Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

HÀ NỘI BÁC BỎ ĐỀ XUẤT DỰNG TƯỢNG RÙA VÀNG Ở HỒ GƯƠM

Một mẫu phác thảo Rùa vàng Hồ Gươm được đề xuất. 
 
Hà Nội bác đề xuất dựng tượng rùa vàng Hồ Gươm

VNE
Thứ bảy, 13/5/2017 | 00:18 GMT+7

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định việc đúc rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng của Hà Nội – Việt Nam là không phù hợp.

Sở Văn hóa Hà Nội: 'Tượng rùa vàng không phải biểu tượng Thủ đô'

Ngày 12/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn trả lời Công ty TNHH Hữu nghị Á Châu về đề án dựng tượng rùa vàng bên Hồ Gươm.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở, phía doanh nghiệp đã đề xuất dựng tượng tại một trong hai vị trí là khu vực đồng hồ hoa (ngã ba Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) và khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, kinh phí xây dựng do doanh nghiệp đóng góp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xem xét cả hai vị trí này đều không phù hợp.

Nhà chức trách Thủ đô khẳng định: "Mục đích đúc Rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng của Hà Nội – Việt Nam là không phù hợp, bởi vì biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được quy định tại điều 6 Luật Thủ đô năm 2012".
 
Trước đó, doanh nghiệp trên có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chính quyền chỉ đạo thực hiện dự án đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” và phối hợp lựa chọn vị trí đặt biểu tượng tại bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Tượng rùa vàng sẽ được đúc bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và nặng khoảng 6-10 tấn đồng.

Ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng: Từ năm 2011 đến nay, các hoạt động văn hóa ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã từng bước góp phần quảng bá, vinh danh giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn và trở thành điểm đến văn hóa du lịch cho nhân dân Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, từ năm 2013, Hồ Hoàn Kiếm đã được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, do vậy việc chỉnh trang, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích phải được nghiên cứu thận trọng và thực hiện đúng theo Luật Di sản Văn hóa.

Tại đền Ngọc Sơn hiện nay đang lưu giữ một tiêu bản rùa Hồ Gươm để phục vụ khách tham quan rất hiệu quả. Hơn nữa, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đang xử lý kỹ thuật một tiêu bản rùa Hồ Gươm khác, sau khi xử lý xong sẽ đưa về trưng bày tại Bảo tàng để phục vụ du khách.
Đoàn Loan

5 nhận xét :

  1. Lâu lâu lại thấy Sở Văn hóa có tí văn hóa.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc kiếm hiệp Kim Dung thấy bọn giang hồ hay chửi đám hèn nhát, đê tiện là :"Đồ rùa đen!". Hay ta đúc tượng rùa đen cho đúng "bản sắc" và cũng thuận miệng cho các bạn vàng khi qua "tuần du" phương Nam! Kinh phí thì chắc bạn vàng sẵn sàng viện trợ không hoàn lại!!

    Trả lờiXóa
  3. Cần phân biệt cho rõ giữa rùa và giải, rồi mới tính đến chuyện tạc tượng hay không? Theo tôi biết, rùa thì mai có hoa văn lục lăng, hiền lành trẻ con cưỡi cũng được, thường tạc tượng đội bia rất chi là trang trọng thiêng liêng. Còn con "rùa" hồ Hoàn Kiếm thường gọi là con giải, hoặc thuồng luồng (có khi cá sấu cũng gọi là thuồng luồng), hoạc rùa mai mềm. Đó là giống hung ác, ăn tạp, mai chơn (chơn). Một con chết còn phiên bản trong đền Ngọc Sơn. Bây giờ cái ác đang lộng hành, chả lẽ lại tôn thờ tạc tượng cho cái ác lên ngôi nữa sao?

    Trả lờiXóa
  4. Quyết định rất sáng suốt. Hú hồn ! Nhìn "công trình" nào cũng vàng chói & đỏ loét thấy phát sốt!

    Trả lờiXóa
  5. Công ty TNHH Hữu nghị Á Châu nên đem số tiền "đúc rùa" mà làm từ thiện cho người nghèo Hà nội thì đáng khen biết mấy nhẻ?

    Trả lờiXóa