Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

ĐÀN ÁP CÓ PHẢI LÀ THƯỢNG SÁCH ?

Cuộc biểu tình chống Formosa của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh vào sáng Chủ Nhật 
2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người.

Đàn áp có phải là thượng sách? 

Kính Hòa, phóng viên RFA
RFA
2016-10-12

Liên tục trong tuần lễ đầu tháng 10 nhiều nhà hoạt động dân sự, bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp, thậm chí bị bắt giữ. Lực lượng an ninh được biết là triển khai đông đúc tại Hà Tĩnh sau cuộc biểu tình bất bạo động ngày hai tháng 10.

Đây có phải là một đợt trấn áp mới đối với các lực lượng bất đồng chính kiến trong xã hội hay không? Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong nước về những diễn biến mới này.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động dân sự trẻ tuổi ở Đà Nẵng, cho biết tình hình tại Hà Tĩnh vào những ngày cuối tuần đầu tháng 10:

“Qua một số người ở địa phương và mạng xã hội thì ngoài đó, phía an ninh người ta tăng cường lực lượng, sau cuộc biểu tình ngày hai tháng mười, người ta gia cố hàng rào, tường rào cho Formosa. Khi mà thấy các động thái như thế, thì phía người dân ngưng không biểu tình nữa vì bên an ninh chuẩn bị kỹ như thế mà biểu tình thì không có lợi.”

Tại sao có những đàn áp mới? 
 
Ngày chủ nhật 9 tháng 10 đã không có cuộc biểu tình nào xảy ra ở Hà Tĩnh, nhưng lại liên tục có những đàn áp từ phía lực lượng an ninh đối với những người bất đồng chính kiến với nhà nước. Một nhóm các nhà hoạt động dân sự, trong đó có những người được công chúng biết đến nhiều như Luật sư Lê Công Định, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bị tạm giữ ở Vũng Tàu rồi thả ra khi họ tổ chức họp mặt, bàn vấn đề xã hội dân sự.

Ngày 10 tháng 10 lại thêm một nhà hoạt động dân sự nữa bị bắt tại Nha Trang là Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức là blogger Mẹ Nấm.

Giải thích những hoạt động trấn áp liên tục đó, anh Nguyễn Anh Tuấn nói:

“Những bức xúc, những phẫn nộ của xã hội gia tăng như thế, mà lại cộng hưởng thêm những tranh chấp, xung đột trong nội bộ đảng cầm quyền, có thể là phần nào đấy khiến cho những người nắm quyền khá là lúng túng. Trong trường hợp lúng túng như thế thì người ta cần phải có một hành động nào đó để thị uy, để lấy lại sự tự tin, thể hiện quyền lực của họ.”

Ngay sau cuộc biểu tình ngày hai tháng 10, nhà nước Việt Nam chính thức ra tuyên bố buộc tội đảng Việt Tân, một đảng chính trị của người Việt ở hải ngoại là một tổ chức khủng bố, và nói rằng sẽ trừng trị bất kỳ tổ chức cá nhân nào hoạt động hợp tác với đảng này. Được biết là sau thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra, tổ chức Việt Tân đã có nhiều hoạt động chống Formosa tại Đài Loan là nơi công ty Formosa có trụ sở chính. 
 
Liên quan đến xung đột trong nội bộ đảng cầm quyền mà anh Nguyễn Anh Tuấn đề cập, nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn có trao đổi với chúng tôi vào ngày 10 tháng 10, ông nói:

“Ở hội nghị trung ương 4 của đảng cộng sản Việt Nam thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu một vấn đề là hết sức lo lắng về sự diễn biến và tự chuyển biến ở trong đảng, đặc biệt liên quan đến ông Nguyễn Như Phong của Petrotimes lại đăng một cái bài của một người mà đảng coi là cực kỳ phản động là Bùi Thanh Hiếu, hay blogger Người Buôn Gió.”

Đã có hai nhà báo làm việc trong ngành truyền thông của nhà nước Việt Nam đã bị kỷ luật là ông Nguyễn Như Phong và bà Lê Bình. Ông Phạm Chí Dũng cũng nói là có thể nhà cầm quyền đang bắt đầu một chiến dịch trấn áp những người hoạt động bất đồng chính kiến, như vụ bắt bà Như Quỳnh ở Nha Trang, mà theo ông Dũng đã từ lâu trở thành một cái gai trong mắt những người cầm quyền ở thành phố này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội thì cho rằng những hoạt động trấn áp của nhà cầm quyền không chắc là bắt nguồn từ những cuộc biểu tình lớn tại Hà Tĩnh:

“Từ sau đại hội của đảng cộng sản Việt Nam, hay nói cách khác là từ khi có bộ phận lãnh đạo mới này lên, thì tình hình vi phạm nhân quyền rất là trắng trợn, tình hình xấu đi một cách trông thấy, trong sáu tháng vừa qua, và việc trong hai ngày vừa qua, cũng là nằm trong xu hướng đó mà thôi.” 
 
XHDS trong những chuyển biến xã hội 
 
Trở lại câu chuyện những cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người ở Hà Tĩnh, bao gồm một số đông giáo dân Công giáo, và có sự dẫn dắt của các vị lãnh đạo tôn giáo, anh Nguyễn Anh Tuấn tiếp lời:

“Nhà thờ là một phần của xã hội dân sự và nó gắn bó chặt chẽ với đời sống ngư dân địa phương, đặc biệt ở đây là giáo dân. Nếu cư dân địa phương, giáo dân, chịu những thảm họa như thế mà nhà thờ không làm gì mới là lạ, là bất bình thường, còn nếu nhà thờ dẫn dắt tiến trình tranh đấu này thì tôi nghĩ nó hoàn toàn bình thường.”

Anh Tuấn nói thêm là không thể có chuyện hàng chục ngàn người bị xúi giục như cách bình luận của cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước, mà chắc chắn là họ có những điều không hài lòng, và chính quyền nên tìm hiểu thay vì đàn áp họ. Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì nói:

“Như tôi trả lời phỏng vấn đài RFA trước khi có cuộc biểu tình mấy tuần là chỉ có cách đối thoại với người dân ở đó, và cái cách đối thoại là chính quyền nên nhờ Giám mục Nguyễn Thái Hợp, ông là người có thẩm quyền để giàn xếp với giáo dân vụ này cho êm thấm, và tôi nói lại là ngoài đối thoại, các biện pháp bạo lực, đàn áp, đều thất sách cả.”

Đây cũng là ý kiến của nhà báo Huy Đức đăng trên trang cá nhân rằng nhà cầm quyền phải nói chuyện với những vị lãnh đạo tôn giáo thực sự như Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Ông Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc cho Tạp chí cộng sản của đảng có nói rằng những cộng đồng giáo dân vốn được tổ chức tốt sẽ làm nên những sức mạnh rất đáng kể mà nhà cầm quyền phải tính đến. Còn anh Nguyễn Anh Tuấn thì nói rằng trong tương lai tới đây, xã hội Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi và chuyển biến, nhà cầm quyền nên coi trọng vai trò của xã hội dân sự để đất nước vượt qua được những thay đổi là chuyển biến đó một cách tốt đẹp.

1 nhận xét :

  1. Đàn áp là hạ sách!
    Nhưng đảng không còn giải pháp nào khả dĩ!
    Thật sự đảng đang rất run sợ!
    Càng run sợ bao nhiêu, càng phải dựa vào bạo lực bấy nhiêu.
    Nhưng bạo lực là con đường ngắn nhất đưa đến sụp đổ!

    Trả lờiXóa