Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: PHÁP QUYỀN HAY PHÁP TRỊ?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: VOV

PHÁP QUYỀN HAY PHÁP TRỊ?
 
Nguyễn Sĩ Dũng
07.05.2017

Nếu chúng ta quan niệm pháp quyền là “the rule of law” và pháp trị là “rule by law”, thì pháp quyền là sự cai trị của pháp luật và pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật.

Pháp quyền là sáng tạo của người Anh, và đây cũng là một trong những đóng góp lớn nhất của người Anh cho nhân loại. Bằng chứng là những nước theo pháp quyền đều là những nước giàu có, thịnh vượng nhất trên thế giới.

Pháp trị là sáng tạo của người Trung Hoa (Nhà tư tưởng của pháp trị được cho là Hàn Phi), và đây cũng là một đóng góp rất lớn của người Trung hoa cho nhân loại. Ban hành pháp luật để cai trị, thì tạo ra được sự bình đẳng (ít nhất là giữa các thần dân), đồng thời tất cả mọi người đều có thể chủ động hành xử khi biết rõ việc gì làm được, còn việc gì thì không. Bằng chứng là trong thời kỳ cổ đại, Trung Hoa là một trong những quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới.

Tuy nhiên, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, pháp trị đã thua pháp quyền. Bằng chứng là đất nước Trung Hoa đã tụt hậu rất xa so với các nước theo pháp quyền trong suốt nhiều thế kỷ. Chỉ đến khi trong quá trình cải cách, nhiều yếu tố của pháp quyền (đặc biệt là Luật về quyền tài sản) được tiếp nhận, đất nước Trung Hoa mới lại vươn lên trở thành một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới hiện đại.

Thế pháp quyền khác với pháp trị chỗ nào? Pháp trị là việc vua (hoặc người cầm quyền) có quyền ban hành pháp luật để cai trị (hay nói một các lịch sự hơn là để quản lý). Pháp quyền lại không hoàn toàn như vậy.

Trước hết, pháp quyền là việc pháp luật đứng trên tất cả, trên cả nhà nước (trên cả vua). Và quan trọng hơn nữa người dân cũng như nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với người Anh, vua có quyền của vua, dân có quyền của dân. Nếu vua hành xử trong khuôn khổ các quyền của mình, thì thậm chí người Pháp làm vua Anh cũng chẳng sao. (Thực tế, đã có thời kỳ người Pháp làm vua Anh). Thế nhưng, nếu vua xâm phạm đến quyền của dân, thì người dân sẽ đứng lên lật đổ vua, vì vua đã vi phạm pháp luật.

Thứ hai, pháp quyền công nhận nhiều quy phạm của pháp luật tự nhiên. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (Lời của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa). Các quyền mà tạo hóa ban cho con người (các quyền tự nhiên của con người) được coi là phần cấu thành của hiến pháp-văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Thứ ba, việc ban hành pháp luật bị điều chỉnh rất chặt chẽ. Bất cứ luật gì mà nhà cầm quyền muốn có để dễ bề cai trị đều phải được cơ quan đại diện cho dân (quốc hội) thông qua. Pháp luật còn được đòi hỏi phải tiệm cận công lý.

Thứ tư, một hệ thống tư pháp độc lập được xây dựng để không chỉ nhà nước mới có quyền truy tố người dân, mà người dân cũng có quyền kiện nhà nước ra trước pháp luật. Hệ thống tư pháp này còn có thẩm quyền kiểm tra lại các văn bản lập pháp (judicial review) để chống lại lạm quyền và bảo vệ công lý.

Thứ năm, tòa án hiến pháp hoặc các thiết chế bảo hiến khác được thành lập và vận hành trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ hiến pháp và bảo vệ các quyền của con người khỏi sự xâm hại của quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.

Thế thì Việt Nam chúng ta đang theo pháp quyền hay theo pháp trị? Có vẻ như chúng ta đang đi “thong dong” giữa hai khái niệm này. Khi Hiến pháp quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật” (Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp 2013) thì chúng ta có vẻ đang đi bên làn của pháp quyền. Nhưng khi Hiến pháp quy định: “Nhà nước… quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” (Cùng Khoản, cùng Điều trên của Hiến pháp 2013) thì có vẻ chúng ta lại đang đi bên làn của pháp trị.
 

8 nhận xét :

  1. pháp trị là ngôn ngữ của bọn người tầu. là vua, quan cai trị nhân dân và xã hội bằng luật(của vua, của chúng nó), còn pháp quyền là sự thượng tôn PHÁP LUẬT, KHÔNG AI, KHÔNG TỔ CHỨC NÀO ĐƯỢC ĐỨNG TRÊN pháp luật, ĐƯƠNG NHIÊN LÀ PHÁP LUẬT ẤY KHÔNG PHẢI DO BỌN VUA CHÚA BAN HÀNH, PHÁP QUYỀN LÀ TRÌNH ĐỘ CAO CỦA NHẬN THỨC RỒI, ĐỪNG LẬP LỜ ÔNG Ạ

    Trả lờiXóa
  2. An important distinction needs to be made between rule of law and rule by law. (1) Rule of law is an intrinsically moral notion. ... In rule of law, the law is something the government serves; in rule by law, the government uses law as the most convenient way to govern.
    (branemrys.blogspot.com/2005/08/rule-of-law-vs-rule-by-law.html)
    ________________

    Một sự khác biệt quan trọng cần phải nắm rõ giữa hai khái niệm rule of law (pháp quyền) và rule by law (pháp trị):
    Pháp quyền (rule of law) là một khái niệm mang tính đạo đức...khái niệm pháp quyền (rule of law) có ngĩa là chính quyền phải dựa trên luật mà phục vụ nhân dân.
    Còn khái niệm pháp trị (rule by law) cho phép chính quyền chọn phương pháp thuận tiện, có lợi nhất để cai trị.
    ___________________

    Tóm lại, sử dụng pháp trị (rule by law) chính quyền có thể cai trị nhân dân bằng roi sắt!

    Trả lờiXóa
  3. Có thể hiểu nôm na rằng "rule by law" tức là "cai trị bằng luật (rừng)". Thế thôi!

    Trả lờiXóa
  4. Hóa ra ông Nguyễn Sỹ Dũng này cũng thông hiểu ra phết. Nhưng đây cũng chỉ là ông nói và viết thôi, còn việc ông đang làm là phục vụ cho nền pháp trị chứ không phải vì một nền pháp quyền.

    Trả lờiXóa
  5. Theo tôi để quản lý một nhà nước thì có hai hình thức một là nhân trị, hai là pháp trị. Nhân trị chủ yếu dựa vào ý chí của người đứng đầu quốc gia, còn phá trị chủ yếu dựa vào luật pháp.Tôi coi pháp trị và pháp quyền tuy là hai khái niệm khác nhau, nhưng tựu chung cũng chỉ là một.
    Để nói về pháp trị tôi quan tâm 3 vấn đề:
    1/ Pháp luật do ai làm ra: Nếu pháp luật được xây dựng từ một thể chế dân chủ thì mọi hoạt động của xã hội sẽ vận hành linh hoạt trơn tru, đất nước phát triển tốt, người dân được hưởng lợi. Còn nếu pháp luật được xây dựng từ một thể chế độc tài, đặc biệt là độc tài CS thì sẽ là tai họa cho đất nước và người dân còn quan chức thì hư hỏng dối trá nói hay làm giở.
    2/ Trong xây dựng pháp luật thì điều quan trọng nhất đó là cầu trúc quyền lực phải đảm bảo các cơ quan quyền lực phải tách biệt và giám sát lẫn nhau, đó chính là cấu trúc quyền lực tam quyền phân lập. Điều này các ở các thể chế độc tài độc đảng không thể làm được, họ vừa đá bóng vừa thổi còi và tự cho mình đứng trên pháp luật, thành ra pháp luật mà họ xây dựng chỉ là trò bịp hoặc không hiệu quả.
    3/ Một điều đáng sợ là pháp luật có (tất nhiên là chưa tốt), nhưng họ không thực hiện, hoặc thực hiện trái ngược, hoặc tao là luật, hoặc xài luật rừng, điều này vô cùng nguy hiểm cho dân cho nước bởi nó sẽ làm xã hội hỗn loạn, dối trá, thủ đoạn, người tốt trở nên lạc lõng cô đơn, tội phạm hoành hoành trên mọi lĩnh vực.
    Như vậy có thể nói nền chính trị và hệ thống pháp luật của nước ta được xây dựng trên nền tảng độc tài độc đảng và đang ở trong trạng thái hỗn loạn hay còn gọi là tư bản hoang dã, nửa nạc nửa mỡ. Thế thì làm sao có thể gọi là đang "thong dong" được?

    Trả lờiXóa
  6. Pháp trị là sáng tạo của người Trung Hoa (Nhà tư tưởng của pháp trị được cho là Hàn Phi), và đây cũng là một đóng góp rất lớn của người Trung hoa cho nhân loại. Ban hành pháp luật để cai trị, thì tạo ra được sự bình đẳng (ít nhất là giữa các thần dân), đồng thời tất cả mọi người đều có thể chủ động hành xử khi biết rõ việc gì làm được, còn việc gì thì không.
    (tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng)
    *
    Nhận định trên là thiếu căn cứ. Luật được ban hành bởi kẻ thống trị nó tùy thuộc vào quyền lợi, yêu ghét của kẻ thống trị. Thành Cát Tư Hãn khi đi xâm lăng, chiếm được tới đâu thì ban hành luật hà khắc tới đó, và luật của ông ta rất công minh với tầng lớp bị trị. Sở dĩ thời Đông chu liệt quốc các nước không ban hành luật không phải người ta không biết mà vì bận đánh nhau và để một không gian tương đối tự do vì muốn chiêu dụ người tài về dưới trướng của mình, dù rằng đó là thứ tự do hỗn độn, ưu ái cho kẻ có học thức và mưu kế cũng như kẻ hữu dõng như Kinh Kha. Đến thời Tần Thủy Hoàng, ông ta đã lấy cả giang sơn rồi, lúc đó không cần mưu sĩ thì ban hành luật vì lợi ích của ông ta là chuyện đương nhiên.
    Trong khi tàu ở thời chiến quốc thì châu Âu đã xuất hiện các nhà triết học đề cao cá nhân, chẳng hạn như Socrates (469–399 TCN) với câu nói nổi tiếng "anh hãy tự biết lấy chính anh" (Connais-toi toi-même) cho nên cái luật pháp chuyên chế của Tần thủy Hoàng không thể tồn tại ở châu Âu được.
    Vậy thì đừng nói cái pháp trị (rule by law) là thành tựu của nhân loại!

    Trả lờiXóa
  7. Cách đây không lâu, trong buổi tọa đàm của đài BBC, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có phê bình blogger Nguyễn An Dân là không nắm rõ khái niệm pháp quyền, pháp trị là gì!
    Thật ra ai cũng hiểu rằng blogger Nguyễn An Dân thừa sức hiểu ý nghĩa của hai cụm từ 'rule of law, rule by law'. Chỉ là vì blogger Nguyễn An Dân bị loạn óc bởi cách chuyển ngữ ra tiếng Việt mà thôi!

    Trả lờiXóa
  8. Với tôi những lãnh đạo CS đa phần đều không thực tài, họ đi lên chức vụ này chức vụ kia không bằng trí tuệ và đạo đức cho nên nói thật là tôi không tôn trọng, riêng TS Nguyễn Sĩ Dũng ít nhiều tôi có cảm tình, do ông có một số bài viết khá, đặc biệt trong vụ Đồng Tâm ông đã có một bài viết hay, bênh vực người dân bị chính quyền cướp đất. Do đó nhân đây tôi hỏi TS Nguyễn Sĩ Dũng hai câu:
    - Đảng chỉ đạo cho công an giả danh côn đồ và sử dụng côn đồ để đánh đập, khủng bố người bất đồng chính kiến là một thực tế. Đây là pháp trị hay pháp quyền?
    - Đảng nói chế độ này là của dân, do dân, vì dân và quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, trong khi thực tế quốc hội chỉ là bù nhìn của đảng. Vậy giữa nói và làm khác nhau hoàn toàn. Điều này có thể gọi là dối trá được không?

    Trả lờiXóa