Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT LÊN TIẾNG VỀ CÁC SƯ HƯ HỎNG

 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Nhà sư vi phạm nghiêm trọng giáo luật, 
cần đưa họ về “đời thường”
LĐ số 284    9:50 AM, 08/12/2015
 
Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Lao Động xung quanh loạt phóng sự “Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh!” đăng trên Lao Động hơn 10 ngày qua. Và “có thể rời giới tu hành” là ý kiến tương tự của Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Trụ trì uống rượu Tây, nhắm tiết canh! (kỳ 1): Khi người làng buồn lòng vì nhà sư...
Cuộc trò chuyện “khó tin” với sư trụ trì chùa ăn tiết canh, uống rượu Tây...
Trụ trì uống rượu Tây, nhắm tiết canh! (kỳ 3): “Kỳ phùng địch thủ” của sư Thích Thanh Mão
Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh “là phóng dật, buông thả, không phải tu”…
Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang bị tố đánh người
Tiếp loạt phóng sự “trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh!” (Kỳ 2): “Nó bảo làm đơn kiện tôi, tôi có sợ gì đâu!”
Trụ trì 9 ngôi chùa và “món nợ từ kiếp trước với các nhà báo”


Thưa ông Nguyễn Minh Thuyết, theo quan điểm của ông, một nhà sư có được phép ăn tiết canh và uống rượu tây không ạ?

- Đạo Phật cấm sát sinh nên việc một nhà sư ăn thịt động vật là không bình thường, không đúng với điều răn của Đức Phật, sẽ gây phản cảm cho tín đồ. Tuy nhiên, có thể nhiều tín đồ bây giờ cũng cảm thông với việc nhà sư không ăn chay trường để có sức làm việc. Nhưng xa rời giáo luật đến mức uống rượu, ăn tiết canh thì sư không còn là sư nữa. Uống rượu cả chai một bữa như báo Lao Động nêu, với ăn tiết canh thì đó không còn là yêu cầu đảm bảo sức khỏe mà đã sang chuyện hưởng thụ như “người trần” rồi.

Theo sự tích Phật tổ Thích Ca thì Ngài vốn là một Thái tử nhưng đã từ bỏ quyền lực, từ bỏ cuộc sống giàu sang và hạnh phúc riêng tư để tu hành, tìm con đường cứu rỗi chúng sinh. Vậy thì việc các nhà sư, những người tự nguyện làm môn đồ nhà Phật mà lại ăn thịt, uống rượu, ăn tiết canh, khoe của thì rõ ràng là làm trái với giáo lý đạo Phật, trái hẳn với tấm gương của các bậc tu hành chân chính. Tôi nghĩ, trước hết GHPGVN phải lên tiếng, chấn chỉnh, nếu có những nhà sư thường xuyên làm trái giáo lý nhà Phật như vậy, phải đưa họ về với đời thường.

Một số nhà sư quản lý hòm công đức tiền tỉ, tự ý sang sửa, xây mới, thậm chí tàn phá di tích, vi phạm luật di sản, nhiều cán bộ văn hóa đã phải bất bình lên tiếng… Chúng ta phải làm những gì để chấm dứt tình trạng vi phạm như thế?

- Về vấn đề tiền công đức, theo tôi, GHPGVN cần có những quy định để tiền công đức được sử dụng một cách tốt nhất. Việc sang sửa chùa chiền nói chung, nếu có điều kiện - nên khuyên khích, nhưng phải làm đúng mẫu chùa Phật giáo, đúng các quy định của pháp luật. Còn đối với những ngôi chùa là di tích lịch sử thì việc tự tiện sửa chữa, thay đổi hạng mục, cấu trúc, tượng thờ… là điều cấm vì nó phi phạm Luật Di sản văn hóa. Luật quy định rất rõ là ở khu vực 1 - khu vực lõi di sản nghiêm cấm thay đổi thiết kế, cấu trúc, hạng mục. Còn ở khu vực bảo vệ 2, toàn bộ công việc xây dựng phải được phép của cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương.

Chắc ông đọc báo, đã nghe, hiện nay, một số tăng, ni ở một số địa phương coi giáo hội sở tại như là một gia đình, họ coi họ là cha là mẹ của các tiểu, các sư, và họ đánh đập người, gây nhiều bức xúc. Ông nghĩ sao về việc này?

