Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP NXB PHỤ NỮ


Sáng nay, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập. Rất đông đảo các nhà văn, nhà thơ, học giả, dịch giả, nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ đến dự chia vui với nhà xuất bản: Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Đình Sử, Trần Thị Băng Thanh, Trần Nhương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Hồng, Đinh Công Vỹ, Nguyễn Xuân Diện, Đỗ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Tường, Nguyễn Quốc Vượng, Tô Chiêm, Phong Điệp, Dương Tường, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Hoàng Thúy Toàn....


Bà Khúc Thị Hoa Phượng có bài diễn văn điểm lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của nhà xuất bản, các ấn phẩm làm sáng danh nhà xuất bản và nói lời tri ân với đội ngũ cán bộ và cộng tác viên.  Dưới đây là toàn văn bài diễn văn:
BÀI DIỄN VĂN KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP 
NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ
 
Kính thưa đồng chí ....

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Nhà xuất bản Phụ nữ qua các thời kỳ

Kính thưa các Quý cộng tác viên và toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản Phụ nữ.


Lịch sử, ký ức của đất nước, dân tộc chính là được bắt đầu từ những câu chuyện, từ lịch sử, ký ức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Có một câu văn của nhà văn Nguyễn Thi trong truyện Những đứa con trong gia đình có lẽ nhiều người còn nhớ: “Chuyện gia đình ta nó dài lắm, dài như sông như bể… Trăm con sông đổ ra biển lớn…”. Câu nói của ông già Năm miền Nam ấy thốt nhiên như những thước phim hiện lên trong đầu khi chúng tôi chuẩn bị tư liệu cho Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Phụ nữ. Chúng tôi tin rằng một đất nước phát triển vững mạnh, chính là nhờ mỗi tổ chức viết nên câu chuyện phát triển của riêng mình…

Nhìn lại chặng đường sáu mươi năm phát triển của Nhà xuất bản Phụ nữ, đúng là một câu chuyện rất dài, dài như sông, như biển và như chính sức sống mãnh liệt của người phụ nữ: Từ thuở khởi nghiệp với số cán bộ chỉ có duy nhất 01 người, sau đó là số cán bộ vỏn vẹn 3 - 4 người, nhiều lần khó khăn tưởng như không thể tồn tại, thì nay Nhà xuất bản đã trở thành một trong số các nhà xuất bản có uy tín, được đông đảo chị em phụ nữ và gia đình tin tưởng, được cộng đồng đánh giá cao, được Đảng và Nhà nước ghi nhận tặng thưởng nhiều bằng khen cao quý và Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Xin được ngược lại lịch sử Nhà xuất bản bằng những câu chuyện, những con người đã góp phần làm nên những chặng đường đáng nhớ của Nhà xuất bản Phụ nữ…

Nhớ lại thuở khởi nghiệp ban đầu năm 1957, gia tài của Nhà xuất bản chỉ là một chiếc vali nhỏ, chuột đã khoét một lỗ, trong đựng lèo tèo một số bản thảo, là truyện dịch của Trung Quốc, Liên Xô… với lời dặn dò, trao gửi của Bà Trương Thị Dũng, phó ban Tuyên giáo Trung ương Hội: “Sau hòa bình lập lại từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, lãnh đạo nhận thấy tuy Hội có phương tiện tuyên truyền là tờ báo Phụ nữ, song để thâm nhập vào đông đảo quần chúng, Hội cần có bộ phận xuất bản sách, để tuyên truyền, giáo dục quần chúng được sâu rộng hơn…”. Ý tưởng về một bộ phận làm công tác xuất bản của lãnh đạo Hội LHPN VN đã trở thành hiện thực khi gặp được chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành lập các Nhà xuất bản của các Hội, các ngành và thành lập Cục xuất bản, Vụ xuất bản để điều hành công tác xuất bản và in. Có một Nhà xuất bản mang tên Phụ nữ đã ra đời vào mùa thu 1957…

Vậy là, Nhà xuất bản chỉ-có-1-người là bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (nguyên PGĐ NXB Phụ nữ) đã đi vào hoạt động! Bà từng là cán bộ ban Tuyên huấn của Hội LHPN VN. Chính bà đã đôn đáo để lập đề án thành lập Nhà xuất bản Phụ nữ với bộ máy điều hành gồm: Bà Đinh Thị Cẩn kiêm chủ nhiệm Báo và Xuất bản, 01 cán bộ đánh máy, sửa bài và chạy in, 01 cán bộ kế toán, tài vụ và 01 biên tập viên kiêm luôn Tổng biên tập!

