Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

CÁ NỤC ĐÔNG LẠNH Ở QUẢNG TRỊ CÓ CHẤT CỰC ĐỘC?


CÁ NỤC ĐÔNG LẠNH Ở QUẢNG TRỊ 
CÓ CHẤT CỰC ĐỘC?

Nguyễn Minh Quang, P.E.
10-6-2016

Ba Sàm

PHẦN DẪN NHẬP


Ngày hôm nay, 10 tháng 6 năm 2016, báo chí trong nước đồng loạt loan tin về vụ 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị có chất cực độc [1-4].  Các bài báo dựa theo lời tuyên bố của ông Hồ Sỹ Biên, Trưởng chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) Quảng Trị [5].  

Ông Biên cho biết đơn vị này vừa xác định có chất cực độc phenol trong 30 tấn cá nục đông lạnh ở một cơ sở chế biến cá đông lạnh tại thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh), thu mua ngay sau khi có tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung.  Do tâm lý e ngại cá biển nên số cá này được trữ đông đến nay.  Qua xét nghiệm, mẫu cá có nồng độ phenol là 0,037 mg/kg.  “Đây là dẫn xuất nhân thơm dùng trong công nghiệp để tẩy uế, sát khuẩn.   Chất này tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm, thậm chí thức ăn chăn nuôi… chỉ có thể khẳng định có chất độc trong mẫu kiểm nghiệm, chứ không thể xác định nhiễm độc từ đâu.  Với hàm lượng 2-5 gram, chất Phenol gây ngộ độc cấp, và 10 gram gây chết người.  Dù hàm lượng trong mẫu kiểm nghiệm ít, không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau.” [4]

Việc phát hiên “chất cực độc” trong cá nục đông lạnh ở Quảng Trị làm  xôn xao dư luận trong và ngoài nước và gây sự chú ý của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America (VOA)) [6].  Phenol có phải là “chất cực độc” không được có trong thực phẩm?  Phenol có gây “ngộ độc cấp” ở hàm lượng 2-5 grams và gây “chết người” ở hàm lượng 10 grams?  Phenol không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau?  Bài viết nầy có mục đích câu trả lời các câu hỏi đó.

H1 
Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị 
Ảnh: Thanh Lộc/ TN.

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA PHENOL

Phenol là một hợp chất hữu cơ – hiện diện tự nhiên hay được chế tạo – ở thể đặc, công thức hóa học là C6H6O, không có màu hoặc hồng nhạt.  Phenol có mùi thơm dù ở nồng độ thấp 0,048 ppm (parts per million (phần triệu)) và có thể hòa tan trong nước [7].

Phenol ở thể lỏng được dùng trong thương mại, phần lớn dùng để sản xuất nhựa có chất phenol và chế tạo nylon hoặc sợi tổng hợp.  Phenol cũng được dùng để giết vi khuẩn hoặc mốc meo, tẩy uế hay khử trùng, và làm thuốc súc miệng hoặc kẹo thông cổ (sore throat lozenges) [8].  Phenol hiện diện tự nhiên trong rất nhiều thực phẩm như đinh hương (cloves) (có nồng độ cao nhất 151.880 mg/kg), tai hồi (có nồng độ 54.600 mg/kg), dâu tây (có nồng độ 2.350 mg/kg) và rượu vang (có nồng độ thấp nhất 100 mg/kg [9].

Sau khi một lượng nhỏ được phóng thích vào không khí, phenol sẽ được loại trừ một cách nhanh chóng (thường thường, ½ số phenol sẽ được loại trong vòng 1 ngày).  Phenol ở trong đất từ 2 đến 5 ngày và ở trong nước 1 tuần hoặc lâu hơn.  Phenol sẽ ở trong không khí, đất và nước lâu dài nếu việc phóng thích một số lượng lớn được lặp đi lặp lại nhiều lần.  Phenol không tích lũy trong cá, các thú vật khác hay cây cối [8].  Phenol không tích lũy trong cơ thể con người và được loại trừ một cách nhanh chóng qua đường tiểu dưới dạng sulfate và glucuronide.  Phenol hiện diện trong nước tiểu của người không tiếp xúc với phenol hay benzene ở nồng độ thấp hơn 10 mg/L [9].