- Trước hết đây là hành vi vi phạm pháp luật, vì pháp luật nghiêm cấm việc xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đó là quy định của Bộ luật Hình sự, đã là công dân Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam thì phải chấp hành. Nếu vi phạm, hoàn toàn có thể đưa ra pháp luật xử lý về mặt hình sự được. Thứ 2, về mặt giáo lý đạo Phật, đạo Phật hiền hòa, không bao giờ chấp nhận hành vi bạo lực với ai cả, nên việc các sư ở một số chùa hành xử như thế, không phải chỉ sai pháp luật, phải nghiêm trị, mà cũng trái với giáo lý của đạo Phật.

Theo ông, chúng ta có nên xem các câu chuyện dài mà Lao Động đang đăng tải là một cái gì đó kiểu như là chạm vào “vùng cấm” không ạ?

- Việc đưa những hiện tượng tiêu cực, sai trái ra ánh sáng, góp phần chấn chỉnh đạo đức cộng đồng là những việc làm cần thiết. Phê bình để chấn chỉnh lối sống trái giáo lý, giáo luật của một số ít nhà tu hành sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn những điều tốt, điều thiện của tôn giáo mà họ là thành viên, góp phần xây dựng lối sống “tốt đời đẹp đạo”.

Xin cảm ơn ông!

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Nhẹ thì cảnh cáo, nặng tội hơn, có thể phải rời khỏi giới tu hành”
 Hòa thượng Thích Gia Quang

Bên lề Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX chiều 6.12.2015, Hòa thượng Thích Gia Quang đã có cuộc trao đổi với Lao Động. Trả lời câu hỏi: “Từ ngày 27.11, Báo Lao Động bắt đầu đăng loạt bài phản ánh việc một số nhà sư có hành vi phản cảm, như ăn tiết canh, uống rượu tây cả chai, đánh người, phá di tích, hành hạ trẻ em, vậy thì, theo giới luật nhà Phật và quy định của Nhà nước liên quan, những hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào?”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói: “Trước hết khẳng định, chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm nếu có các tình trạng đó xảy ra. 

Cụ thể, về vấn đề này Ban Trị sự của các tỉnh, thành, nơi các nhà sư trụ trì xem xử lý trước như thế nào và phải chờ cho địa phương họ xử lý trước, sau đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xem xét. Về vấn đề xử lý theo Trung ương Hội Phật giáo và Luật Phật chế thì mình là người tu hành phải giữ từ bi làm căn bản, còn nếu như mình đã là người xuất gia, tu hành mà còn có những cử chỉ và hành động chưa đúng, hay gây ảnh hưởng đến uy tín Giáo hội, của Phật tử hay hình ảnh của Phật giáo thì đương nhiên về mặt Giáo hội cũng sẽ xử lý. Nếu phạm vào trong 4 giới trọng không - đó là: Sát sinh, tức là giết người, trộm cắp hay là tà dâm và làm những gì đó nặng nề - thì mới phải rời khỏi giới tu hành.

Chúng tôi đã lên tiếng, vì lòng yêu kính Đức Phật và giới tu hành cả nước
Trước khi kết thúc loạt bài này bằng một loạt các ý kiến của các vị GS.TS, các lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi một lần khẳng định: Chúng tôi dựng chân dung làm rầu lòng một số vị sư trụ trì các ngôi chùa hoặc lãnh đạo Giáo hội ở các địa phương bằng một thái độ hết sức khách quan. Chúng tôi không muốn gì hơn ngoài bảo vệ sự tôn kính với Đạo pháp, kính trọng các vị tu hành chân chính, thượng tôn lẽ sống tốt đời - đẹp đạo.

Đó cũng là lý do, chúng tôi không lật lại các câu chuyện hết sức đau lòng mà báo chí, dư luận, các bản án lương tâm và luật pháp đã tuyên liên quan đến các đối tượng mà khi vi phạm, thì họ đã hoặc đang tu hành. Chúng tôi cũng không xoáy vào các câu chuyện theo kiểu “vạch lá tìm sâu” hay “vơ đũa cả nắm”. Hầu hết các nhân vật trong toàn bộ tuyến bài, họ đều lần đầu tiên lên báo, “chuyện gây dư luận” của họ lần đầu tiên công bố trên truyền thông, nhưng trước đó bà con đã bức xúc quá nhiều rồi. Những gì chúng tôi viết ra, mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, một phần nhỏ trong số tài liệu mà chúng tôi thu lượm được. Sau khi báo Lao Động đăng tải, chúng tôi đã được độc giả gửi tới nhiều tư liệu thuyết phục, nhiều nhân chứng đã tìm gặp chúng tôi để bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực “nói thẳng nói thật”, nói trên tinh thần xây dựng và không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.