Câu chuyện khởi nghiệp chỉ với duy nhất 01 cán bộ lo tất cả các công việc của một nhà xuất bản thuở ban đầu ấy và tinh thần tự học; tự trang bị kiến thức lý luận; tự tìm hiểu nhu cầu của chị em, tự tìm kiếm cộng tác viên là câu chuyện khiến chúng ta hôm nay không khỏi xúc động. Chỉ có tinh thần dấn thân và đam mê “nghiệp” xuất bản mới có thể làm nên kỳ tích: Ngay năm đầu thành lập, Nhà xuất bản đã xuất bản được 27 đầu sách, trong đó có những cuốn chị em phụ nữ vô cùng yêu thích: Bảo vệ thai nghén (in 6 lần, 200 000 bản), Vệ sinh phụ nữ (in 7 lần, 215 000 bản), Dạy con trước tuổi đến trường (in lần đầu: 30 000 bản), Những điều cần biết về nuôi dạy trẻ (15 000 bản),… 

Cũng trong giai đoạn khởi nghiệp, tinh thần dũng cảm, dấn thân của Nhà xuất bản Phụ nữ đã được thể hiện mạnh mẽ: ngay sau ngày 30/4/1975, một xe ô tô của Nhà xuất bản đã đưa các nhà văn đi thực tế sáng tác từ Hà Nội, qua Quảng Trị, Huế, Hội An,…và có mặt tại Sài Gòn ngày 15/5/1975, sau đó đi tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi Buôn Mê Thuột. Các nhà văn chứng kiến không khí rừng rực của đội quân tóc dài… Quả ngọt những năm tiếp theo là các cuốn: Không còn con đường nào khác (47 000 bản), Những nữ anh hùng miền Nam (100 302 bản), Ngọc càng mài càng sáng (100 000 bản), Một lòng với Đảng (350 000 bản)…

Có thể nói, tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm lăn lộn với nghề, nhạy cảm nắm bắt nhu cầu của bạn đọc để phục vụ phụ nữ tốt nhất, phục vụ yêu cầu của cách mạng cao nhất, và nghĩa tình với cộng tác viên, đó là những viên đá tảng “lát nền” cho Nhà xuất bản Phụ nữ vững bước trong các giai đoạn tiếp theo.

Câu chuyện của chặng đường thứ hai gian khó (1975 - 1985), giai đoạn đất nước sau thống nhất với cơ chế bao cấp khó khăn, cán bộ Nhà xuất bản Phụ nữ đã viết nên câu chuyện về sáng tạo vượt khó. Trước hết, NXB Phụ nữ ưu tiên mở Chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ bạn đọc phía Nam. Đồng thời với đó, công tác cán bộ được đầu tư: tuyển dụng cán bộ trẻ từ các trường đại học uy tín và đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ. Tiếp đó, do tình hình Ngành Xuất bản phải giải quyết bài toán thiếu vốn, thiếu giấy in, Nhà xuất bản đã có những sáng tạo trong quản lý: Nhà xuất bản tự lo hoàn toàn khâu tài chính: quỹ lương, chi phí cho hoạt động xuất bản. Đồng thời với đó, Nhà xuất bản trực tiếp làm công tác phát hành thông qua các chuyến công tác về các cấp Hội, nhà máy để giới thiệu sách. Đến nay, nhiều bạn đọc ở cơ sở còn nhớ như in hình ảnh những chuyến xe chở sách và chị Hồng Cẩm - cán bộ giới thiệu sách của Nhà xuất bản Phụ nữ. Cuốn sách Nữ chiến sĩ rừng dừa viết về AH LLVT Nguyễn Thị Định - được nhiều bạn đọc yêu thích chính vì đã đến với chị em phụ nữ bằng cách chân tình, gần gũi như vậy… Thời kỳ này Nhà xuất bản Phụ nữ đã định hình được các Tủ sách Văn học Việt Nam và Văn học nước ngoài. Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là cuốn sách mở đầu cho các tác phẩm văn học thời kỳ Đổi mới của đất nước. Giải thưởng Văn học Dịch cũng được trao cho tiểu thuyết Gienny Ghechac do Nguyên Tâm dịch. Thương hiệu “văn học” của Nhà xuất bản Phụ nữ đã manh nha từ giai đoạn sáng tạo vượt khó này. Nhiều cộng tác viên là các nhà văn, dịch giả nổi tiếng, các nhà tâm lý, giáo dục học đã cộng tác thân thiết với NXB Phụ nữ: Ma Văn Kháng (Mùa lá rụng trong vườn), Hoàng Thiếu Sơn (Những tấm lòng cao cả), Nguyễn Khắc Viện (Tìm hiểu trẻ em - 4 tập), Nguyễn Thị Nhất (Nuôi dạy con như thế nào?), v.v
Có thể nói, ở giai đoạn thứ hai này, Nhà xuất bản Phụ nữ đã khẳng định được sức sống bền vững của một Nhà xuất bản chuyên nghiệp, có uy tín trong cộng đồng và là địa chỉ tin cậy để các tác giả gửi gắm đứa con tinh thần của mình.

