Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Vinh Anh: ĐỂ NHỚ VIỆT PHƯƠNG VỚI NỖI NIỀM "BƠ VƠ ĐÔNG ĐẢO"




Đọc Việt Phương thời "Cửa Mở" với nỗi niềm
"Bơ vơ đông đảo"
 

Vinh Anh
Trưa nay mới biết tin anh Việt Phương mất. Tôi buồn vì tôi có những kỷ niệm với anh ấy, một người mình ngưỡng mộ của cái thời chỉ qua "những lời đồn thổi”.

Sau này có ông bạn cứ kéo tôi vào sinh hoạt ở một CLB thơ có Việt Phương tham gia, mới gặp gỡ và biết thêm về anh ấy.

Ngày anh ra mắt tập “Bơ vơ đông đảo”, tôi được phân công đọc một bài nhận xét. Thật liều mạng.



Đọc Việt Phương với tình cảm thời “Cửa mở” 
trong xu thế “Cửa đã mở” với tâm thức hay nỗi niềm “Bơ vơ đông đảo”

Việt Phương đã là một thương hiệu. Nếu như trên văn đàn ngày trước “Cửa mở”, Việt Phương chỉ hầu như được biết đến ở giới chính trị cấp cao, một lĩnh vực như bị thần thánh hoá, bị kiêng khem, không mấy ai động chạm. Sau khi có ‘Cửa mở”, bạn đọc biết và yêu mến ông qua “Cửa mở” cộng thêm một chút cao siêu của chất chính trị. “Cửa mở” được nhiều đón nhận hơn bởi tính phản biện khác thường của nó hồi bấy giờ.

Đọc Việt Phương, tôi cứ lẫn lộn và cứ nghi ngờ chính mình, đây là thơ thế sự hay văn chính luận, là thơ trữ tình hay tình yêu. Đôi khi, nghĩ Việt Phương là một chuyên gia cao cấp, tôi lại thấy như đó là một bài giảng hay buổi nói chuyện thời sự. Với ngồn ngộn những thông tin ở trong nước và trên thế giới, về cuộc sống và về tình yêu, về đất nước và con người và có thể còn về nhiều vấn đề khác nữa...

Một nét nổi là tôi thấy trong thơ Việt Phương có rất nhiều sự kiện, vô số các sự kiện. Thông tin trong Việt Phương đầy ắp, nỗi niềm đầy ắp và vì vậy, đòi hỏi sự sẻ chia. Với nỗi lòng như vậy, Việt Phương chắc cũng muốn được chia sẻ.

Nhưng tôi nghĩ về phương diện thông tin và nỗi lòng thì dù với “Cửa mở” hay “Cửa đã mở” hay có thể là “Cửa mở toang” chăng nữa, Việt Phương vẫn chưa chia sẻ hết nỗi niềm của mình, mà qua “Bơ vơ đông đảo”, tôi cảm nhận được điều đó, đã nói cho ta biết điều đó. Dù có muốn chia sẻ, Việt Phương cũng không chia sẻ được hết, cũng có thể, bởi vốn là một chính trị gia, VP không dám chia sẻ hết. Đó là sự cẩn trọng của một nhà chính trị. Tôi không thích nhưng tôi cũng không trách bởi cuộc đời mà Việt Phương được tiếp thu, dạy dỗ, rút ra các bài học cho mình, khác tôi.

Tôi nhớ cách đây gẩn 40 năm, “Cửa mở” là một hiện tượng trong sinh viên và trí thức. Thông điệp trong “Cửa mở” ngày đó của Việt Phương khác người, khác người nhiều lắm. Ý tôi muốn nói là cái giọng điệu ngày đó nó riêng, nó làm háo hức giới trí thức và những người vẫn nuôi trong mình ý muốn phản biện những cái hiện tại cũ kĩ và sao chép để hướng đến sự mới mẻ và tốt đẹp hơn. Đó có lẽ là tập thơ có tính phản biện đầu tiên được xuất bản và vì thế, nó đại diện cho cái mới. Thanh niên bao giờ chẳng háo hức cái mới và háo hức tìm đọc thơ Việt Phương là như vậy.

