Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

QH MUỐN TRẢ TỰ DO CHO NGHỆ SĨ, BA LÃO GIÀ KHÔNG CHỊU


QUỐC HỘI MUỐN TRẢ TỰ DO CHO VĂN NGHỆ SĨ, BA ÔNG LÃNH ĐẠO VĂN NGHỆ KHÔNG CHỊU NHẬN TỰ DO (!)

Phùng Hoài Ngọc 

Thủ tướng đến thăm lãnh đạo Văn nghệ trung ương. Ba ông lãnh đạo văn nghệ năn nỉ xin thủ tướng cứ để tụi tôi mất tự do cho khoẻ.

Đôi khi người sáng tác trao đổi bản thảo với biên tập viên rất khó chịu. BTV đòi cắt, sửa và giải thích vì lý do chính trị. Mỗi khi tranh cãi đuối lý , biên tập viên hay tổng biên tập thường nói “chúng ta là hội chính trị -xã hội- nghề nghiệp nên phải vậy thôi, thông cảm nhé”.

Tranh luận kiểu gì rồi tác giả cũng phải nghe theo BTV thôi, nếu không muốn cầm bản thảo về nhóm bếp.

Năm ngoái, Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đã được hoàn thiện vào ngày 10/10/2016 và trình QH kỳ họp cuối năm, nhưng nghe chừng bị nhiều phản đối nên hoãn lại chưa phê duyệt.

Dự thảo Luật về Hội không áp dụng đối với 6 tổ chức đặc biệt: Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hội Cựu chiến binh. Theo đó, đây không phải là Hội thông thường, mà là 6 cánh tay nối dài của Đảng.

Các Hội còn lại từng mang biển “chính trị” đứng đầu nay phải biến thành hội bình thường (xã hội, nghề nghiệp). Những Hội ấy không còn là “cơ quan nhà nước” nữa. Hội tự lo kinh phí, trụ sở, phải xin phép thành lập lại từ đầu theo qui trình thủ tục. Giống như phải chết đi rồi sống lại !

Vậy là, Đảng QH dự kiến tuyên bố trả tự do cho văn nghệ sĩ.

Phàm là văn nghệ sĩ ai cũng muốn được tự do sáng tác. Xưa nay hai chữ “chính trị” gắn đầu tên Hội như con kỳ đà cản mũi, đa số văn nghệ sĩ chân chính thì phàn nàn, than thở.

Tưởng là văn nghệ sĩ ai nấy mừng rỡ, đồng thanh nói lời đa tạ với Đảng quốc hội.



Chẳng ngờ ông nhà thơ Hữu Thỉnh và hoạ sĩ Trần Khánh Chương, nhạc sĩ cổ Tô Ngọc Thanh - các nghệ sĩ lãnh đạo Liên hiệp Hội kêu trời thảm thiết lên. Thủ tướng đến gặp lãnh đạo các Hội văn nghệ trung ương nghe tâm tư.

Ba ông chóp bu văn nghệ sĩ năn nỉ cho xin lại hai chữ “chính trị”. Ông Hữu Thỉnh nói huỵch tẹt luôn: xin cấp kinh phí thường xuyên, xe con mới cho lãnh đạo và 300 nhà ở cho văn nghệ sĩ có công.

Này ba ông lãnh đạo văn- nhạc- hoạ, xin hỏi các ông đã lấy ý kiến của 40000 (4 vạn) hội viên tài hoa của mình hay chưa ? - Tôi e là ba ông chưa thèm hỏi ai. Hội văn nghệ mà cũng mất dân chủ trầm trọng như thế, trách nào nhà cầm quyền !

Báo Tuổi Trẻ tường thuật cuộc gặp gỡ, chạnh lòng thương xót văn nghệ sĩ, trách cứ chính phủ với tựa bài báo rằng: “Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền”.

Một văn sĩ Hà thành (chú Tễu) góp ý: nên đổi vị trí hai chữ thôi, để gửi luôn cho văn nghệ sĩ: “Nghệ sĩ, đừng biến thành người đi xin tiền”.

Những đứa bé chưa thể kiếm ăn mới phải nhờ bầu sữa mẹ. Các hội văn nghệ tự hào “đồng hành cùng dân tộc” hơn nửa thế kỷ mà gan lỳ chưa chịu cai sữa.

Trong nền kinh tế thị trường, dù là “định hướng XHCN” văn nghệ cũng phải chấp theo. Mặc dù ở các nước, chính phủ người ta cũng tài trợ sáng tác khi cần thiết, nhưng sòng phẳng ký hợp đồng. Không thể coi tài trợ là nghĩa vụ thường xuyên của nhà nước.

Văn nghệ sĩ là người tự do, hoạt động cá nhân, sao lại phải xin vào làm công chức ?

Đại diện cho Liên hiệp hội, ông Hữu Thỉnh đã nêu tới 9 kiến nghị (thực chất gọi là xin xỏ) để giải quyết khó khăn trong hoạt động của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên, chủ yếu là về cơ sở vật chất (cho lãnh đạo), kinh phí và đời sống của văn nghệ sĩ:

“Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy” – ông Thỉnh giãi bày.

- Điệp khúc này gọi là thói kiêu binh chiến tranh.

Nhân ngày thơ Nguyên Tiêu 2017, ông Thỉnh bày ra triển lãm thơ chủ đề “ĐỒNG HÀNH” ở sân Văn Miếu. Ông nhắc rằng chúng tôi văn nghệ sĩ đã “đồng hành cùng cách mạng”. Này đừng bỏ rơi bạn đồng hành, coi chừng chúng tôi bỏ cuộc chơi đấy nhé.

- Điệp khúc này nữa thì gọi là thói kiêu binh văn nghệ sĩ.

Còn ông hoạ sĩ Trần Khánh Chương chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cũng bức xúc về kinh phí hỗ trợ sáng tác.

“Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua”… “Dưa thì có thể giải cứu được chứ tranh thì không giải cứu được. Chúng tôi rất khổ. Giờ không ai muốn về đây làm. Tôi già rồi muốn có người thay thế nhưng đi mời chẳng ai chịu về” – ông Chương bày tỏ với thủ tướng.

Hoạ sĩ Chương, hoà giọng cùng nhạc sĩ cổ Tô Ngọc Thanh, đe doạ thủ tướng: “cắt chữ chính trị thì rất nguy hiểm và các hội văn học nghệ thuật sẽ vỡ trận” !

KẾT

Hùa theo cảm hứng tự hào của TBT Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn kêu lên “Nền văn học nghệ thuật nước ta bao giờ được thế này chăng ?”.

Than ôi, sĩ khí văn nghệ sĩ nước Nam ngàn năm văn hiến đi đâu mất tiêu hết cả rồi ?!

PHN

7 nhận xét :

  1. Ngàn năm văn hiến với văn minh / Nghệ sĩ bây giờ chối tỉ kinh !/ Lãnh đạo chỉ muốn làm chính trị /Chẳng còn vì hội, chỉ vì mình !....

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không phải văn nghệ sĩ, nhưng đọc bài này xong tôi trộm nghĩ là những văn nghệ sĩ chân thì không cần lãnh đạo. Lãnh đạo mà tư cách xin xỏ như ông Thỉnh, ông Chương, ông Thanh thì phải tránh xa các ông ấy ngay..

    Trả lờiXóa
  3. Lão Hữu Thỉnh già rồi thì về vườn đi cho dân rảnh nợ. Cả đời tôi chưa bao giờ bị tốn thời gian đọc tác phẩm của Hữu Thỉnh và tôi cũng chẳng thấy ai ca ngợi văn chương của ông này. Thế thì gọi là nhà văn làm sao được, mà Hữu Thỉnh lại làm sếp cả hội văn chương Việt nam cơ đấy. Nhục nhã thay!

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ có ruồi nhặng mới mãi chia phân

    Trả lờiXóa
  5. Xin được hỏi thôi, có ai biết chính xác mấy câu thơ mà tôi nhớ lõm bõm sau đây, xin được chỉnh sửa dùm:
    Năm xưa em không có mẹ,
    Mừng nay đã có mẹ rồi,
    Hôm qua trăng lặn chân trời,
    Ước gì con lại được mồ côi.
    Nay ông Thỉnh đòi có mẹ để ĐƯỢC bú mớm, để ĐƯỢC che trở chứ gì. Thế thì phải chấp nhận bị sai khiến, bị mắng mỏ và hy sinh tự do sáng tác của văn nghệ sĩ thì làm sao có tác phẩm xứng đáng với thời đại hào hùng được.

    Trả lờiXóa
  6. Không chỉ các văn nghệ sỹ thích bú sữa đâu, mà các nhà (ngụy) khoa học của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam (53 - Nguyễn Du, Hà Nội) cũng nhất quyết không chịu cai sữa, vẫn lạy lục xin giữ bằng được chữ chính trị để đớp xén ngân sách, cũng có tình trạng ông lãnh đạo (bên này là Đặng Vũ Minh), già khú đế, 72 tuổi mà chưa chịu rời ghế. Khốn nạn một giuộc các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  7. A Thỉnh tuổi cao rồi, sao không nghỉ đi còn ở đó làm chi, còn xin xe cộ cho người đứng đầu nữa thì anh em coi thường cũng phải ...........

    Trả lờiXóa