. Họ không hài lòng lắm với mỹ phẩm Tây phương.

Phấn nụ và khăn vành dây bao giờ cũng đi đôi với nhau trong cung nội ở Huế. Người Việt cổ dùng vải nhiễu cát để bao tóc. Người Tây phương sau này cũng rất chuộng loại vải này và gọi nó là Crepe de Chine. Nhiễu cát do người Việt dệt ngày xưa chỉ mỏng bằng nửa loại Crepe de Chine ngoại nhập được dùng khá phổ biến trong cung ở thời cuối Nguyễn triều.

Cách chít khăn trong cung ở Huế khác với cách vấn khăn của đàng ngoài. Khăn vấn Huế được chít với mép khăn hướng lên trên và dấu ở phía trong vành khăn. Vành khăn thứ hai được chít bao ra ngoài phía trước vành khăn một, chứ không luồn bên dưới vành một như ở Bắc bộ. Các mệnh phụ trong cung Huế thường vấn khăn vành dây ra ngoài khăn chít trong các dịp lễ. Khăn vành dây rộng 30cm. Khăn bằng Crepe de Chine ngoại quốc có độ dài trung bình là 15 mét. Khăn nhiễu cát Việt Nam mỏng nên có độ dài hơn.

Từ độ rộng 30cm, khăn vành dây được xếp thành bề rộng 6cm với cạnh hở hướng lên trên, rồi quấn thành hình chữ Nhân, tức là chữ V ngược, che tóc, một phần tai và vòng khăn chít bên trong. Khi khăn đã bao giáp vòng, gấp khăn lại còn nửa chiều rộng, bắt đầu từ đằng sau gáy, vẫn để cạnh hở hướng về phía trên, rồi vấn tiếp. Khăn vành được bao chặt ra ngoài phần khăn chit, tạo thành một cái đĩa lớn. Vì nhiễu cát có độ co dãn và nhám cao nên khăn vành ít khi tuột. Phần cuối của khăn được vén khéo vào trong vành khăn phía sau, rồi dùng kim găm dấu cho khéo.
.
Về sau khi tóc uốn trở nên thông dụng, người Huế tạo ra một vòng vải ống tròn nhồi bông chụp vừa lên đầu giả khăn vấn để lót cho khăn vành dây. Một trong những người đầu tiên xử dụng loại khăn vấn sẵn này là Hoàng hậu Nam Phương. Khi mới nhập cung, tóc Hoàng hậu vẫn còn uốn ngắn như hồi còn ở bên Pháp. Phải có cái ống khăn chít giả bên trong người ta mới vấn được khăn vành cho Hoàng hậu, để bà có thể mặc áo mệnh phụ khi làm triều lễ.

Chỉ mãi sau này khi điển lệ đã bị phá bỏ người ta mới thấy một vài khăn vành dây mầu vàng trong cung. Còn ngoài ra, từ các hoàng thái hậu, hoàng hậu cho đến các công chúa, mệnh phụ thường cũng chỉ vấn khăn vành mầu lam đậm. Khăn vành dây bao giờ cũng được xem là niềm kiêu hãnh, cũng như nỗi khổ của các phi, hậu, mệnh phụ ngày xưa.

1 nhận xét :

  1. Những nết văn hóa đặc sắc do nhà Nguyễn để lại rất nhiều. Mong hậu thế hãy lưu giữ và truyền lại cho con cháu mai sau!

    Trả lờiXóa