Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

21.6.2017: TỰ SỰ NHÀ BÁO KIM XUYẾN

 Nhà báo Kim Xuyến, Báo Đại biểu Nhân dân. Ảnh: FB Kim Xuyến


TỰ SỰ NHÀ BÁO KIM XUYẾN
(Nhân ngày báo chí kách mệnh 21/06/2017)

Nhà với chả nước, chán mớ đời. Bác nào hiểu luật vào giải đáp thắc mắc giúp em xem em đúng hay là sai. Vì khoản luật em cũng ú ớ mù mờ.

Đầu tiên về cái hợp đồng lao động của em. Chắc chả ai như em, làm ở 1 cơ quan gần 2 năm rồi mà lại đi ký đến 4 cái hợp đồng thử việc. Cái ảnh là cái hợp đồng mới nhất của mình, lại tiếp tục 6 tháng tới tháng 9 năm nay mới hết hạn. Chuyện kể từ đầu là như này. Em vào làm từ tháng 8 năm 2015, lúc đó là 3 tháng thử việc không lương, không hợp đồng gì cả. 3 tháng đó tích cực làm việc, sau 3 tháng được ký cho cái hợp đồng thử việc 3 tháng, tức là lần trước thử chơi, lần này thử thật, hợp đồng 3 tháng đó là thử việc không lương tiếp. Nên nếu không có bố mẹ em tương trợ và em làm thêm ngoài, chắc em hít không khí qua ngày cho vui 😊


Sau 2 cái lần 3 tháng, mình được lãnh đạo báo gọi lên ký cái hợp đồng 6 tháng ( đương nhiên lại tiếp tục là hợp đồng ngắn hạn thử việc). Những tưởng lên đời được tí, hóa ra cái gọi là hợp đồng thử việc 6 tháng đó chả có cái gì, ngoài cái khoản khoán lương 1tr150k. Cái tối thiểu và căn bản nhất của người lao động là được đóng bảo hiểm xã hội cũng chả có, đến bây giờ , tới mấy cái hợp đồng trong hơn 2 năm làm việc, mình còn kém cả một nhân viên bán hàng ở các cửa hàng như thế giới di động, ít ra, các bạn nhân viên đó còn có bảo hiểm xã hội, còn mình thì chả có vẹo gì cả.

Nhưng mình với niềm tin sâu sắc của một người trẻ tuổi và chịu khó, mình quan điểm rằng bây giờ chưa phải thời điểm để nghĩ đến lương, cái mình cần là kinh nghiệm, một môi trường để học tập. Vậy nên mình bỏ qua các vấn đề lương lâu, chế độ tối thiểu của một người lao động căn bản mà ra sức cày cấy làm việc. Cả cũng một phần còn có khoản nhuận bút, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hồi đó mình chăm cày cấy, tháng cũng được 3-4 triệu nhuận bút, lương cả thảy cũng được tầm 4-5tr, đủ tiêu cuộc sống đơn độc một mình.

Ở môi trường này, mình phải học lại toàn bộ. Viết những bài viết liên quan chính sách, pháp luật, nghị viện, mình như con gà mờ vướng vào bụi rậm, tìm mãi chẳng thấy lối ra. Ngày ngày cố gắng đọc thật nhiều tài liệu cho hiểu luật. Những bài viết ban đầu cứ đưa rồi bị trả về, không trả về thì cũng gạch xóa gần hết trang, nhưng mình vẫn tự nhủ phải cố gắng học tập hơn trong 6 tháng thử việc tiếp theo đó. Những tưởng trời không phụ lòng người, mình cố gắng, chăm chỉ làm việc, có những tác phẩm được ghi nhận, nhưng cái kết mình nhận lại được đó chỉ là 2 cái hợp đồng 6 tháng thử việc tiếp theo. Lúc này mọi chuyện không còn đơn giản như vậy nữa. Mình cảm thấy hình như hơi vô lý thì phải, đâu ai có thể thử việc tới tận 2 năm được, cũng đâu có được ký đến mấy cái hợp đồng ngắn hạn như vậy. Đọc luật để viết bài nhưng lại chả chịu đọc cho hết Bộ luật lao động để tự bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng tâm lý là ở đây ai cũng thế, ai có “khác biệt” thì được lên dài hạn, vô thời hạn, còn “không làm gì” thì chỉ thế thôi, nên mình lại chọn lựa lặng im vì mình là con ù lì, mình không chịu làm gì cả. Mình cũng chả có ý kiến hay thắc mắc gì về cái bất hợp lý trong việc ký đến 5 cái ngắn hạn, vì có thì cũng chỉ là con kiến đi kiện củ khoai. Mình sợ nói ra, sẽ bị nhắc nhở, để ý, một đồn 10, 10 đồn 100, không làm ở đơn vị này cũng khó có thể được làm ở đơn vị báo chí khác.

