Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

BÀN VỀ NGUỒN GỐC CỦA NHÀ TRẦN

Bàn về nguồn gốc của Nhà Trần 

Đặng Thanh Bình

Trong bài Trần triều Hoằng Nghị Đại vương và những tồn nghi ? của tác giả Đặng Hùng trên tạp chí xưa và nay viết: “Năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo: “Trần Thủ Độ con người thời Trần” tại Thái Bình. Trong hội thảo, cụ Dương Quảng Châu qua bài viết: “Trần Thủ Độ với Thái Bình” lần đầu tiên “công bố” thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị Đại vương. Tư liệu của cụ Châu đưa ra không dựa vào các cơ sở khoa học chính sử mà cơ bản là căn cứ vào các tài liệu điền dã, khảo sát các địa phương trong tỉnh Thái Bình và tỉnh bạn (…) Chỉ cần đọc kỹ hai bài viết của cùng tác giả Dương Quảng Châu ở hai sách (in cách nhau 9 năm) chúng ta đã thấy nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn và sự khác biệt rất rõ ràng về bố mẹ, anh em của Trần Hoằng Nghị và Trần Thủ Độ: 


Ở bài “Trần Thủ Độ với Thái Bình” (bài 1) tác giả dựa vào tư liệu điền dã và cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị và Trần Hoằng Nghị lại sinh ra ba người con trai là Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ. 

Nhưng trong bài “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần” (bài 2) thì tác giả lại đưa ra một thông tin khác hẳn: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoằng Nghị”). Rõ ràng ở đây có sự mâu thuẫn về tư liệu điền dã mà tác giả đã đưa ra. Ta thấy thật là vô lý khi thì cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị, lúc thì lại nói Trần Hấp là anh của Trần Hoằng Nghị. Lúc thì tác giả bài viết Trần Hoằng Nghị có ba người con (bài 1). Nhưng ở (bài 2) thì chính tác giả lại đánh đồng Trần An Quốc với Trần An Hạ là một và cho rằng Trần Hoằng Nghị sinh được hai người con trai là Trần An Quốc và Trần Thủ Độ. Không hiểu tài liệu điền dã này tác giả thu nhận ở đâu mà lại có sự mâu thuẫn đến khó hiểu như vậy”.

Trong bài Trả lời bài “Trần triều Hoằng Nghị Đại vương và những tồn nghi?” của ông Đặng Hùng của tác giả Nguyễn Minh Tường trên tạp chí xưa và nay viết: “Trong bài “Hoằng Nghị Đại vương – thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ” chúng tôi có viết: “Hiện trong miếu nhỏ còn lưu giữ được một tấm bài vị có ghi dòng chữ Phụng Đại vương Thượng đẳng Phúc thần Trần Hoàng Nghị, đồng tứ vị Phu nhân (nghĩa là: Nơi đây phụng thờ vị Đại vương được phong làm Thượng đẳng phúc thần là Trần Hoàng Nghị cùng với bốn bà phu nhân của ngài). Cũng trong phần chú thích của bài viết này, chúng tôi cũng chứng minh các cách viết: Trần Hoàng Nghị (…), Trần Hoành Nghị (…), Trần Hồng Nghị (…) chỉ là các dạng viết khác của Trần Hoằng Nghị (…). Sau bài viết của chúng tôi, PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng có bài Từ đường họ Trần tại Phương La, cũng đăng trong Tạp chí Xưa & Nay số 267 tháng 9-2006. Trong bài của mình, tác giả Đinh Khắc Thuân có viết: “Bài vị nhà tổ ghi: Trần Hoàng Nghị Đại vương Thượng đẳng phúc thần linh vị”. Như vậy, đã rõ, vị Thủy tổ họ Trần về làng Mẹo – tức khu Bến Trấn xưa, xã Phương La nay – lập nghiệp dựng làng và truyền nghề dệt, mở chợ, không thể là ai khác, mà chính là cụ Hoằng Nghị Đại vương (…) Trong các cuộc điều tra điền dã tại quê hương Hoằng Nghị Đại vương, chúng tôi đều được các cố lão trong dòng họ Trần và kể cả các dòng họ khác ở đây cho biết: Cụ Trần Hoằng Nghị là con trai thứ của cụ Trần Hấp, em của Trần Lý, là nguyên tổ của hoàng tộc nhà Trần. Và cụ Trần Hoằng Nghị chính là thân phụ của Trần An Quốc, Trần An Hạ và Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ). Trong tình hình tư liệu hiện tại, đồng ý với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình (Dương Quảng Châu, Phạm Hóa, Trần Xuân Sinh, Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức) chúng tôi cũng cho rằng: “Thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị Đại vương”. Điều nhận định trên đây sẽ được chính chúng tôi thay đổi và đính chính nếu như có những tư liệu đủ sức thuyết phục rằng “Hoằng Nghị Đại vương không phải là thân phụ của Trần Thủ Độ”. Đọc kỹ bài của tác giả Đặng Hùng, chúng tôi chưa nhận thấy thực sự bị thuyết phục”.

