Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Xuân Ba: THI SĨ VIỆT PHƯƠNG, TRÍCH NGANG VÀI CUỘC NÓI CHUYỆN

Nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Xuân Ba.

Thi sĩ Việt Phương, trích đoạn một tử tế 

Xuân Ba 

… Như nhiều người đã tường, sau cái kẹt của Cửa mở, nhà thơ Việt Phương vẫn yên ổn vô sự. Có thể là những cú hích  như là sự che chở thân ái của Hội văn bút khi ấy ( Cuộc hội thảo tại NXB Văn học ngày 12-11-1970) của ông Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng) của tướng Giáp và trên cả là động thái hơi bị bao dung của TBT Lê Duẩn. Phải thế chăng mà ông đã từng bộc bạch với tôi trong một lần gặp rằng tôi được che chở nhiều quá. Khối anh em viết còn thua thiệt nhiều lắm…

Đâm phân vân tợn khi ông không trả lời trực tiếp câu hỏi là vẫn yên ổn vô sự như thế sau cú kẹt của Cửa Mở mà ông vẫn xin chuyển công tác? Nhà thơ Việt Phương đã thư thả mà rằng nghệ thuật sống là phải biết chết cho đúng lúc!

Ông nói vậy nghĩa là sao nhỉ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng hơi ngạc nhiên trước quyết định chuyển công việc của người thư ký lâu năm “Phương làm gì?”. “Báo cáo Anh, xin được làm quản lý kinh tế”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận nguyện vọng đó của nhà thơ Việt Phương. Đến khi gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Tố Hữu thì nhận được lời khuyên “hay Việt Phương về chỗ mình hoặc đi thực tế một thời gian...”. Chỗ quen thân nên Việt Phương cười: “Thưa anh, nếu đi thực tế thì thiên hạ nghĩ tôi bị khuyết điểm này khác nên phải đi cải tạo. Anh cứ cho tôi đi làm quản lý kinh tế...”. Trước khi chuyển, Việt Phương còn cẩn thận gặp Cụ Đồng và thưa rằng, tạm thời sau 5 năm, Việt Phương sẽ không “phát biểu” không “lập ngôn” gì, vì sẽ có người nghĩ những kiến thức kinh nghiệm quản lý kinh tế Việt Phương bê từ Văn phòng Phủ Thủ tướng ra... Thủ tướng cười xòa “Việt Phương chả nên cẩn trọng đến như thế...”.

Nhưng chủ định của ông đã không thành hiện thực vì, chưa được một năm, Tổng Bí thư Lê Duẩn rút ông lên, vừa giúp việc cho Tổng Bí thư, vừa giúp việc cho anh Tô, anh Lê Thanh Nghị... Rồi sau này là các Thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt.

Lần gặp mùa hè năm 2002 ấy, ông đương là thành viên trong tổ công tác chính phủ giúp việc Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông còn dành thời gian làm việc ở Viện Kinh tế Trung ương, chỗ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Một người bạn từ thuở thiếu thời cười “Chắc mả tổ phát thế nào thì cậu mới suốt đời được hầu cấp trên như thế...”. Kể cũng lạ,  cứ như ông nói là chưa ngày nào được ngồi trên ghế một trường đại học nào?

Tôi cứ mang máng, hình như Việt Phương có một thứ bí quyết là ông biết cách làm việc với giới trí thức! 

Mà bí quyết ấy như một thứ phản xạ như máu thịt chứ chả phải tập tành hay thủ đoạn gì?

Chất giọng nhẩn nha, ông kể cho nghe một chuyện cũ cách vài chục năm. Ông Nguyễn Duy Trinh thay mặt Ban Bí thư ký giấy cho ông được quyền triệu những chuyên gia kinh tế để phục vụ cho chuyên đề Đổi mới quản lý kinh tế của Đảng. Ông lựa được 20 người (những vị này về sau hầu hết là Bộ trưởng, viện trưởng, trung ương ủy viên... nhưng khi đó họ còn rất trẻ).

Ông cho mỗi thành viên trong tổ tự đặt mình vào vị trí chủ trì đề tài đổi mới quản lý kinh tế trình trực tiếp cho Ban Bí thư chứ không qua việc báo cáo cho người khác tổng hợp! 

Với cách làm phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân, ông đã có trong tay cái cần có... Ông xếp hai mươi bản đề án trước ông Nguyễn Duy Trinh, xuýt xoa thế này “Về ngạch bậc, về lương họ kém tôi ba bốn bậc, nhưng cỡ tôi làm sao “với’’ được kiến thức, sự hiểu biết như họ”. 

Ông Nguyễn Duy Trinh đọc hết 20 đề án ấy và công nhận Việt Phương có lý. 

Tôi có cảm giác ông là người lạc quan. Cảm giác đó không chỉ dừng ở một vóc dáng khoẻ mạnh lanh lẹ và lối tư duy mạch lạc, đơn giản trong lý giải vấn đề nhưng hữu hiệu...

Những năm sáu mươi tuổi, ông đã bỏ công gặp gỡ chuyện trò với hơn một trăm người thuộc độ tuổi của ông nhưng ở các vị trí công tác công việc nghề nghiệp khác nhau để xem họ nhìn nhận lớp người ba mươi đến bốn mươi tuổi thế nào? 

Theo Việt Phương, đó là cuộc điều tra mini. Câu trả lời có tần số xuất hiện cao nhất đều cho rằng lớp người này có đặc điểm là thực dụng. Thực dụng, không nên hiểu theo nghĩa xấu mà là thiết thực, thực tế, không quan liêu, giáo điều... 

Viết đến đây nhớ thêm cảm nghĩ của chuyên gia Phạm Chi Lan về ông (Chị Phạm Chi Lan vốn cùng  Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ với nhà thơ Việt Phương).  Không rõ chuyên gia Phạm Chi Lan quen nhà thơ Việt Phương bao giờ nhưng lần đi công vụ ở Aiceland năm 2001, tôi được nhiều dịp hầu chuyện chị Phạm Chi Lan khi ấy đang công cán ở xứ người theo chức phận là yếu nhân của Phòng Thương Mại và Công nghiệp Viêt Nam. Mặc dù rất bận nhưng chị lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ đám ký giả những thông tin tư liệu cần thiết hay giải mã cùng giải tỏa những vấn đề khó nhằn nào đó) Chị đã ghi trong hồi ức thế này.

Cách ông (Việt Phương - XB) đối xử với những người xung quanh cũng nói lên điều đó. Là người uyên bác, có tên tuổi trong nhiều giới và quá trình làm việc ít ai sánh được, nhưng ông luôn khiêm nhường, dung dị, tôn trọng và lắng nghe tất cả những người cùng làm việc với ông. Với những người trẻ, ông thường khuyến khích họ kiên nhẫn học hành, nghiên cứu, động viên họ lên tiếng bầy tỏ ý kiến của mình, tranh luận với những người lớn tuổi hoặc có cương vị cao hơn. Ông thích thú khi có những ý kiến trái chiều và cực kỳ hào hứng khi nghe những ý tưởng sáng tạo, nhất là của người trẻ và những người không trong bộ máy nhà nước.

Ngay cả với những ý kiến mà ông hay một số người không đồng tình, ông cũng điềm tĩnh, rành rọt phân tích vì sao, chỗ nào chưa ổn, và nhẹ nhàng đề nghị mọi người cùng suy nghĩ thêm để có thể thảo luận lại. Với cách thức đó, ông thường là người giúp “hạ hỏa” không ít cuộc tranh luận nhiều khi nẩy lửa trong  Ban Nghiên cứu chúng tôi. 

Trở lại với vụ Việt Phương ngẫu nhiên bắt gặp thứ vàng ròng về kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh tế ấy, không  thể xót xa và lẩn thẩn nghĩ rằng, có một thời nền kinh tế đất nước đã và đang nằm trong tay những trí thức, chuyên gia ấy, thế mà đã để lỡ? Tin vào thế hệ trẻ, đặt niềm tin vào thế hệ kế tiếp nhưng làm thế nào để phát huy được nội lực này để trở thành sức mạnh vật chất để trở thành lực lượng sản xuất ? Ba mươi, hai mươi, rồi mươi năm trước đã thấy đã nhìn đã “sờ’’ thấy nội lực ấy rồi, mà đã để chuội đi, tuột đi những cơ hội vàng ấy? Tôi tin  một mình chuyên gia kinh tế Việt Phương chưa thể trả lời những câu hỏi đại loại như vậy?    

.. Vẫn đậm trong trí nhớ sự kiện nhà thơ Việt Phương trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN. Đó là ngày 5-2-2010, Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, trước Lễ trao giải thưởng HNV và Lễ kết nạp hội viên mới đã lộ ra cái tin hơi buồn là nhà thơ Việt Phương bị cảm đột ngột nên không có mặt trong lễ kết nạp hội viên mới được. 

Trước đó, trong một lần gặp vội, ông bình thản trước vẻ sốt ruột và tò mò của  với mấy tay ký giả  rằng tại sao đến thời điểm này nhà thơ Việt Phương mới xin vào Hội?