Vì thế, mình lại chọn một giải pháp im lặng, một giải pháp chẳng thông minh tí nào, vì cũng chẳng còn cách nào khác. Với mức lương khoán 1tr210k, lúc này, nhuận bút của mình lại được cắt giảm với đủ lý do. Một bài viết cho các đơn vị báo in bình thường sẽ được trả 500-1tr/bài, tin thì được 100-200k tùy bài. Còn mình làm tin video, cả viết, cả đọc cùng với anh quay phim vừa quay vừa dựng, ekip hai người làm 1 tin video được cả thảy 100k, tức là chia ra mỗi anh em được 50k cho một tin. Còn phóng sự thì dù đi tỉnh mỗi bài phóng sự của cả ekip cũng chỉ được 250k, bài nào xôm tụ cho 500k là tối đa. Đương nhiên vì là tin video trên báo điện tử, giá sẽ thể tính như đơn vị truyền hình, nhưng ít ra cũng mong được giá tin, bài đúng với công sức được bỏ ra thì tốt biết mấy. Thành ra cả tháng cày cấy đến mấy, cuối tháng nhuận bút cũng chỉ còn lẹt đẹt 1-2tr. Thế là cả lương và nhuận bút của mình chỉ còn có 3tr, thôi thì cũng đủ tiêu qua ngày. Nhưng khổ nỗi, đã hơn 1 năm nay, lúc nào nhuận bút cũng chậm, lần chậm ít thì 3 tháng, còn chậm nhiều là nửa năm. Trước anh em phóng viên còn hỏi là bao giờ có nhuận bút, bây giờ, cũng chán chả ai buồn hỏi nữa. Nhưng bài viết lại luôn yêu cầu, đỏi hỏi cao, trong khi phóng viên cũng là người, đâu thể uống nước lọc và hít khí trời qua ngày. Nhưng than thì cứ chỉ biết than với nhau, cũng chả ai dám kêu với người cần kêu một câu. Đến bây giờ nhuận bút cũng đang dừng lại ở tháng 3, trong khi đó, bây giờ đã gần hết tháng 6 rồi, ahihi.

Nay công việc càng ngày càng nhiều,lương thì ít, nhuận bút cũng chả thấy đâu,mình lại bầu bí mệt mỏi, dễ bị sinh tâm lý lười, oải, chỉ làm đúng phần việc được giao, cũng lười biếng việc cày cấy. Trời vào hè nắng nóng, mình quyết định nghỉ việc. Người ngoài cứ hỏi “Sao đang làm chỗ tốt thế lại nghỉ” , “Người ta vào không được mình lại muốn ra”. Mình chỉ cười và cười, vì không muốn nói chuyện không hay của chính mình hay của ai. Hôm nay nhân lúc viết đơn xin nghỉ làm theo điểm e khoản 1 điều 37 Bộ Luật Lao động 2012 thì tiện viết lý do lên đây luôn cho mọi người đỡ thắc mắc. Còn bảo hiểm xã hội thì may quá, em tự đóng ngoài từ tháng 1 năm 2017, cho nên mấy tháng tới em đẻ, may ra còn có tiền thai sản với chế độ thai sản. Chứ không chắc em nghỉ thai sản cũng chả được hưởng chế độ thai sản như một nữ lao động bình thường. hiu hiu.

