Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

CHỢ TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM MAI NÀY SẼ RA SAO?

Một chợ chồm hổm ở Hà Nội hôm 30/5/2015
 
Chợ truyền thống ở Việt Nam mai này ra sao?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016-02-02

Các chợ truyền thống ở Việt Nam không chỉ là nơi buôn bán mua sắm đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt, đặc biệt trong dịp lễ lạc cuối năm.

Do cấu trúc làng xã và văn hóa cộng đồng của người Việt mà các phiên chợ được hình thành đã rất lâu đời. Với nhu cầu trao đổi hàng hóa và chỉ cần có kẻ mua người bán thì các chợ chồm hổm xuất hiện ở đầu làng, bến nước hay ngã ba đường cái từ nhiều thế kỷ trước.

“Đi chợ” dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Dẫu qua bao thăng trầm theo thời cuộc nhưng những hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ như Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế, Bến Thành ở Sài Gòn hay chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ vẫn không thay đổi mấy và luôn đọng lại trong ký ức của mỗi người dù chỉ một lần duy nhất dạo qua các chợ này trong đời.

Mặc dù trong xu hướng tiêu dùng hiện đại, Việt Nam ngày càng có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng; tuy nhiên các chợ truyền thống vẫn đóng vai trò chính yếu trong hoạt động mua sắm buôn bán của người dân. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương tính đến cuối năm 2010, cả nước có trên 8500 chợ lớn nhỏ. Và, Quyết định số 03/2008/QĐ-BCT của Bộ Tài Chính phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được ban hành hồi cuối năm 2007, đã làm thay đổi sinh hoạt của nhiều chợ truyền thống có tên trong báo cáo vừa nêu.

Một trong những vụ việc điển hình là thông tin liên quan đến chợ Tân Hiệp ở Biên Hòa-Đồng Nai. Từ đầu năm 2007, Tỉnh Ủy Đồng Nai ra quyết định xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp. Đến cuối năm 2008, hàng trăm tiểu thương phải di dời sang chợ tạm 3 năm và chờ được sắp xếp kinh doanh ở khu vực tầng trệt và tầng 1 sau khi trung tâm thương mại xây xong. Thế nhưng kể từ tháng 6 năm 2011 cho đến tháng 7 năm 2015, toàn bộ tiểu thương chợ Tân Hiệp phải tập trung 42 lần để phản ánh tình trạng Tỉnh ủy Đồng Nai không thực hiện đúng cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương. Bà Hiền, một tiểu thương chợ Tân Hiệp, nói với Đài ACTD:

“Cuối cùng bị nhét phía sau, ở trong góc nên tiểu thương không đồng thuận, họ không lấy, không còn chổ cho chợ truyền thống. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 2015 họp với Thanht ra Chính phủ với phương án đưa ra Tỉnh phải xây chợ mới chỗ khác nữa nhưng bà con không chịu vì chỗ mới đấy sát đường rầy (xe lửa), là một; với hai nữa, nếu bắt buộc phải nhận thì quyết định phải có chữ ký của Thủ tướng thì tiểu thương mới chịu nhưng Thanh tra không trình ra được và Thanh tra chuyển qua cho Tỉnh phải trình mà Tỉnh 3 năm về trước đã cam kết nhưng quay về đã không còn chợ. Vậy làm sao nghe theo Tỉnh và Thành phố được? Báo chí trong nước thì có báo Thanh tra Chính phủ, báo Thanh Niên, báo Pháp Luật có đăng. Nói chung, tự họ đăng tiểu thương đồng ý nhưng thực tế tiểu thương có ai đồng ý ký đâu?”

Hàng trang trí trong nhà ngày Tết bày bán dọc các chợ nhỏ ở Hà Nội. AFP photo

Trong khi đó, tại Nha Trang, tiểu thương ở chợ Đầm đã 4 lần bãi thị trong năm qua để phản đối việc chính quyền quyết định phá bỏ chợ cũ làm đài phun nước và xây chợ Đầm mới ở khu vực sát bên. Các tiểu thương và người dân Nha Trang-Khánh Hòa nêu lên lý do đây là ngôi chợ tròn duy nhất của Việt Nam, một di tích văn hóa, là địa điểm du lịch mua sắm đồng thời là nơi mưu sinh của phần lớn dân chúng địa phương thì cớ sao lại đập bỏ khi chợ còn kiên cố? Họ đặt ra câu hỏi với chính quyền các cấp có phải đó là sự lãng phí ngân sách và tiền của dân hay không?

Những tháng cuối năm 2015, hình ảnh tiểu thương ở các chợ truyền thống từ Nam ra Bắc phản đối dẹp bỏ chợ cũ và bị ép di dời qua chợ mới được loan tải dồn dập trên các kênh truyền thông chính thống lẫn các trang mạng xã hội. Tiểu thương của khoảng một ngàn hộ kinh doanh tại chợ Phú Hậu, chợ đầu mối nông sản lớn nhất Thừa Thiên-Huế hồi đầu tháng 12 tập trung trước cổng UBND Tỉnh, tay cầm biểu ngữ “Hãy cứu dân nghèo” được ghi trên thùng xốp, thùng carton. Các tiểu thương này chia sẻ:

“Mấy người đầu tư, họ lấy tiền lô quá cao. Một lô mà cả trăm triệu, có lô 180 triệu, lô 120 triệu…Tiền nhiều quá, không cách chi đóng nổi”.

Xung đột với tiểu thương

Quyết định hồi cuối năm 2013 về dự án chợ và trung tâm thương mại xây dựng trên khu đất bãi giữ xe, là nơi luân chuyển hàng của tiểu thương chợ Nành ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã tạo nên sự xung đột giữa chủ đầu tư và tiểu thương ở chợ vải đầu mối này. Hẳn nhiều người còn nhớ những ngày cuối tháng 12, sự xung đột lên đến đỉnh điểm khi hàng ngàn học sinh phổ thông nghỉ học cùng phụ huynh tụ tập trước UBND Xã để phản đối quyết định của chính quyền địa phương. Một tiểu thương chợ Ninh Hiệp lên tiếng trong đợt bãi thị vừa qua:

“Thời kỳ này là thời kỳ Tết, bà con buôn bán rất nhiều hàng mà như thế này là rất ảnh hưởng đến việc buôn bán của bà con, miếng cơm manh áo của 17 nghìn nhân dân Ninh Hiệp”.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, các tiểu thương chợ Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cũng đang trong tình trạng kêu cứu bị ép di dời qua chợ mới xây. Câu trả lời chung của tất cả tiểu thương các chợ truyền thống mà Đài RFA liên lạc đều cho rằng họ bức xúc vì đề án quy hoạch chợ chẳng mang lại lợi ích nào mà còn làm khổ cho dân vì:

“Chính quyền móc nối với chủ đầu tư thầu chợ nên họ quy hoạch không tốt cho dân mà chỉ tốt cho túi tiền của họ thôi.”

Qua những diễn biến phản kháng của tiểu thương khắp nơi trong năm 2015 làm dấy lên câu hỏi rằng quyết định của Bộ Tài Chính quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ ở VN có thể dẫn đến sự triệt tiêu các ngôi chợ truyền thống hay không? Trong khi câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp từ các cơ quan chức năng thì nét sinh hoạt “đi chợ Tết” cổ truyền những ngày giáp Tết Bính Thân ngoài âm thanh hỗn tạp sinh động của các buổi chợ cuối năm còn có những tiếng la ó giằng co giữa tiểu thương với những người làm công tác đặt biển báo cấm vào các khu chợ cũ.

“Công an để đó…Người ta mua bán ở đây mà mấy ông chận là chận làm sao?...Không cho vô…Quá đáng!...Đồng lòng với nhau mới được, đồng lòng biểu tình”.

Và những âm thanh, hình ảnh đó khiến nhiều người liên tưởng đến số phận các chợ truyền thống mai này sẽ ra sao?
 
 

2 nhận xét :

  1. Đang có phong trào tiêu diệt chợ truyền thống khắp cả nước để giao đất cho tư nhân xây chợ cho thuê với giá cắt cổ,Nhiều nơi tiểu thương phản đối đã bị khởi tố,kết án tù với tội danh gây rối ttcc

    Trả lờiXóa
  2. "Tư nhân" ở đây không ai khác, chính là các lãnh đạo cấp tỉnh, hùn vốn, cho một ai đó đứng tên, mang danh "đầu tư" để chiếm các khu đất vàng thôi. Vì đại đa số chợ truyền thống nằm ở trung tâm rất thuận tiện cho việc kinh doanh. Cướp đất xong, xây nhà cao tầng lên, cho thuê lại giá cắt cổ để chỉ có hàng nhà giầu mới vào được, còn dân nghèo thì .... biến.

    Trả lờiXóa