Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

MỘT EM BÉ 11 TUỔI TỰ TỬ VÌ KHÔNG CÓ QUẦN ÁO MỚI ĐI HỌC

Đám tang cháu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới đi học (Ảnh: NLĐ).

Có một đứa trẻ 11 tuổi vừa tự tử, thưa ông Giời

Anh Đào
Lao động
2:5 PM, 28/08/2016

Vào buổi sáng ngày hăm hai tháng tám năm hai ngàn không trăm mười sáu, Ksor Sôn, học sinh lớp 6 ở Ia Der, Gia Lai khởi sự nấu một nồi cơm cho cha mẹ làm rẫy về có cái ăn. Sau đó, em kiếm một sợi dây... treo lên cột nhà.

Hôm ấy Sôn chỉ đang 11 tuổi.

Cha em, Ksor Phơ trưa ấy chắc cũng chỉ thiếu mỗi nước tìm một sợi dây. Anh nói trong cảm giác ân hận, tội lỗi, rằng mấy hôm nay, Sôn mong ước có một bộ quần áo mới để đến trường. Rằng vợ chồng anh năm ngoái đã hứa, rồi hứa đến năm nay. Rằng từ lúc sinh ra, Sôn chỉ mặc quần áo cũ của 2 người anh. Những bộ quần áo đã sờn rách, mặc từ mùa hạ mặc qua mùa đông. Rằng bộ quần áo mới chỉ 130 ngàn đồng, nhưng cũng là lớn đối với 2 vợ chồng một năm chỉ có việc làm 1-2 tháng mùa cafe.

Một bộ quần áo trị giá 130 ngàn đồng.

130 ngàn đồng và 500 triệu “sinh nhật bố sếp”.

130 ngàn đồng và những ngàn tỉ ném qua cửa sổ, những ngàn tỉ đắp chiếu.

130 ngàn đồng và những câu hỏi “làm từ thiện để làm gì”.

130 ngàn đồng và cái chết của một đứa trẻ. Nói đúng ra là 2.

Có 2 chi tiết trong vụ tử tự của em bé Ia Der 11 tuổi này.

Năm 2015, gia đình Sôn “được” vào diện hộ nghèo, được hỗ trợ một con bò.

Quá đen, thưa ông giời! Con bò chính sách ấy đã chết sau chỉ vài tháng.

Năm ngoái, anh trai Sôn cũng đã tự tử, cũng vào năm 11 tuổi, cũng bằng một sợi dây. Cũng vì quá nghèo khổ.

Những người cha phải chứng kiến những đứa con phải tự giải phóng nỗi khốn khổ bằng một sợi dây.

Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra một câu hỏi day dứt: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

Và Chính phủ hàng năm cũng đã cấp hàng ngàn tấn gạo cứu đói, có hàng chục chính sách xóa đói giảm nghèo!

Nhưng giá như con bò chính sách, cây cần câu thoát nghèo không đột tử. Giá như 2.000 tỉ đồng cứu hạn đến sớm để còn có cafe mà thuê rẫy cỏ. Giá như những người trách nhiệm ở địa phương thôi thanh minh thanh nga “Trên địa bàn có mấy ngàn hộ nghèo, hộ nào cũng có người chết thì làm sao mà hỗ trợ hết". Giá như có một bàn tay từ thiện đúng lúc. Giá như xóa nghèo không phải chỉ là những chỉ số tròn trịa đẹp đẽ trên giấy. Giá như một người dân thiếu ăn, một đứa trẻ thiếu mặc là sự tổn thương của chúng ta.

Và giá như chút trắc ẩn trong mỗi chúng ta có thể biến thành một điều gì đó cụ thể thì đâu đến nỗi phải ngửa mặt kêu giời như bây giờ!!!

Ông giời! Vậy tóm lại là ông có mắt không? 
----------
 
Bé tự tử vì không có quần áo mới đi học: 
Nỗi ám ảnh sâu trong nữ hiệu trưởng 
 
Phụ Nữ Online
12:45 29/08/2016

Bà Kế cho biết, các em học sinh ở đây nghèo lắm. Sáng nhịn đói đi học, bữa trưa cũng chỉ là củ khoai, củ sắn. Thế nhưng tất cả các em đều ngoan, hiền lành và học rất giỏi.

Học sinh nghèo đến mức giáo viên ám ảnh

Sáng ngày 29/8, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, bà Nguyễn Thị Kế cho biết, mình vừa mới bàn giao lại chức vụ Hiệu trường Trường THCS Trần Phú (thuộc xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho người tiền nhiệm. Khi em Ksor Sôn (11 tuổi, ngụ làng Breng 3, xã Ia Der) treo cổ tự tử vì không có quần áo mới đi học, bà Kế vẫn còn đương chức nên nắm rất rõ tình hình gia cảnh nạn nhân.

Bà Kế bảo, hình ảnh các em học sinh nghèo, không có cái ăn, cái mặc mà vẫn chăm chỉ cắp sách tới trường đã trở thành nỗi "ám ảnh" trong tâm trí mình suốt mấy chục năm công tác trong ngành giáo dục. Nhất là khi trong gia đình em Sôn cũng đã từng có một người anh trai treo cổ tự tử cũng vì không có quần áo mới tới trường xảy ra vào năm ngoái.

"Các em học sinh là dân tộc thiểu số thường rất ngoan, chăm chỉ. Tuy vậy, gia cảnh các em nghèo lắm. Buổi sáng, các em thường nhịn đói tới trường, trưa về may ra mới được bữa no, hiếm lắm thì  mới có bữa cơm trắng không thì toàn khoai, sắn ăn cho qua bữa. Có những em buổi sáng đi học, buồi chiều về đi làm thuê phụ giúp bố mẹ" - bà Kế nói.

Be tu tu vi khong co quan ao moi di hoc: Noi am anh sau trong  nu hieu truong
Người dân làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai đưa tang bé Ksor Sôn vào ngày 25/8 (Ảnh NLĐ).

Trong câu chuyện của bà Kế, có cả những hình ảnh học sinh của mình đến trường giữa mùa đông giá rét với bộ quần áo mỏng manh, tơi tả trên người. Nói đến hành động của em Ksor Sôn, bà Kế không tránh khỏi lời trách móc "dại dột" nhưng phần nào hiểu được cái tủi, cái khổ mà những trẻ em nghèo phải gánh khiến các em "suy nghĩ cùng quẫn, hành động bế tắc". 

Nhưng có một thực tế ở trường THCS Trần Phú được bà Kế chia sẻ, ở trường có nhiều học sinh nghèo lắm nhưng cũng có nhiều giáo viên giàu lắm. Lý giải cho vấn đề này, bà Lý cho biết: "Phần lớn giáo viên của trường đều ở thành thị về dạy, họ có điều kiện. Nhìn thấy học sinh mình nghèo khổ quá, các giáo viên cũng có hỗ trợ bằng việc đem thức ăn, quần áo cũ... đến cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cũng không xuể, không giải quyết được dứt điểm tình trạng học sinh nghèo".

Nghèo phổ biến

Tình trạng học sinh nghèo khổ chỉ xảy ra ở xã Ia Der, còn các xã khác thì rất ít. Một phần là do phần lớn người dân trong xã là người dân tộc thiểu số, không có việc làm ổn định dẫn tới thu nhập bấp bênh nhưng một phần cũng đến từ những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. 

"Mỗi năm nhà trường chọn ra 5 em nghèo nhất gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tào huyện Ia Grai xin tài trợ..., đồng thời, mỗi năm cũng có nhiều em học sinh phải bỏ học vì gia đình nghèo. Ở vùng sâu vùng xa thì được trợ cấp nhiều nhưng xã Ia Der lại ở gần khu thị trấn nên không được phụ cấp gì. Các em học sinh khó khăn là thế, ham học là thế nên khi họp ở xã tôi cũng có ý kiến thì được hỗ trợ sách cũ, trợ cấp mỗi em được 70.000 đồng/ tháng. Nhưng thời gian gần đây không thấy gì nữa..." - bà Kế nói.

Ông Bùi Bờ Lý - Chủ tịch UBND xã Ia Der cho biết, sau sự việc tự tử của em Ksor Sôn, chính quyền xã có xuống trợ cấp tiền cho gia đình ông Ksor Phơ - cha em Sôn. Nhưng số tiền ấy cũng chẳng đáng là bao so với mất mát về mặt tinh thần mà hai vợ chồng ông Phơ đang phải gánh chịu. Điều quan trọng nữa là số tiền trợ cấp đó cũng chẳng đủ để ông Phơ có thể thoát nghèo, tránh lặp lại nỗi đau như với người con trai Ksor Sôn.

"Năm 2016, gia đình ông Ksor Phơ mới là hộ cận nghèo nên không được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt gì. Trong ngày cháu Sôn tự tử, không phải gia đình không may quần áo cho con trai mà là do bộ quần áo mới chưa kịp may xong. Lãnh đạo xã đang có phương án vận động tiền hỗ trợ cho vợ chồng ông Phơ xây được ngôi nhà" - vị chủ tịch UBND xã Ia Der nói.

Nói về chuyện học sinh nghèo trên địa bàn, ông Lý xác nhận có rất nhiều trường hợp đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học nhưng hiện xã chưa tìm ra phương án giải quyết tình trạng này mà còn phải chờ sự chỉ đạo và những ưu tiên từ chính quyền huyện Ia Grai.

Đoàn Văn

3 nhận xét :

  1. Giá như Tấn Dũng "thực sự" biết "day dứt" khi các cháu nhỏ phải mang
    ngô,khoai,sắn đến lớp rồi lợp chòi nấu ăn thì hắn đã không hút máu của nhân dân,và không để nhân dân lầm than khổ cực như tình hình đất nước đang diễn ra như ngày nay,và dân oan cũng không ngày càng tăng như hiện nay đâu !

    Trả lờiXóa
  2. 25 triệu đồng một cái vé xem chung kết hoa hậu mua được bao nhiêu bộ quân áo cho em Ksor Sôn ?

    Trả lờiXóa
  3. Những tin tức như tin em học sinh 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới đi học có lẽ không tới được tại các vị Lđ ĐcsVN và NN . Các vị ngồi trong tháp ngà , đi đâu có tiền hô hậu ủng ! ND nghèo có chết cả vạn người các vị LĐ tuyệt nhiên không hề hấn !

    Trả lờiXóa