Còn ý định tương lai thì thôi cứ sinh con xong rồi tính tiếp, nước đến đâu bắc cầu đến đấy, trời không tiệt đường sống của mẹ con em đâu. Em đã sống với mức lương 1tr210k suốt 2 năm được thì bây giờ chả có lương cũng sẽ lay lắt mà sống được, không được thì bố mẹ em cũng bảo rồi : “Tao nuôi mày 20 năm rồi, nuôi thêm mẹ con nhà mày 20 năm nữa cũng chả ngại.”😊.

.


  

12 nhận xét :

  1. Tốt nhất là em đi bán trà đá vỉa hè, vừa có thu nhập khá hơn (bà cụ gần nhà mình mỗi tháng kiếm dư chục triệu, vừa thu thập được nhiều thông tin sốt dẻo, tối về vừa cho con bú vừa làm báo chí cách mạng em ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Báo chí quốc doanh là vậy . Người tử tế vào đây rồi cũng hỏng

    Trả lờiXóa
  3. Quá đểu, trên thế giớ có ở đâu như vậy không.

    Trả lờiXóa
  4. BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN - HA HA HA!

    Trả lờiXóa
  5. Tôi rất cảm thương tâm sự của KIM XUYẾN- nữ nhà báo trẻ vào nghề nghiệp cao cả mà chua chát quá. Tôi cũng từng là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, chán quá nên đã gửi thư rút tên vài năm trước rồi... (tái bút: tôi xin góp ý cái tựa bài "Tự sự nhà báo Kim Xuyến". Chính xác nhất là "tâm sự", không hiểu tại sao bây giờ có phong trào nói "tự sự" rất nhầm lẫn. TỰ SỰ là một phương thức cơ bản của văn học nghệ thuật, nhà văn nghệ sĩ trình bày cuộc sống như nó vốn diễn ra (như tự nhiên diễn ra vậy). Như thể loại truyện cố tích, tiểu thuyết, kịch, phim truyện.v.v... mặc dù văn nghệ sĩ "nhúng tay" vào nhưng cố gắng không để "lộ liễu", hàm ý rằng câu chuyện diễn ra trung thực như nó "tự nhiên" diễn ra (TỰ SỰ: sự việc tự nhiên diễn ra). "Tâm sự" đã hàm ý "tự" tác giả nói ra, chứ có ai lại "tâm sự" giùm mình. Phương thức "tự sự" tương phản khác biệt với phương thức "trữ tình", thừa nhận rằng tác giả (chủ yếu là nhà thơ) nói ra tâm tình của mình trước cuộc sống. Phương thức trữ tình bao gồm thi ca, tuỳ bút, âm nhạc.v.v... Bạn đọc không tin cứ hỏi GS Trần Đình Sử nhá.

    Trả lờiXóa
  6. NHÀ BÁO KIM XUYẾN ĐẸP QUÁ.

    Trả lờiXóa
  7. Chọn báo chí thành báo hại ! Có sắc , có tài sợ gì thất nghiệp !

    Trả lờiXóa
  8. Dễ ợt! Nhà báo Kim Xuyến cứ thấy đồng nghiệp mình xe nọ pháo kia, quần là áo lượt mà họ cũng làm báo đấy thôi! Vậy thì phải làm gì để giầu nhờ viết báo? _ Dễ ợt! chịu khó cầm bút mà đâm chém nhiều vào là giầu thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vấn đề là "đâm chém" ai? (ý bạn muốn nói đấm chém người hiền phải không ?)

      Nếu làm như cụ Đồ Chiểu dạy "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" thì nhà báo lại đi tù sớm ấy chứ. Nhà báo chân chính khó lắm. .

      Xóa
  9. Nhà báo muốn giầu thì phải đâm thuê chém mướn!

    Trả lờiXóa
  10. Tờ báo của Quốc Hội lại cố tình làm sai luật. Khốn nạn!

    Trả lờiXóa
  11. Cũng là phụ nữ, nhưng Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa đã tiến bộ vượt bậc mà lại quá giầu có nữa. Thế mà cháu Xuyến Bác trông không đến nỗi nào mà lận đận thế, khổ thân cháu quá, làm không đủ ăn mà vẫn làm thì lý tưởng phụng sự của cháu mạnh mẽ nhỉ, nhưng bác nghĩ, có học hành tử tế nhưng cũng chả để làm gì.

    Trả lờiXóa