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency (USEPA)), phenol được xem là một chất khá độc đối với con người qua đường tiêu hóa. Trong ngắn hạn, phenol có thể gây biếng ăn, mất cân liên tục, tiêu chảy, chóng mặt, chảy nước miếng, và nước tiểu có màu đậm.  Tiếp xúc lâu hạn với phenol có thể ảnh hưởng đến gan và máu.  USEPA không ấn định mức cho phép (maximun contaminant level (MCL)) cho phenol, nhưng đưa ra liều lượng tham khảo (reference dose (RfD)) là 0,6 mg/kg/day.  Liều lượng tham khảo là số lượng ước tính mà một người có thể tiếp nhận mỗi ngày qua đường tiêu hóa mà không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt cuộc đời [10]. 

Một trẻ em có thể uống nước có nồng độ phenol lên đến 6 mg/L mà không có ảnh hưởng đến sức khỏe.  Phenol cũng không gây ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe nếu một người uống nước có nồng độ lên đến 2 mg/L trong suốt cuộc đời.  Cơ quan Quản trị Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp (Occupational Safety and Health Administration (OSHA)) ấn định nồng độ dưới 5 ppm để bảo vệ công nhân trong suốt 8 tiếng làm việc của họ [8].  Phenol có thể gây chết người qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc với một vùng rộng của da.  Liều lượng giết người tối thiểu qua đường miệng (minimal lethal oral dose) được ước tính là 70 mg/kg cho người lớn.  Một số nghiên cứu cho thấy chỉ cần một liều lượng qua đường miệng là 1.000 mg cũng đủ làm chết người, nhưng thỉnh thoảng, bệnh nhân vẫn sống với liều lượng lên đến 65.000 mg [11].

Về thực phẩm, ATSDR ấn định Mức Rủi ro Tối thiểu (Minimal Risk Level (MRL) cho việc tiêu thụ thực phẩm ngắn hạn (14 ngày hoặc ngắn hơn) là 1 mg/kg/day.  MRLs cho việc tiêu thụ thực phẩm trung hạn và dài hạn không được ấn định [12].  Như vậy, nếu một người căn nặng 40 kg, thì người đó có thể tiếp thu thực phẩm có chứa 40 mg phenol trong một ngày mà không gặp rủi ro nào cho sức khỏe.

CÁ ĐÔNG LẠNH Ở QUẢNG TRỊ CÓ CHẤT CỰC ĐỘC?

Qua những đặc tính được trình bày ở trên, phenol hoàn toàn không phải là một “chất cực độc” vì nó hiện diện tự nhiên trong môi trường và ngay trong cơ thể con người.  Có thể ông Hồ Sỹ Biên dựa vào tiêu chuẩn ATVSTP của Việt Nam để khẳng định rằng phenol “… tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm, thậm chí thức ăn chăn nuôi,” nhưng tiêu chuẩn nầy, nếu có, không phù hợp với đặc tính khoa học của phenol vì phenol hiện diện tự nhiên ở nồng độ khá cao trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày.

Ông Hồ Sỹ Biên dường như trích dẫn tiêu chuẩn ATVSTP của Việt Nam khi cho biết rằng: “Với hàm lượng 2-5 gram, chất Phenol gây ngộ độc cấp, và 10 gram gây chết người.” Nếu đây là tiêu chuẩn ATVSTP của Việt Nam thì tiêu chuẩn nầy, một lần nữa, không phù hợp với những đặc tính của phenol.  Như đã nêu trên, trong nhiều trường hợp, bênh nhân vẫn sống sau khi tiếp nhận qua đường miệng một lượng phenol lên đến 65.000 mg hay 65 grams.

Ông Hồ Sỹ Biên kết luận rằng: “Dù hàm lượng trong mẫu kiểm nghiệm ít, không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau.”  Một lần nữa, tuyên bố của ông Hồ Sỹ Biên không phù hợp với đặc tính của phenol, vì nó không tích lũy trong cơ thể con người và được loại trừ ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng qua đường tiểu.

Dựa trên những đặc tính của phenol và nồng độ rất thấp phát hiện trong cá nục đông lạnh ở Quảng Trị (0,037 mg/kg) so với rượu vang, là thực phẩm có nồng độ phenol thấp nhất (100 mg/kg), chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn và khoa học rằng cá nục động lạnh ở Quảng Trị không có “chất cực độc” mà ngược lại rất an toàn để ăn theo tiêu chẩn của ATSDR và USEPA.

KẾT LUẬN

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2016, báo chí trong nước đồng loạt loan tin về vụ 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị có chất cực độc.  Các bài báo dựa theo lời tuyên bố của ông Hồ Sỹ Biên, Trưởng chi cục ATVSTP Quảng Trị, cho biết đơn vị này vừa xác định có chất cực độc phenol trong 30 tấn cá nục đông lạnh ở Cửa Tùng (Vĩnh Linh) được thu mua ngay sau khi có tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung.  Theo ông Biên, mẫu cá có nồng độ phenol là 0,037 mg/kg, một chất tuyệt đối không được có trong thực phẩm, gây ngộ độc cấp ở hàm lượng 2-5 grams và gây chết người ở 10 grams, và không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau.  Việc phát hiện “chất cực độc” trong cá nục đông lạnh làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước và gây sự chú ý của Đài VOA.

Dựa theo những đặc tính của phenol và tiêu chuẩn của ATSDR và USEPA ở Hoa Kỳ, phenol không phải là một chất cực độc đối với con người vì nó hiện diện tự nhiên trong môi trường và cơ thể con người.  Nó khá độc ở nồng độ cao nhưng không có ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở nồng độ thấp và không có ảnh hưởng lâu dài vì không tích lũy trong động thực vật, kể cả cá và người.  Với một nồng độ phenol rất thấp phát hiện được, cá nục đông lạnh ở Quảng Trị được xem là rất an toàn để ăn theo tiêu chuẩn của ATSDR và USEPA ở Hoa Kỳ.

Nếu những lời tuyên bố của ông Hồ Sỹ Biên dựa trên tiêu chuẩn ATVSTP của Việt Nam thì bộ tiêu chuẩn nầy cần phải được duyệt xét lại và sửa đổi ngay lập tức để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ.  Nó rất cần thiết để tránh những ảnh hưởng tâm lý tai hại, chẳng những cho người tiêu thụ trong nước mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam vì những khó khăn trong việc xuất cảng thủy hải sản.

SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.
_______

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]       Quốc Nam. 10 tháng 6 năm 2016. “Phát hiện chất cực độc trong cá nục đông lạnh tại Quảng Trị.”  Tuổi Trẻ. http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/thi-truong/20160610/phat-hien-chat-cuc-doc-trong-ca-nuc-dong-lanh-tai-quang-tri/1116058.html

[2]        Đ. Đức. 10 tháng 6 năm 2016. “Phát hiện chất Phenol cực độc trong cá nục thu mua ngay sau thời điểm cá chết.” Dân Trí. http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-chat-phenol-cuc-doc-trong-ca-nuc-dong-lanh-thu-mua-ngay-sau-thoi-diem-ca-chet-20160610164753901.htm

[3]        H. Lợi. 10 tháng 6 năm 2016. “Phát hiện chất cực độc trong lô hàng cá nục đông lạnh tại Quảng Trị.” Người Lao Động. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/phat-hien-chat-cuc-doc-trong-lo-hang-ca-nuc-dong-lanh-tai-quang-tri-20160610191155664.htm

[4]        Hoàng Táo. 10 tháng 6 năm 2016. “30 tấn cá nục đông lạnh chứa chất cực độc ở Quảng Trị.” VNExpress. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/30-tan-ca-nuc-dong-lanh-chua-chat-cuc-doc-o-quang-tri-3417813.html

[5]        Nguyễn Phúc – Linh Châu. 10 tháng 6 năm 2016.  “Chất cực độc có trong 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị là gì?Thanh Niên Online.

