Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

GS. Trần Đình Sử: BÀN THÊM VỀ TỪ "THẤU CẢM" TRONG ĐỀ THI VĂN

GS. TS Ngữ văn Trần Đình Sử. Ảnh: FB Trần Đình Sử.

Trần Đình Sử
27.06.2017

BÀN THÊM VỀ TỪ THẤU CẢM TRONG ĐỀ THI 
MÔN VĂN 2017

1.Trong đề thi môn Ngữ văn Quốc gia năm 2017 xuất hiện một từ không có trong từ điển tiếng Việt (2004), nhưng đã có trong từ điển đó trong bản in từ năm 2011, 2015 tại trang 1457và được giải thích là “thấu hiểu và cảm thông, một cách sâu sắc.”. Cách giải thích của nhà từ điển giống như là cách giải thích bằng chiết tự theo lối dân gian, có vẻ không đáng tin cậy. Cách giải thích đó không dựa vào lịch sử tiếng Việt. 

Theo Từ điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng, giải thích từ thấu là “Thấm sâu, chạm đến tận cùng”, (Tập 2, trang 1778), ví như câu “Xin chàng thấu hết tấm lòng tương tư” (Chinh phụ ngâm) hoặc “Tấm lòng đã thấu đến trời, Bán mình là hiếu cứu người là nhân” (Truyện Kiều). Như thế nếu xem thấu hiểu, thấu cảm là sự phát triển của từ “thấu” trong tiếng Việt thì khi giải thích từ thấu hiểu hay thấu cảm thì nên giải thích là hiểu (cảm) “đến tận cùng” đối tượng của nó. Cũng nên nói them việc chua them chữ Hán vè thấu hiểu và thấu cảm bằng chữ Hán(透 晓, 透 感) sẽ khiến người đọc hiểu là các từ ấy có gốc từ chữ Hán là không đúng. Trong các từ điển chữ Hán không có các từ đó. Chúng là từ thuần Việt được cấu tạo bằng từ tố Hán do người Việt tạo ra, đúng hơn là chữ Nôm, do người Việt tạo ra. Nhà làm từ điển nên biết phân biệt từ Hán gốc Hán, từ Hán gốc nhật, và từ Hán gốc Việt (Nôm và quốc ngữ).

2.Tôi không biết tác giả đoạn trích trong đề văn hiểu từ “thấu cảm” theo nghĩa nào, dịch từ tiếng nào ra tiếng Việt. Theo gợi ý của đáp án “Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ, là sự hiểu biết thấu đáo trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không sự phán xét” (Câu này có lỗi diễn đạt) thì đó là áp đặt cho học sinh phải hiểu theo tác giả một cách máy móc. Vậy là trong thấu cảm con người không có cái tôi nữa hay sao? Trong khi đó nếu dùng đúng theo tiêng Việt, trong trường hợp này nên dùng từ đồng cảm, thì trong đó vừa có mình, vừa có người khác, đúng hơn. Lại nữa, tại sao lại không có phán xét? Nếu có thì không thấu cảm hay sao? Rồi “thấu cảm” thì làm sao mà “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó” được? Muốn được thế thì phải tìm hiểu, điều tra dài ngày mới mong có kết quả được. Mà lúc đó thì phải gọi là “thấu hiểu”, chứ không phải chỉ “thấu cảm”! Đáp án lại đồng nhất thấu hiểu với thấu cảm, coi hai từ như đồng nghĩa. Trong khi đó tác giả xem “thấu cảm” là hoạt động xảy ra như trong chốc lát trực giác, thế là mâu thuẫn. Tôi cho rằng người làm đáp án đã bắt học sinh chấp nhận tuỳ tiện một khái niệm tù mù, trôi nổi, thiếu khoa học. 

Hiểu theo tiếng Việt như trên thì không nên xem thấu hiểu là “nhìn thế giới bằng con mắt của người khác” hay “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác” theo nghĩa của tiếng nước ngoài. Chỉ cần nói hiểu (cảm) chạm đến tận cùng đối tượng là đủ, không cần phải xảy ra trong chốc lát, không phán xét, , dùng con mắt của người khác…

3.Có người giải thích từ “thấu cảm” đây là dịch từ “empathy” trong tiếng Anh, là một thuật ngữ trong tâm lí mĩ học. Từ Empathy trong tiếng Anh vừa là từ ngữ thong thường, vừa là thuật ngữ mĩ học. Tôi không quan tâm sự phân biệt Empathy và sympathy, đó là việc của người học Anh ngữ. Theo tôi biết thì về thuật ngữ mĩ học từ này vốn tiếng Đức là Einfuhlung, (bàn phím của tôi không có chữ u trên có hai dấu chấm, xin đọc có hai dấu chấm) do hai cha con người Đức là Theodore và Robert Vischer đặt ra để chỉ hiện tượng cảm nhận thẩm mĩ của con người đối với thế giới vô sinh, khi người ta cảm thấy cây cối, đồ vật, mây, gió cũng vật vả, quay cuồng, bay lượn, gầm thét giống như là thế giới hữu sinh. Một nhà tâm lí học thực chứng Mĩ dịch ra tiếng Anh là Empathy. Nghiã là khi quan sát thế giới bên ngoài, con người đặt mình vào cảnh huống của sự vật, xem các sự vật vốn không có sự sống xem như là có sự sống, làm như chúng cũng có cảm xúc, cảm giác, tình cảm như con người. Đây là điều rất nguyên thuỷ và đã thể hiện rất nhiều trong các ẩn dụ, không có gì mới lạ. Thực chất của nó là suy bụng ta ra bụng người. Nhưng nó là khái niệm quan trọng để giải thích cơ chế cảm thụ thẩm mĩ, khi ta đứng trước một phong cảnh, một kiến trúc hay bức tượng. Dịch từ Empathy này như thế nào? Nhà mĩ học Trung Quốc là Chu Quang Tiềm dịch thành tiếng Trung là “Di tình”, nghĩa là đem chuyển cái tình cảm của con người cho sự vật mà nó quan sát. Ông Chu cũng gợi ý có thể dịch thành “nhập cảm”, hoặc “cảm nhập”, “ngoại xạ” (tức là bắn ra ngoài), hoặc “cảm ngộ”, (Ở Việt Nam ông Phương Lựu lúc đầu dịch là di tình, sau lại dịch là chuyển cảm), tất cả đều không ra ngoài phạm vi ý niệm đem cảm xúc của con người mà gán (chuyển) cho sự vật vô sinh. Như thế Empathy không thể dịch thành đồng cảm được, bởi như thế thì đối tượng cũng phải là vật hữu sinh. Trong trường hợp tác giả nói đây nó không phải là Empathy, mà chỉ là đồng cảm. Trong bài lại không nói gì về quan hệ giữa người và sự vật vô sinh, cho nên dùng từ thấu cảm (Empathy) vào đây không đúng ngữ cảnh. Theo tôi đúng nhất vẫn là từ Đồng cảm. Nhưng người ta cứ muốn mới lạ cho nên sinh sự. 

Tóm lại trong trường hợp đề thi ngữ văn, hiểu theo tiếng Việt hay theo tiếng Anh, tiếng Đức đều không đúng. Cách hiểu của tác giả có mâu thuẫn. Xét về mặt sư phạm cũng không chuẩn.


 .

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét