Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

NƠI THỜ LẠC LONG QUÂN Ở BÌNH ĐÀ LÀ ĐÌNH, ĐỀN HAY MIẾU?

Ảnh nơi thờ Lạc Long Quân ở Bình Đà. Nguồn: Internet.
.
BÌNH ĐÀ LOẠN THẦN TÍCH, LOẠN DI TÍCH 
ĐÃ TỪ 100 NĂM TRƯỚC

Nguyễn Xuân Diện - Nguyễn Đức Dũng
 
Bài này dựa vào các tài liệu hiện có để trả lời 3 vấn đề đang được nhiều người quan tâm:

1- Nơi thờ Lạc Long Quân ở Bình Đà gọi là Đình - Đền - Chùa - hay Miếu?
2- Lạc Long Quân được thờ ở đây từ khi nào?
3- Bức phù điêu Lạc Long Quân thực sự có phải có từ 1.000 năm trước?

Bài 1: ĐÌNH - ĐỀN - CHÙA - MIẾU ?

Kiến trúc đang được dùng làm nơi thờ tự Lạc Long Quân, cùng bức phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội là ĐÌNH, hay ĐỀN, hay CHÙA, hay MIẾU?


Lần lượt các tài liệu cho biết:

1- Bia đá "Bình Đà xã bi ký", dựng tại Bình Đà, có bản rập tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu 24980-81, ghi "Ngô hương từ phụng Quốc Tổ Lạc Long Quân". Dịch là: ĐỀN làng ta phụng thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Thực ra chữ "Từ" có thể dịch là chỗ/nơi thờ tự, chứ không nhất thiết dịch là ĐỀN.


Niên đại khắc bia là năm Khải Định 4 (tức là năm 1919).

Một văn bia khác, trên trán bia có dòng chữ lớn "Bảo Đại Nhị niên tạo"(Tạo năm Bảo Đại thứ hai - 1927, ghi việc trùng tu Ngoại MIẾU, tức là nơi thờ vị thần Linh Lang, cũng trong làng Bình Đà.


Văn bia này cũng ghi là NHỊ MIẾU tức cả cả nơi thờ Lạc Long Quân lẫn Linh Lang đều là MIẾU.

Như vậy, bia bên Nội ghi Từ (ĐỀN). Bia bên Ngoại thì gọi cái bên Ngoại là Đình, gọi cái bên Nội là Miếu. Lại cũng có khi gọi là Từ (ĐỀN).

2. Bản Khai năm 1938 của Lý trưởng Bình Đà ghi là ĐÌNH:

Trang 949 của tập hồ sơ Thần tích - Thần sắc lưu tại Viện Thông tin KHXH, 
có đóng dấu và chữ ký của Lý trưởng Bình Đà.

Văn bản có chữ ký và đóng dấu của Lý trưởng Nguyễn Chính, đề ngày 18 tháng Tư năm 1938 xác nhận Bình Đà có hai đình thờ hai vị THÀNH HOÀNG là Lạc Long Quân (là Nhân thần) và Linh Lang (là Thủy thần).

Nơi thờ Thành hoàng làng thì bao giờ cũng là ĐÌNH. Thành hoàng làng là vị thần bảo hộ cho riêng dân làng.

3. Hồ Sơ Xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa, hiện lưu trữ tại Cục Di Sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ghi là ĐÌNH (ĐÌNH NỘI BÌNH ĐÀ). Và cho biết, kiến trúc còn có tên chữ là LẠC LONG QUÂN TỰ (Chùa Lạc Long Quân); hoặc LẠC LONG QUÂN TỪ (ĐỀN).
Di tích đã được xếp hạng Quyết định số 23 VH/QĐ, ngày 16/3/1985.




Chép lại đoạn trên:

3) Thờ hai vị riêng mỗi vị một đình năm gian bằng ngói có hai bên tả mạc và phương đình.
a.Hai đình ấy đều trước là bình địa sau đắp nền làm đình, chung quanh hai đình đều có cây cối cổ thụ.
b.Những nơi ấy đã làm thành đình thờ đã nói đoạn trên.
c. Nơi ấy cấm không được giồng giọt và súc vật ...làm nhà ở đấy. 

Bằng xếp hạng di tích do Bộ Văn hóa cấp, ghi là Đình Nội Bình Đà:


4. Trong hồ sơ sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thực hiện sưu tầm năm 1992 - 1993 gọi là ĐÌNH: Đình Nội và Đình Ngoại. 

Cách ghi Đình Nội, Đình Ngoại là người sưu tầm sau khi làm xong bản rập thì hỏi cụ từ và ghi vào túi đựng bia. 
.


