Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Lê Văn Luân: CỨU RỖI


Luân Lê

CỨU RỖI

Tôi viết những dòng chữ này, không chỉ để nói về và gói gọn hay xoáy sâu vào chỉ riêng hành động tàn ác của những tay thanh niên làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi trung ương vừa diễn ra mới đây, mà đã khiến dự luận cả nước thêm một lần nữa dấy lên sự phẫn nộ và cả sự đau xót, cho đứa bé đã mất cùng người mẹ tội nghiệp, vật vã, đáng thương.


Xã hội này, đâu phải thiếu những nỗi bức xúc như thế nữa, nó quá thường nhật và cũng lại đầy rẫy. Chuyện cưa chân cô bé đúng quy trình, chuyện y tá hớn hở cầm một sấp phong bì, chuyện một bác sỹ mắng chửi té tát người nhà bệnh nhân hay chuyện mặc cả những đồng tiền máu xương của những người nghèo khổ đang trong cơn tuyệt vọng trên hành trình tìm lại sức khỏe, sự sống bình thường của mình hoặc của người thân, đâu phải là thứ quá hiếm hoi trên đất nước này.

Trong cơn thảm họa biển chết còn chưa rõ nguyên nhân, mà người ta đã lường biết là có độc tố rất mạnh ẩn chứa trong từng giọt nước, mà bà Bộ trưởng Bộ Y tế còn xông xáo khuyên người dân cứ an tâm ăn cá, tôm tại nơi xảy ra thảm họa, bằng cách vui vẻ ăn uống hải sản nhưng đầy nhanh chóng trước ống kính trên truyền hình bằng một góc quay cận cảnh và ngắn ngủi.

Xe cứu thương, tôi muốn dành nó để nói về những chiếc xe cần phải có để chuyên chở những tâm hồn và lương tri đã trở nên bệnh tật trầm trọng, đã biến chất như một xác sống đói khát và thối rữa nhưng vẫn vật vờ sống, sẵn sàng săn lùng và ăn thịt đồng loại một cách tàn nhẫn bằng cách đuổi cùng, giết tận mà xâu xé những phần xác thịt trên thân thể họ - những hình hài với trái tim còn đập mang hơi ấm con người.

Xe cứu thương, để trục vớt, để cứu rỗi những tâm hồn và trái tim được bao bọc và phủ đầy sự tàn ác, những dã tâm và cả phần đông vô cảm nữa. Và khi vô cảm, hoặc người ta sẽ thờ ơ với những việc làm tốt, hoặc sẽ vô tình trở thành những kẻ đồng lõa với tội ác hiển hiện trước mắt. Và họ hẳn nhiên trở thành một phần của tội ác, dù họ cảm tưởng như mình không liên quan chút gì bởi không trực tiếp chung tay hay đứng ngoài thúc giục cho những hành động man trá của kẻ khác.

Xe cứu thương, để cứu lấy tình yêu thương con người, sự đùm bọc, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau của những đồng loại rời rạc và yếu ớt, mà thậm chí là cả sự ngu dốt của họ mà bản thân họ không thể nhận ra, hoặc do đã quá tự huyễn cho mình một tầm thức hiểu biết nào đó mà chối bỏ sự dốt nát, u tối của mình.

Nếu những hành động ngăn cản mang tính tấn công trực diện và đã cướp đi mạng sống của một đứa trẻ đang trong tình trạng nguy kịch ấy mà để dành cho những hành động ngăn cản hay tấn công cái ác, sự xấu xa cùng những dã tâm đang bao phủ khắp ngõ ngách đời sống chật hẹp ngoài kia thì có lẽ xã hội và con người trên mảnh đất này đã không còn phải chịu những đắng cay, tủi nhục đang hiện diện từng ngày đầy đau đớn và xót xa rồi.

Nếu những hành động ấy là để lên tiếng, là để làm chứng tố cáo những thứ bất nhân, vô sỉ hay để bảo vệ đồng bào yếu thế mà đấu tranh thẳng tay trước những tên tham quan, nạn cường quyền, nhũng nhiễu hoặc những kẻ ngoại bang đầy dã tâm đang từng bước xâm lược trắng trợn và bằng những hành động côn đồ, thì đã không còn ai phải phẫn nộ, phải gào thét trong cơn tuyệt vọng đến bất lực thực sự trước xã hội đang không biết đi đâu về đâu, mà lại đang chìm trong những tai ương liên tiếp giáng xuống trên suốt dọc dài tổ quốc này.



Tôi tự hỏi, làm sao mà những con người kia có thể hành xử tàn độc và khốn nạn, táng tận lương tâm đến thế, mà chỉ vì vài triệu đồng chênh lệch giá dịch vụ? Họ có hiểu rằng, những chuyến xe của họ là những chuyến xe định mệnh, những chuyến xe chuyên chở sinh mạng, sự sống còn của những con người không may phải khênh lên thùng xe đó hay không? Vậy mà trong khoảnh khắc sống chết, nhất là trước sinh linh bé nhỏ của một đứa trẻ, chúng bất chấp tất thảy, đem sợi xích bằng sắt mà lăm le đe nẹt và thiết chặt lại cả những chiếc bánh xe đang cố chuyển dời hòng không cho lăn đi khi chưa thấy mặt những đồng tiền sấp ngửa được bày ra trước mắt mà chui tọt vào trong túi mình. Họ sẵn sàng đến mức "nếu sai, mai ba anh em mình nghỉ việc". Và chúng có thể chỉ nghỉ việc để né tránh tội ác của chúng, nhưng còn đứa trẻ đã an nghỉ trong sự đau đớn tột cùng của những người ở lại, trong sự xót xa và căm phẫn khi phải trực tiếp chứng kiến cảnh người ta không cho con mình được sống.

Chúng tước đoạt sinh mạng con người chỉ vì vài triệu đồng, nó thật sự là một nỗi kinh hoàng dành cho một xã hội, một thế hệ những con người đang tồn tại đầy nghiệt ngã trên quê hương tôi. Mới hai hôm cách đây thôi, tay tài xế taxi còn giết dã man rồi vứt xác để phi tang một cô gái trẻ đang đứng trước cánh cửa sự nghiệp tươi sáng chỉ để lấy 300 nghìn đồng bé mọn.

Những đồng tiền nhuốm đầy máu và được đánh đổi bằng sinh mệnh của những đồng loại. Tôi không hiểu con người ta có còn lương tâm của một con người nữa hay không? Có lẽ, họ cần được cứu rỗi, được gột rửa những tội lỗi tày trời mà chúng đang thản nhiên tạo ra ngày càng chất chồng một cách điên cuồng và đầy thách thức ấy. Làm sao có thể dung chứa những nhận thức, hành xử và cả hình hài chứa những thứ bỉ ổi, vô đạo như thế?

Bỗng tôi rùng mình lên sợ hãi, vì thấy cuộc sống này sao mà bất trắc và mong manh quá đỗi. Người ta có thể phải gánh chịu những tổn thất, mất mát và thiệt hại bằng rất nhiều cách mà khó ai có thể ngờ tới, dù là người giàu trí tưởng tượng đến mấy. Tôi thấy họ tàn ác với nhau, với đồng loại mình, nhưng họ lại rất dễ dàng kêu gọi và sử dụng để đánh đổi những nỗi đau đó bằng lòng bao dung, sự độ lượng, như người ta muốn hàng vạn, triệu dân chúng đang trong cơn quẫn bách, cùng cực phải mở lòng vị tha mà bỏ qua cho Formosa đầu độc biển, nhưng ngược lại, người ta lại cố tình khắc nghiệt với quá khứ như bà Tôn Nữ Thị Ninh đã đối đãi với Bob Kerry về chuyện của FUV.

Tôi quan sát thấy, họ rất chăm chỉ và vẫn thường xuyên lui tới đình, chùa, miếu, mão để cầu khấn tài lộc, sự bình an, mua mâm cao, lễ đầy để mang đến nơi của bồ tát, thánh phật để "hối lộ" và xin nài về những món lợi, được đắc lộc, tâm an, yên ổn, đạt phát cho bản thân,...nhưng trong đời thường, chúng lại trở thành và hiện nguyên hình là một con quỷ dữ, bất chấp tất cả vì chút lợi ích nhỏ mọn, sẵn sàng chà đạp để mưu cầu bằng mọi giá, kể cả phải hy sinh đồng loại của mình, một cách dã tâm nhất.

Những chuyến xe ác nghiệt, và rồi sẽ có cả những chuyến bay xa sắp tới dành cho những ngư dân vùng biển chết để đưa họ đến những chân trời mới của xứ người, đành bỏ lại quê hương, đất nước và biển đảo đã từng là máu thịt của bao đời nay ở phía sau lưng để mưu sinh, tìm kiếm những đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt. Tất nhiên, rồi trong số đó, sẽ có những người vì hám lợi mà trộm cắp để mong có nhiều tiền hơn để gửi về quê nhà cho những bà vợ cô quả, những đứa trẻ thất học đang mòn mỏi chờ đợi.

Khi không thể làm chủ trên mảnh đất hay quê hương của chính mình, thì chắc chắn rằng, người ta sẽ phải cúi đầu làm thuê cho kẻ khác và trên mảnh đất xa lạ ngoài đường biên đất nước.

Các bạn cũng biết, cũng sắp tới phiên xử có lẽ là rất công bằng dành cho hai thanh niên vì đói ăn, trong cảnh đường cùng, đã phải cướp lấy hai ổ bánh mỳ của người khác, họ không may mắn khi đã không gặp "thùng bánh từ thiện miễn phí" của những người có tâm bày ra trên phố ở Sài Gòn, Nha Trang hay ngay cả Hà Nội này mà đã cứu giúp được nhiều mảnh đời đói rách, lang thang, cơ cực. Nhưng rồi, bên cạnh đó, những kẻ chủ trò những công trình sạt lở do rút ruột, những nhà máy ngàn tỷ xây xong rồi bỏ không, những quốc doanh bị đục khoét và vơ vét, những vụ tham nhũng âm thầm tàn phá đất nước - lại chẳng có một phiên tòa nào diễn ra hay một bản án nào tuyên phạt chúng, mà rồi chỉ đơn giản là kiểm điểm, kỷ luật hay rút kinh nghiệm sâu sắc mà làm "bài học đắt giá cho lần sau".

Chiếc xe cứu thương với giá chỉ chưa đến 3 triệu đồng cướp đi một sinh mạng trẻ thơ. Những ổ bánh mỳ vài nghìn đồng phải đổi lại 10 năm ngục tù cho hai thanh niên đói rách mà một xã hội khuất tất đã đưa đẩy họ đến cảnh cùng cực, vì ngay cả trí thức còn phải đi bán dâm, giáo viên thừa mứa bị đẩy ra đường. Nó gợi tôi nhớ đến câu chuyện "Những người khốn khổ" của đại thi hào Victor Hugo đã vẽ ra nước Pháp của những năm 20 đầu thế kỷ 19. Một ổ bánh mỳ mà Jean Valjean ăn cắp khi đói khát đã khiến anh phải trốn chạy cả đời trước sự truy đổi quyết liệt, rốt ráo đến cùng bởi thứ quyền lực phi lý và đầy sự nghiêm khắc đến bất công lại sẵn chỉ dành riêng cho những con người cùng khổ đang ở dưới đáy xã hội mà đại diện thực thi chúng là tay thanh tra ma mãnh Javert.

Những người khốn khổ, đang phải giành giật sự sống, trên chính quê hương mình.

9 nhận xét :

  1. Đó là sự thật!Hậu quả của một chủ thuyết VÔ LUÂN đã du nhập
    vào nước ta 70 năm nay!!!Cũng như biển đã bị nhiễm độc, không biết phải mất bao nhiêu chục năm nữa mới có thể đưa
    dân tộc về lại lòng nhân ái thuở nào???Buồn thay!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không biết phải mất bao nhiêu chục năm nữa mới có thể đưa
      dân tộc về lại lòng nhân ái thuở nào???Buồn thay!!!
      -Buồn thật !!!

      Xóa
  2. Đã 2 năm rõ 10 mà còn ngoác mồm cái hả con mụ PGĐ này!

    Trả lờiXóa
  3. Cái ác đã tràn ra từ phòng làm việc lãnh đạo, cbcn viên xuống giường bệnh bệnh viện, bây giờ ra đến cổng bảo vệ, lái xe! Đất nước tôi ơi!!1

    Trả lờiXóa
  4. Quan này đẹp gái gớm!
    Quan hay cái chỗ là quan chẳng động tay vào cái gì!
    Quan ăn bẩn nhưng khi kiểm tra thì tay quan vẫn sạch!
    Chỉ có dân thì lúc nào cũng lam lũ mà thôi!

    Trả lờiXóa
  5. Mẹ tôi xưa từng nói: "Sau này tụi mày sống với... Quỷ!"

    Trả lờiXóa
  6. Mặt tiền ngồn ngộn ác thú, làm gì có tên là đẹp ở đây. Các bác cứ việc hỏi các thầy tướng mạo cao tay xem tôi nói có quá đúng không?

    Trả lờiXóa
  7. Những gương mặt bóng loáng, kính trắng lập lòe, áo trắng mà lòng đen, tên là thơm là sáng mà lòng thì tăm tối và thối tha ! Nó chung chia, ăn dọc bọc ngang từ trên xuống dưới. Mấy mươi năm mà đất nước VN tươi đẹp đã thành giẻ rách. Lương tâm con người, đạo đức xã hội, tinh thần yêu nước, tự trọng dân tộc... đã thành giẻ rách.

    Trả lờiXóa
  8. Khi không thể làm chủ trên mảnh đất hay quê hương của chính mình, thì chắc chắn rằng, người ta sẽ phải cúi đầu làm thuê cho kẻ khác và trên mảnh đất xa lạ ngoài đường biên đất nước.
    (luật sư Lê Luân)
    *
    Ta đang sống như những người mất quê hương ngay trên đất mẹ của mình! Ta đâu có được sống đàng hoàng như người chủ của đất nước mình đâu!

    Trả lờiXóa