Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

TP HCM NÊN XÓA SẠCH TÊN ĐƯỜNG ĐỂ ĐẶT LẠI

"TP.HCM nên xóa sạch tên đường để đặt lại"

Dân trí
07.12.2015 

Lời bình của Lê Công Định cho bài viết này: Bài phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần về đặt tên đường tại Sài Gòn rất hay. Có thể nói hệ thống tên đường của Sài Gòn trước 1975 hoàn chỉnh cả về quy hoạch, lẫn giáo dục văn hoá và lịch sử. Quả thật bây giờ nên xoá hết làm lại. Mà dường như không chỉ ở vấn đề đặt tên đường thì phải?
"Chuyện xóa sạch tên đường rồi đặt lại một lần không tốn người, không mất thời gian nếu ta đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Chỉ cần giao cho một người, công khai danh tính và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu phạm phải sai lầm". 
Gần đây, TS Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng việc đặt tên đường phố ở Hà Nội nặng về danh nhân, từ đó mới dẫn đến cạn quỹ tên. TP.HCM nhiều năm nay cũng trong tình trạng đặt tên đường thiếu hệ thống, trong khi các tuyến đường mới không ngừng được mở ra.: 



Là ủy viên thường trực Hội đồng tên đường (TP.HCM), nhiều năm qua, TS Nguyễn Khắc Thuần kiên trì nêu quan điểm cá nhân của mình: Nên xóa sạch tên đường ở TP.HCM để đặt lại từ đầu. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông về ý tưởng này.


Cái cần sửa không sửa, cái không đáng làm lại làm 


Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về cách đặt tên đường ở TP.HCM?


TS Nguyễn Khắc Thuần: Tôi không đồng ý cách đặt tên đường của TP như lâu nay. Tuy nhiên, là Ủy viên Thường trực của Hội đồng tên đường, tôi nghiêm túc chấp hành ý kiến chung.


Theo tôi, chúng ta cần mạnh dạn xóa sạch tên đường và tiến hành đặt lại một cách có hệ thống. Ý kiến này tôi đã nêu ra từ cách đây mấy chục năm, khi mới được làm Ủy viên Thường trực Hội đồng tên đường phố chứ không phải mới đây và đến nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình.


Phải nói rằng trước năm 1975, tuy có một số tên đường chỉ phù hợp với đặc trưng chính trị riêng của chế độ cũ nay cần phải thay thế nhưng còn lại, nhìn chung việc chọn và đặt tên đường khá tốt. Những cụm tên đường phản ánh mối quan hệ lịch sử giữa các nhân vật và sự kiện đã hình thành khá rõ. Sự lộn xộn về tên đường phố chỉ mới xuất hiện sau năm 1975 bởi hồi đó, thành phố đã trao việc không đúng người. Tôi có nêu ý kiến phản bác khá mạnh mẽ nhưng…

Sự lộn xộn như ông thấy, cụ thể là như thế nào? 


Kể cũng hơi nhiều nhưng có thể gom lại thành hai nhóm chính.


Thứ nhất, TP.HCM được xác lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cũ là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Thực tế này khiến không ít tên đường bị trùng. Gia Định cũ có đường Bùi Hữu Nghĩa; Chợ Lớn cũ có đường Bùi Hữu Nghĩa. Gia Định cũ có đường Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng. Sài Gòn cũ cũng có hai tên đường này. Tuy nhiên, lịch sử để lại là chuyện của lịch sử còn giải quyết những vấn đề của lịch sử để lại trách nhiệm của chúng ta. Đổ hết cho lịch sử không ổn và những người có lòng tự trọng không ai đổ lỗi như thế.


Thứ hai, có quá nhiều thành viên của Hội đồng đặt tên đường do thành phố lập ra vào hồi mới giải phóng đều thuộc hàng hữu danh vô thực. Số lỗi tính đến hàng trăm nhưng xin kể ra đây bốn loại lỗi lớn của Hội đồng cũ:


- Những tên đường cần sửa họ không sửa, ví như đường Nguyễn Văn Tráng (bởi chẳng có nhân vật nào mang họ tên này xứng đáng được đặt tên đường) hay đường Trương Quốc Dung đáng lẽ phải sửa là Trương Quốc Dụng mới đúng thì họ cũng không sửa…


- Những tên đường không cần đổi họ lại đổi như Phan Đình Phùng đổi thành Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Thị Điểm đổi thành Trương Định, Yên Đổ đổi thành Lý Chính Thắng…. Tất nhiên, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định hay Lý Chính Thắng và hàng ngàn nhân vật lừng danh thời cận và hiện đại cần được dùng tên để đặt cho đường phố nhưng không phải đặt đổi lung tung như vậy.


