Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Thời báo Kinh tế SG: DÂN CÓ QUYỀN KIỆN ĐÒI FORMOSA BỒI THƯỜNG

Người dân Hà Nội biểu tình phản đối Formosa, tại Hà Nội sáng 1/5/2016.

Dân kiện đòi Formosa bồi thường vẫn được

Phạm Hoài Huấn (*)
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Năm, 20/10/2016, 18:46 (GMT+7)

(TBKTSG) - Dư luận đang quan tâm chuyện tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trả đơn người dân yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển công ty này gây ra trong thời gian gần đây.

Vấn đề này không đơn thuần là câu chuyện về tố tụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Với tầm vóc và sự tác động của sự cố ô nhiễm môi trường này, ít nhất, khi đánh giá, phải xét ở cả khía cạnh về bảo đảm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bảo đảm về môi trường và quyền lợi của các bên có liên quan trực tiếp đến sự cố.

Tại sao Formosa lại đầu tư vào Việt Nam?

Trả lời cho câu hỏi này, chính là bàn về vấn đề thu hút đầu tư. Có nhiều người sẽ trả lời rất nhanh, rằng Việt Nam là một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, lao động giá rẻ, môi trường chính trị ổn định... Tất nhiên, những ý này không sai. Có một sự thật là Việt Nam chưa bao giờ là nơi thu hút các dự án công nghệ cao mang tính đột phá, dự án sử dụng năng lượng sạch. Là một nhà đầu tư lớn, Formosa có nhiều lựa chọn khác như Lào, Campuchia hoặc những nước tương tự. Nói cách khác, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất của họ trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Cho nên, muốn được Formosa chọn là địa điểm đầu tư, Việt Nam phải chứng minh cho họ thấy Việt Nam có nhiều ưu đãi hơn so với các lựa chọn khác. “Chọn thép hay chọn cá” là một câu nói rất... mất lòng nhưng trên thực tế, nó có khía cạnh đúng. “Nhà nghèo, con đông”, nhu cầu có cái ăn đặt ra cấp thiết hơn nhu cầu ăn ngon và ăn sạch.

Nhìn từ góc độ của một luật sư tư vấn đầu tư, với dự án trị giá hàng chục tỉ đô la Mỹ như của Formosa Hà Tĩnh, bắt buộc phải có các cam kết về bảo đảm đầu tư. Đồng tiền đi liền khúc ruột, không có lý do gì đầu tư lớn mà không yêu cầu các cam kết mang tính bảo đảm cho khoản đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh quốc gia sở tại đang có nhu cầu thu hút đầu tư.

Quyết định xử lý sự cố môi trường do Formosa gây ra

Làm cơ sở cho các bình luận tiếp theo, cần thiết phải xác định bản chất của cam kết bồi thường 500 triệu đô la Mỹ trong thời gian vừa qua. Ngay cả khi chính quyền của Việt Nam có đưa ra các cam kết, ưu đãi và bảo hộ đầu tư thì Formosa cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn tối thiểu về sản xuất, môi trường và quan trọng hơn là tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thu hút đầu tư không có nghĩa là đặt Formosa ra ngoài vòng cương tỏa của pháp luật.

Cho nên, khi công ty này vi phạm pháp luật, họ phải bị xử lý. Với một sự cố ô nhiễm môi trường biển lớn như đã thấy, Formosa có thể phải đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép. Tuy vậy, trên thực tế, để rút giấy phép của họ, xét ở khía cạnh pháp lý là không hề đơn giản. Cần phải cân nhắc đến các cam kết của Việt Nam khi chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Việt Nam, các hiệp định/cam kết về đầu tư quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bất cứ hành động khinh suất nào cũng có thể khiến cho Formosa có quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam. Cho nên, thái độ dè dặt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua có thể tạm chấp nhận (ở một phương diện nào đó).

Quyền khởi kiện của người dân

Sự cố ô nhiễm môi trường biển mà Formosa gây ra ảnh hưởng đến hoạt động và thu nhập của người dân. Xét từ góc độ của pháp luật Việt Nam hiện hành, từng người ngư dân và/hoặc nhóm ngư dân có thể khởi kiện để yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại. Nhìn từ góc độ tố tụng, có hai việc cần bàn:

Thứ nhất: Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền để xử lý vụ việc này. Đây chỉ là một vụ kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như bao nhiêu vụ kiện khác.

Thứ hai: Việc khởi kiện này xét cho tận cùng là một mối quan hệ tay đôi/hoặc quan hệ nhiều bên giữa các cá nhân hành nghề ngư nghiệp và Formosa. Nó không liên quan gì đến việc Nhà nước rút giấy phép của Formosa như trên đã đề cập.