[6]        Trà Mi. 10 tháng 6 năm 2016. “Quảng Trị phát hiện 30 tấn cá cực độc.” VOA Tiếng Việt. http://www.voatiengviet.com/content/quang-tri-phat-hien-30-tan-ca-dong-lanh-cuc-doc/3370545.html

[7]        ScienceLab. May 21, 2013. “Material Safety Data Sheet – Phenol MSDS.” http://www.sciencelab.com/msds.php?msdsId=9926463

[8]        Division of Toxicology and Human Health Sciences. September 2008. “Phenol – ToxFAQs.” Agency for Toxic Substances and Disease Registry (ATSDR). http://www.atsdr.cdc.gov/toxfaqs/tfacts115.pdf

[9]        J Perez Jimenez, V Neveu, F Vos and A Scalbert. No date. “Table 1 from Identification of the 100 richest dietary sources of polyphenols: an application of the Phenol-Explorer database.” EJCN. http://www.nature.com/ejcn/journal/v64/n3s/fig_tab/ejcn2010221t1.html

[10]      Air Toxics Web Site. January 2000. “Phenol – Hazard Summary.” U.S. Environmental Protection Agency (USEPA). https://www3.epa.gov/airtoxics/hlthef/phenol.html

[11]      ATSDR. January 21, 2015. “Toxic Substances Portal – Phenol – 2. Relevance to Public Health.” Centers for Disease Control and Prevention. https://www.atsdr.cdc.gov/toxprofiles/tp115-c2.pdf

[12]      ATSDR. 2008. ”Toxicological Profile for Phenol.”  U.S. Department of Health and Human Services, Public Health Services.  Atlanta, GA.  http://www.atsdr.cdc.gov/toxguides/toxguide-115.pdf

3 nhận xét :

  1. Phenol, dạng polyme gọi là tanin, chất này có trong vỏ trấu lúa, đại mạch, thành phần chủ yếu trong lá chè, trong vỏ quả nho, quả táo mèo để làm rượu vang ( khi uống có vị chát, một trong hai thành phần tạo nên rượu vàng). Thường độc là nhóm benzel-C6H6O6, thành phần trong thuốc trừ sâu, nhưng nhanh bị phân hủy theo thời gian hay nhiệt độ cao.

    Trả lờiXóa
  2. Phenol, dạng polyme gọi là tanin, chất này có trong vỏ trấu lúa, đại mạch, thành phần chủ yếu trong lá chè uống có vị chát, trong vỏ quả nho, quả táo mèo để làm rượu vang ( khi uống có vị chát, một trong hai thành phần tạo nên rượu vàng). Thường độc là nhóm benzel-C6H6O6, thành phần trong thuốc trừ sâu, nhưng nhanh bị phân hủy theo thời gian hay nhiệt độ cao. Tanin có tính diệt khuẩn, nên được dùng trong công nghiệp thuộc da, trong chế biến thực phẩm, chất được chiết xuất trong quá trình chế biến để bảo quản thực phẩm và tạo hương vị cho đồ uống như rượu vang, bia, nước hoa quả. Tanin có nhiều trong các loại quả, nhất là khi quả còn xanh, như lá ổi, quả ổi hay dùng để trị bệnh đi ngoài( có nhiều tanin để diệt khuẩn).

    Trả lờiXóa
  3. 1g phenol là đủ chết người (theo Wikipeida). Phát xít Đức dùng nó để diệt chủng người Do Thái.

    Trả lờiXóa