Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

BOB KERREY - NGƯỜI ĐÀN ÔNG MỸ LẶNG LẼ HẾT LÒNG VÌ VN

 
Bob Kerrey. Ảnh: internet

Bob Kerrey, người đàn ông lặng lẽ hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng nền tảng cho tương lai VN

TS Vũ Thành Tự Anh
3-6-2016

Mấy ngày nay, nhiều người hỏi tôi ủng hộ hay phản đối việc Bob Kerrey – cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ kể lại hành trình nhận thức của mình về Bob Kerrey.


Hơn nửa năm trước, khi biết Bob Kerrey được mời làm Chủ tịch HĐQT của FUV, phản ứng đầu tiên của tôi là phản đối. Lý do rất đơn giản và hiển nhiên: Tội ác kinh khủng ông gây ra trong cuộc tàn sát ở Thạnh Phong năm 1969 tương phản và làm vấy bẩn sứ mệnh cao đẹp của Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Nhưng khi hiểu thêm về Bob Kerrey, những điều ông nói và những việc ông làm, đồng thời được nghe kể nhiều câu chuyện đầy éo le và bi kịch từ cựu chiến binh ở cả hai phía, tôi đã nhận ra ở Kerrey một con người khác, thoát xác từ chính đại úy biệt kích SEAL trước đây.

Trong suốt hơn một phần tư thế kỷ trở lại đây, “bộ ba thượng nghị sỹ” John Kerry, John McCain và Bob Kerrey cũng như nhiều cựu chiến binh khác đã nỗ lực không mệt mỏi và trở thành những nhân vật chủ chốt vận động cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cho việc phát triển giáo dục ở Việt Nam mà Chương trình Học bổng Fulbright và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright là hai thành quả cụ thể. Trong thời gian là Thượng nghị sỹ, Bob Kerrey cũng là người bảo trợ cho đạo luật hình thành nên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tạo cơ hội cho khoảng 500 nghiên cứu sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong các ngành khoa học, toán học, y học, công nghệ và kỹ thuật.

Trong “bộ ba” này, người Việt Nam chủ yếu chỉ biết đến “hai ông John”. Chẳng mấy ai, kể cả nhiều người được nhận học bổng do Bob Kerrey góp phần tạo ra, biết đến ông cho đến khi ông được Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) mời làm Chủ tịch HĐQT FUV. Người đàn ông này lặng lẽ cống hiến cho sự hàn gắn vết thương chiến tranh trong quá khứ và xây dựng nền tảng cho tương lai ở đất nước ông từng gây đau thương chết chóc.

Động lực nào khiến ông nhận lời mời làm Chủ tịch FUV, nhất là ở cái tuổi ngoài 70 này? Vì danh ư? Chắc chắn là không vì danh vọng ông không thiếu. Vì lợi ư? Lại càng không vì ông không nhận một đồng lương bổng nào từ FUV. Dần dần, tôi hiểu ra rằng với ông, đây là dự án lớn cuối cùng mà ông có thể cống hiến cho Việt Nam, là nỗ lực sám hối tha thiết cuối cùng cho những vết thương ông đã để lại ở Việt Nam.

Đối với Kerrey, việc trở về Việt Nam trong dự án FUV hẳn là một quyết định khó khăn. Lần cuối cùng Kerrey trở lại Việt Nam là cuối thập niên 1990, khi sứ mệnh bình thường hóa quan hệ đã hoàn thành. Khi quyết định trở lại một lần nữa, chắc chắn ông biết rằng mình sẽ lại phải đối diện với quá khứ đầy đau đớn. Một lần nữa, ông phải gánh chịu những lời kết án cho những tội ác của mình gây ra gần nửa thế kỷ trước. Nhưng với ông, việc chịu đựng những lời kết án hay thậm chí là cái chết có khi còn nhẹ nhàng hơn việc phải đối diện với những ký ức đầy ám ảnh, dày vò tâm khảm ông vĩnh viễn kể từ cái đêm ở Thạnh Phong năm 1969.

Với tâm thế ấy, cũng như trước đây, ông luôn nhẫn nhịn chịu đựng, không một lời thanh minh, không một lời bào chữa, mà chỉ kiên trì theo đuổi tâm nguyện của mình. Bởi vì ông hiểu rằng mặc dù không ai có thể sửa được quá khứ, nhưng với sự lựa chọn của mình, chúng ta có thể thay đổi tương lai.

