Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Nguyễn Văn Tuấn: MỘT KIỂU TẨY XÓA KÍ ỨC DÂN TỘC?

Một kiểu tẩy xoá kí ức dân tộc?

Nguyễn Văn Tuấn
28-11-2015

Báo chí đang rộ lên cuộc thảo luận về chuyện bỏ hay giữa môn sử. Có dự kiến “tích hợp” môn sử với các môn khác thành một môn học có tên là “Công dân với Tổ quốc” (1). Đề nghị này làm tôi nhớ đến cái khái niệm rất đặc thù ở VN sau này là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Với kiểu tích hợp này và cái khái niệm “Tổ quốc XHCN”, tôi e rằng người ta lại dấn sâu thêm một bước trong quá trình xoá bỏ kí ức của dân tộc.

Theo dự kiến của Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông thì môn học mới này là tổng hợp 4 môn học giáo dục đạo đức – công dân, quốc phòng – an ninh, và lịch sử. Trong đó có dạy những nghĩa vụ công dân, kĩ năng sống, pháp luật, đạo đức cách mạng, v.v. Nhìn qua nội dung thì môn học mới này có vẻ rất “hầm bà lằng”. Tôi không phải là dân sử học, nhưng vẫn cảm thấy khó chấp nhận cái dự án “tích hợp” các môn học như thế này.

Trong một thời gian dài, sách sử của VN ngày nay có rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là sử Việt Nam đã và đang bị chính trị hoá. Vì bị chính trị hoá, nên sách sử chỉ phục vụ cho thế lực chính trị đương thời, và hệ quả là bỏ qua những sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chẳng hạn như những cuộc xâm lăng của Tàu, những trận hải chiến với Tàu cộng làm cho chúng ta mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa không được đề cập đến trong sách giáo khoa sử. Ngược lại, có những sự kiện được đưa vào sử lại là dối trá, mà trường hợp Lê Văn Tám là một ví dụ tiêu biểu.

Vì phục vụ cho thế lực chính trị, nên sự thật lịch sử cũng bị bóp méo và xuyên tạc. Ví dụ tiêu biểu là những trang sách viết về chế độ Việt Nam Cộng Hoà, hay về triều Nguyễn hoặc là một chiều, không sòng phẳng, hoặc dối trá, hoặc xuyên tạc. Lại có tình trạng che giấu sự thật về những tội phạm của các triều đình phong kiến đối với các vương quốc nhỏ hơn như Chăm Pa. Như thế là thiếu trung thực và thiếu khách quan. Sử mà không trung thực và không khách quan thì khó có thể xem là sử được, mà là tuyên truyền.

Với một nội dung sử như thế mà “tích hợp” với các môn mang tính “phụ” như an ninh, quốc phòng để cho ra cái gọi là”Công dân với Tổ quốc”, thì chúng ta có thể đoán rằng môn học mới chẳng khá hơn. Ở VN mà giáo dục về quốc phòng và an ninh chắc chắn phải chịu sự chi phối của chính trị nặng nề. Do đó, môn học mới chỉ nâng độ tuyên truyền và chính trị hoá lên một tầm cao hơn mà thôi, chứ đâu có giải quyết rốt ráo những khiếm khuyết về nội dung như đề cập trên.

Có một khái niệm tôi rất ngán ngẩm là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” mà chắc sẽ trở thành một “feature” của môn học mới “Công dân với Tổ quốc”. Cái khái niệm này rất quan trọng, vì nó được nhắc đến thường xuyên trong các bài diễn văn của giới lãnh đạo, trong khẩu hiệu, trong sách, trên báo chí, v.v. nói chung là khắp nơi. Những người làm tuyên truyền thậm chí còn nói thẳng rằng yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa! Tôi nghĩ cái khái niệm này chắc chỉ tồn tại ở Việt Nam, chứ ít thấy cái đuôi XHCN ở các nước khác.

Tôi tò mò tìm hiểu khái niệm “Công dân với Tổ quốc” có nghĩa gì thì thấy … rất sốc. Thật ra, nó xuất phát từ suy nghĩ của những kẻ như Lenin rằng không có tổ quốc gắn liền với đất đai của tổ tiên cha ông, mà chỉ có tổ quốc của người vô sản ở khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại thành một khối. Trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (tập 11, trang 166), đích thân chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như sau:

“Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình” (2).

Nhưng Liên Xô đã “chết”. Vậy thì hà cớ gì mà giữ cái “Tổ quốc XHCN” đang được quảng bá khắp nơi hiện nay? Tại sao không quay về với tổ quốc là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.” (Đại Từ điển Tiếng Việt)?