Đặc biệt, hầu hết chuyện về những vị tăng, ni trong bài viết đều được chúng tôi điều tra lấy thông tin từ bà con, từ cán bộ cơ sở có uy tín, có quyền phát ngôn, thậm chí có rất nhiều những cuộc đối thoại “ngô nghê” khiến độc giả “tức anh ách” bằng cách cho “các nhân vật” (như trụ trì “nhắm tiết canh, uống rượu tây”, phá di tích, hành hung người) tự nói ra, tự tranh biện với những “quan niệm”, hành vi gây tranh cãi không nhỏ của mình. Chúng tôi không dám bình luận, suy diễn, chỉ đau đáu một nỗi niềm, làm sao để những hành vi bị dư luận lên án kia được giảm thiểu, tiến tới chấm dứt, để bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy được gột rửa rồi có được niềm tin màu nhiệm hơn nữa, mỗi lần lên vãn cảnh chùa, mỗi lần được đối thoại với một người tu hành khả kính.

Hôm qua, (7.12), chúng tôi đã đối thoại cởi mở với Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại Trụ sở Giáo hội ở 73 Quán Sứ, Hà Nội. Đúng như ngài đã nói: Ai cũng có lúc sai sót, khuyết điểm, Giáo hội cảm ơn và ghi nhận những góp ý từ các phóng sự của Lao Động. Và công tác rà soát, kiểm tra, yêu cầu cơ sở báo cáo đang được gấp rút tiền hành. Nhưng cái quan trọng là từ các “con sâu” đôi khi cá biệt đó, chúng ta sẽ có biện pháp góp ý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp, những cống hiến cao quý của giới tu hành trong cả nước suốt dọc dài lịch sử. Vâng, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó. 
Lao Động



15 nhận xét :

  1. Những ông sư hinh đấy là những"hòm công đức"của các nhà quản lý địa phương.Thay thế nào được,mơ nhé!(à quên kèm theo cả rượu và thịt chó nữa)

    Trả lờiXóa
  2. Theo như tôi biết,Phật giáo VN.có 2 lần đuợc chính triều đình
    dưới 2 triều Hồ va nhà Nguyễn Tây Sơn cho chấn chỉnh một cách
    kỹ lưỡng về trình độ tu tập của giới tu hành.
    Vì nhu cầu binh bị,Hồ Qúy Ly và Quang Trung chủ trương thanh lọc hàng ngũ chức sắc PG.để tránh những trường hợp người sợ
    đi lính chạy trốn vào chùa.Một trong nhưững cách thanh lọc
    là khảo kinh sách.Ai không thuộc là sư gian,sư dỏm và bị sa
    thải khỏi chốn thiền môn.
    Thời này được tuyên truyền là "huy hoàng" nhất nhưng thưc tế
    PG.đang bị sa sút trầm trọng,thậm chí biến chất vì bị chính
    trị gò ép vào khuôn "đạo pháp,dân tộc và XHCN." nên cần phải
    chấn chỉnh mạnh mẽ hơn,nhất là cần phải tách rời khỏi chính trị mà độc lập để khỏi bị lợi dụng như hiện nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng riêng triều Hồ và Nguyễn Tây Sơn mới chấn chỉnh PG thanh lọc các vị sư sãi và làm sạch chùa chiền . Thời của vua Lê Thánh Tông, Minh Mạng cũng chấn chỉnh mạnh tay . Vì đạo đức suy đồi, chùa chiền là nơi kẻ trôm cướp , kẻ bất mãn trốn tránh, nhiều sư sãi giàu có bất chính , đất nhà chùa rất rộng , chùa rất lớn lại được miễn thuế . Có vị sư có hàng trăm đệ tử gốc là những nhà nho cao thâm chống lại triều đình !

      Xóa
    2. Bác nói rất đúng nhưng ý tôi là 2 thời đó
      việc thanh lọc MẠNH nhất và KỸ LUỠNG nhất.
      Kính.

      Xóa
  3. Báo Lao động đặt vấn đề quá đúng, không phải hiện tượng cá biệt mà cũng khá nhiều và khá lâu rồi. Những chức sắc giáo phẩm mà nói nước đôi, ngại va chạm, chưa đi thẳng vào giới luật, giới cấm ...thì không chấn chỉnh được. Nếu không làm rõ thì tội nghiệt và mất mác lớn vô cùng.

    Trả lờiXóa
  4. Sự việc đã ba năm rõ mười, còn nhẹ gì nữa, cảnh cáo gì nữa, mau tống cổ họ ra khỏi nhà chùa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai năm(5)mới rõ mười(10), ba năm rõ 11 chứ !?

