Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

HỌC PHIỆT ĐÁNG SỢ NHƯ QUÂN PHIỆT


12 Tháng 9 - 2017

HỌC PHIỆT ĐÁNG SỢ NHƯ QUÂN PHIỆT

Chủ trương cải cách giáo dục "chuyển truyền thụ tri thức sang phát triển năng lực" của Nghị quyết Trung ương và công cuộc cải cách căn bản và toàn diện của Bộ Giáo dục và đào tạo, theo tôi, có nguy cơ phá sản hoàn toàn bởi tinh thần học phiệt của những kẻ đang thống trị trong học thuật.

Đến mức chỉ ra cái sai bét nhè trong Từ điển Nguyễn Lân mà người ta cũng nhân danh "chính thống" để trấn áp, chụp mũ thì hết đường cải cách!

Nhân chuyện này tôi xin kể lại chuyện xưa, chuyện hơn 20 năm trước cá nhân tôi đã trải nghiệm.

Đó là khi tôi học đại học năm thứ ba thứ tư gì đó. Có một thầy (tôi xin giấu tên vì vẫn trọng thầy) dạy chuyên đề Ngôn ngữ và văn học, quả thật thầy ấy dạy tốt, kiến thức vững, tất nhiên sau này tôi biết là thầy ấy dựa hoàn toàn vào sách Nguyễn Phan Cảnh. Khi giảng đến ngôn ngữ trong Truyện Kiều, về cái "mặt sắt đen sì", thầy ấy tán: đó là gương mặt tên quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, đã mặt sắt, lại đen sì là gương mặt tăm tối thể hiện tâm địa xấu xa bẩn thỉu. Tôi nghe mà buồn cười. Vì tế nhị, chờ lúc ra chơi, tôi mon men đến gần thầy và nói: Thầy ơi, em nhớ không nhầm, câu "trông lên mặt sắt đen sì" là mặt của ông quan xử vụ Thúc Sinh trăng hoa với Kiều. Tâm địa ông quan này đâu có đen tối, xấu xa, bởi vì cụ Nguyễn Du viết: "Ngoài thì là lý song trong là tình". Còn Hồ Tôn Hiến nằm ở đoạn Kiều đánh đàn hầu quan: "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình" cũng không hẳn đen tối, xấu xa. Bởi họ Hồ "nghĩ mình phương diện quốc gia/ quan trên trông xuống người ta trông vào", có "ngây" trước nhan sắc và tiếng đàn của Kiều và giữ khoảng cách với Kiều, cũng không thể gọi là xấu, bẩn!

(Hồi đó tôi chưa biết chuyện các quan bây giờ mặt dê, xem các cô giáo trẻ đẹp hầu rượu là "chuyện vui vẻ", chứ biết mà dẫn ra để so sánh thì hay biết mấy!)

Thầy chưa nói gì. Trông thầy đăm chiêu. Tôi tiếp: Mặt sắt là một ước lệ của văn học Trung đại, "thiết diện vô tư". Bao Thanh Thiên thiết diện vô tư, nhân vật trung thần trong tuồng thiết diện vô tư... không thể gọi là xấu, bẩn!

Đến đây thì thầy nổi giận quát: Tôi là thầy anh hay anh là thầy tôi?

Câu mắng này tôi vẫn nhớ đời. Tôi hoảng sợ và không dám nói gì nữa!

Kết quả, cuối kì, đùng một cái, thầy không cho tôi dự thi hết học phần! Có nghĩa là bị điểm không!

Thế cùng, tôi làm đơn gửi lên Khoa "xin cứu xét". May mà thầy Nguyễn Khánh Nồng, trưởng bộ môn thương tôi, cho tôi lên văn phòng khoa thi lại một mình. Tôi thi và được điểm 9. Không có thầy Nồng, chắc là học bạ của tôi có điểm... bẩn!

Đấy, học phiệt nguy hiểm ngang quân phiệt. Học trò Pythargore từng bị thầy mình dìm xuống nước đến chết vì dám tiết lộ Toán học không hoàn hảo. Socrates bị nhà nước kết án tử hình vì dạy học trò hoài nghi thần thánh. Galileo bị tòa chính thống đòi đưa lên giàn hỏa thiêu vì dám nói Trái đất quay!

Xem chừng bây giờ tin và làm theo Nghị quyết trung ương và chủ trương cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chết không kịp ngáp với đám học phiệt đang thống trị và lộng hành!
 
 

1 nhận xét :

  1. Cái học phiệt kiểu đó thí ở đâu cũng có anh C.M Long ạ! Tại ĐH Liège có 1 ông GS cho tôi điếm xấu vì tôi "dám" sữa giáo trình của ông ta có chỗ kém cỏi (ông ta toán tồi không biết chứng minh vài công thức). Ông chẳng những không khen tôi mà còn cho tôi điểm xấu không thuộc bài...
    Đó là kém cỏi cá nhân, là tự ái...
    Cái đáng ngại ở Việt Nam là có một lớp người đông dầy đặc lên thành cây đa cây đề mà học thuật kém cỏi, bằng cấp dỏm, tư cách chẳng ra gì, được chế độ đăc cách cho lên trụ... Họ dã làm cho nên học thuật Viêt Nam tụt hậu đến kinh hoàng và không biết chừng nào mới thoát ra... Vụ tuyển sinh vưa rồi 12/30 mà vào được sư phạm còn các thành phần giỏi thì vào làm công an... đã nói lên nguy cơ ngày càng trầm trọng cho nền học thuật ngày nay...
    Cái đó mới là học phiệt đẫ được chính thống hóa, hệ thống hóa. Cái đó mới là nỗi đau của dân tộc ta ngày nay...NĐH

    Trả lờiXóa