Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Hoàng Giang: NÊN HAY KHÔNG BỎ TẾT TRUYỀN THỐNG?

Chợ hoa Hà Nội. Ảnh: AP

 Nên hay không bỏ Tết truyền thống

Blog VOA

Hoàng Giang
6-2-2016

Cũng như đa số người dân Việt, câu trả lời của tôi hiển nhiên là không nên bỏ Tết âm lịch truyền thống. Đây là quãng thời gian rất đẹp, rất đầm ấm và như một món quà tinh thần mỗi năm để mọi người hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi bên gia đình. Cũng như dịp Giáng sinh – năm mới của nhiều nước khác trên thế giới, Tết âm lịch tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc mang ý nghĩa và giá trị tương đương.


Tuy nhiên, nếu như Tết chỉ diễn ra vừa vặn đúng 1 tuần lễ, từ khoảng 28 đến hết ngày mùng 5 âm lịch thì vui vẻ, trọn vẹn. Trên giấy tờ, quả đúng là người dân được nghỉ trong khoảng thời gian trên, nhưng thực tế, dân ta ăn Tết ròng rã cả tháng trời. Đây chính là một trong những lý do khiến Tết trở thành khoảng thời gian “chết”.

Cứ vin vào câu nói xưa của ông cha “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, người Việt đã chuẩn bị tâm thế cho việc nghỉ Tết trước khoảng 2 tuần. Sau Tết nguyên đán, người dân còn tiếp tục rục rịch ăn chơi một cách chậm rãi đợi chờ đến rằm tháng giêng. Vậy tính ra coi như cả nước Việt Nam mừng năm mới tròn một tháng. Mọi công việc giấy tờ hành chính gửi lên các cơ quan nhà nước bị “ngâm” không thời hạn. Dân tình có việc gấp cứ phải vắt chân lên cổ mà chạy cho xong trước tháng Chạp, còn nếu muốn nhanh chóng thì phải chuyển sang hướng “chạy tiền.” Các quy trình xuất nhập khẩu cũng bị đình trệ theo bởi lãnh đạo còn đang bận ăn chơi, hơi đâu mà ký duyệt, hàng hóa cũng theo đó mà tồn lại, dẫn đến các công đoạn kinh tế sản xuất bị ngưng trệ.

Chưa kể, khoảng thời gian này đất nước cũng tốn kém một khoản tiền kha khá trong việc bắn pháo hoa. Tính ra thì Việt Nam có ít nhất 3 dịp bắn pháo hoa lớn, đó là ngày quốc khánh 2/9, đất nước thống nhất 30/4 và 1/1 Tết âm lịch. Ngoài ra gần đây Hà Nội còn đầu tư thêm vào một số dịp lễ khác như ngày thành lập thủ đô 10/10 hay cả tết dương lịch…Bắn pháo hoa Tết thì được đầu tư hơn cả vì gần như tất cả các tỉnh thành đều “đệ đơn” xin bắn. Số tiền có thể từ trăm triệu đến cả tỉ đồng cho mỗi tỉnh, thành phố. Lý do chính thường là mang lại một cái Tết vui vẻ cho dân, dẫu nghèo, dẫu khổ cũng cần được đón một cái Tết trọn vẹn.

Pháo hoa rực rỡ trên trời hư hư thực thực sáng rực cả bầu trời trong vẻn vẹn vài phút đồng hồ, chẳng hiểu người đứng dưới nhà tranh vách đất nhìn lên có no thêm, ấm thêm được chút nào không? Chỉ biết có những gia đình ở Hà Giang, Cao Bằng… đang ôm nhau co ro trên giường, dưới căn nhà xập xệ đã bay mất mái vì bão tuyết. Có chăng số tiền kia được dè xẻn chút ít để giúp đỡ người dân nghèo dựng lại cái nhà, sửa thêm đường bê tông hay xây con cầu qua sông mùa lạnh thì Tết vui hơn biết mấy.