Lịch sử, theo cái nhìn của tôi, là kí ức của dân tộc. Môn lịch sử phải có một vị trí trang trọng trong chương trình học, nhưng nội dung thì phải khách quan và tôn trọng sự thật (chứ không phải có quá nhiều gian dối và chính trị hoá như hiện nay). Cách dạy sử ở nước ta hiện nay, cùng khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, là một cách tẩy xoá kí ức dân tộc. Những người nhúng tay vào quá trình tẩy xoá kí ức dân tộc phải được xem là có tội với dân tộc.
____

(1) Có thể đổi tên môn học “Công dân với Tổ quốc” (VNN).
(2) Luận cương của Lê Nin” Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa ” quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh (ĐH Huế) (trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166).

5 nhận xét :

  1. Việc bỏ hay để môn Sử là một vấn đề khoa học.

    Nhưng Bộ GD-ĐT chỉ xét vấn đề theo cảm tính mà thôi.

    Phải thay ngay Bộ trưởng bộ GD-ĐT!

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hê hê,bộ trưởng BGD là do đảng dựng lên.Vì thế,cho dù là ông nào thì cũng phải nói và làm theo ý của đảng cả.
      Đối tượng cần phải thay ngay chính là "đảng ta".

      Xóa
  2. Đầu tk 15 , khi xâm chiếm được Đại Việt , quân Minh đã tẩy xóa kí ức Dân Tộc ta. Chúng đem hết sách vở của Đại Việt về Kim Lăng đốt đi, bắt cha con Hồ Quí Ly về làm tôi mọi cho chúng, bắt cả những nhân tài khác như ô. Nguyễn Phi Khanh về Tầu , đầy đọa rồi giết đi, may mà ô. Nguyễn Phi Khanh còn kịp nhắn nhủ con là Nguyễn Trãi đừng khóc chạy theo mà hãy về tìm cách báo thù cho cha .
    Ngày nay csVN theo Tầu tẩy xóa kí ức lịch sử chính thống khách quan , mà đem dậy cho các thế hệ học sinh toàn những bài học lịch sử có lợi cho họ, đem sử quan CS nhồi nhét vào đầu HSSV VN những cuộc nổi dậy của ND toàn là những cuộc đấu tranh giai cấp kiểu CS , rồi thay vào đó những tuyên truyền có lợi cho chủ nghĩa CS , toàn những thắng lợi của CS ! Trước những nhồi nhét một chiều đó làm cho HSSV chán môn Sử . đây cũng chính là phản ứng rất thông minh của các em HSSV . Chẳng ai dây họ nhưng các HSSV VN đã nhận ra ngay cái trò ma mãnh của CS, và âm thầm tẩy chay bằng cách không học môn Lịch Sử , làm cho điểm môn Lich Sử tại các kì thi thấp thê thảm . Đúng là gậy CS đập lưng ông CS ! Nhưng rồi đây liêu có còn các nhà GD Lịch Sử chân chính viết lại cho đúng Lịch Sử nước ta không ?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đồng ý với bạn Lệ Thủy, một khi đảng cs quyết tâm "tích hợp" môn sử nhằm tẩy xóa ký ức dân tộc thì ông bộ trưởng nào cũng bó tay chứ không riêng gì ông Luận. Từ lâu, HSSV chán học Sử bởi vì cách biên soạn lịch sử không trung thực, bóp méo, một chiều, nay lại "tích hợp" với những môn phụ khô khan nhàm chán đầy chất tuyên truyền nhồi sọ nữa, rồi đây nó cũng chết như môn sử trước kia thôi. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Hãy chờ xem. Nghĩ mà tội cho lịch sử nước ta cùng những bộ sử và những sử gia danh tiếng.

    Trả lờiXóa
  4. Sử bị chính trị hóa thì gọi là tuyên truyền, sử đểu. Các nhà sử học như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan...đóng góp không nhỏ cho thành tựu này, nhưng chính các ông lại né tránh ghi thành tích của mình vào dòng chảy của chính lịch sử. Họ ngồi văn phòng viết sử bằng những trò " làm giàu không khó", diễn trò ăn nói càm ràm như người hết hơi hoặc phán lăng nhăng nửa vời trên diễn đàn cuốc hội, lo đi đúc kiếm, trống đồng tặng những hôn quân bạo chúa, xa lánh với thực trạng khốn khó của người dân. Các nhà "xử học" này thực chất toàn đồ rổm mang danh Sử học. Lịch sử nước Nam đúng là thật tội với toàn lũ con hoang.

    Trả lờiXóa