Tôi cũng biết thêm, cách thức, trình tự, thủ tục việc ông vào Hội nhà văn là đầy đủ là bắt buộc nhưng cũng đơn giản chóng vánh... Dường như cái chỗ cho Việt Phương hằng bao năm nay cứ để trống trong khi nhiều trăm dự ứng viên khác về mảng thơ cứ sắp hàng hết năm nay qua năm khác.  

Ngó qua những xếp hàng dài dặc cùng không ít những lỉnh kỉnh nhiêu khê ấy mới bừng ra cái giá của thương hiệu Việt Phương? Cái cách ông trả lời, có lẽ ông nói vậy thì biết vậy rằng người  anh trai của ông là nhà văn Từ Bích Hoàng, từng hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, có dặn khi nào em cảm thấy mình xứng đáng thì mới viết đơn vào Hội. Chính vì vậy, bây giờ ông mới cảm thấy mình xứng đáng, đủ tiêu chuẩn nên viết đơn vào Hội.

Cái cười hiền lành ấy của ông lão  82 tuổi buổi gặp ấy chợt thoáng ngay một thông điệp của cái cay  vị gừng già rằng, không phải ngôi Đền thiêng cụ thể nào mà thơ mới là vĩnh cửu. 

Không thể không bùng lên trong tâm trí cái lần ông bộc bạch như một thứ slogan của cuộc đời rằng Đời tôi nếu có phần nào hữu ích thì 80 phần trăm nhờ Thơ, còn 20 phần trăm là những gì còn lại. Chao ôi những gì còn lại? Các chức tước cùng những vinh thăng này khác của một thân phận công chức cao cấp?

Và phần còn lại là Thơ! Bẵng đi những vài chục năm sau Cửa Mở tưởng như không  có tập thơ nào kế tiếp. Nhưng hóa ra ông vẫn tiếp tục nối dài nối dai sự đam mê máu thịt ấy của mình... 
Đó là lần gặp năm xa ấy, thoáng trên bàn làm việc của ông mấy tập giấy A4 dày đóng bìa màu xanh, gáy lò xo đang ngỏ ra một cách trễ nải...  Chắc đây là thứ tài liệu gì quan trọng? 

Thấy tôi tò mò... ông cười “chả có gì, chỉ là thứ ghi chép nhì nhằng...”. “ Hồi ký?” - Thoáng nhanh ý nghĩ... Việt Phương mà có một cuốn hồi ký tày tặn như thế này thì phải biết! Nhưng ông  cười lắc đầu và “vần” tập giấy, đẩy nhẹ về phía tôi. 

Trang đầu tiên đã đóng bén một cái nhìn. Thơ. Thơ, trời ạ! Thơ Việt Phương và Việt Phương vẫn làm thơ! Dễ cả ngàn bài chứ không ít, bởi mỗi trang hầu như là một tứ tuyệt, có một số bài tràn ra hai ba trang nhưng nhiều hơn vẫn là tứ tuyệt.

Lạ cái là tất tật tên bài thơ chỉ có một chữ, một từ. Trải. Nhắc. Sao. Trăng. Đổi. Giàu. Đức. Nhờ. Nửa. Ngẫu vv... và vv... (sau này tôi mới hay đó là chủ định của ông mong sao viết bài thơ âm thanh hàm mọi chuyện).

Đến đoạn này có lẽ lại phải cậy nhờ sự giải mã của bà Phạm Chi Lan trong một khúc hồi tưởng. 

Anh em làm ở Ban Nghiên cứu cũng may mắn được gần ông, một nhà thơ. Thỉnh thoảng ông đọc cho chúng tôi nghe và mời bình những bài thơ mới. Có hôm ông còn mời mọi người đặt tên cho những bài thơ mới của ông. Cách đặt tên rất đặc biệt, chỉ có một từ, khiến cho ai cũng vò đầu suy nghĩ, rồi đưa ra cả chục cái tên khác nhau cho mỗi bài thơ. Ông thường chỉ đứng cười cười, gật gù nghe mọi người bàn tán, trước khi nhẹ nhàng hỏi “vậy lấy từ này có được không”, để rồi ai cũng ồ lên, công nhận từ ông chọn là hay nhất. Sau này, khi BNC đã giải thể, trong các cuộc họp mặt hàng năm của chúng tôi, thơ ông làm riêng cho bạn bè trong BNC cũ là thứ không thể thiếu. 

Trở lại cái tập A4 in vi tính  đóng gáy lò xo. Phần cuối mỗi bài đều không có “date’’ ngày tháng địa danh gì cả... (đó cũng là chủ đích mà như ông nói, Câu thơ nào mà chả viết cho hôm nay - (trong bài thơ Nay) Có cảm giác hơi lộn xộn như một thứ ghi chép như nhật ký mặc dù rành rẽ trên mỗi trang là nhiều loại chữ vi tính rất sắc nét.

Như một sự tiếp tục của Cửa mở, lại như không bởi tầm cấp cao hơn của sự cảm, cả sự minh triết và duy lý, và đâu đó cả sự tinh tế...

Tôi thử lật vài trang...

Lời của Bác vẫn cầm canh vận nước (vọng) Thềm trước ngơ ngác quả/Hiên sau phờ phạc hoa/Ngõ ngoài xơ xác lá/ Nhà trong nhàn nhạt trà (Ngẫu). Lất phất gió/ Lưa thưa mưa/ Bùi ngùi cỏ/ ngõ giao thừa/ Mơ hồ mới/ Phân vân xuân/ vu vơ hỏi/ cõi nhân quần (Hỏi) Ra thế mùa xuân lại đến rồi/ Trời như một thoáng giận xa xôi/ đang đi vô cớ dừng chân lại/ mới biết lòng ta chỉ nhớ người. (Thoảng) Bàn tay ta bỗng nhiên thân quí thế/ Còn vương thầm dịu nhẹ một làn hương/Ta xoa lên da mình, ô lạ nhỉ/ Nghe tình yêu thủ thỉ tự trong hồn.(Tự) Bảy mươi tuổi đời oai vệ gớm/ Chỉ là đang sắm vai hề thôi/ Sắp ra đi mà như chưa vào/ Vừa mới thích cuộc đời đã hết/ Duy chỉ có một điều từng được biết/ Lòng người bao hào hiệp tình thương. ( Cảm).

Và nữa, có thứ tứ tuyệt như thế này chắc là dễ đọc, dễ nhớ?

Nửa chừng xuân lại nửa chừng đông/ con đường tưởng thẳng hoá ra vòng/ Mưa phùn bụi quá không thành giọt/ Có có không không không có không ( Nửa) Hãy nới cao hơn một chút trời/ Trải thêm đau khổ để xa xôi/ thấm qua cay đắng vào nhân thế/ Rót xuống mùa xuân một bóng người (Bóng) 

Rồi loáng thoáng có những “ghi chép’’ hơi bị lạ thế này: Có người trọng mình đến mức coi mình như chó/ Và tôi thấy mình cao lên khá nhiều/ anh và tôi cùng vui vẻ thấy mình cao lên/ cũng là nhờ ở chó ( Chó).

Nhớ hôm gặp ấy tôi đã vội nhặt nhanh ra trong tập A4  dày cộp kia và thử “dọn” đại ra như trên. Mãi sau này mới biết mình đã vô tình rút tỉa trong các tập thơ của Việt Phương Cửa đã mở , Bơ vơ đông đảo… những câu thơ ấy từ bản thảo tập A4 vi tính.
Và một chút trong Nắng (NXB HNV năm 2013) tập thơ chót, tập thơ cuối cùng của Việt Phương. Tập thơ ông tặng tôi buổi đến quấy quả ông dịp chẵn 60  Hội nghị Geneve. Thời điểm tháng 7-1954 ấy Thư ký của Trưởng Đoàn Phạm Văn Đồng, Trần Huy Quang tức Việt Phương cũng là thành viên 32 người của phái đoàn Việt Nam DCCH tham gia Hội nghị.

Tôi nhớ thời điểm năm 2014 ấy Đoàn đàm phán còn lại mỗi 5 người trong đó có Đại tá Hà Văn Lâu và ông, Việt Phương.

Và đến bây giờ, Đoàn đàm phán lịch sử ấy còn lại mỗi 3 vị bởi nhà thơ Việt Phương đã nối gót đại tá Hà Văn Lâu về cõi. 
Xuân Ba
Chú thích ảnh: Ảnh kỷ niệm buổi gặp Việt Phương 15 năm trước, năm 2002.


3 nhận xét :

  1. đọc văn thằng cha này mệt quá, kể lể dài dòng lòng thòng

    Trả lờiXóa

  2. vậy?” là tạm đọc được, còn lại vô bổ.

    Nhưng ông Xuân Ba ạ, bây giờ ông mới viết ra phỏng có ích gì? Ai nghe. Nếu như ông hỏi Việt Phương rằng 50 năm làm thư kí cho lãnh đạo cao cấp, đã mấy lần góp ý hay phản biện trước các cụ để đất nước không bị “tuột đi những cơ hội vàng” ? thì hay quá, đằng này toàn khen phò mã tốt áo ! (Lê Ký Sử)

    Trả lờiXóa
  3. "Phản xạ như máu thịt" là cái quái gì? văn vẻ lủng củng, công nhận đọc ông này...chán thật!

    Trả lờiXóa