Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

CÙNG ĐỌC CẨM NANG THƯỜNG THỨC VỀ CÁ ĐỘC


CÁ ĐANG CHẾT HÀNG LOẠT. CÒN CHÚNG TA?
CẦN ĐỌC LẠI: CẨM NANG THƯỜNG THỨC VỀ CÁ...ĐỘC

Hoàng Ngọc Diêu

H: Thông thường tình trạng hồ lạch, sông biển bị nhiễm độc thì hậu quả là gì?

Đ: Hậu quả trước mắt là thuỷ sinh vật bị chết vì độc và người ăn phải những thuỷ sinh vật ấy cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức hoặc những chất độc tích tụ trong cơ thể có thể nguy hại sau một thời gian. Ngoài hậu quả đến tính mạng và sức khoẻ, hậu quả về đời sống và kinh tế cũng là hiểm hoạ trực tiếp và trước mắt đến dân chúng.


H: Tình trạng hồ lạch, sông biển bị nhiễm độc thường kéo dài bao lâu?

Đ: Tuỳ mức độ ô nhiễm, tuỳ loại chất thải, tuỳ nồng độ chất thải được đổ ra sông biển và tuỳ điều kiện thích hợp để các hoá chất được phân huỷ nhưng thông thường, chất độc cần thời gian tính theo con số năm mới phân huỷ hoàn toàn. Sau khi chất độc được phân huỷ, để thuỷ sinh vật phục hồi cũng cần rất nhiều thời gian. Đặc biệt san hô là loại thuỷ sinh vật cần đến hàng ngàn năm mới có thể phục hồi.

H: Tình trạng nhiễm độc có ảnh hưởng đến một vùng cố định hay lan toả?

Đ: Tình trạng nhiễm độc sông, ngòi, biển là tình trạng nhiễm độc trực tiếp đến nguồn nước và dòng luân lưu của nước. Nếu tình trạng nhiễm độc do chất thải lan tràn khắp nơi thì sự ảnh hưởng tất nhiên, lan rộng khắp nơi. Cá tôm, hải sản, muối ăn có thể được đánh bắt và chế biến ở vùng bị nhiễm độc (dù biết hay không biết) và có thể được cung cấp rộng rãi nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Đây cũng là một lan toả sự nhiễm độc qua một hình thức khác.

H: Trách nhiệm trực tiếp của nhà chức trách là gì?

Đ: Trách nhiệm trực tiếp của nhà chức trách có lương tâm và trách nhiệm là:

1. Khẩn cấp điều tra nguyên nhân một cách khoa học và chính xác.

2. Nhanh chóng công bố chính thức và rộng rãi mọi thông tin về tình trạng nhiễm độc để dân chúng biết nhằm tránh những tình trạng tệ hại về sức khoẻ có thể xảy ra.

3. Nhanh chóng hình thành các biện pháp và giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giúp đỡ người dân bị trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng và ngăn chặn tình trạng nguy hiểm tái diễn. Đồng thời, đưa ra các giải pháp khoa học để giúp hồi phục môi trường.

4. Nhanh chóng truy tố và xét xử những vi phạm ô nhiễm môi trường một cách minh bạch và công khai dựa trên pháp luật và bằng chứng khoa học.

H: Quyền lợi của người dân trong tình trạng này là gì?

Đ: Người dân trong bất cứ chế độ nào tự cho là "do dân và vì dân" có quyền lên tiếng đòi hỏi sự minh bạch thông tin và đòi hỏi sự trợ giúp đúng mức và minh bạch của nhà chức trách.

H: Nhà nước có quyền truy tố, chụp mũ, khép tội những người dân đòi hỏi sự minh bạch trong sự việc không?

Đ: Không. Tất cả mọi đòi hỏi chính đáng và công khai của người dân đều phải được nhà nước đáp ứng một cách rành mạch và công khai. Cho dù ông trời có xúi giục đi chăng nữa, trách nhiệm của một nhà nước "do dân và vì dân" là PHẢI đáp ứng đòi hỏi của người dân thay vì chụp mũ và đàn áp họ để né tránh câu trả lời.

H: Nếu nhà nước vẫn tiếp tục chụp mũ, truy tố và khép tội những người dân đòi hỏi sự minh bạch trong sự việc và vẫn tiếp tục im lặng, không minh bạch sự việc thì làm gì?

Đ: Ở một chế độ độc tài và không có lý lẽ thì chọn lựa duy nhất là tiếp tục đòi hỏi sự minh bạch. Nếu im tiếng và chấp nhận thì thái độ thiếu minh bạch đi kèm với việc chụp mũ, truy tố và khép tội của nhà cầm quyền sẽ trở thành chuyện bình thường và chính người dân lại phải tiếp tục gánh chịu. Chính người dân phải tự quyết định số phận và tương lai của mình nếu những kẻ "nhà chức trách" không có trách nhiệm.

H: Nếu tiếp tục lên tiếng, tiếp tục bị đàn áp, bị bắt bớ, bị kềm toả thì sao?

Đ: không có một chính quyền nào có thể đàn áp, bắt bớ và kềm toả tất cả người dân cả. Nếu người dân cảm thấy rằng nỗi sợ bị bắt bớ, bị kềm chế, bị tù đày lớn hơn nỗi sợ chết vì ăn uống, hít thở những thứ độc hại thì đó là chọn lựa không có ai có thể quyết định được, ngoài họ.

Hoàng Ngọc Diêu

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét