NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
XUNG QUANH VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI ĐỒNG TÂM
Ls Nguyễn Anh Vân
Như chúng ta đã biết, nếu không có việc bắt giữ người và đánh cụ Lê Đình Kình gây thương tích thì đã không xảy ra điểm nóng Đồng Tâm. Và nếu như ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan thẩm quyền tích cực vào cuộc để xác minh có hay không hành vi lạm quyền, coi thường pháp luật của các cán bộ công an, sỹ quan quân đội thì mọi chuyện đã êm thấm, không còn bế tắc như hiện nay.
Không phải vô cớ mà người dân Đồng Tâm vượt qua nỗi sợ hãi, đồng lòng gây sức ép với chính quyền bằng việc giữ 38 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động để đấu tranh yêu cầu thả người mà họ cho là bị công an, quân đội bắt giữ trái pháp luật.
Mới đây vụ việc càng nóng thêm khi Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Nội giủi Giấy triệu tập đến hơn 70 người dân và Cơ quan điều tra Bộ quốc phòng triệu tập cụ Lê Đình Kình khi cụ chưa đi lại được, dù trước đó Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có bản Cam kết không truy cứu trách nghiệm người dân Đồng Tâm
Cho nên, cần phải tìm nguồn cơn của vụ việc để giải tỏa độ nóng ở Đồng Tâm.
Theo đó, cơ quan thẩm quyền cần phải vào cuộc để làm rõ những vấn đề pháp lý xung quanh việc bắt giữ người và đánh cụ Lê Đình Kình gây tàn phế.
Vụ việc xảy ra đến nay đã gần 5 tháng nhưng chưa thấy có bất kỳ thông tin nào về việc cơ quan thẩm quyền vào cuộc xác minh, điều tra để thực hiện những bước tố tụng hình sự tiếp theo ngoài thông tin Bộ công an thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra việc bắt giữ người dân Đồng Tâm trái pháp luật.
Lượm lặt thông tin trên các trang mạng, hầu như các báo chỉ đăng lại nguồn tin của TTXVN là ”Ngày 30/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo quy định tại Điều 245 – Bộ luật Hình sự năm 1999. Ngày 15/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra, làm rõ”. Như vậy, căn cứ vào thông tin này thì có thể hiểu, CQCSĐT thực hiện bắt giam cụ Kình và những người dân theo Điều 80 ” Bắt bị can, bị cáo để tạm giam”. Nếu băt theo điều luật này thì không những sai về trình tự thủ tục (không thấy có Lệnh bắt) mà còn sai cơ bản về nội dung, vì cụ Kình đã 82 tuổi, là đối tượng già yếu có nơi cư trú rõ ràng ... nên không thuộc trường hợp bắt tạm giam theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS 2003.
Mặt khác, những người bị bắt đã nhận được Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tức những người bị bắt này đã có Quyết định tạm giữ. Căn cứ vào Quyết định hủy bỏ này và các quy định về tạm giũ, bắt người của Bộ luật tố tụng hình sự thì cụ Kình và những người dân bị bắt theo Điều 82 ”Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã”. Đó là những người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát ... Nếu vậy thì đây là điều khó hiểu, vì theo người dân, khi đó cụ Kình và người dân đang hợp tác với các sỹ quan quân đội chỉ mốc giới số 15, họ không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào (có nhiều người chứng kiến vụ việc như người dân, cán bộ chính quyền xã Đồng Tâm và các chiến sỹ cảnh sát cơ động).
Còn theo cụ Kình cho biết: Để thực hiện ý đồ bắt cóc, vào hồi 11h ngày 15/04/2017, với lý do chỉ mốc giới, trung tá quân đội Mạc Văn Tin yêu cầu chỉ một số ít đại diện người dân đi cùng. Sau khi chỉ mốc giới đầu tiên (mốc 20), chụp ảnh xong, Mạc Văn Tin lại tiếp tục yêu cầu chỉ cần ít người dân đi cùng đến mốc giới tiếp theo. Đến mốc giới 15, Cảnh sát cơ động, cán bộ xã Đồng Tâm và người dân phải đứng cách xa khoảng 5m. Còn Mạc Văn Tin, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Đức Lượng và Trần Thanh Tùng đứng bao vây cụ. Bỗng cụ thấy một chiến sỹ cảnh sát bắn băng đạn vào góc tường để thị uy, và ngay sau đó, Trần Thanh Tùng đánh, đạp cụ từ phía sau, cặp tài liệu trên tay cụ văng ra được ông Bùi Văn Vệ nhặt mang về. Họ bắt rồi quăng cụ lên xe như một con vật, khóa tay bằng còng số 8 rồi nhét giẻ vào mồm. Cụ chỉ kịp kêu lên “Chúng mày đánh gãy chân tao rồi!” nhưng họ không thèm quan tâm. Ý đồ của họ là thủ tiêu cụ, nhưng khi họ nhận được tin người dân xã Đồng Tâm phản ứng dữ dội về việc bắt người vô tội bằng cách yêu cầu 38 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động ở lại xã Đồng Tâm nên họ trở thẳng cụ về số 7 Thiền Quang giam, giữ. Căn cứ vào lời kể của cụ Kình thì việc bắt giữ người của Trần Thanh Tùng và của các sỹ quan quân đội không tuân thủ theo bất kỳ quy định nào của Bộ luật tố tụng hình sự.
Qua những thông tin trên cho thấy, việc bắt giữ cụ Kình và những người dân là chưa rõ ràng; và việc vừa ban hành Quyết định khởi tố vụ án, áp dụng biện pháp ngăn chặn, đồng thời lại ban hành Quyết định tạm giữ, Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đã thể hiện sự mâu thuẫn của cơ quan tiến hành tố Hà Nội. Bởi lẽ, không ai có thể bị bắt trong cùng một thời điểm với một hành vi phạm tội mà theo hai điều luật khác nhau (Điều 80 và 82).
Cũng qua các thông tin trên cho thấy, vấn đề mấu chốt của vụ việc ở đây là cơ quan thẩm quyền phải điều tra, xác minh có hay không hành vi gây rối trật tự công cộng của cụ Kình và những người bị bắt trước ngày 30/03/2017; và có hay không hành vi phạm tội quả tang của họ vào trưa ngày 15/04/2017 khi họ đang chỉ mốc giới tại cột mốc 15.
Trường hợp xác định được cụ Kình và những người bị bắt thực sự đã có hành vi gây rối trật tự công cộng vào trước ngày 30/03/2017 và họ đã phạm tội quả tang tại cột mốc số 15 thì việc bắt giữ là đúng pháp luật.
Trường hợp cụ Kình và những người bị bắt thực sự đã có hành vi gây rối trật tự công cộng vào trước ngày 30/03/2017 nhưng họ không có hành vi phạm tội tại cột mốc số 15 thì việc bắt giữ là trái luật, vì việc bắt giữ này phải được thực hiện theo Điều 80 ”Bắt bị can, bị cáo để tạm giam”, tức là những người bị bắt này phải có Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam ...
Trường hợp cụ Kình và những người bị bắt thực sự không có hành vi gây rối trật tự công cộng vào trước ngày 30/03/2017 và họ cũng không có hành vi phạm tội tại cột mốc số 15 vào ngày 15/04/2017 thì ngoài hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật của cán bộ công an và các sỹ quan quân đội còn phát sinh thêm một vấn đề pháp lý khác do không có tội phạm xảy ra nhưng người có thẩm quyền vẫn ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định tạm giữ ..., đó là hành vi ”Ra quyết định trái pháp luật”.
Bộ công an đã thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra việc bắt giữ người dân Đồng Tâm trái pháp luật. Động thái này được coi là một tín hiệu tích cực, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, kết quả thanh tra sẽ không được toàn diện vì việc bắt giữ người không chỉ có một mình lực lượng công an mà còn có cả các sỹ quan quân đội cùng tham gia.
Theo Điều 20 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì thẩm quyền điều tra các hành vi vi phạm pháp luật hình sự này thuộc Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Theo đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các hành vi ra quyết định trái pháp luật và hành vi đánh, bắt giữ người trái pháp luật của lực lượng công an; còn Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra các hành vi vi phạm của các sỹ quan quân đội.
Như vậy, trách nhiệm xác minh làm rõ là của các cơ quan thẩm quyền này và nếu không có hành vi phạm tội của người dân thì các cơ quan này cần phải nhanh chóng khởi tố vụ án để làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm các tội danh sau:
- "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” và “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 104 và Điều 123 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
-“Tội ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 294 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cần thiết phải làm rõ những vấn đề pháp lý xung quanh việc đánh, bắt giữ người trái pháp luật mà người dân phản ánh và dư luận nghi ngờ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Cân làm rõ để khẳng định đây có phải là nguyên nhân chính dẫn tới người dân giữ 38 cán bộ chiến sỹ cảnh sát cơ động hay không và kết luận này đồng thời cũng sẽ là cơ sở để giải quyết toàn bộ vụ việc ở Đồng Tâm.
Cần thiết phải làm rõ việc bắt giữ cụ Kình và những người khác theo điều luật nào, tức bắt giữ trong trường hợp nào và tại sao lại có sự mâu thuẫn đối với việc công bố thông tin của Công an Hà Nội. Phải nhanh chóng làm rõ để xóa đi những nghi ngờ CQCSĐT khởi tố vụ án ”Gây rối trật tự công cộng” vào ngày 30/03/2017 là để đánh lừa dư luận và bao che cho việc bắt, giữ người trái pháp luật của công an, sỹ quan quân đội. Bởi theo người dân Đồng Tâm, thì trước khi xảy ra việc yêu cầu 38 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động ở lại xã nhằm phản đối việc vô cớ bắt người vô tội, những người bị bắt đã không hề có bất kỳ hành vi gây rối nào, họ chỉ thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tham nhũng về đất đai ở địa phương theo luật định.
Cần thiết phải làm rõ để bảo vệ hình ảnh của các cán bộ chiến sỹ công an, của các sỹ quan quân đội và đảm bảo uy tín của các Cơ quan tiến hành tố tụng Hà Nội, cũng như đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp công dân theo nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Dư luận và không chỉ người dân xã Đồng Tâm mà nhân dân cả nước đang rất cần sự công minh của pháp luật, cần trách nhiệm và sự công tâm của các cơ quan có thẩm quyền.
Hà Nội, ngày 11/09/2017
Hà Nội, ngày 11/09/2017
N.A.V
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét