Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Đặc biệt: LỜI ĐIẾU CỦA BẢO ĐẠI, TRONG TANG LỄ TRẦN TRỌNG KIM


 Lời điếu của Quốc trưởng Bảo Đại do Đổng lí văn phòng 
đọc trong Tang lễ cụ Trần Trọng Kim.
.
(Nhà báo Huy Đức) 
.
Lời điếu của Quốc trưởng Bảo Đại do Đổng lí văn phòng đọc trong Tang lễ cụ Trần Trọng Kim

QUỐC GIA VIỆT NAM
ĐỨC QUỐC TRƯỞNG 
BẢO ĐẠI

Ông nguyên Thủ tướng,


Được tin Ông tỵ trần, lòng tôi thương cảm vô hạn. Vẫn biết tuổi Ông đã gọi là thọ; sự nghiệp văn hóa, chánh trị của Ông đã biểu dương một thân thế cao quý. Song tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ rằng mới cách đây mấy hôm, tôi còn vui thấy Ông tinh thần vẫn tráng kiện, chí khí còn hăm hở, và tưởng rằng trong những ngày sắp tới là lúc tổ quốc cần hết thảy những con dân tài đức như Ông, Ông tuy tuổi cao sức yếu, vẫn có thể phục vụ giang sơn như suốt cả cuộc đời tận tụy của Ông!

Lịch sử sẽ ghi thanh danh ông, thanh danh một nhà mô phạm biệt tài, một nhà văn học lỗi lạc, một nhà chí sỹ ái quốc. Và thân thế trong trắng của Ông đã làm gương cho kẻ đương thời sẽ làm gương cho lớp hậu thế.

Riêng đối với tôi, tôi không quên rằng trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử, lúc nào Ông cũng sẵn sàng hăng hái làm người cộng sự đắc lực của tôi: nào khi Ông nhận đảm đương sứ mạng nặng nề điều khiển con thuyền quốc gia trong khi thế nước chông chênh; nào lúc tòng vong ở nơi hải ngoại khi tôi tranh đấu để mang lại cho dân tộc một hy vọng, một tin tưởng ở tương lai; nào buổi mới đây tuy tuổi đã ngoài 70 mà Ông còn hăng hái đứng lên đảm nhiệm trọng trách chủ tịch hội nghị toàn quốc trong cuộc tường bày ý nguyện của dân tộc.

Ông thực đã xứng đáng với dân tộc. Ông quả đã xứng đáng với lòng tín cẩn của tôi.

Công trạng ấy tôi không quên.

Quốc dân cũng không quên. Lịch sử sẽ ghi công của người con ưu tú của đất nước.

Tin rằng hương hồn ông sẽ được tiêu diêu nơi cực lạc.


Bà nguyên Thủ tướng,

Tôi đề lời phân ưu cùng bà và toàn gia. Tôi mong rằng lòng tiếc thương của hết thảy quốc dân đối với cố Thủ tướng sẽ làm cho bà nhẹ bớt một phần nào nỗi đau đớn về dịp này và sự nghiệp lâu dài của cố Thủ tướng sẽ làm cho bà được cái an ủi rằng sự nghiệp ấy còn cũng như là người chí sỹ khuất núi vẫn còn!
.
---------------

Huy Đức
.
VIẾNG CỤ TRẦN TRỌNG KIM

Nhờ những người bạn ở Hà Tĩnh, hôm 24-5, tôi tìm đến được nơi đặt tro cốt cụ Trần Trọng Kim ở tổ đình Vĩnh Nghiêm và hôm qua, 25-5, tôi gặp được bác Trần Xuân Điền, cháu đời thứ 3 của cụ Trần Trọng Kim ở Đan Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Lịch sử không có chữ NẾU. Nhưng, đôi khi tôi vẫn cứ không cầm lòng được, suy nghĩ vẩn vơ, Việt Nam sẽ ra sao, nếu từ tháng 8-1945 vẫn là "chính phủ Trần Trọng Kim"...

Trong năm 1945, người Việt có hai tuyên bố độc lập: Ngày 11-3, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam; Ngày 2-9, tại Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Độc lập không thật sự đến với Việt Nam vào tháng 3 cũng như vào tháng 9-1945.

Chỉ có chính phủ Hồ Chí Minh, vào lúc ấy, mới chủ trương và có khả năng kháng chiến và thắng thế của Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến 1949 đã giúp những người cộng sản giành chiến thắng Điện Biên Phủ, dẫn tới Hiệp định Geneva 1954, chia cắt đất nước. Cuộc chiến tranh thống nhất VN kéo dài tới năm 1975; cuộc chiến tranh người Việt chống lại Khmer Đỏ (có bàn tay Bắc Kinh đâm sau lưng) và chống lại chính quân Trung Quốc xâm lược kéo dài tới 1989.

Chính phủ Trần Trọng Kim và những người theo chủ nghĩa quốc gia như ông chỉ có thể đòi độc lập thông qua đấu tranh chính trị và chủ yếu nhờ bàn cờ chính trị thay đổi sau Thế chiến thứ II (Ở Đông Dương, người Pháp trả độc lập cho Sihanouk 1953). Chính phủ Trần Trọng Kim, nếu lãnh đạo một VN sau độc lập, sẽ rất kỹ trị và chắc chắn sẽ kế thừa những di sản (vật thể hay phi vật thể) của người Pháp.

Từ lâu, tôi vẫn muốn thắp một nén nhang viếng tác giả của Nho Giáo, Việt Nam Sử Lược, Truyện Thúy Kiều... Theo hướng dẫn của bạn bè tôi đã về Đan Phổ và Thạch Kim, nơi có những người cháu gọi Cụ Lệ Thần bằng chú.

Tháng Tư năm nay, khi cùng anh Le Hai & Trương Duy Nhất về Đan Phổ, người làng đã dẫn ra khu mộ gia đình họ Trần và khẳng định, "Ông Thủ tướng bù nhìn nằm ở đây", nhưng chúng tôi không tìm thấy tên Cụ. Về sau mới biết, tin nói cụ được an táng ở quê là không đúng.

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, cha là Trần Bá Huân (1838-1894) từng là một văn thân tham gia phong trào Cần Vương. Trần Trọng Kim mất cha năm 9 tuổi, mất mẹ năm 10 tuổi, anh ruột là Trần Bá Hoan nuôi được mấy năm, do quá túng quẫn phải đưa hai em, Trần Trọng Kim và Trần Thị Liên, cho nhà khác làm con nuôi. Hai không gian giáo dục sau đó đã đưa Kim và Liên đi theo hai con đường rất xa nhau. Người em theo phong trào cộng sản từ năm 1930, 1931, trở thành chủ tịch hội phụ nữ tỉnh Nghệ An (mất năm 1964). Người anh được cha nuôi cho ăn học, trở thành một học giả, một người có tinh thần quốc gia, dân tộc.

Năm 1953, sau khi chủ trì Hội nghị Hội đồng toàn quốc, tuyên bố Việt Nam ra khỏi Liên hiệp Pháp, cụ Trần Trọng Kim được Quốc trưởng Bảo Đại mời lên Đà Lạt. Sau mấy tuần nghỉ ngơi, không hề có biểu hiện đau ốm, cụ ra đi nhẹ nhàng sau một giấc ngủ trưa vào ngày 26 tháng Mười Âm lịch. Quốc trưởng Bảo Đại cho máy bay đưa thi hài Cụ ra an táng tại nghĩa trang Cầu Giấy, Hà Nội.

