Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Luân Lê: CẦN PHẢI CẢI BIẾN CON NGƯỜI


Luân Lê
04.06.2017

CẦN PHẢI CẢI BIẾN CON NGƯỜI

Thứ nhất, một xã hội man rợ và bạo lực ngay cả trong các nếp sinh hoạt văn hóa. Như chém lợn, chọi trâu hoặc đập đầu trâu đến chết một cách công khai trước bàn dân thiên hạ, từ người già tới trẻ em, từ đàn ông tới phụ nữ, họ hò hét và sảng khoái với những lễ hội rợn người này. Chứng kiến những cảnh tượng họ chém thẳng đầu lợn tứa máu, dùng búa tạ đập đầu trâu, đặt cược những cặp trâu chọi nhau trong những lễ hội, nhìn mà thấy rùng mình kinh sợ. Những đứa trẻ chứng kiến những cảnh đó lớn lên bằng những hình tượng kinh hoàng ấy sẽ trở nên như thế nào sau này?


Đó là nét văn hóa mà họ bênh vực và muốn bảo tồn, còn coi đó là đặc sắc vùng miền hoặc những lễ hội mang bản sắc riêng. Thật lạ lùng và quái dị khi coi những hành vi chém giết động vật một cách dã man thì được coi là văn hóa và cần được duy trì trong đời sống xã hội. Ở một số quốc gia như Úc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc mà người dân hành hạ động vật là có thể lĩnh án tù, thậm chí rất nặng. Bởi nó là hành vi thể hiện tính bạo lực và tiềm ẩn sự nguy hiểm tiềm tàng đối với con người. Bởi thế luật pháp các quốc gia này trừng trị những hành vi hành hạ hoặc ngược đãi động vật một cách rất nghiêm khắc.

Thứ hai, việc Uber và Grab xuất hiện trên thị trường đã giúp người dân được hưởng lợi vô cùng lớn về chi phí và sự tiện lợi, nhưng ngược đời thay nó lại bị hạn chế và cấm hoạt động ở một số nơi để "đảm bảo các hãng taxi truyền thống", điều đó cho thấy nhận thức lệch lạc và sự cố thủ nhằm kìm hãm đất nước phát triển, ngăn chặn cạnh tranh lành mạnh từ chính các cơ quan quản lý. Nếu theo pháp luật thì hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường sẽ phải bị xử lý nghiêm vì nó gây ra hậu quả vô cùng xấu cho sự phát triển của thị trường. Nó giết chết sự sáng tạo và mục đích của phát triển kinh tế. Việc hạn chế sự phát triển đó nó thể hiện một là tầm nhìn của người quản lý là hạn hẹp, hoặc là có lợi ích nhóm chi phối để nhằm thu lợi từ các hãng taxi truyền thống. Nhưng tất cả những điều đó nó thể hiện để chứng minh một điều rằng, đó là những hành vi cố tình không để cho đất nước phát triển và kìm hãm con người sáng tạo, ngăn cản tự do kinh doanh, can thiệp thô bạo vào sự vận hành tất yếu của thị trường.

Thứ ba, việc một số quan chức lộ ra hàng loạt biệt thự nguy nga ở nhiều tỉnh thành, một số cán bộ, lãnh đạo tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ trà lan, một số lạm dụng quyền hạn để làm ăn nhằm kiếm lời cho thấy đất nước đang lâm vào rất nhiều tệ trạng mà chủ yếu xuất phát từ phía những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước. Và nó gây ra sự hoạt động lệch lạc không chỉ trong vị trí chức vụ của họ mà họ còn chi phối và làm biến đổi các hoạt động liên quan trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế ngoài xã hội chỉ để đạt mục đích vun vén và thâu tóm lợi ích vào tay mình. Vậy điều gì kiểm soát nó hay lại chỉ phát hiện rồi kỷ luật về mặt đảng, thuyên chuyển công tác? Và cơ chế nào để có thể kiểm soát mà không cho tình trạng lạm dụng, lộng quyền và tham nhũng đó tiếp tục hoành hành và tàn phá đất nước? Việc này dẫn đến việc phải tìm một cơ chế để kiểm soát quyền lực, hai là phải tuyệt đối nghiêm cấm mọi cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước đi làm ăn kinh tế.

Thứ tư, luật pháp ban hành ra ngày càng thấy siết chặt lại đối với hoạt động của giới luật sư. Hết việc buộc luật sư phải tố giác thân chủ với một loạt các loại tội phạm. Nay chính phủ lại đang soạn thảo một nghị định mới (sửa đổi NĐ 123/2013/NĐ-CP) với nội dung coi điều kiện về mặt tư tưởng và nhận thức chính trị là một điều kiện để hành nghề, chưa bàn đến điều kiện về mặt đạo đức mơ hồ cũng là một loại điều kiện để trở thành luật sư, thì việc buộc luật sư phải có nhận thức chính trị và tư tưởng đúng đắn là một quy phạm vi hiến rất rõ ràng. Bởi lẽ, luật sư chỉ có nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, luật sư, với cả vai trò công dân, có trách nhiệm giám sát nhà nước, kiến nghị lập pháp để tham gia vào việc kiến tạo, soạn thảo và ban hành luật pháp, có trách nhiệm phải đấu tranh chống tiêu cực, và vì thế ngay cả Hiến pháp và pháp luật luật sư không chỉ có nghĩa vụ tuân thủ mà còn có nghĩa vụ cải biến nó. Thế thì làm sao có thể bắt buộc một luật sư phải đảm bảo về mặt tư tưởng và đủ nhận thức chính trị một cách áp đặt và mơ hồ như thế? Không có điều kiện về mặt tư tưởng và nhận thức chính trị nào được coi là một điều kiện để trở thành một luật sư, vì như thế là nó đang vi phạm vào quyền tự do tư tưởng, quyền tự do mưu cầu về tinh thần. Nó rõ ràng là một nhận thức và quy định vi hiến nghiêm trọng. Điều kiện đó buộc lòng phải bãi bỏ.

Nếu con người không thể thay đổi nhận thức thì đất nước sẽ mãi thụt lùi và ngày càng bị bỏ lại trong cấp số nhân về hệ số lỗi thời so với nhân loại và thế giới.

2 nhận xét :

  1. Một tư tưởng chủ đạo đang bao trùm lên XH là tính Đảng trong mọi lãnh vực kinh tế, nhất là chính trị . Mọi hoạt động không có tính Đảng đều bị kềm hãm lại, có khi bị cấm luôn . Ngay cả một bản nhạc, một bài thơ cũng phải có tính Đảng ! Báo đài cả nước do BTG TW chỉ đạo luôn nhấn mạnh đến sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lãnh vực . Chỗ nào yếu phải làm cho nó mạnh lên . Bây giờ thì hâu như mọi ngõ ngách XH đều có Đảng ! Cho nên con người VN hiện đại là con người càng mang tính đảng nhiều càng tốt bấy nhiêu !

    Trả lờiXóa
  2. Không chỉ luật sư mà mọi thành tố trong xã hội để cùng tồn tại thì phải tuân thủ các điều khoản của hợp đồng, của khế ước xã hội mà cụ thể là hiến pháp, và đảng cũng không là một ngoại lệ. Vì thế muốn xã hội ổn định, mọi người dân đều được quyền mưu cầu hạnh phúc thì không nên kiểm soát tư tưởng người khác, vì kiểm soát tư tưởng người khác là hành vi vi phạm khế ước xã hội, vi phạm hiến pháp rồi! Mà có muốn kiểm soát cũng không được! Nói thế cho nó vuông!

    Trả lờiXóa