Câu chuyện thứ ba là chặng đường “Đổi mới cùng đất nước” của Nhà xuất bản Phụ nữ (1986 - 2003). Đây là câu chuyện “xé rào” và bản lĩnh của một Nhà xuất bản vốn không khỏi ít nhiều định kiến về giới. Tinh thần Đổi mới của đất nước không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn đặc biệt lan tỏa trong lĩnh vực văn hóa, văn chương, trong đời sống tinh thần của người dân.

Luồng gió Đổi mới mở ra những chân trời mới về thế giới tâm hồn phong phú của người phụ nữ: Khát vọng tự do trong tình yêu, trong hôn nhân, khát vọng sống hết mình của người phụ nữ thể hiện qua các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới được Nhà xuất bản Phụ nữ giới thiệu ở Việt Nam: Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Phạm Mạnh Hùng dịch), Tình sử Angielic (Hoàng Túy, Nhật Quang, Hoàng Tuấn Nhã dịch)… làm say lòng bao thế hệ độc giả… Hình ảnh bạn đọc xếp hàng dài chờ mua Tiếng chim hót trong bụi mận gai và Tình sử Angielic… đã trở thành dấu ấn tình yêu ngọt ngào nhất trong lịch sử 60 năm của Nhà xuất bản Phụ nữ.

Tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, hậu chiến, về văn hóa - lịch sử… dưới góc nhìn đổi mới được Nhà xuất bản Phụ nữ đi tiên phong xuất bản: Thân phận tình yêu (Bảo Ninh), Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm (Triệu Bôn), Cỏ dại (Ma Văn Kháng), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Linh sơn (Cao Hành Kiện), Đàn hương hình (Mạc Ngôn), v.v… Bạn đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu đánh giá cao chất lượng các tác phẩm văn học và bản lĩnh của Nhà xuất bản Phụ nữ thời kỳ này. Có nhà văn đã nhận xét: “Các cô tuy vóc dáng nhỏ bé, nhưng tự tin và vững vàng”. Câu chuyện về cuộc hội thảo tác phẩm Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh (năm 2000) có thể coi là dấu mốc quan trọng về bản lĩnh của Nhà xuất bản Phụ nữ khi tiên phong tổ chức cuộc hội thảo văn học về nhân vật Hồ Quý Ly còn nhiều tranh cãi và bản thân nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chính danh trở lại văn đàn sau 30 năm “gác bút”. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà lịch sử, nhà quản lý đã cùng trao đổi thẳng thắn ý kiến trong một cuộc hội thảo sôi nổi, giàu chất học thuật và dân chủ. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly đoạt giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, khiến văn đàn Việt Nam trở nên sôi nổi. Năm 2017, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao giải thưởng Nhà nước cho bộ ba tác phẩm: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa được in ở Nhà xuất bản Phụ nữ. Trong một bài trả lời phóng vấn báo chí, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xúc động nói: “Nhà xuất bản Phụ nữ đã mang tôi trở lại văn đàn”…

Cùng với Tủ sách Văn học Việt Nam và thế giới, Tủ sách về Giới (Phụ nữ Giới và phát triển, Phụ nữ và bình đẳng giới trong Đổi mới ở Việt Nam - Lê Thi…), về Luật Hôn nhân và Gia đình (Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình, Một số Luật và Công ước quốc tế liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em, …), cũng hòa thành bản hợp ca khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

Giai đoạn thứ ba này, Nhà xuất bản Phụ nữ cũng là một trong số ít các Nhà xuất bản đi tiên phong trong việc thành lập Phòng Phát hành - tự lập kênh phát hành của riêng mình, và duy trì tốt hoạt động của Phòng Phát hành cho đến tận hôm nay.

Câu chuyện thứ tư là chặng đường “Hội nhập cùng thế giới” (2004 đến nay). Không khí Đổi mới vẫn còn “nóng hổi”, truyền cảm hứng lớn cho các nhà văn sáng tác. Hàng loạt các tác phẩm - tác giả “danh giá” của Nhà xuất bản Phụ nữ dành giải thưởng Văn học uy tín: Dạ Ngân với Gia đình bé mọn (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2005, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006), Nguyễn Xuân Khánh với Mẫu Thượng ngàn (Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 và Giải Vàng sách Đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam 2006) Đội gạo lên chùa đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam 2012), Ma Văn Kháng với Một mình một ngựa đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009, Hoàng Quốc Hải với Tám triều vua Lý đoạt Giải Bạc sách Hay của Hội xuất bản Việt Nam 2011. Đặc biệt, năm 2017, NXB Phụ nữ vô cùng vinh dự khi Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đã được trao cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa và nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Bão táp triều Trần (6 tập, 4000 trang). Có thể nói, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với bộ ba tiểu thuyết đã cho chúng ta thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt và sức mạnh của sự đối thoại, tiếp biến văn hóa Việt qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhà văn Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần (hơn 8000 trang sách) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về lòng yêu nước, chí khí quật cường chống giặc ngoại xâm và niềm tự hào vô biên về lịch sử quốc gia dân tộc…

Các tác phẩm dịch: Người đọc (Đức), Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa, Cô gái chọc tổ ong bầu (Thụy Điển), v.v được đánh giá cao bởi giá trị xã hội - nhân văn mà các tác phẩm mang lại.

Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển hướng đề tài quan trọng của NXB Phụ nữ. NXB Phụ nữ đẩy mạnh Tủ sách Tâm lý - Kỹ năng và Nuôi dạy con - Giáo dục gia đình, Ngoại ngữ - Du học, Kinh tế - Khởi nghiệp. Hàng vạn phụ nữ trẻ đã được truyền cảm hứng từ những cuốn sách sống độc lập, tự chủ: Đàn bà 30 (Trang Hạ), Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương (David Devin), Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống (Trần Đình Hoành)…. Hàng triệu phụ nữ đã được tiếp cận các kiến thức Nuôi con sữa mẹ từ cuốn sách 68 giác ngộ và ngộ nhận Nuôi con sữa mẹ và những chuyến đi xuyên Việt… Hàng ngàn bạn trẻ đã được truyền cảm hứng học tiếng Anh từ sách Ngữ pháp Tiếng Anh cho HS Tiểu học (Nguyễn Quốc Hùng, MA), 9 chiến lược học tiếng Anh cho người Việt (Vitoria Quỳnh Giang), Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (song ngữ Anh - Việt)… Vô vàn các thầy cô giáo đã được truyền cảm hứng đổi mới giáo dục từ cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (Nguyễn Quốc Vương), v.v Rất nhiều các bậc cha mẹ trẻ đã học được những phương pháp nuôi dạy con tiên tiến của Nhật Bản từ cuốn sách Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản. Bộ sách Khởi nghiệp từ A đến Z và Bộ sách Bí quyết thành công của doanh nghiệp hàng đầu thế giới (4 tập) đã truyền cảm hứng cho mỗi bạn trẻ, mỗi doanh nghiệp và cho chính Nhà xuất bản Phụ nữ đang trong quá trình cải tổ bộ máy của mình. 

Bắt đầu từ năm 2012, Nhà xuất bản Phụ nữ khánh thành Nhà in Hội LHPN Việt Nam, chủ động và hiện đại hóa ba khâu: Xuất bản - In và Phát hành. Đây là bước đầu thế vững chắc kiềng ba chân phát triển về quy mô của hoạt động xuất bản theo yêu cầu của Chỉ thị 42 của Đảng về Công tác Xuất bản là phát triển ngành Xuất bản thành một ngành Kinh tế đem lại doanh thu cho đất nước. Sau 5 năm hoạt động, Nhà in Hội LHPN Việt Nam đã đạt được sản lượng 2 triệu bản sách với hơn 250 triệu trang in/năm, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và sản lượng in của Nhà xuất bản Phụ nữ, đồng đáp ứng tốt nhu cầu in ấn sách đẹp của mọi đối tác trong và ngoài nước.

Cùng năm này, Nhà xuất bản Phụ nữ thành lập các bộ phận Bản quyền và Truyền thông chuyên trách. Bộ phận Bản quyền đã mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác quốc tế cho NXB PN với nhiều đối tác uy tín. Công tác truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Nhà xuất bản đổi mới phương thức tiếp cận khách thông qua các Hội sách do NXB chủ trì là Hội sách Mùa Xuân và Hội sách Mùa Thu. Năm 2016, Nhà xuất bản Phụ nữ và hai đơn vị đồng tổ chức Hội sách là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ nhận được Bằng khen của Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam về Hội sách Mùa Xuân và Hội sách Mùa Thu. 

Kính thưa các quý Cộng tác viên và các quý vị đại biểu!

13 Tủ sách với 13 000 đầu sách cùng hàng triệu bản sách và những câu chuyện dấu mốc trên đây của Nhà xuất bản Phụ nữ qua chặng đường phát triển 60 năm không phải là tất cả, nhưng là những “lát cắt”, những “khoảnh khắc” quan trọng, rất đáng tự hào của một nhà xuất bản khát khao cống hiến, khát khao được chia sẻ các giá trị làm giàu tri thức, làm giàu đời sống tâm hồn. Từ vị thế cơ quan tuyên truyền giáo dục của Hội LHPN VN, Nhà xuất bản Phụ nữ hôm nay còn lĩnh nhiệm trọng trách lớn lao của đất nước: Cùng ngành Xuất bản xây dựng một xã hội dân trí phát triển cao, có khả năng tự học tập suốt đời. Trọng trách ấy rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của các anh chị em cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quản lý, các chuyên gia về kinh tế, các thầy cô giáo, các nhà hoạt động xã hội… 

Câu chuyện của Nhà xuất bản Phụ nữ chỉ là câu chuyện nhỏ trong bức tranh chung trong không khí đổi mới của đất nước. Để đạt được những thành quả bước đầu trên chặng đường 60 năm phát triển và hội nhập, Nhà xuất bản Phụ nữ đã nỗ lực tuân thủ các nguyên tắc “sống còn”, đó là: Nguyên tắc “tự lực”/tự chủ/tự chịu trách nhiệm. NXB Phụ nữ đã thực hiện cơ chế tự chủ ngay từ những năm 1990. Dù có khó khăn đến đâu, từ tập thể lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên đều kiên trì đi theo con đường này. Nguyên tắc “Đổi mới hay không tồn tại” được Nhà xuất bản Phụ nữ quyết liệt thực hiện: đổi mới bộ máy tổ chức chuyên nghiệp; thực hiện nghiêm túc Công ước Berne và Luật Xuất bản. Được sự quan tâm của lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Nhà xuất bản đã xây dựng thành công mô hình NXB khép kín, chủ động và hiện đại hóa ba khâu: xuất bản - in - phát hành. Đặc biệt, NXB Phụ nữ cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội: Thông qua hai Hội sách lớn do NXB Phụ nữ chủ trì: Hội sách Mùa Xuân (tháng 3) và Hội sách Mùa thu (tháng 10) để phát triển văn hóa đọc. Nhà xuất bản kiên trì xây dựng một tập thể gắn bó với “nghiệp” xuất bản, gồm những người yêu sách. 

