Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

VÀI TRAO ĐỔI QUANH CHUYỆN HƯỚNG DẪN ÔNG OBAMA THĂM CHÙA

Giáo sư Dương Ngọc Dũng giải thích cho Tổng thống Obama về ý nghĩa
 của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An.

Lời dẫn của Tễu Blog: Báo Zing.vn đăng bài “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?” vào ngày 25/05/2016, viết về tiến sĩ khoa Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng là người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng.


Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.

Bài trả lời của Ông Dương Ngọc Dũng đã đính chính về việc trước đó có báo chí nói rằng Sư Thích Minh Thông (trụ trì của Chùa Phước Hải, tức Chùa/ Điện Ngọc Hoàng) đã gợi ý để Ngài Obama cầu tự để có con trai. 
TS. Dương Ngọc Dũng cho biết: Khi tôi đang giải thích về Quan Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: "Hầu hết mọi người đến đây cầu xin điều gì?" Tôi nói chùa này nổi tiếng cầu con. Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: "I like daughters" (Tôi thích con gái). Tôi nói: "Me too" (Tôi cũng vậy).
Có tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong suốt hôm đó. Tôi là người giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người hiểu và không trách lầm thầy Thích Minh Thông.
Nhiều người dân ở quanh chùa thường đến đây dâng hương lễ Phật cho biết chùa này không có sư trụ trì, thì trong bài trả lời, TS Dương Ngọc Dũng cũng đã cho biết Sư Thích Minh Thông là một Việt kiều.

Về việc giải thích thuật ngữ có liên quan đến bài hướng dẫn của TS Dũng có một số sai nhầm, và đã được tác giả Nguyên Thành viết trên trang Chánh Tư duy, chúng tôi xin TRÍCH ĐĂNG dưới đây, đầu đề do chúng tôi đặt, các mục là của nguyên bản:

Vài trao đổi quanh bài trả lời PV của TS Dương Ngọc Dũng

"Ba cây nhang tượng trưng cho “tinh, khí, thần”?

Tôi trích nguyên văn đoạn này “Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày…” (hết trích). Đây là sự giải thích tà kiến, trái với giáo lý Phật đà. Cụm từ “tinh, khí, thần” là học thuật của Đạo giáo (gọi là Tiên đạo), chỉ cho đạo sinh tu luyện theo diễn trình bế tinh, giữ khí, sau đó mới đạt thần, là quang sắc, là “biểu trạng của người tu Tiên đạo chứng quả vì hành vi thân, ngữ, tâm liên tục “không dừng nghỉ” mà Đức Phật đã nêu đặc điểm tu tiên trong kinh “Thủ lăng nghiêm”.Cần nhấn mạnh rằng trong thuật ngữ đạo Phật không có cụm từ “tinh, khí, thần” mà chỉ phổ biến trong Tiên đạo (Đạo giáo).

Do vậy, thắp 3 cây nhang không phải tượng trưng cho “tinh, khí, thần” mà người học Phật ai cũng biết đó là tượng trưng cho Tam bảo (3 báu của đạo Phật) là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Vì vậy cho nên ở chùa thường thắp nhang thường xuyên (không phải liên tục) để tỉnh giác (nhắc nhở) cho mình và chúng sanh về hoạt dụng của đạo Phật là luôn tinh tấn dùng trí tuệ diệt 3 độc nguy hại cho huệ mạng của người tu Phật là tham, sân, si. Ngoài ra nên hiểu “cây nhang thứ nhất tượng trưng cho Phật bảo là tượng trưng cho Bồ đề tâm; cây nhang thứ hai là Pháp bảo tượng trưng cho Trí tuệ tánh không (khởi đầu là chánh kiến); cây nhang thứ 3 là Tăng bảo tượng trưng cho Xả ly (tức là người tu phải ly xuất khỏi 3 nhà lửa “thế sự gia”, “phiền não gia”, “tam giới gia”. Cho nên luận điểm của ông Dương Ngọc Dũng là thắp nhang liên tục để giữ mạch sống (nguồn sống) là sai hoàn toàn với tinh thần đạo Phật vốn luôn quán Vô thường!

Trên thực tế vào thời Đức Phật tại thế không có vụ thắp nhang, do thời đại, quốc độ, và dân tộc nên người theo Phật thêm vào những chi tiết lễ nghi để cho phần Giáo nghi Phật môn thêm long trọng, trang nghiêm và ý nghĩa. Còn nhang hay hương tỏa mùi thơm thoang thoảng trong tự viện, chùa chiền chỉ là nguyên tố thô, còn Đức Phật sách tấn đồ chúng nên thắp lên 5 loại hương sau đây: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát Tri kiến hương.

Phái Hoa tông 


Đây là từ dùng hoàn toàn sai đối với thuật ngữ Phật đà. Đã viết từ “”Phái” thì không thể viết từ “Tông” bởi vì trong tông có phái. Thí dụ: Phật giáo Mật tông, dòng phái Ninh mã, Pháp hệ Quán thế âm. Do vậy, khi viết ra (nếu là tác giả) khi nói ra (nếu là ông Dương Ngọc Dũng) tự mình phơi bày trình độ Phật học của mình còn kém lắm! Trong thuật ngữ Phật giáo không có Hoa tông mà chỉ có Hoa nghiêm tông…Do vậy, đây cũng là một danh từ Phật học cần chỉnh sửa lại" (Nguyên Thành).


 

5 nhận xét :

  1. Xin cảm ơn tác giả .
    Bài viết ngắn , nhưng giải tỏa được thắc mắc và làm người đọc thấy vui , hiểu biết thêm về Thờ Phât .
    Ông Dương Ngọc Dũng chắc cũng vỡ ra được thêm nhiều điều .

    Trả lờiXóa
  2. tôi nghĩ thắp nhang là 1 nghi thức của đạo giáo, và đạo Khổng. Người Việt thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, thần linh trong các ngôi đình, sau này thì vào chùa cũng dùng nghi lễ này. Theo nguồn gốc, thì việc lí giải của DND là đúng

    Trả lờiXóa
  3. Hehe, thật đúng là "biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe"

    Không cần biết ông Dũng giáo sư này học cái gì ở đâu, chỉ biết ông đề nghị/giới thiệu chùa tàu cho ông khách quý đi thăm khi đến VN là tôi thấy tri thức của ông trí thức này cao đến đâu rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chắc bị tổ trác sao đó, tiến sĩ quên ôn bài hehehe..., chứ lúc chưa có bằng tiến sĩ ông Dững cũng có nhiều bài viết về Phật học có giá trị lắm.

      Xóa
  4. Việc thắp 3 cây nhang do thói quen xa xưa, chứ không theo luật nào. Người ta hay nói: "Thắp 3 cây nhang".

    Trả lờiXóa