Ký giả Khải Mông viết: “Ngày 9/1/2007, tại Hà Nội, Hội KHLS Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La”. Ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội KHLS Việt Nam cho biết mục đích của hội thảo: Nhằm cố gắng làm sáng tỏ một góc khuất trong tiểu sử và hành trạng của Thái sư Trần Thủ Độ có liên quan đến nhân vật là thân sinh ra danh nhân lịch sử này. “Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận: Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình” ông Dương Trung Quốc chia sẻ trong Lời nói đầu cuốn sách “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La” in lần đầu năm 2007, sau đó được tái bản nhiều lần, số lượng sách lên đến gần 10.000 cuốn. Nhiều chuyên gia nghiên cứu của Viện sử học (PGS.TS Nguyễn Minh Tường, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ); Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (PGS.TS – Đại tá Lê Đình Sỹ); Viện Hán Nôm (PGS. Trần Lê Sáng, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, PGS.TS Đinh Khắc Thuân) đều đồng thuận nhất trí: Trần Hoằng Nghị – Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ”.

* Qua các bài vị làng Mẹo (Thái Bình) tác giả Nguyễn Minh Tường khẳng định Thuỷ tổ họ Trần làng Mẹo chính là Hoằng Nghị đại vương. Cùng với các thông tin điền dã, tác giả Nguyễn Minh Tường khẳng định ngài Trần Hoằng Nghị là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ. Tuy nhiên tác giả Đặng Hùng đã chỉ ra sự mẫu thuẫn giữa các thông tin điền dã, nên câu hỏi là thông tin điền dã trong trường hợp Trần Hoằng Nghị có thể tin được không ? Việc bị giới hạn về mặt tư liệu là thuộc tính của nghiên cứu lịch sử, nhưng dường như tác giả Nguyễn Minh Tường đã vội vàng khi khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần Thủ Độ. Những chứng cớ mà các tác giả của sách Hoằng Nghị Đại Vương đưa ra là chưa đủ sức thuyết phục. Phải khẳng định rằng công việc của các tác giả sách Hoằng Nghị đại vương là chứng minh thật rõ ràng Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần Thủ Độ. Nhưng những gì sách viết cũng chỉ đủ sức đặt giả thuyết.

Trong bài Nhà Trần khởi nghiệp của tác giả Trần Việt Bắc viết: “Chú thích số (4) Người viết không thấy sử liệu nào nói về thân phụ của ông Trần Thủ Độ. Tuy nhiên ông này có tên là Trần Hoằng Nghi. Trần Tự Khánh (1175-1223) là anh cả, Trần Thừa là em kế (1184-1134) những tài liệu này được ghi trong http://vietnamgiapha.com/XemGiaPha/367/giapha.html. Người viết xin phép http://www.vietnamgiapha.com về vai của ông Trần Tự Khánh, danh xưng của thân phụ ông Trần Thủ Độ cũng như việc bà họ Tô – vợ ông Trần Lý – là hậu duệ của Phụ chính đại thần Tô Hiến Thành”.

* Tất cả diễn ra trong hai thập kỷ. Gia phả có thể tin được không ?

Sách Toàn thư chép: “Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm) có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá”. 

* Xem đoạn trích trong sách Toàn thư chúng ta nhận thấy sử gia Ngô Sĩ Liên biết tới 2 thuyết về gốc tích của họ Trần. Thuyết mà Ngô Sĩ Liên tin hơn cả là tổ họ Trần người đất Mân, còn thuyết mà Ngô Sĩ Liên ít tin hơn là tổ họ Trần người Quế Lâm. Chúng ta tạm chưa bàn xem thuyết nào đúng, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng sử gia Ngô Sĩ Liên đã không có đủ cơ sở để khẳng định hoặc bác bỏ 1 thuyết nào đó trong 2 thuyết này. Điều đó cũng có nghĩa là Ngô Sĩ Liên không biết về nguồn gốc của họ Trần mà chỉ là người thu thập các thông tin về nguồn gốc họ Trần rồi chép lại mà thôi. Sau khi thu thập các thông tin về nguồn gốc của họ Trần, sử gia Ngô Sĩ Liên cũng không có căn cứ để thẩm định các thuyết về tiên tổ của họ Trần.

Trong bài Nhà ta: Người miền Dưới của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Nhóm Trần này (thay thế Lí 1226) “đời đời làm nghề đánh cá” nên dù có làm vua yên ổn, sắp xếp thứ bực tôn thất (1267) sai phủ Tông chính soạn ngọc phả của họ nhà vua (1304) thì cũng chỉ biết không quá 5 đời, ngay trên đất Đại Việt, là ở “hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường”, tỉnh Nam Định ngày nay. Kí ức xa hơn thì chỉ còn lờ mờ: “Tổ tiên là người đất Mân (Phúc Kiến), có người nói là Quế Lâm (Quảng Tây)”. Cuộc sống trên sông nước, làm di dân trôi nổi khiến họ không thể nhớ gốc tích xa hơn. Li Tana đã nhìn ra đó là đặc tính của tộc Đản ghi chép trong thư tịch Trung Quốc xưa, có nguồn gốc Giao Chỉ, gọi là “Giao Chỉ Đản” (Lĩnh ngoại đại đáp 1178) và còn lưu dấu đến bây giờ (…) Người Đản thích tự gọi là “Người Sinh (từ) Nước” trong quá khứ thường bị miệt thị, khinh rẻ. Quế hải ngu hành chí (1175) của Phạm Thành Đại ghi rõ: “Đản là tộc man sống trên biển”. Họ được mang tên “Thuyền Hộ” cho là có chân ngắn, chỉ thích hợp với cuộc sống ở biển, có tài liệu còn nói họ có chân 6 ngón và có đuôi! Suốt đời họ sống trên thuyền, chỉ khi chết mới lên bờ chôn mà thôi. Họ thờ Thiên Hậu (thấy dấu vết ở Việt Nam) thần cá và thần rồng (…) 

Không có xác nhận trong sử kí triều đại để chứng tỏ họ Trần là thuộc tộc Đản nhưng các bằng cớ dân tộc học dựa vào chứng liệu lịch sử và suy đoán ngay từ lời nói và sinh hoạt của họ lúc khởi đầu khiến ta nghĩ như thế, dù là có thể khiến nhiều người mang tính tự tôn phản đối. 

Trong các thần tích lưu giữ ở các đền thờ vùng tỉnh Thái Bình thì những người khởi đầu họ Trần đều mang tên các loài cá: Ông tổ đầu tiên (Trần) Kinh là cá Kình, Trần Hấp là cá Chắm/Trắm, Trần Lí là cá Chép (lí ngư) Trần Thừa là cá Dưa, Trần Liễu là cá Nheo, Trần Cảnh là cá (Lành) Canh. 

Khi Nhân Tông xác nhận “Nhà ta người Miền Dưới – người vùng sông biển” phải chăng đó là âm vang của tên tông tộc “Người Sinh (từ sông) Nước/Thuỷ Sinh Nhân” ? (…) Do tính cách di chuyển của tông tộc như thế nên bây giờ ta có thể hiểu tại sao sử quan phân vân về nguồn gốc Trần: Mân hay Quế Lâm (Quảng Tây) ? Có thể trên đường phát xuất từ đất Mân, họ đã ghé vào Quảng Tây một giai đoạn. Và trước khi đến Nam Định, họ cũng đã bám trụ trên vùng Quảng Yên, với chứng tích “Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên/An Bài, Yên Hưng, Yên Bang” là đất phong (1237) cho Trần Liễu để đền bù chuyện mất vợ. Trần đến đất Việt mà ở trên sông nước thì không phải va chạm với Lí đang nắm quyền trên đất liền. Như thế cũng có nghĩa là họ hành động độc lập, chia từng khu vực quyền lực với các toán sông nước khác”. 

* Tổ tiên họ Trần có phải người tộc Đản hay không ?

Sách An Nam chí lược chép: “Khúc Hạo chiếm cứ Giao Chỉ (…) Dương Đình Nghệ người châu Ái, tướng của Khúc Hạo (…) Ngô Quyền người châu Ái, nha tướng của Dương Đình Nghệ (…) Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, Giao Châu (…) Lê Hoàn người châu Ái (…) Lý Công Uẩn người Giao Châu (có kẻ bảo là người đất Mân, không đúng) có tài thao lược (…) Trần Thừa người Giao Chỉ, ngoại thích của nhà Lý”.

* Xem đoạn trích trong sách An Nam Chí lược của Lê Tắc thì chúng ta thấy rõ tác giả chép sử rất trung thực. Khúc Hạo không biết quê nên không chép. Đinh Bộ Lĩnh biết quê nên chép rõ là người động Hoa Lư thuộc Giao Châu. Lê Tắc biết rõ quê của Lý Công Uẩn nên chép người Giao Châu, khi có thông tin Lý Công Uẩn người đất Mân, tác giả khẳng định rằng không đúng. Lê Tắc sống cách thời điểm họ Trần dựng nghiệp khoảng 100 năm. Vậy thì hẳn những thông tin của Lê Tắc về nguồn gốc của nhà Trần không phải không có cơ sở. Lê Tắc là người học rộng, trong cuộc chiến tranh giữa nhà Nguyên và Đại Việt, Lê Tắc đầu hàng, chạy sang Trung Quốc và làm quan cho triều Nguyên.

Sách Toàn thư chép: “Ất Dậu [Thiệu Bảo] năm thứ 7 [1285] Tháng 2 ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu [Trần] Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh. Thổ hào Lạng Giang là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập kích ở trại Ma Lục. Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Điạ Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện tại đó”.

* Dù là chép với nhận thức thiên triều hay sự trung thực, thì nếu đúng có thông tin tổ tiên họ Trần người đất Mân (hoặc Quế Lâm) thì hẳn là Lê Tắc cũng ít nhất phải đề cập đến như trường hợp của Lý Công Uẩn. Nhưng như chúng ta thấy An Nam chí lược chép rất rõ Trần Thừa người Giao Chỉ. Nói cách khác, thì ít nhất là ở thời đại của Lê Tắc, chưa xuất hiện thông tin nguồn gốc Mân của tộc Trần. Tôi ngờ rằng thông tin họ Trần gốc người Mân chỉ xuất hiện gần thời điểm của sử gia Ngô Sĩ Liên.

Như thế nguồn gốc Mân của tộc Trần có thể tin được không ?