      Xóa
  5. chừng nào còn XHCN hoá phật giáo thì còn các nhà sư hổ mang, nhà sư giải danh, như sư đội lốt.

    Trả lờiXóa
  6. Những nhà sư chân chính hãy lên tiếng để bảo vệ Phật pháp. Tạo niềm tin tín ngưỡng.

    Trả lờiXóa
  7. ở những chùa lớn thì sư giầu lắm, tiêu tiền như nước, đúng là TIỀN CHÙA, chẳng có chế độ quản lý gì hết, thu vào bao nhiêu, chi tiêu thế nào không ai biết

    Trả lờiXóa
  8. Trong một trăm vị sư có được 1, 2 vị cao tăng tài đức đã là quí lắm rồi . Tu hành thời nào chả thế , không ít kẻ lợi dụng áo cà sa , còn những vị chân chính thật là hiếm . Tôi quen một vị sư ở Saigon gốc QNg , chuyển tiền về quê đều đều , mỗi lần vài triệu . Tôi còn biết một vị sư khác gốc Bắc có hơi lạ . Vị này nhà nghèo , tứ cố vô thân mà lại là người TCG Hỏi sao đi tu chùa ? Anh ta trả lời : nhà nghèo vào chùa tu có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở tốt , đi học tốt , ngày CN lén đi nhà thờ. Sau này nghe nói lên tới thượng tọa giữ một chức vụ khá cao trong GHPG !

    Trả lờiXóa
  9. Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng sát sinh là giới trọng đầu tiên Phật dậy, chỉ có nghĩa "không giết người" là không đúng. Ở đây Phật muốn nói tới là không diệt sát, bất cứ loài nào, dù đó là con kiến. Vì vậy, đã cạo đầu tu thân theo Đức Phật, thì ngay cả ăn thịt, cá... cũng là tiếp tay cho kẻ khác hay đồng phạm với kẻ khác sát sinh rồi. Điều đơn giản nhất ai cũng hiểu là: Không có cầu thì làm gì có cung? Nhà sư phải ăn chay để làm gương cho chúng sinh không sát sinh. Còn nếu không ăn chay, không nhịn rượu, không cai dâm, không bỏ tính tham tiền, khoe khoang, thích sống xa hoa được, thì tốt nhất nên hoàn tục, bởi nó làm tha hóa Phật giáo, bôi nhọ danh tính Đức Phật, vì Ngài không chấp nhận bắt cứ sự giả trá lươn lẹo nào trong giáo giới mà Ngài đã răn.
    Không thể lấy nê "ăn mặn cho đủ chất lấy sức khoẻ làm việc" như ông Nguyễn Minh Thuyết nói được. Chính vì sự xuê xoa của các ông, nên lũ mất dậy mới cạo đầu "làm sư", để móc túi dân kiếm tiền nhanh lại nhàn hạ, xã hội theo đó càng suy đồi, Phật giáo lâm hồi mạt pháp, nước nhà rơi vào mạt vận. Không lẽ các người không thấy sao?

    Trả lờiXóa
  10. Xưa:
    Làng quê Việt Nam đâu đâu cũng thấp thoáng những ngôi Chùa.
    Nơi có phong cảnh đẹp nhưng u tĩnh, thanh bần,
    Nơi có Tượng Phật từ bi, trầm mặc, thần thông quảng đại.
    Nơi có những nhà sư, chú tiểu sớm chiều gõ mõ, tụng kinh,
    Cầu cho Chúng Sinh qua bể trầm luân, hưởng an lành, hạnh phúc.
    .....
    Nhưng ngày nay vẫn còn quá nhiều chuyện buồn như mọi người đã thấy.

    Trả lờiXóa
  11. Giới cấm sát sinh chứ không phải chỉ sát nhân.

    Trả lờiXóa
  12. Là sư không chỉ cạo đầu
    Phải mặc giản dị, áo nâu, dép xoàng
    Không được lãng phí, tiêu hoang
    Không ngồi thụ hưởng, trang hoàng điện riêng
    Không ăn mặn, không nhận tiền
    Sẵn lòng bố thí, tạo duyên phước đời
    Không được nốc rượu, ăn chơi
    Nhịn dục, không nói những lời đĩ, dâm
    Tu thân quyết chí thực tâm
    Tôn trọng sự thật, sai lầm sửa ngay
    Trau dồi kinh Phật hàng ngày
    Thương dân cứu khổ ra tay giúp người
    Giữ cho lòng được thảnh thơi
    Một lòng thờ Phật, muôn đời tiếng thơm.

    Trả lờiXóa