Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

HÔM QUA EM ĐI CHÙA HƯƠNG - Tùy bút Bùi Quang Thắng


 
HÔM QUA EM ĐI CHÙA HƯƠNG

Xin đính chính một chút, “hôm qua” tức là ngày “27 Tết” (tôi cứ mong Tết kéo dài cho nên ngày 27 tháng Chạp đã được gọi là ngày Tết).

10h45, xe ô tô đã tới Bến Đục. Suối Yến hiện ra trong khung cảng thật thanh bình, cả nghìn chiếc đò san sát nhau thi thoảng lại cùng khe khẽ lắc lư, dập duyềnh trên sóng nước. Hai người bạn nước ngoài rút máy ảnh chụp lia lịa, tấm tắc khen trời nước hiền hòa. Họ không biết rằng đó chỉ là sự yên lặng trước cơn giông bão, khi mà vài ngày nữa thôi, lễ hội lớn nhất miền Bắc khai hội thì hơn một triệu tín đồ với đầy ắp khao khát mong cầu sẽ chứng minh sức mạnh chen lấn.

Mọi thủ tục mua vé, xếp đò đều nhanh chóng. 11h00 chúng tôi bước chân xuống đò. Mùa hội này, đò chùa Hương được trang bị mái che. Mái che là một tấm bạt nhựa in những hình quảng cáo sặc sỡ, được căng trên bộ khung sắt. Bộ khung sắt rất nặng khiến cho các đò cứ móc vào nhau. Có mỗi chiếc đò rời bến mà người đàn bà chèo đò phải loay hoay chống phải, đẩy trái một hồi thật lâu, kèm theo là những lời cằn nhằn về bộ mái che mới. Dường như ở xứ ta chẳng có sáng kiến cải tiến nào mà lại không đi kèm một vài chi tiết cải lùi. Cuối cùng thì đò cũng rời bến. Người chèo đò cho biết từ sáng tới giờ, đây là chiếc đò thứ 4 có khách.


Những nhà cửa bê tông đã lùi lại phía sau. Qua đền Trình, chỉ còn lại những sườn núi xanh rậm rịt soi bóng hai bờ nước. Susan, người bạn ngồi bên hỏi tôi “Kia là cái gì?”. Tôi nhìn sang bên. Đập vào mắt tôi, ngay mép nước là một tấm biển cỡ lớn (khoảng 2m x 4m nằm ngang). Nổi bật trên tấm biển là hình chai nước ngọt “năm-bờ-oăn”. Dòng chữ kêu gọi “giữ gìn vệ sinh chung” và “bỏ rác vào thùng” in trên bức ảnh hồ sen cũng không thể nào che đậy được mục đích chính của tấm biển là quảng cáo những sản phẩm nước ngọt của cùng một tập đoàn kinh kế, có chăng nên gọi đó là những tấm biển quảng cáo trá hình. Tôi hiểu được cảm giác ngỡ ngàng của Susan, không khó để nhận ra đó là những tấm biển quảng cáo, nhưng thật khó mà hiểu được tại sao người ta có thể cho phép nó xuất hiện ở một nơi hữu tình và linh thiêng như thế. Từ đó vào đến bến Trò, đoạn suối nổi tiếng thơ mộng, chưa đầy 4km chiều dài có tới 13 tấm biển quảng cáo trá hình như vậy. Những tấm biển với kích thước lớn đó được bố trí để dễ rơi vào tầm nhìn của du khách, đặc biệt dễ gây chú ý vì màu sắc sặc sỡ, thứ màu sắc phô trương của công nghệ in quảng cáo, hoàn toàn đối chọi với sắc xanh um của cây cỏ, xanh biếc của nền trời, xanh trong của suối nước và sắc xanh thẫm gần ngả sang màu xanh “mực Cửu-long” của núi đá vôi phong hóa. Những tấm pa-nô quảng cáo trá hình đó thực sự là thứ gây nhức mắt. Nhưng bù lại, sự vắng vẻ của ngày trái hội cũng mang lại đủ bình yên. Một đốm xanh biếc bay vút ngang mặt, đậu xuống đầu cây sào bên kia bờ nước. Chú chim bói cá ung dung khoe bộ cánh lấp lánh dưới nắng non, tận hưởng những ngày yên ả, chẳng thèm ngó ngàng tới chiếc đò nhỏ chở dăm ba kẻ tò mò.