Với lề lối thói quen từ xưa đến nay của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về, thì nghỉ Tết càng dài càng trở thành cực hình cho phụ nữ Việt. Họ phải chuẩn bị mua sắm đồ đạc mâm cỗ, đồ ăn thức uống cho cả tuần lễ Tết. Những món ăn ngày Tết như bánh chưng bánh tét, thịt nấu đông, vịt gà luộc… luôn là những món ăn cầu kỳ đòi hỏi nhiều thời gian. Làm cho riêng gia đình đã nhọc công, các nàng dâu còn phải cố sức mà nấu cỗ cho cả đại gia đình từ bên nội đến bên ngoại, đến cả hàng xóm láng giềng khách khứa đến thăm rải từ trước đến sau Tết. Sự đảm đang của người phụ nữ được đánh giá ra sao chính là ở thời điểm này. Đàn ông Việt thì cứ nhè Tết mà hưởng thụ, rượu chè thâu đêm suốt sáng. Hết ăn cỗ ở nhà, các đấng mày râu tiếp tục hò nhau đi nhậu tại nhà khác. Nếu từng tham gia tại bàn nhậu tại Việt Nam, tôi chắc hẳn ai cũng thấy khiếp đảm vì thói “khích tướng” nhau uống càng nhiều càng tốt của các “anh hùng bàn nhậu”. Chén anh chén em thi nhau nâng lên hạ xuống như một cách để thể hiện bản lĩnh đàn ông trước thiên hạ. Năm 2015, sau 9 ngày nghỉ Tết, thống kê ra có hơn 500 vụ tai nạn giao thông khiến 317 người chết, 509 người bị thương, tăng 12,4% so với 2014. 226.000 lượt cấp cứu vì thương tích đánh nhau, 15 người chết. Từ gánh nặng của người phụ nữ, Tết truyền thống đang trở thành gánh nặng của cả xã hội khi tiêu tốn quá nhiều nguồn lực xã hội từ tiền bạc, thời gian đến con người.

Tết lại gần chạm ngưỡng cửa, những lo toan và mệt mỏi có lẽ vẫn cứ sẽ quẩn quanh đâu đó, thôi thì chúng ta cứ tạm gác lại để hưởng trọn không khí của mùa Tết năm nay. Năm mới đến, có lẽ rất nhiều người như tôi, như độc giả của VOA và những người Việt Nam khác, mong mỏi một sự đổi thay tích cực của đất nước. Và để có được niềm vui ấy, tôi cũng mong mỏi sự đổi thay từ chính cá nhân người dân đang sinh sống trên đất nước Việt, như câu nói “You must be the change you wish to see in the world” – Hãy thay đổi bản thân theo cách mà bạn mong muốn thế giới thay đổi.

4 nhận xét :

  1. Nên hay không bỏ Tết truyền thống??? tác giả xem lại tiêu đề đi! Việt Nam làm gì có tết "truyền thống"? ngày 1-1 âm lịch là tết của người Hán đấy chứ (gây lãng phí, lạc lõng với cả thế giới, ko đúng với thiên văn học). ngày đặc biệt nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc VN là ngày giỗ tổ Hùng Vương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng nghĩ thế, nếu muốn độc lập và giáo dục ý thức độc lập dân tộc, thì phải LẤY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG LÀM NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC, KHÔNG NÊN DÙNG LỊCH ÂM CỦA TÀU ĐỂ KHẲNG ĐỊNH VN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHẦN CỦA TÀU.

      Xóa
  2. Lịch âm dương là một thành tựu văn hóa và thiên văn đặc sắc của người Ba-Tư và được người Trung Hoa kế thừa rất tinh tế qua can chi ngũ hành. An Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên truyền thống này với đại đa số người Bắc đón nhận như một thứ tự nhiên vì:
    Ngày Tết âm lịch thông thường bắt đầu vào dịp đầu Xuân, thỉnh thoảng có năm thì rơi đúng vào ngày lập xuân, như năm nay thì trước Tết vài ngày..và Tết âm lịch của chúng ta thật là có ý nghĩa khi nó vào thời điểm thực sự của một năm mới vì trùng với dịp đầu Xuân. Nhiều người nhầm lẫn rằng các ngày tiết khí Lập Xuân, Lập Đông, Đông chí, Hạ chí...là tính theo âm lịch nhưng hoàn toàn được người xưa tính theo âm lịch và phù hợp với tính toán của thiên văn học hiện đại..cho nên vài thập niên gần đây khi tại châu Âu đạo Thiên Chúa đã càng ngày càng phai nhạt và người ta có ý định chọn ngày Lập Xuân (thông thường vào 5/2 hàng năm) là ngày Tết của Phương Tây vì Tết Dương lịch của họ chỉ là cái mốc để nối dài ngày Lễ Giáng sinh theo Thiên Chúa, và ngày 1/1 Tết dương lịch thì chẳng có ý nghĩa gì trong Thiên văn học vì nó không nằm trong bất cứ một cái mốc thiên văn nào với vòng quay của Trái đất và Mặt trời lại càng không có ý nghĩa với người Phương Tây nếu không theo Thiên Chúa giáo vì ngày 1/1 hàng năm là nằm vào giữa mùa đông của năm cũ nên chẳng hay ho gì nếu đón năm mới mà tới hơn 1 tháng sau mới chuyển sang năm mới một cách thực sự khi mùa Xuân bắt đầu tuyết tan, cây cối mới đâm chồi nảy lộc... Và Tết âm lịch của chúng ta cũng gần với ngày này nên nó rất ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  3. Bỏ Tết truyền thống thì chỉ khổ cho các sếp thôi,sếp càng lớn thì càng khổ,hỏi vì sao thì mọi người đều biết,khỏi cần phải nói

    Trả lờiXóa