Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Đào Tiến Thi: SỬA LỜI “CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI”, LIỆU CÓ HAY HƠN?


SỬA LỜI “CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI”, LIỆU CÓ HAY HƠN?

Đào Tiến Thi

Nhân sự kiện bài hát “Con đường xưa em đi” bị cấm (lý do đưa ra là để tìm lại bản gốc), mới đây, bà quả phụ Kha Thị Đàng đã cho báo chí biết, khoảng 2006 – 2007, chồng bà – nhạc sỹ Châu Kỳ – đã sửa một vài chỗ trong lời bài hát.


Cụ thể là câu “Chiến trường anh bước đi…” thành “Lối mòn anh bước đi…”. Và câu “Nơi đây phiên gác canh dài…” thành “Nơi đây thao thức canh dài…”.

Theo bà Kha Thị Đàng, lý do ông Châu Kỳ sửa là: “để ca khúc này có thể phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng người nghe hơn”, “Bởi lẽ thời điểm khi ca khúc này ra đời là vào trước năm 1975 khi chiến tranh vẫn diễn ra, nếu một số chỗ vẫn giữ nguyên lời như bản gốc thì sẽ không phù hợp với thời bình. Vì vậy, nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định chỉnh lại một số chỗ cho phù hợp và rõ nghĩa”. 
.

Ở đây thấy có hai chuyện không ổn.

1. Về mặt pháp lý, phần lời của ca khúc này là của nhà thơ Hồ Đình Phương. Theo Điều 38 khoản 1 của Luật sở hữu trí tuệ (2005) thì chủ sở hữu quyền tác giả ở đây là ĐỒNG TÁC GIẢ, tức gồm hai ông Châu Kỳ và Hồ Đình Phương. Điều 38 mục 2 quy định: “Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với phần riêng biệt đó”.

Điều trên có thể hiểu rằng phần lời bài hát có thể tách ra để công bố như một bài thơ độc lập và tác giả của nó (Hồ Đình Phương) được đứng tên một mình (quyền nhân thân) và hưởng nhuận bút riêng (quyền tài sản).

Điều 19 (Quyền nhân thân) mục 4 quy định: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Như vậy chỉ có chính nhà thơ Hồ Đình Phương mới có quyền sửa chữa phần lời bài hát. Nếu nhạc sỹ Châu Kỳ sửa thì phải được sự ủy quyền của của nhà thơ Hồ Đình Phương.

2. Về mặt về mặt nghệ thuật, sửa như trên liệu có tốt hơn ?

Theo tôi, nếu sửa “Chiến trường anh bước đi” thành “Lối mòn anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” thành “Nơi đây thao thức canh dài” thì đều kém hẳn đi so với bản cũ.

Thứ nhất, ngôn ngữ nghệ thuật phải cụ thể mới có sức gợi tả. “Lối mòn” và “nơi đây” thì chung chung quá, trong khi “chiến trường” và “phiên gác” cụ thể hóa về không gian của người con trai đang xa cách người yêu. Chính trong bối cảnh này, sự cô đơn mới rõ rệt,

Thứ hai, “lối mòn” và “nơi đây”chả gợi gì sự xa cách, trong khi “chiến trường” và “phiên gác” tạo ra không gian xa xôi. Không gian vật lý có thể nó chả cách xa bao nhiêu, nhưng ở đây là cách biệt giữa chiến trường và hậu phương, đó là cách biệt về tính chất (có thể “Gần nhau trong tấc gang/ Mà ‘biển trời cách mặt”).

Thứ ba, một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng ra đời trong một bối cảnh cụ thể: xa thì tình trạng xã hội, gần thì cuộc đời, tâm trạng cá nhân. Có thể tác phẩm được viết ra lúc nhận thức của tác giả còn non nớt, kỹ thuật diễn tả còn vụng về, nhưng nó vẫn cứ hay, là vì nó cụ thể và chân thật, mang rõ dấu ấn xã hội hoặc đời tư người nghệ sỹ. Nhiều tác phẩm đầu tay trở thành tác phẩm hay nhất của một tác giả là vì thế.

Tóm lại, bỏ đi hai từ thôi nhưng bài hát mất đi dấu ấn lịch sử, mất đi mối tình cụ thể ở đây là mối tình của người lính, và vì thế, bài bát mất đi nhiều tính chất sinh động của nghệ thuật.


Nếu quả thật nhạc sỹ Châu Kỳ đã chót trót sửa dẫn đến ngày nay có hai bản khác nhau về phần lời thì nhân cơ hội “tìm lại bản gốc” này, bà quả phụ của nhạc sỹ Châu Kỳ hãy chọn lời của bản ban đầu – giả sử bà được công nhận là người thừa kế chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát.
ĐTT (8-4-2017)

11 nhận xét :

  1. "Trót" chứ không phải "chót". Khổ quá, cứ ngọng líu ngọng lo!

    Trả lờiXóa
  2. Rất hay, tôi ủng hộ ý kiến của anh Đào Tiến Thi.

    Trả lờiXóa
  3. Ý kiến hay và thuyết phục!

    Trả lờiXóa
  4. Cả bản sửa và không sửa đều có "nơi đây" bác Đào Tiến Thi ạ. Bản sủa chỉ thay "phiên gác" bằng "thao thức" thôi. Thực ra có khá nhiều bài hát vừa được cấp phép đã có sửa lời trước đó. Ví dụ: Bài Đám cưới đầu xuân (Trần Thiện Thanh) sửa "chinh chiến" thành "sương gió",...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
      Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài
      (Theo trang http://lyric.tkaraoke.com/11449/con_duong_xua_em_di.html

      Xóa
    2. Trả lời của Kha Thị Đàng cũng nói "nơi đây". Biểu diễn của Thanh Tuyền - Chế Linh cũng hát vậy.

      Xóa
  5. Nếu sửa lời bài hát để phù hợp với thực trạng xã hội hiện tại thì nên sửa nội dung của tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo cho phù hợp với mối quan hệ 16+4 với Trung cộng hiện nay.
    Một tác phẩm nghệ thuật sống được mãi với thời gian là vì nó phản ánh được hiện thực xã hội.
    Sửa cho nó "phù hợp với hiện tại" là một việc làm không thể hồ đồ hơn.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi thấy lý luận của bác Đào Tiến Thi rất chính xác. Nghệ thuật chân chính thì mang tính tự do, khai phóng. Nếu không thì chúng chỉ là công cụ của thứ khác, như chính trị hay kinh tế.
    Thật đáng tiếc nếu nhạc sĩ Châu Kỳ sữa lời bài nhạc để không làm phật lòng nhà cầm quyền, một động thái quỳ gối - khòm lưng, tại sao lại phải như thế?

    Trả lờiXóa
  7. Sửa luôn Quốc ca đi vì cũng có chỗ không đúng với bản gốc mà nhạc sỹ Văn Cao đã viết và nghe khát máu quá,rợn cả người

    Trả lờiXóa
  8. 1/ 2. Về mặt về mặt nghệ thuật: chú Tễu sửa giùm Đào tiên sinh, bớt hai chữ "về mặt"...
    2/"bà quả phụ của nhạc sỹ Châu Kỳ hãy chọn lời của bản ban đầu..." xin thưa, bà quả phụ không có quyền chọn lời nào cả. Bà chỉ là nhân chứng, theo nhạc sĩ Phan Phương trung tâm bản quyền, cứ giữ nguyên bản gốc giấy trắng mực đen là Đào tiên sinh hài lòng rồi.

    Trả lờiXóa
  9. 1. Nhờ chú Tễu sửa giúp như ý của thầy Phùng Hoài Ngọc (lỗi morat)
    2. Đúng là bà quả phụ Châu Kỳ không có quyền chọn lời nào cả. Nên ở đây ĐTT chỉ đặt giả thiết: "giả sử bà được công nhận là người thừa kế chủ sở hữu quyền tác giả". Giả thiết này có thể xảy ra, nếu tòa án phán quyết bà Châu Kỳ có quyền đó. Bởi vì luật pháp nhiều khi căn cứ vào thực tế mà vận dụng. Nếu Bộ VH cứ nhất nhất bắt chọn 1 bản thì cũng cần đến ý kiến của bà Châu Kỳ. Mà bà Châu Kỳ lại chỉ có quyền nếu tòa công nhận.
    Cảm ơn thầy Phùng Hoài Ngọc. Cảm ơn chú Tễu.

    Trả lờiXóa