- Những tên đường Hội đồng cũ sửa xong, thiên hạ mấy chục năm qua chỉ biết kêu trời, đại để như Trần Hưng Đạo đổi thành Trần Hưng Đạo A và Đồng Khánh đổi thành Trần Hưng Đạo B hoặc cùng một con đường nhưng một bên là Hùng Vương, một bên là An Dương Vương.


- Chẳng hiểu sao người ta tách tên đường và số nhà thành hai khối công việc khác nhau. Số nhà ở các đường phố quá phức tạp chưa đổi mà lại lo đổi số phòng trong cao ốc mới xây vốn dĩ đã rất hợp lý và dễ tìm. 

Chuyện rất hài hước này xin cứ đến khu chung cư cao cấp số 328 Võ Văn Kiệt sẽ rõ.


Không lớn chuyện như nhiều người tưởng 


Ông nghĩ sao nếu có những người cho rằng xóa sạch tên đường rồi đặt lại sẽ thành lớn chuyện?


Lớn nhỏ tùy từng bộ óc. TP chỉ có mấy ngàn tên đường phố, chẳng đáng gì so với trí nhớ của một người đã về hưu lâu năm như tôi. Mấy chục năm qua, nhiều đài phát thanh và truyền hình vẫn phỏng vấn tôi về đề tài này nhưng chưa bao giờ tôi phải cần đến một dòng tư liệu nào trong tay cả. Một nhà Sử học dù rất trẻ cũng không thể tệ hại đến mức chỉ thuộc mấy ngàn nhân vật huống chi trí tuệ của cả một lực lượng khoa học xã hội đông đảo và giàu tài năng.


Chính quyền cũng hồn nhiên sử dụng tên đường do dân “sáng tác”: đường Điện Cao Thế.
Chính quyền cũng hồn nhiên sử dụng tên đường do dân “sáng tác”: đường Điện Cao Thế.


Việc đặt lại toàn bộ tên đường, theo tôi không tốn nhiều thời gian. Chỉ giao cho một người soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để ra quyết định là quá đủ. Trong thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, đừng ngại thay tên đường và thay số nhà sẽ phức tạp. Tất cả chỉ bối rối trong một thời gian rất ngắn, sau đó sẽ đâu vào đó ngay.


Tại sao người ta cứ thích bỏ cả ngày điên đảo đi tìm một số nhà mà không thích bỏ vài giờ học cách truy cập để sau đó không bao giờ nhầm nữa? Hãy tin rằng, đổi tên đường và đổi số nhà xong, giao cho các cháu cỡ 5 tuổi, mỗi cháu một chiếc điện thoại di động, các cháu sẽ tìm được tất cả các địa chỉ cần tìm ở khắp thành phố này.


TS. Nguyễn Khắc Thuần là sử học và là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa. Ông có hai bộ sách được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam vào năm 2011: Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện cho bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập - 8 tập, NXB Giáo dục Việt Nam. Công trình lớn nhất về lịch sử văn hoá Việt Nam do một người biên soạn  cho bộ sách Đại Việt sử lược - 5 tập, NXB Giáo dục Việt Nam.

Thời chiến tranh, ông từng ở trong quân đội, làm việc tại báo Văn nghệ giải phóng cùng với Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy. Sau năm 1975, ông là giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM. Hiện nay, ông là trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Các vị quản lý hộ khẩu, nhà đất và các dịch vụ công cộng nếu thấy khó thực hiện là chuyện của họ chứ việc này chẳng phức tạp gì. Sự chuẩn bị cần thiết và duy nhất là hoàn thành quy hoạch phát triển lâu dài của các địa phương. Đừng bày vẽ họp lên họp xuống, hoàn chỉnh rồi còn bổ sung, bổ sung rồi rút kinh nghiệm lần 1, lần 2…



Giả sử ông được giao đặt lại tên đường, thì ông sẽ làm thế nào ?


Tôi sẽ làm đúng như tôi đã nghĩ và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình.


Còn nếu TP vẫn kiên quyết không xóa sạch mà chỉ sửa chữa thì ông nghĩ sao? 


Thì tên đường TP sẽ nằm trong tình trạng bổ sung, điều chỉnh rồi lại bổ sung và điều chỉnh mãi. Như thế chẳng khác nào ta làm lộn xộn thêm một sự lộn xộn và làm cho sự lộn xộn kéo dài. Nếu vậy thà giữ nguyên, không sửa đổi gì cả.