Theo hồ sơ sưu tầm, trong ĐÌNH NỘI còn có quả chuông "Diên Phúc tự chung"(Chuông chùa Diên Phúc) và bia "Trùng tu Diên Phúc tự bi"(Bài văn bai ghi việc trùng tu chùa Diên Phúc); trong ĐÌNH NGOẠI cũng có treo quả chuông "Thạc Linh tự chung"(Chuông chùa Thạc Linh). Đó là hai hiện vật ở hai ngôi chùa làng lạc vào đình, không phải là hiện vật của đình.

5. Phóng sự của VTC16 

"Đình Bình Đà vốn nổi tiếng khắp nơi với lối kiến trúc cổ được xây dựng từ những năm Mậu Ngọ - Khải Định. Nhưng vài năm trở lại đây người dân Bình Đà đã đề xuất đổi tên đình thành đền. Điều gì khiến người dân ở đây lại có mong muốn như vậy?"(Hết trích lời VTC16)

Thông tin từ đây cho biết:

1- Đình Bình Đà mới được xây dựng vào thời Khải Định, chính xác là năm 1918.
2- Dân vẫn gọi là ĐÌNH, chỉ vài năm gần đây mới gọi là ĐỀN và đòi đổi tên thành ĐỀN.
3- Bằng công nhận Di tích LSVH do Bộ văn hóa cấp năm 1985 là ĐÌNH NỘI BÌNH ĐÀ.



Như vậy, trong 100 năm nay, cái kiến trúc bên trong thờ Lạc Long Quân và một kiến trúc khác thờ Linh Lang ở trong làng Bình Đà đã có các tên gọi khác nhau: Đình - Đền (Từ) - Miếu. 

Trong đó, Văn bia ghi là ĐỀN. Nhưng bản khai của làng Bình Đà, có đầy đủ chữ ký và đóng dấu của Chánh Hội và Lý trưởng, cùng chữ ký của Thư ký thì xác nhận là ĐÌNH.

Nếu là ĐỀN, thì ĐÌNH BÌNH ĐÀ ở đâu? Làng Bình Đà chưa từng có ĐÌNH?

Một độc giả comment bên dưới:
Bài 1: ĐÌNH - ĐỀN - CHÙA - MIẾU ?
Theo ngu ý tôi:
-Thứ nhất, chùa phải loại từ vòng gửi xe.
-Thứ hai, đền là để thờ Thánh, vùng nào có Thánh thì có đền. Xưa nay chưa ai gọi, chưa có sách nào viết Lạc Long Quân là Thánh. Vậy loại ra sau vòng gửi xe.
-Còn lại Đình và Miếu. Vậy chọn gì? Theo sử Việt (tôi không đọc lịch sử mà chỉ nghe truyền miệng) thì mỗi làng có một ngôi Đình, gọi là Đình làng. Đình làng dụng vào 2 mục đích: Một là nơi sinh hoạt chung của dân làng dó, hai là thờ Thành hoàng làng đó. Còn Miếu là thờ một ai đó mà ảnh hưởng không rộng lớn. Vậy kết luận: Đây kết luận rằng: ngôi thờ ở Bình Đà à ĐÌNH.
 Còn tiếp

2 nhận xét :

  1. Bài 1: ĐÌNH - ĐỀN - CHÙA - MIẾU ?
    Theo ngu ý tôi:
    -Thứ nhất, chùa phải loại từ vòng gửi xe.
    -Thứ hai, đền là để thờ Thánh, vùng nào có Thánh thì có đền. Xưa nay chưa ai gọi, chưa có sách nào viết Lạc Long Quân là Thánh. Vậy loại ra sau vòng gửi xe.
    -Còn lại Đình và Miếu. Vậy chọn gì? Theo sử Việt (tôi không đọc lịch sử mà chỉ nghe truyền miệng) thì mỗi làng có một ngôi Đình, gọi là Đình làng. Đình làng dụng vào 2 mục đích: Một là nơi sinh hoạt chung của dân làng dó, hai là thờ Thành hoàng làng đó. Còn Miếu là thờ một ai đó mà ảnh hưởng không rộng lớn. Vậy kết luận: Đây kết luận rằng: ngôi thờ ở Bình Đà à ĐÌNH.

    Trả lờiXóa
  2. Làng tôi có ĐÌNH thờ cụ tướng quân Nguyễn Công Triều thời nhà Lê là người lập làng. Lại có một ngôi MIẾU thờ cha mẹ của cụ thành hoàng.

    Trả lờiXóa