Có thể có người cho rằng sự trở lại của Kerrey trong Dự án FUV đã khơi lại vết thương quá khứ của nhiều người Việt Nam. Nhưng cũng nên thấy rằng, với quyết định của mình, Kerrey là người đầu tiên phải chịu đựng những đớn đau, dằn vặt tinh thần. Ông đã không chọn con đường trốn tránh quá khứ, vốn dễ dàng hơn cho ông rất nhiều. Trái lại, ông dũng cảm chấp nhận đối diện với nỗi đau của mình, và vượt qua nó bằng sự nhẫn nhịn, bền bỉ, và hơn hết, bằng những hành động thiết thực hướng tới tương lai.

Sự sám hối của Kerrey là chân thành, khát khao cống hiến của Kerrey cho giáo dục Việt Nam là chân thực. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng với tấm lòng thành thực và sự cảm thông, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

4 nhận xét :

  1. Chiến tranh chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho tất cả các bên tham chiến. Khác với chến tranh thế giới thứ II, chiến tranh ở Việt Nam không có tòa án xử "tội ác chiến tranh". Nói về tội ác trong chiến tranh VN thì rất nhiều. Bên nào cũng muốn giành chiến thắng và việc tất yêu là phải tiêu diet lẫn nhau gây ra chết chóc. Nhưng gây chết chóc cho dân thường không một tấc sắt trong tay thì đó là tội ác. Nhưng chiến tranh ở VN thì có những đặc điểm riêng có. Đó là "chiến tranh nhân dân". Mọi người dân từ em thiếu niên đến những ông già bà cả cũng có thể là chiến sĩ. Đã là chiến sĩ - người lính thì không thể thoát ra khỏi cuộc chiến. Chiến tranh VN còn một đặc điểm nữa mà đảng và nhà nước không nói đến. Đó là VN tự nhận là tuyến đấu chống chủ nghĩa tư bản, đế quốc. Và trên thực thế thì Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác cũng đều xác định như vậy. Nên trong chiến tranh, ngoài vũ khí chủ yếu từ Liên Xô, thì tất cả các loại hàng hóa, nhu yêu phẩm, quân nhu,lương thực, thực phẩm đều do LX, TQ và các nước XHCN khác trong đó có Bắc Triều Tiên viện trợ cho không. Sự hy sinh của người VN là để bảo vệ hệ thống XHCN. Ở miền Nam VN, Chính quyền SG cũng nhận viện trợ từ Mỹ và các nước đồng minh khác của Mỹ. Sự viện trợ này cũng nhằm mục đích ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống phía Nam. Sự mở rộng và bành trướng đó là sự đe dọa an ninh nước Mỹ và đồng minh của họ.
    Sự tàn ác của chiến tranh là không thể phủ nhận.
    Nhưng sự tàn ác đó không chỉ từ phía Mỹ và chính quyền SG. Sự tàn ác đó cũng có sự đóng góp tích cực của "bên thắng trận". Cũng có nhiều cuộc tàn sát mà các bên đổ lẫn cho nhau, như cuộc tàn sát mậu thân năm 1968.
    Có nhiều tội ác xảy ra trên đất nước VN mà không phải vì lí do chiến tranh như những cuộc hành hình trong cải cách ruộng đất bắt đầu từ năm 1953 đến năm 1956. Bà Nguyễn Thị Năm là người có công và nằm trong hang ngũ Việt Minh là vật hiến tế đầu tiên khởi động cuộc đấu tố và giết chóc. Biết bao nhiêu những đảng viên CS từng ra lệnh giết người trong CCRĐ đã trở thành những ông to bà lớn trong chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau là CHXHCNVN? Và con cháu họ bây giờ cũng kế tục chức quyền của họ!
    Cần phải khẳng định là người lính trong chiến tranh đôi khi họ không thể làm khác được, vì trước mặt họ là đối thủ. Mà chiến tranh ở VN thì người lính bbao gồm cả đàn bà và trẻ nhỏ! Chẳng thế mà VN đã cố dựng lên một hình tượng hư cấu Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng của Pháp. Nếu như sự việc có thật, thì người thiếu niên Lê Văn Tám kia là một người lính, và đối phương không thể không nhắm bắn để ngăn chặn sự tấn công của người lính đó!
    Chiến tranh đã qua đi, nhưng nhiều người dân VN còn đau thắt bởi những sự kiện từ năm 1954, đến 1975. Lúc này là lúc phải thực sự hòa giải, đừng nói lấy được, đừng chỉ nỏ mồm mà không làm gì. Nếu thật sự tin dân thì hãy để cho công dân tài giỏi của mình tham gia vào chính quyền,tham gia vào quốc hội dù lí lịch của họ thuộc phía bên kia trong cuộc chiến.
    Tôi ủng hộ ngài Bob Kerrey làm người đứng đầu đại học Fulbright Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Khi không cho người khác cơ hội để xám hối việc đó đồng nghĩa với việc chúng ta bắt họ phải tiếp tục chịu sự dằn vặt trong lương tâm. Hẳn đó không gọi là sự nhẫn tâm?