Đò cập bến Trò. Chúng tôi dời đò lên thăm chùa Thiên Trù, còn gọi là chùa ngoài. Ngôi chùa lớn nhất trong quần thể chùa Hương rộng thênh thang trong ngày vắng khách. Thăm chùa xong, chúng tôi đi cáp treo thẳng một mạch lên đỉnh núi. 

Chiếc cổng gạch nhỏ rêu phong như cột mốc phân chia hai cảnh giới tương phản: phía bên này là những dãy hàng quán một mái dựa lưng núi đá, lầm lụi nối tiếp nhau từ chân núi lên tới đây mà chỉ vài ngày nữa thôi sẽ khó có chỗ cho lữ khách chen chân; phía bên kia là khung cảnh um tùm như một khoảnh rừng nhỏ, những bậc đá đã lên màu, bóng nhẵn vì triệu triệu bước chân hành hương, dẫn xuống cửa động rêu phong. Động Hương Tích là đây, nơi lưu dấu tu hành của công chúa Diệu Thiện. 

Động không lớn lắm, có những ban thờ Phật. Cảnh động đẹp nhất là khi đứng từ trong nhìn ngược ra ngoài cửa động. Từ bên trong không gian thâm u mờ tối, vòm cửa động tạo thành một cái khung hình kì lạ bừng sáng, luồng sáng như rọi xuống từ cõi linh thiêng, như thứ ánh sáng chiếu qua những ô kính màu trong những nhà thờ Công giáo. Trong cái khung hình ấy là màu xanh ngắt của những tán cọ đuôi cá, những tán lá gạo đang chờ đến tháng Ba để trổ hoa. Không gian ngợp trong vẻ đẹp u tịch mà thanh nhã. Đâu đó từ sau lưng, hay từ trên vòm trần hang lô nhô nhũ đá, dội xuống tiếng mõ, tiếng chuông tụng niệm, nhịp nhàng và thánh thót như những giọt đồng hồ, lan tỏa và thanh lọc nốt những bụi đục hồng trần còn vương trong không gian. Thôi kệ đời, hãy cứ tận hưởng khoảnh khắc huyền diệu và nhuốm chút màu vương giả này, bởi những giây phút như thế đang ngày càng trở nên cực kì xa xỉ, cực kì hiếm hoi trong cõi ta-bà lao xao.

Lại mong một lần trở lại chùa Hương.

QUANG THẮNG
Ngày mùng 7 Tết Đinh Dậu. 
Không thể định vị bởi đang phiêu diêu trên con tàu hướng về Thủ đô.

1 nhận xét :

  1. Nếu bỏ bớt cái mái che bạt nhựa, bỏ bớt cái biển "năm-bờ-oăn", bỏ bớt cái tinh thần vụ lợi đi chùa cầu tài, cầu lên chức, bỏ bớt cái tinh thần "chen lấn hăng say" và bỏ bớt cái quán nhậu trần tục (nếu có) thì phong cảnh thần tiên sẽ hiện ra và khi đó mới cảm được thi sĩ đại tài Chu Mạnh Trinh:

    HƯƠNG SƠN PHONG CẢNH CA.
    Bầu trời, cảnh bụt,
    Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
    Kìa non non, nước nước, mây mây,
    Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?
    Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
    Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.
    Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
    Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
    Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
    Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
    Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
    Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
    Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
    Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
    Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
    Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?
    Lần tràng hạt niệm "Nam vô Phật",
    Cửa từ bi công đức biết là bao.
    Càng trông phong cảnh càng yêu!

    Trả lờiXóa