Tôi có một ý so sánh. Nếu Việt Phương viết “thơ làm chết người như bỡn/thơ làm sống người được chăng?”, thì với những câu “vịn câu thơ để sống”, “câu thơ thấp phận nâng cao hồn người” nó có ý nghĩa gì khác không nhỉ? Hình như nó cũng chỉ diễn đạt chung một cái gì cao quí của thơ, sự thiêng liêng của thơ. Thơ có thể làm chết người thì cũng có thể vịn vào nó nâng tâm hồn con người để sống, để tồn tại với cuộc đời khắc nghiệt

Và rồi tôi hiểu theo ý của riêng tôi, con người quá nhỏ nhoi so với cuộc sống bộn bề và cuộc đời rộng lớn. Tất nhiên với đối trọng như vậy, mấy ai làm gì nổi cuộc đời. Chính ở đây tôi thấy một Việt Phương đau đáu với nỗi đau của đời. Đau và phẫn nộ nữa là khác. “Có phải một vạn chín trăm ngày đánh giặc đã thành bèo bọt cả/những đầu người Pôn pốt đập ở Tây Ninh dù sao thì cũng vỡ tan rồi/những người lính trẻ ngã xuống ở Lạng Sơn không liên quan gì đến ngày hôm nay nữa/chỉ còn những lo toan ghế nhỏ ghế to xe cúp lên ôtô chung cư lên biệt thự trong cuộc đời bơ sữa mà thôi” hay “có sự trung thành dệt bằng phản phúc/có những vinh quang tràn đầy ô nhục” hay như “người cán bộ nửa đời chinh chiến lăn lộn đạn bom ấy sao mà nịnh bợ đê tiện/người thủ trưởng mấy chục năm tuổi Đảng ấy sao mà hèn hạ hống hách toan tính cưỡi đầu dân/ người lãnh đạo cao giọng thuyết lí công minh ấy sao mà ngập ngụa trong thủ đoạn gian hùng”... “Những quan chức xoen xoét vì dân xòen xoẹt khoét dân trắng trợn và phè phỡn vinh thăng/ những tên hãnh tiến lộng quyền lăm le biến bầu trời tư duy thành nghĩa địa/ những vị lão thành sáu mươi năm cách mạng sinh mai mỉa chán chường”... và nhiều nhiều nữa. Không biết tôi có đúng hay không, nhưng ở đây tôi thấy Việt Phương đã nói hộ cái phẫn uất, bực bội của tôi với những gì đang xảy ra ngay trong cuộc sống của chúng ta, càng ngày càng nặng nề. Rồi lại tự hỏi, Việt Phương nói hộ tôi hay nói cho chính mình. Những gì đã và đang xảy ra khác nhiều với những gì mong muốn và có phải vì vậy mà Việt Phương “Bơ vơ đông đảo”

            Bây giờ thơ nhiều vẻ lắm. Nhiều đến nỗi đọc lên không hiểu gì cả và được cho là cách tân. Tôi sợ người đời bảo tôi cũ, không cảm nhận hết cái sự mới. tôi không thích nghe đến hiện đại hay hậu hiện đại, siêu hình hay siêu tưởng. Những cái đó, chính ở gian phòng nhỏ bé bên cạnh đây, VP đã nói với chúng tôi. Và VP có kể, hình như ở bên Pháp, có câu thơ như thế này được đưa vào tuyển chọn của thơ hiện đại: ba la bo xi pha ti ma xi xô hay đại loại như thế. Vậy mà VP cũng làm tôi bực mình. Đọc VP phải suy nghĩ. Nhưng có phải vì VP muốn sẻ chia mà hình như lại không chia sẻ được cho nên VP làm người đọc phải suy nghĩ. Suy nghĩ từ cái đầu đề của tập thơ cho đến đầu đề của từng bài thơ. Tôi muốn tự tìm hiểu xem thế nào lại là “Bơ vơ đông đảo” mà chẳng thể hiểu, định hỏi các bậc đàn anh và bạn hữu, nhưng rồi lại nghĩ, liệu những giải thích đó mình nghe có được không, thôi thì cứ đọc và tự ngẫm. Có lẽ vậy hay hơn. Một câu thơ viết ra, tôi và anh hiểu khác nhau. Có vậy mới là “Ý tại ngôn ngoại”, có vậy mới là thơ chứ. Bắt người đọc phải suy nghĩ mới tài chứ. Nhưng cái tít của các bài thơ vẫn làm tôi khó hiểu, nghĩa là làm khổ người đọc. Thì vẫn biết phải chấp nhận. Có cả cuốn tiểu thuyết xuất bản ở ta viết liền tù tì một lèo, không chấm phảy, không xuống dòng đấy thôi. Mà kiểu đó bên Tây hình như cũng đã có. Họ đi trước mình thì phải.

Không phải trong “Bơ vơ đông đảo” các bài thơ đều ở dạng triết lí, nghiền ngẫm, đặc sệt lí luận hoặc là cái gì đó cao cao xa xa, khó với. Không phải chỉ nói về những phương trời xa Vác-xa-va, Bắc Kinh hay Mát-scơ-va gì đó, cũng không phải Châu Âu kì diệu hay Châu Mỹ nóng bỏng, ở đây cũng rất nhiều bài thơ dễ đọc nói về tình yêu, nói về con người, nói về Hà Nội, quê hương của Việt Phương. Tôi đọc và cảm thông thú vị với “Một mảnh Hồ Tây bé tí teo/ cũng mênh mông phiêu diêu ngút ngát/ một phố cổ tiêu điều xơ xác/ cũng nâng niu cây lạc cành xiêu...” Vậy là dám nhìn thật vào mình đấy chứ, có phải cái gì của ta cũng nhất đâu. Biết được như vậy, tôi nghĩ, đó là biết ta đang ở đâu, đừng làm ta mụ mị vì ta, đừng làm ta hoang tưởng vì ta. Đó chẳng là một phản biện rõ ràng với những ảo tưởng, căn bệnh dễ mắc của các bậc vĩ nhân đó sao?. Vừa qua, đài báo loan tin Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng thứ năm trên thế giới. Nghe mà buồn và chạnh lòng thế nào ấy. Lẽ nào người Việt Nam ta dễ thoả mãn với cuộc sống vậy ư?

Ở tuổi Việt Phương, người ta hay nghĩ đến cái sự thủ cựu, đến cái gì cũ kĩ. Người già thì còn mấy tương lai, chỉ có người trẻ mới nói đến tương lai. Nhưng người trẻ không có quá khứ còn người già thì có quá khứ. Người già nhìn về quá khứ và thấy rõ cái rất thật của cuộc đời. Đôi người lại còn mắc bệnh chỉ có mình đúng. Ông bảy mươi phải nghe ông bảy mốt là vậy. Nhưng Việt Phương thì biết “Có thêm cái tuổi để đè người/ bảy mươi tuổi đời oai vệ gớm/ cứ ngỡ trải phong trần ghê lắm/ chỉ là đang sắm vai hề thôi”. Hay là “Níu lấy hôm qua/ Đỏm dáng bên ngoài thành con rối/ làm duyên bên trong đến rẻ tiền”. Vậy thì ối người trẻ hôm nay già hơn VP. Tôi thấy đúng quá. Giá như ai cũng có con mắt thực như vậy. Đúng như Nguyễn Phan Hách “Công danh là thứ phù du ấy mà”. Và có lẽ vì công danh, cái thói hư đó, con người chúng ta, ai cũng mắc phải, vẫn muốn cứ níu kéo lấy nó, giành giật và giết nhau vì nó. Con người mới đáng thương làm sao! Và với Việt Phương hay với tất cả chúng ta, cũng đều cần biết “Cả đời miệt mài trong lí luận/ Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm” , “Bấy nhiêu lí luận bao nhiêu nước/ chảy dưới cầu kia để lại gì”.

Cuối cùng, tôi muốn tự hỏi tôi một chút về cái bài “Tuổi”. Việt Phương viết “Cuối một đời không thiếu gì tan vỡ...Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình/ có thấm gì với khổ đau của bao người thầm lặng.” Có thật vậy chăng, tôi không muốn hỏi Việt Phương, tôi sợ câu trả lời lại vạch ra sự trần trụi, cứ để vậy mà ngẫm mà nghĩ. Ngẫm nghĩ hay hơn là nói. Có lẽ đọc thơ của Việt Phương nên ngẫm và nghĩ.
Vinh Anh
26/7/2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét