Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Hà Nội: THẾ LỰC NÀO BẢO KÊ CHO CHỦ TỊCH HUYỆN ĐÔNG ANH?

Hà Nội: Sai phạm trong thu hồi đất của dân, 
Chủ tịch huyện Đông Anh phải…rút kinh nghiệm
 
Dân trí ​
Thứ Ba, 08/12/2015 - 08:52

318 hộ dân tại xã Vân Hà - Đông Anh (Hà Nội) bị thu hồi hơn 70 nghìn m2 đất nông nghiệp nhưng không hề nhận được quyết định thu hồi đất. Sai phạm được xác định là do UBND huyện Đông Anh thu hồi đất của người dân chỉ bằng 2 quyết định. Đáng buồn hơn là dự án cụm sản xuất làng nghề tập trung giờ đã biến tướng thành nhiều nhà phân lô, biệt thự.
 
>> Hà Nội: Buông lỏng quản lý, đất sản xuất làng nghề biến tướng thành la liệt biệt thự, nhà ở
>> Hà Nội: Dự án cụm sản xuất làng nghề biến tướng thành biệt thự?

Báo Dân trí nhận được đơn của nhiều người dân trú tại thôn Hà Khê - Vân Hà - Đông Anh (Hà Nội) tố cáo đích danh ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh có nhiều sai phạm trong việc thu hồi đất của dân.

Liên quan đến sự việc, UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 93/TB-UBND xác minh nội dung đơn của người dân tố cáo ông Phạm Văn Châm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm pháp luật trong việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ký thuật Cụm sản xuất tập trung làng nghề tại xã Vân Hà - Đông Anh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận UBND huỵên Đông Anh đã không ra Quyết định thu hồi từng thửa dất của các cá nhân, hộ gia đình theo Quy định tại điều 2 Quyết định số 1851/QĐ-UBND ngày 19/5/2008 của UBND TP Hà Nội. Chính quyền huyện Đông Anh chỉ ban hành 2 quyết định thu hồi với 72387,3 m2 đất nông nghiệp của 318 hộ dân.

Người dân xã Vân Hà tố cáo ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh 
được UBND TP Hà Nội kết luận tố cáo có cơ sở.

Đơn thư của người dân còn tố cáo về việc UBND huyện Đông Anh không đưa đất vào sử dụng đúng thời gian theo quy định của UBND TP Hà Nội. Nội dung tố cáo này được UBND TP Hà Nội kết luận là có cơ sở.

Từ đó, UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với việc đã không ra quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền đối với từng thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân và chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm đối với phần diện tích theo Quyết định số 1851/QĐ-UBND ngày 19/5/2008 của UBND TP Hà Nội.

Câu chuyện đáng buồn hơn phía sau cách làm việc tắc trách của UBND huyện Đông Anh và cá nhân Chủ tịch UBND huyện Đông Anh là cái kết cục của một dự án đã phải thu hồi đến hơn 70 nghìn m2 đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” của những người nông dân xã Vân Hà. Đó là dự án xây dựng hạ tầng Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà.

Mục tiêu ban đầu khi UBND huyện Đông Anh thu hồi đất của người dân là: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đồng bộ cụm làng nghề tập trung tại xã Vân Hà, phát triển khu sản xuất tập trung tách khỏi khu dân cư, tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã cũng như các vùng lân cận…,ngày 27/2/2008, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà với tổng diện tích 101.187m2. Vốn đầu tư dự kiến trên 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện và vốn huy động.


Đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi làm dự án cụm sản xuất làng nghề tập trung 
xã Vân Hà đã biến thành biệt thự.

Từ đó, năm 2014, UBND huyện Đông Anh đã tiến hành 2 đợt đấu giá quyền sử dụng đất 50 năm để làm nhà xưởng sản xuất, gia công, chế tác gỗ thủ công mỹ nghệ tại các ô đất XN-02 và XN-04 trong cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà.

Thế nhưng, với cung cách quản lý thiếu trách nhiệm của chính quyền huyện này, một dự án xây dựng hạ tầng Cụm sản xuất làng nghề tập trung với vốn đầu tư dự kiến trên 75 tỷ đồng đã biến tướng thành la liệt biệt thự, nhà ở.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng lên UBND TP Hà Nội, đã có 15 trường hợp xây dựng sai phép, 7 trường hợp xây dựng không phép. “Tuy nhiên, đến nay các công trình, bộ phận công trình xây dựng vi phạm chưa được xử lý dứt điểm mặc dù Đội Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh đã có văn bản đôn đốc UBND xã Vân Hà xử lý dứt điểm. Hiện nay có 14 trường hợp đã hoàn thiện đưa vào sử dụng và 8 trường hợp các chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục thi công xây dựng”, văn bản của Sở Xây dựng cho biết.

Trong số 15 công trình xây dựng sai phép, 10 trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Hộ ông Nguyễn Văn Luân, giấy phép xây dựng nhà gia công cao 2 tầng, nhà trưng bày cao 3 tầng. Thực tế xây dựng nhà 3 tầng; Hộ ông Nguyễn Văn Tuân, giấy phép xây dựng nhà gia công cao 2 tầng, nhà trưng bày cao 3 tầng. Thực tế xây dựng nhà 3 tầng…

7 trường hợp xây dựng không phép thì 3 trường hợp đang thi công xây dựng, 4 trường hợp đã đưa vào sử dụng.

Kết cục của một dự án phát triển kinh tế vốn là căn cớ thu hồi hơn 70 nghìn m2 đất ruộng của người dân là nhà phân lô, biệt thự. Những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cụ thể với những sai phạm nghiêm trọng này?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Anh Thế

3 nhận xét :

  1. bảo kê về kinh tế thì rất nhiều thằng muốn bảo kê nhưng có hơi một tý về chính trị chúng nó chạy mất dép

    Trả lờiXóa
  2. Dù luật pháp không giống ai "đất đai sở hữu toàn dân" thì tóm lại dân vẫn phải là chủ. Thực tế từng người dân hay dân ở 1 địa phương thì lại không có 1 vai trò nào, và đó chính là quy định 1 đằng, thực hiện 1 nẻo. Còn 1 khi đã cướp đất của dân nên xem đủ yêu cầu là phải khởi tố truy tố thì chúng may ra còn sợ, chứ theo phương pháp Việt Nam "rút kinh nghiệm" thì dòi bọ còn tiếp tục hoành hoành!

    Trả lờiXóa
  3. Mặc dù công nhận là "ĐẤT ĐAI LÀ CỦA NHÀ NƯỚC" ,nhưng khi trưng dụng thì phải dùng vào việc có ích lợi cho xã hội ,cho dân chứ không phải là để CẮT CÁI BAO TỬ của người ta đi .Nông dân mà mất đất (1 cách vô lý ) thì còn gì để mất nữa ?

    Trả lờiXóa