Sách Toàn thư chép: “Năm Ất Dậu [1225] mùa đông tháng 12, nhận thiền vị của Chiêu Hoàng, lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung (…) Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ 2 [1266] Mùa đông tháng 10 tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng, ở cung Phụ Thiên, phường Hạc Kiều phía bên tả. Hễ khi nước có việc lớn, thì ở trong đó xem xét, quyết định. Tôn mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu (có sách chép là Bảo Thánh Quốc mẫu) (…) Nhâm Thìn [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232] Mùa hạ tháng 6, ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý (…) Đinh Mão [Thiệu Long] năm thứ 10 [1267] Tháng 3, định ngọc diệp phái chính dòng họ vua của vương hầu, công chúa để phong ấm, gọi là “kim chi ngọc diệp”. Cháu 3 đời được phong tước hầu hay quận vương, cháu 4 đời được ban tước minh tự, cháu đời ban tước thượng phẩm. Tước phong theo ngũ phục đồ (…) Giáp Thìn [Hưng Long] năm thứ 12 [1304] Mùa thu tháng 7, xuống chiếu rằng các chữ huý về miếu hiệu, tên vua thì viết bớt nét. Tháng 8 cấm chữ huý miếu hiệu nhà Lý 8 chữ: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm viết bớt nét (…) Xuống chiếu cho phủ Tông chính soạn ngọc phả của họ vua”.

Sách Việt sử lược chép: “Kỷ Tỵ, Trị Bình Long Ứng thứ 5 [1209] Chốc lát thì Phạm Du cùng với em của hắn là bọn Kinh đều trong ngự đường đi ra, cầm bồ binh khí của vua giết Bỉnh Di và Phụ (…) Bọn Quách Bốc nghe Bỉnh Di chết bèn sai binh sĩ đột nhập vào Lương Thạch xứ (…) đón Vương tử Thẩm, Vương tử Sảm và mẹ là bà Nguyên phi Đàm thị với 2 người em gái đem về nhà của Đoàn thị ở Hải Ấp (…) Bọn Quách Bốc tôn Vương tử Thẩm lên làm vua. Lúc bấy giờ có lẽ gia thần của Vương tử Sảm là Lưu Thiện đi theo Nguyên Tổ”.

* Năm 1304 vua Trần Anh Tông cho soạn ngọc phả của họ vua, thật tiếc là sách sử không chép về nội dung của cuốn ngọc phả ấy. Nhưng cuốn ngọc phả ấy có thể truy ngược về mấy đời vua Trần ? Sách Toàn thư chép năm 1226 vua Thái Tông Trần Cảnh tôn cha là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng. Có miếu hiệu là Thái Tổ. Sách Việt sử lược chép Trần Lý (ông nội của Trần Thái Tông) là Nguyên Tổ. Rõ ràng là những sách sử khi truy xa nhất về danh của họ Trần cũng chỉ đến Trần Lý mà thôi. Thêm nữa, sách Việt sử lược chép năm 1059 tuyển chọn người ở trại Kinh Sư làm Hoàng nam, năm 1209 Phạm Du và Phạm Kinh đều trong ngự đường đi ra. Như thế thì sách Việt sử lược đâu có kỵ huý chữ Kinh. Trong khi theo như sách Toàn thư thì tổ đời thứ 5 của vua Trần Thái Tông có họ tên là Trần Kinh.
Bạch Hạc Thông Thánh quán chung ký viết: “Trước đây vào thời Thái Tông hoàng đế, vị vua thứ hai triều Trần, khoảng năm Bính Tý, trị nước thái bình, bốn phương theo giáo hoá. Lúc đó có đạo sĩ Hứa Tông Đạo, người lý Hải Đàn, hương Thái Bình, huyện Phúc Thanh, thuộc Phúc Châu, lộ Phúc Kiến, nước đại Tống, cùng người trong tông phái, cao hứng đáp thuyền đến nước Nam. 

