Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

VĂN TẾ CÁC LIỆT SĨ LÀ SINH VIÊN KHOA VĂN ĐH SƯ PHẠM HN


KÍNH VIẾNG ANH LINH LIỆT SỸ SINH VIÊN
KHOA NGỮ VĂN ĐHSP HÀ NỘI

Tác giả: Phạm Việt Long

Lời dẫn của Lê Hữu Tỉnh:. Bài "Tế văn" do nhà giáo Phạm Việt Long (cựu chiến binh, cựu sinh viên khoa Ngữ văn, khóa 1969-1973) soạn và đọc trong "Lễ Tưởng niệm và Tri ân các Liệt sĩ là cán bộ, sinh viên khoa Ngữ văn đã hy sinh vì Tổ quốc" được tổ chức ngày 24/07/2017 vừa qua tại Trường ĐHSP Hà Nội. Tôi và nhiều người nghe mà không cầm được nước mắt.

Lời dẫn của Nguyễn Hữu Mão:
NÉN TÂM NHANG KÍNH DÂNG NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ

Hôm nay ngày 27/7/2017, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Từ trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam yêu nước, ai ai cũng bùi ngùi tưởng nhớ và biết ơn những chàng trai, cô gái đã dâng hiến tuổi thanh xuân trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để dân tộc ta mãi trường tồn… 


Riêng tôi, trong ngày này lại càng thương nhớ những người bạn sinh viên các trường đại học cùng thời đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận” vào những năm 1970, 1971, 1972 - thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất ở khắp hai miền Nam Bắc - đã mãi mãi không về, mãi mãi tuổi 20! Các anh đã hóa thân vào cỏ cây, sông núi, biển trời… của đất mẹ Việt Nam mà có lẽ nhiều nhất là ở vùng đất Quảng Trị. Đúng như những vần thơ của nhà báo Phạm Đình Lân - đồng nghiệp một thời của tôi ở Báo Phòng không - Không quân, đã được khắc trên đá đặt ở khu di tích chiến tranh thành cổ Quảng Trị:


“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”!


Và đặc biệt, mấy ngày nay tôi cứ đắm mình trong nỗi rưng rưng xúc động nhớ lại giây phút nghe anh Phạm Việt Long - CCB sinh viên Khoa Văn - đọc bài “Tế văn” do anh viết tại lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ sinh viên Sư phạm Văn khoa do Ban Chủ nhiệm Khoa phối hợp cùng Ban liên lạc Cựu sinh viên và Ban liên lạc CCB sinh viên Khoa Ngữ văn tổ chức ngày 24/7 vừa qua, với hai câu cuối đau đáu da diết:


“Nén tâm nhang chung một ý một tình, xin được kính dâng những linh hồn bất tử;
Dù ở đâu giữa không gian lộng gió, xin các anh về chứng giám nghĩa tình sâu…”!


KÍNH VIẾNG ANH LINH LIỆT SỸ SINH VIÊN
KHOA NGỮ VĂN ĐHSP HÀ NỘI


Tác giả: Phạm Việt Long
Hỡi ôi !

1. Vạn sự du du tang thương hồ hải, thế gian luôn thay đổi dẫu vô biên
Nhất phẩm nhân sinh trường cửu diên niên, như Hùng sơn trải ngàn muôn dặm gió

2. Bốn nghìn năm thành sao vàng cờ đỏ, kết hồn thiêng sông núi hóa thành văn
Muôn anh linh bất tử giữa lòng dân, hóa câu ca mẹ ru mùa thơ bé

Nhớ các anh xưa !

3. Vừa mới đôi mươi, nụ cười tươi trẻ, “hai cánh tay như đôi cánh bay lên’’
Cuộc sống mỉm cười, mộng đẹp thần tiên, trường đại học mở bao điều mơ ước

4. Hồn thơ trẻ nhập vào hồn đất nước, câu ca dao lơ lửng cánh cò bay
Khúc tráng ca thiên cổ vọng bên tai, mạch yêu thương trào tuôn trong huyết quản

5. Bốn biển năm châu ngọt ngào say đắm, khiến giảng đường mái lá hóa nên thơ
Nương chốn dân thôn bữa đói bữa no, cây đèn dầu lung linh miền mỹ cảm

6. Đời sinh viên ngập tràn muôn ánh sáng, nguồn văn chương lấp lánh ánh tinh quang
Dù trải qua không biết mấy gian nan, biết bao người đã hóa thành thi sĩ

7. và chắc chắn một hai ba năm nữa, tâm huyết này sẽ dẫn những hồn thơ
Tương lai xa xây đắp những cơ đồ, bao lớp trẻ nương tay thầy dìu dắt

Ai ngỡ đâu

8. Lửa chiến tranh trào tuôn ra đất Bắc, nóc giảng đường thành công sự tiền tiêu
Khúc quân hành thay khúc hát tình yêu, cả dân tộc lên đường đi đánh Mỹ

9. Chiến trường xa mở con đường thiên lý, triệu bàn chân đạp nát đá Trường sơn
Bao bà mẹ gạt nước mắt tiễn con, bao cô gái âm thầm lời hẹn ước

10. Những người lính thành chân dung Tổ quốc, dựng kỳ đài cho nhân loại lương tâm
Vui gì hơn là con của nhân dân, đẹp nào bằng cuộc đời nơi tiền tuyến

11. Đất mênh mông dù chân trời góc biển, thành quê hương máu thịt của muôn nhà
Còn nói chi đến nơi chốn gần xa , ai cũng muốn xả thân đền nợ nước

12. Khi sự nghiệp vào đỉnh cao chiến cuộc, vạn sinh viên Hà nội đã tòng chinh
Ngẩng đầu cao ca khúc hát quân hành, cắn ngón tay viết tâm thư bằng máu

13. Rời quê cha, xa mái trường yêu dấu,tập thơ tình nhét tận đáy ba lô
Lính Khoa Văn mang khao khát Tự do, trải nghĩa lớn hy sinh vì Độc lập

Cùng quân dân

14. Giăng lưới lửa phòng không trên đất Bắc, mở Điện biên quét sạch lũ giặc trời
B52 lả tả rụng tơi bời, lũ”thần sấm”,”con ma”...thành đồng nát

15. Chiều Hà nội vẫn xanh trong lộng ngát, bầy phi công lủi thủi chẳng dám trông
Dắt díu nhau bước từng bước phục tòng, chờ đến bữa nhận xuất cơm lao ngục

17. Đất phương Nam lại càng thêm náo nức, mừng chiến công lại nối tiếp chiến công
Những Đăc tô, Tân cảnh, Bản Đôn, những Khe sanh, Nam Lào, Đường 9...

18. Bọn giặc nước chìm trong cơn nguy biến, dù điên cuồng giãy giụa khắp muôn nơi
Mỹ cuốn cờ tếch về vạn trùng khơi, ngụy tan đàn dẫm lên nhau ‘’di tản’’

19. Thành Sài gòn lung linh ánh sáng, đón đoàn quân Giải phóng khải hoàn ca
Bắc Trung Nam vang khúc hát Tự do, 30 năm giang sơn về một mối

20. Chiến công vang dội
Bốn biển năm châu.

Nhưng than ôi

21. Ai có hay đâu ngày chiến thắng, không về ,bao chiến sỹ
Người ngã xuống muôn nẻo đường thiên lí, người hy sinh ngay trước phút thành công

22. Khắp nhân gian đã hội ngộ trùng phùng, bao người mẹ vẫn chiều hôm ngóng đợi
Núi đồi nào nơi miền xa biên giới, mảnh thân gầy tan tác dưới bom rơi

23. Dòng sông nào như Thạch hãn ngừng trôi, từng đại đội hằng đêm chìm sóng nước
Quảng trị đó máu loang từng vạt đất, thịt xương phơi mỗi viên đá lát đường

24. Sóng trào dâng nơi cửa bể chiều hôm, hay hồn thiêng thét gào niềm uất hận
Suối ngàn sâu đêm chia tay ra trận, bóng hình nào theo được đến hư vô

25. Tuổi hai mươi trong trắng nụ hôn đầu, gửi quân bưu qua trang thư viết vội
Linh hồn thiêng tháng ngày không có tuổi, Văn khoa ơi còn ai đứng chờ nhau

26. Giữa thinh không ngân một tiếng đàn bầu, đưa khao khát trả về miền khao khát
Chẳng còn chi dù một niềm mộng ước, trang sách nào phác họa được chân dung

Nhưng thôi thôi

27. Đã dấn thân bước vào cuộc trường chinh, ai chẳng biết sẽ có ngày xanh cỏ
Sống quên mình vì niềm tin cao cả, nguyện hy sinh cho Độc lập - Tự do

28. Có chi đâu khi ngã xuống dưới cờ, đem cuộc sống xây tượng đài Thống nhất
Chẳng toan tính \những gì còn gì mất, khi quê hương đã sạch bóng xâm lăng

29. Dù âm dương từ ấy rẽ đôi đường, ta vẫn đứng trong đoàn quân Hộ quốc
Cho VIỆT NAM muôn muôn năm đất nước, cho mẹ cha, anh chị...sống bình yên

30. Cho nhân dân trên khắp cả ba miền, được vui sướng vẹn toàn xây hạnh phúc
Cho Văn khoa giảng đường luôn náo nức để sinh viên nuôi lớn mộng văn chương

31. Tuổi 20 vĩnh cửu giữa vô thường, ta vẫn đứng giữa lòng người thương nhớ
Ta vẫn đứng dưới sao vàng cờ đỏ, với nụ cười tươi trẻ mãi muôn năm

Hỡi các anh hùng liệt sỹ Khoa Văn

32. Hôm nay đây mời anh về dự hội
Dù biển khơi xa, núi rừng, đồng nội, xin bàn tay đồng đội nắm bàn tay

33. Chốn linh thiêng Phật giá ngự trên đài, ta cùng dâng một khát khao bỏng cháy
Ta cầu mong cho quê hương mãi mãi được an vui không khói lửa chiến tranh

34. Cho tuối 20 không đứt mộng văn chương, Trường Sư phạm sinh thành nhiều thầy giỏi
Cho Văn Khoa khơi truyền niềm hứng khởi, mở đàn văn muôn ánh sáng lung linh

35. Nén tâm nhang chung một ý một tình, xin được kính dâng những linh hồn bất tử
Dù ở đâu giữa không gian lộng gió, xin các anh về chứng dám nghĩa tình sâu.

THƯỢNG HƯỞNG!


Phạm Việt Long
(Đọc tại Lễ tưởng niệm Liệt sỹ sinh viên khoa Ngữ Văn ngày 24 tháng 07 năm 2017) 




4 nhận xét :

  1. Gia đình mình cũng có mấy liệt sĩ, thương binh chống Mỹ. Xót thương lắm, nhớ nhung lắm. Nhưng mấy năm nay bỗng tự nhiên chạnh lòng vương vất nghĩ tới những người lính phía bên kia cũng chôn chung nấm mồ Thành Cổ bên người thân chẳng được nhớ nhung như người thân của mình, cứ nao nao vương vất nỗi niềm không tả. Ôi dòng máu Lạc Hồng... Mà đâu họ không có dòng máu Lạc Hồng...

    Trả lờiXóa
  2. Bác Phạm Việt Long viết bài văn tế trên văn chương chau chuốt rất đẹp, rất hay. Tuy vậy, bác Phạm Việt Long vẫn còn theo lối xưa nên bài văn có tính ước lệ mà thiếu tính hiện thực, chẳng hạn như;

    "30. Cho nhân dân trên khắp cả ba miền, được vui sướng vẹn toàn xây hạnh phúc "
    (bác Phạm Việt Long)

    Thật ra, nhân dân ba miền tràn ngập dân oan, bị cướp đất, dân đứng lên đòi đất thì bị đánh đập, tù đày.
    Và nếu có linh thiêng, các anh hùng liệt sĩ chắc hẳn rất đau lòng khi rừng đầu nguồn, khi Fomosa còn sừng sững nơi quê nhà, khi biển đảo bị chiếm, ngư dân không dám đi đánh cá trên biển quê nhà. Vì thế anh hùng liệt sĩ đâu có vui về dự hội:
    "32. Hôm nay đây mời anh về dự hội
    Dù biển khơi xa, núi rừng, đồng nội, xin bàn tay đồng đội nắm bàn tay."
    (bác Phạm Việt Long)
    Đất mẹ còn lắm gian nguy!

    Trả lờiXóa
  3. VTV 12 giờ thấy bác Trọng đọc diễn văn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với lời văn đẹp vô cùng, bác Trọng tỏ lòng kính trọng và đời đời tri ân các anh hùng liệt sĩ, bài diễn văn thật hay, thật cảm động.
    Thế nhưng tại sao ngày ấy bác Trọng không viết thư tình nguyện ra tiền tuyế nhỉ???

    Trả lờiXóa
  4. Trân trọng tình cảm của bác Long với đồng môn đồng đội... Tuy nhiên cần lưu ý: bài Tế văn khác với Điếu văn. "Điếu văn" đọc khi làm tang lễ. "Tế văn" làm khi tưởng niệm về sau,ví như đám giỗ, nên cần có không khí nhịp thở thời đại, tức phải đứng trên đất nước này năm 2017 mà cảm nghĩ. Thể văn, khí văn theo truyền thống, nhưng cảm nghĩ thì phải chân thực (trên cơ sở hiện thực của đất nước). Văn xáo như này thì cuốc sư Vũ Khiêu phải gọi bằng cụ, hậu sinh khả uý.

    Trả lờiXóa