Năm 1987, luật sư Phan Anh cho mời thân nhân của cụ từ Sài Gòn, từ Pháp về. Chúng tôi chưa rõ từ đề nghị của ai mà ngay trong dịp này Cụ được cải tảng, hỏa thiêu tại chỗ và tro cốt được mang vào gửi tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Cụ bà, Bùi Thị Tuất - em gái cụ Bùi Kỷ, sinh sống ở Sài Gòn cho tới năm 1991. Con gái của hai người, bà Trần Diệu Chương, sinh sống ở Pháp, hàng năm vẫn viết thư về cho bác Trần Xuân Điền nhưng không hiểu sao từ hai năm nay ông Điền không còn nhận được thư của bà Diệu Chương nữa (Bà cũng đã ở tuổi gần 90). Những bức thư của bà Diệu Chương không chỉ là để nối tình thân với họ hàng mà còn như muốn để lại những bằng chứng lịch sử về một nhân vật mà chắc chắn rồi đây sẽ được nhìn nhận lại. 
.
Chân dung cụ Trần Trọng Kim, chụp 1953 (Tư liệu của bác Trần Xuân Điền).
.
Cụ bà Bùi Thị Tuất. — cùng với Bà Bùi Thị Tuất vợ ông Trần Trọng Kim.
.
Tro cốt học giả Trần Trọng Kim đang gửi tại chùa Vĩnh Nghiêm 
(đặt trên giá chung như một người vô danh).
.
 Bốn ngôi mộ trong phần nghĩa trang gia đình: phía sau là phần mộ song thân: cụ Trần Bá Huân (1838-1894) - cụ Nguyễn Thị Nhị (và phần mộ người anh Trần Bá Hoan và chị dâu, Lê Thị Vy (1884-1956).
.
Bà Trần Diệu Chương, con gái cụ Trần Trọng Kim, và người chồng Pháp.
.
Ông Trần Xuân Điền, cháu đời thứ 3, người đang lưu giữ nhiều tư liệu quý 
về cụ Trần Trọng Kim.
.
 Nhà báo Huy Đức và Ông Trần Xuân Điền. Tễu Blog chú thích ảnh.
.
 Cô Ánh, cháu dâu của bác Trần Xuân Điền, công chức văn hóa xã Đan Phổ.
  .

 Hàng năm, bà Trần Diệu Chương đều có thư về VN.
.
Bút tích của bà Diệu Chương gửi ông Điền.
.
Những dòng chữ ghi sau bức chân dung cụ Trần Trọng Kim chụp 1953.


7 nhận xét :

  1. Cái bản chất của Việt Minh mà cụ Trần Trọng Kim đã nhận định, đã chỉ rõ từ hơn bẩy mươi năm trước cũng giống như cộng sản bây giờ. Cụ là thánh. Cụ là Nam Hải Dị Nhân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rồi đây những lăng mộ của bọn hút máu dân sẽ bị san phẳng, sách lịch sử bịa đặt lừa dối sẽ bị đốt sạch...

      Xóa
  2. Hồi còn học dưới mái trường xhcn,đầu óc luôn bị nhồi vào sọ rằng thì là,chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn,tay sai...
    Nhờ có anh-tẹc-net,mới biết rằng,cụ Trần là một nhà sử học,văn hoá kiệt xuất,một trí thức thực thụ của dân tộc.
    Cuộc đời cụ đao vì không chấp nhận cầm lưỡi mác,lưỡi lê để đưa dân tộc vào cảnh chém giết nhau,đưa đất nước từ vị thế "hòn ngọc Viễn Đông" thành kẻ ngữa tay đi xin khắp thế giới...

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc chiến tranh thống nhất VN kéo dài tới năm 1975
    (Huy Đức)
    ____________________
    Một cuộc thống nhất tốn quá nhiều xương máu của anh em ở hai bờ Bến Hải, hơn ba triệu người đã chết.

    Trả lờiXóa
  4. Cụ Trần Trọng Kim đã để lại trong lòng người dân sự mến tiếc và kính trọng. Thiết nghĩ không có lăng mộ nào huy hoàng và vĩnh cửu bằng sự trân trọng và quý mến cụ trong lòng bao thế hệ người dân.
    _______________________
    Lăng mộ hoành tráng mà chi cho người đời rẻ rúng.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn nhà báo nổi tiếng Huy Đức đã có công sưu tầm những tài liệu lịch sử của đất nước một thời gắn liền với thân thế sự nghiệp và gia đình của Ông Trần trọng Kim - một nhân vật lịch sử quê quán Hà tĩnh mà đến nay đả bát tuần tôi mới được biết đến.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi sinh năm 1946 . Khi đi học , trong giáo trình , người ta bôi nhọ cụ Trần trọng Kim , một trí thức lớn , một ngôi sao của nền học thuật , văn hóa Việt nam đầu thế kỉ 20 ( ! ) . Cụ là một trí thức lớn , một nhân cách lớn đáng ngưỡng mộ , tôn thờ . Rất thiệt thòi cho đất nước khi những ngôi sao sáng bị che mờ để tô vẽ , tôn vinh những giá trị ảo .

    Trả lờiXóa