    Trả lờiXóa
  3. Thái độ đối xử với "cựu thù" Bob Kerrey cũng giống như đối với những kẻ "phản động, phản bội, bỏ trốn khỏi quê hương từ sau 1975 thôi"
    Tiền của họ đưa ra thì chớp nhanh như gió, nhưng sự hiện diện của họ thì vẫn không được hoan nghênh. Những người vượu biên thì nay đã được gọi là "khúc ruột ngàn dặm", còn Bob Kerrey thì vẫn bị ghẻ lạnh bằng cái nhìn tiểu tâm cho dù ông ta đã bày tỏ thiện chí xây dựng.
    Tôi không có ý bênh, chống, nhưng đã có ai nghe nói lý do tại sao Bob Kerrey , trong cương vị trưởng toán, phải ra lệnh giết người năm xưa ? Hãy lắng nghe câu chuyện từ 2 phía đó mới là công bằng.
    Nếu "Đồ tể buông dao thành Phật" thì nay người Việt hay nói đúng hơn là người CSVN càng nên mở lòng ra mà tiếp nhận những người họ căm ghét trước đây. Đối xử với họ không chỉ bằng lời nói cửa miệng rỗng tuếch, mà còn phải bằng hành động chân thành. Bắt đầu là với "thành phần của chế độ cũ" và những người nước ngoài như ông Bob Kerrey.

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta hãy nhìn xa một chút để mở lòng nhìn về tương lai:
    - Ai là người gây nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chắc chắn không phải người Mỹ và CQ Sài Gòn. Bây giờ nhân loại vẫn còn đó nguyên mẫu của nguyên nhân này đó là cha con tên độc tài họ ZKim ở Bắc Hàn và CQ Nam Hàn.
    - Sự khác biệt giữa mô hình CNXH và CNTB. Một bên ND có đời sống ấm no với các thành tựu KHKT vượt bậc của toàn nhân loại, một bên thối nát, ăn bám, khoa trương không còn biết xấu hổ...Điển hình là tàu cộng và nga xô với nước Mỹ hùng cường dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh.
    - Những người lính cùng là nạn nhân chiến tranh,nhưng người Mỹ sau chiến tranh về thì day dứt đau khổ, sám hối nhưng người lính Việt nam sau cuộc huynh đệ tương tàn liệu có ai đau khổ day dứt...hay là bây giờ vẫn lên TV kể say sưa mình đã đặt bom cho nổ khách sạn giết cố vấn Mỹ và giết chùm luôn những dân thường oan khuất...
    Nhiều lắm, những chuyện đau thương của chiến tranh, nhưng tấm lòng sự ăn năn để khắc phục phần nào mới đáng nói. Tôi biết nhiều người dân là nạn nhân trực tiếp của CT thì lại mở lòng vì một việc lớn. Nhưng có những quan chức giàu sụ nhờ vơ vét như bà Tôn Thị Ninh thì lại tỏ ra...không quên hận thù , thương xót người dân nạn nhân. Ôi giá như lúc đương quyền bà ấy có tấm lòng với dân như vậy thì quý biết bao. Tiếc rằng bà ấy cũng chỉ là lũ cơ hôi, đạo đức giả, nếu có cơ hội cũng ăn không chừa một thứ gì.

    Trả lờiXóa