Chỉ nên học nước ngoài cách qui hoạch 


Trở lại chuyện quỹ tên đường bị cạn kiệt như thông tin từ TP Hà Nội, ông có nhận định gì?


Không có chuyện đó. Một dân tộc anh hùng và có nền văn hiến đồ sộ như Việt Nam, nếu chỉ tính riêng danh nhân cũng đã quá dư dả, huống chi tên đường đâu phải chỉ có tên danh nhân.


Theo ông, TP có thể học gì từ việc đặt tên đường ở các nước phát triển?


Nói chung đặt tên đường không có gì khó, nhưng phải giao việc quan trọng này cho những người thực sự có năng lực. Chưa khai thác tiềm năng có sẵn, không nên bỏ tiền đi ra nước ngoài học hỏi làm gì. Nếu học hỏi nước ngoài, có lẽ điều cần học trước nhất là quy hoạch phát triển khoa học và bền vững. Mọi việc còn lại không đến nỗi phải quá bận tâm.


Xin cảm ơn ông!



TS PHẠM QUỐC QUÂN - UV Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Ta cứ đặt tên đường theo kiểu tùy tiện, đối phó
Những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội đều có chung một tình trạng là việc đặt tên đường, tên phố rất lộn xộn. Quan điểm của tôi cần phải có dự báo và quy hoạch. Nếu không có dự báo trước cho những khu vực đô thị thì sẽ không tránh khỏi tình trạng lộn xộn. Khu vực trước đây định đặt cho những danh nhân về văn hóa và những danh nhân về khoa học thì tất cả chuyện đó đều bị thay đổi làm cho lộn xộn.
Nếu không có quy hoạch thì không tính được sự tương thích giữa cơ sở hạ tầng, quy mô, kích thước… của đường với những nhân vật cụ thể. Có những nhân vật rất lớn có khi để tên ở những đường rất nhỏ, những nhân vật nhỏ lại đặt tên cho đường lớn. Việc đặt tên đường, tên phố cũng hay có sự thay đổi, có những tên cũ rất hay, rất phù hợp lại bị đổi tên làm phá vỡ quy hoạch.
Có một thực tế nữa là việc đặt tên đường bằng tên những danh nhân hiện nay ở trong tình trạng lạm dụng. Có những người chưa đến tầm cũng được đặt tên, thậm chí có những tên đường của nhân vật mà ở Hà Nội mọi người không biết ông đó là ai.
Việc có quỹ, ngân hàng tên đường, tên phố cần tính toán làm sao có nghiên cứu công phu, tỉ mỉ với những nhân vật, lý lịch trích ngang, làm được những thảo luận trước khi đưa vào ngân hàng dữ liệu. Không có quy hoạch, dự báo thì việc đặt tên đường chỉ được giải quyết theo kiểu tình huống”.
V.Thịnh ghi


Theo Sơn Nguyễn

Pháp luật TP HCM

4 nhận xét :

  1. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG THEO SỐ THỨ TỰ LÀ ÊM NHẤT .VẠN ĐẠI !

    Trả lờiXóa
  2. Khi cầm quyền, ai cũng muốn lấy tên mình đặt tên đường, tên trường để lưu danh muôn thuở. Ngay ở nghĩa trang, nghĩa địa cũng đòi chôn trước chôn sau, mả lớn mả nhỏ. Cứ thay đổi chế độ chính trị, thậm chí thay đổi người cầm quyền thì có việc điều chỉnh đường, trường... dẫn đến rối loạn?! Sao không cho nó mang số theo thứ tự.
    Đặt tên đương, tên trường nhằm mục đích quản lý xã hội chớ dâu phải quản lý danh nhân - danh nhân có sử sách?.

    Trả lờiXóa
  3. Ông này nghĩ quá đơn giản. Đặt lại toàn bộ tên đường rồi dân ùn ùn đi đổi lại Sổ Hộ Khẩu, Sổ đổ, CMND...Sao không chỉ làm cái việc đường nào trùng tên thì giữ một đường còn đường khác đổi tên. Đương nào sai tên thì sửa lại Như ở HN Đường Đỗ Hạnh nay đã đổi lại thành ĐỖ Hành...Dường Trần Phú trùng với Trần Phú Hà Đông thì HN giữ nguyễn, Hà Đông Thêm chữ Hà Đông bên canh...Thế là Ok.

    Trả lờiXóa
  4. Thấy cái sai, cái ngu nó di hại thế nào chưa ? Chỗ tôi đổi tên đường, đổi số nhà ba lần rồi . Giấy tờ phải thay đổi theo đến là khổ ! Nó cũng bởi vì Bác Hồ có tới 27 bí danh !

    Trả lờiXóa