Con đường của Nhà xuất bản Phụ nữ vẫn đang ở phía trước: chúng tôi trung thành với mục tiêu đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, nâng cao dân trí, đáp ứng đòi hỏi ngày càng đa dạng của phụ nữ đối với tri thức, rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong việc tiếp cận tri thức của phụ nữ và trẻ em gái ở các vùng miền còn nhiều khó khăn. Để bảo đảm uy tín thương hiệu, Nhà xuất bản Phụ nữ quyết tâm xây dựng và chăm lo cho tập thể cán bộ có trình độ, yêu nghề, tâm huyết với nghiệp xuất bản. Để có thể phát triển bền vững, tự lực, chúng tôi quyết tâm tạo dựng cơ sở vững chắc là lòng tin yêu của độc giả, tiếp tục xây dựng mối quan hệ thân thiết, gắn bó, tin tưởng với đội ngũ cộng tác viên là các tác giả viết sách, các đối tác phát hành sách. Chúng tôi sẽ biến ước mơ xuất khẩu văn hóa của Việt Nam ra thế giới thành hiện thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục công nghệ hóa, hiện đại hóa công tác xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành Xuất bản Việt Nam phát triển và hội nhập ra biển lớn...

Kính thưa các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Nhà xuất bản Phụ nữ!

Các thế hệ cán bộ của Nhà xuất bản Phụ nữ qua nhiều thế hệ đã bền bỉ, dẻo dai, sáng tạo để xây nền vững chắc cho tổ chức của mình, làm nên vị thế của một Nhà xuất bản thực sự. Từ sự lăn lộn của những bậc tiền bối khởi nghiệp, đến sự sáng tạo của lớp lãnh đạo vượt khó; với tầm nhìn xa trông rộng về chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là ý chí và bản lĩnh đổi mới mạnh mẽ; quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, khép kín, chủ động ba khâu: xuất bản - in - phát hành,… đó là cả một di sản của lớp trước để lại mà chúng ta lớp sau có trách nhiệm gìn giữ và cùng nhau đắp bồi, cùng nhau viết tiếp mỗi thế hệ một khúc, để câu chuyện của tổ chức chúng ta dài như sông, như bể, cùng đổ ra biển lớn… 

Hôm nay, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập NXB Phụ nữ này, cho phép tôi được thay mặt NXB Phụ nữ nói lời cảm ơn các thế hệ cán bộ, nhân viên đã chung sức chung lòng, cảm ơn các thế hệ cộng tác viên đã đồng hành gắn bó, cùng dựng xây nên vị thế của NXB; cảm ơn các thế hệ bạn đọc đã ủng hộ nhiệt tình những ấn phẩm của NXB Phụ nữ suốt 60 năm qua. Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau để cùng xây dựng một nhà xuất bản chuyên nghiệp, chuyên sâu, không phụ lòng tin của cộng tác viên, của lãnh đạo, của bạn đọc, của phụ nữ, gia đình, trẻ em và của cộng đồng.

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã lắng nghe!
Hà Nội, 24/10/1017
-----------
Một số hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm sáng nay:



 TS Nguyễn Xuân Diện và Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

 Nhà thơ Trần Nhương.

 Từ trái sang: Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và TS Nguyễn Xuân Diện.

 GS. TS Trần Thị Băng Thanh và BTV Nguyễn Ánh Ngân.

 Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà và TS Nguyễn Xuân Diện.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải và TS Nguyễn Xuân Diện.
Theo: FB Hoa Phượng và FB Nguyễn Xuân Diện

1 nhận xét :

  1. Người Phụ Nữ 60 bị coi là già . NXB Phụ Nữ 60 vẫn trẻ trung đầy sức sống ! Chúc NXB Phụ Nữ nhiều con nhiều cháu , chắt là các ấn phẩm . Cứ thế mà nhân lên những tác phẩm có giá trị các cho các thế hệ người đọc !

    Trả lờiXóa