Khuyến nghị từ góc nhìn chính sách

Rõ ràng Nhà nước đang đứng trước sức ép ghê gớm từ các cam kết về đầu tư và cơn giận dữ của người dân. Theo các cam kết này, mặc dù Nhà nước không thể/hoặc không nên rút giấy phép nhưng không có nghĩa là Nhà nước ngăn cản quyền khởi kiện chính đáng của ngư dân. Tôi đánh giá rằng, vụ kiện Formosa lần này là một phép thử mạnh mẽ đối với ngành tư pháp Việt Nam. Không có lý do gì để tòa án từ bỏ thẩm quyền xét xử của mình.

Ở khía cạnh thực thi chính sách, Nhà nước nên cân nhắc cứ để hoặc thậm chí là khuyến khích người dân khởi kiện Formosa. Với việc hàng trăm vụ kiện nhắm vào, Formosa sẽ chịu sức ép mạnh mẽ từ việc bồi thường theo thủ tục bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và thậm chí là sức ép từ các tổ chức môi trường quốc tế. Nó sẽ là cơ sở thực tế để Formosa đàm phán, chấp nhận chi trả nhiều hơn cho việc bồi thường. Thực hiện được điều này, Nhà nước không vi phạm cam kết bảo hộ đầu tư nhưng người dân và môi trường thì được hưởng lợi.

(*) Cố vấn pháp lý Victory LLC


6 nhận xét :

  1. Nhưng lỡ cầm tiền của For rồi thì"làm việc cũng phải có cái tình"riêng chứ

    Trả lờiXóa
  2. Dân nạn nhân không có quyền đi kiện Formosa thì ai có quyền đây ???

    Trả lờiXóa
  3. vụ kiện Formosa lần này là một phép thử mạnh mẽ đối với ngành tư pháp Việt Nam. Không có lý do gì để tòa án từ bỏ thẩm quyền xét xử của mình. (hết trích)
    *
    Đúng vậy, tư pháp phải thể hiện sức mạnh của mình bằng cách truy tố ông thủ tướng ngăn cản hệ thống tư pháp làm việc. Ông thủ tướng vi phạm pháp luật quốc gia.

    Trả lờiXóa
  4. Bất cứ một công dân VN nào( trong nước hay ngoài nước) đều có quyền đi kiện Formosa trong trường hợp này,vì Formosa đang tàn phá đất nước của họ (VN)!

    Trả lờiXóa
  5. Kiện là đòi quyền lợi. Tại sao không

    Trả lờiXóa
  6. Tôi đồng tình với ông Phạm Hoài Huấn về việc dân có quyền khởi kiện Formosa yêu tòa xử bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên có những điểm chưa đồng ý.
    ông viết: "Cần phải cân nhắc đến các cam kết của Việt Nam khi chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Việt Nam, các hiệp định/cam kết về đầu tư quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bất cứ hành động khinh suất nào cũng có thể khiến cho Formosa có quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam. Cho nên, thái độ dè dặt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua có thể tạm chấp nhận (ở một phương diện nào đó)."
    Thưa ông Huấn, bất kỳ cam kết nào của chính phủ cũng phải dựa theo luật. Ngay cả rút giấy phép của Formosa cũng phải được giải quyết bởi tư pháp chứ không phải là quyết định hành chính cá biệt, dù là quyết định của chính phủ thì tính pháp lý của nó không thể hiệu lực như bản án của tòa cấp tỉnh, cấp huyện. Hành pháp là hành pháp, tư pháp là tư pháp, không thể lẫn lộn mà ngjhix rang chính phủ "to" hơn Tòa án. Ngoài việc đòi bồi thường, người dân, kể cả những người nằm ngoài vùng ảnh hưởng của Formosa xả thải cũng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa chấm dứt hoạt động của Formosa, chưa nói đến việc hành vi của Formosa đã có dâu hiệu phạm tội hình sự. Nếu vụ án hình sự được khởi tố, Tòa có thể tuyên thu hồi đăng ký hoạt động vĩnh viễn của doanh nghiệp này. Tại sao lại lo mất lòng một tên tội phạm mà không thương lấy đồng bào mình, không thấy rằng luật pháp ta có đầy đủ sao không áp dụng mà lại chấp nhận lấy 500 triệu USD Formosa bồi thường? Chính phủ đã sai khi làm việc này. Muốn sửa lại thì phải để cho dân thực hiện quyền khởi kiện của họ, phải để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự.

    Trả lờiXóa