Bấy giờ, con thứ sáu của Thái Tông hoàng đế là Chiêu Văn vương, nay làm Nhập nội kiểm hiệu thái uý bình chương sự, đô nguyên suý ở phủ lộ Thanh Hoá, được ban túi kim ngư, tước Thượng trụ quốc khai quốc vương, có lòng mộ đại đạo, tính thường coi trọng người Tống, nên đã lưu Tông Đạo ở môn tường, mong mở mang đạo giáo (…) Niên hiệu Đại Khánh đời vua thứ sáu triều Trần nuớc Việt. Hứa Tông Đạo kính cẩn ghi lại” [dẫn theo sách Thơ văn Lý Trần] 

* Hứa Tông Đạo nói rằng do cao hứng mà đáp thuyền xuống phương nam, có lẽ không phải, Tông Đạo cùng người trong tông phái xuống Đại Việt chắc là để lánh nạn khỏi quân Mông Cổ. Đạo sĩ họ Hứa người lộ Phúc Kiến. Nhưng khi xuống phương nam lại không thấy nhận cùng quê quán với họ Trần. Được Chiêu Văn vương giữ lại ở phủ vì Chiêu Văn vương trọng người Tống và mong muốn mở mang đạo giáo chứ không phải do cùng quê quán. Thêm nữa chi tiết Chiêu Văn vương trọng người Tống, rõ ràng là trong nhận thức của Chiêu Văn vương thì Chiêu Văn vương không cho mình là người Tống.

Từ những chứng cớ dẫn ở trên tôi xin mượn đoạn trích của tác giả Trần Quốc Vượng trong bài Về gốc gác nhà Trần để thay lời kết: “Sách Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (quyển V) kỷ nhà Trần có lẽ là sách đầu tiên chép về gốc gác họ Trần: “Đời trước của vua (Thái Tông – TQV) là người đất Mân (có người nói là Quế Lâm) có người tên là KINOE đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá (tôi nhấn mạnh – TQV). Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê”. Có lẽ không nên tin ngay vào tài liệu này. Ở cuốn Lý Thường Kiệt của GS Hoàng Xuân Hãn có công bố bức thư của tiến sĩ Từ Bá Tường (Trung Quốc – Tống) cũng nói vua Lý người đất Mân và trong triều đình Lý có nhiều người gốc Mân. Trong sách Việt Giang (tức Tây Giang – TQV) lưu vực nhân dân sử của GS Từ Tùng Thạch (nay ở Đại học Princeton Mỹ) GS Từ khi khảo sát về các dòng họ ở lưu vực sông này, có nhận xét rằng rất nhiều dòng họ gốc thổ dân (indigenom) nhưng do khuynh hướng tâm lý “Nam nhân Bắc hướng” họ cứ khai trong gia phả là gốc Hoa, gốc Bắc. Tôi cho rằng nhận xét của GS Từ rất có lý. Trong cuốn sách rất dày dặn, công phu của nhà Trung Quốc học người Pháp là Marcel Gernet có nhan đề Le Monde Chinois (Thế giới Trung Hoa) GS M.Gemrt đã đưa ra “gốc gác” của nhà Đường Trung Hoa (VII – X) là “Semi Turc” (nửa tuyến) mà dòng họ “Độc Cô” (đọc là Turco) là một ví dụ. Song khi lên ngôi Lý Uyên rồi Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) đã sai các sử nô viết lại lý lịch nhà mình là gốc từ Lý Đam – Lý Nhĩ – tức Lão Tử, nhà triết học vĩ đại của thời thượng cổ Trung Hoa”.

 

1 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 08:38 7 tháng 8, 2017

    Ngay như tiểu sử của ông Hồ Chí Minh mà còn nhiều tranh cãi về ngày tháng năm sinh , về tên tuổi ... Vậy nhà Trần cách đây gần 800 năm thì làm sao mà chính xác được ( chỉ cần tương đối chính xác thôi cũng khó ) , bởi những ghi chép truyền từ đời này sang đời khác không có ( nếu có thì rất ít mà chủ yếu do đời sau ghi lại ) . Lịch sử VN chỉ là phán đoán , suy diễn & truyền miệng nên yếu tố khách quan & khoa học không nhiều .

    Trả lờiXóa