Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

LỊCH SỬ PHẢI LÀ MÔN HỌC ĐỘC LẬP VÀ BẮT BUỘC !

Nông nghiệp VN
19:25, Chủ Nhật, 15/11/2015 


Đó là ý kiến chung của các nhà khoa học, nhà giáo giảng dạy bộ môn Lịch sử tại Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”.
.
Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”

* Thi Lịch sử để nhập quốc tịch Việt Nam

Hội thảo diễn ra vào sáng 15/11/2015, do Hội KHLS Việt Nam tổ chức. Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Môn Lịch sử biến mất từng bước

GS.NGND Vũ Dương Ninh, Khoa Lịch sử - ĐHQG Hà Nội đã khẳng định, trong một vài thập kỷ qua, môn Lịch sử bị đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng, có phần tùy tiện của cấp quản lý Bộ GD-ĐT.

Lấy lý do “giảm tải” cho học sinh, môn Lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức như các môn học khác trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông.

“Cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Lịch sử đã biến mất khỏi chương trình với tư cách một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng. Được giải thích rằng nó được vận dụng vào môn “Công dân và Tổ quốc”. Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không?”, GS Vũ Dương Ninh nêu câu hỏi.

Và ông khẳng định: Môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận, và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.


Cùng chung quan điểm với GS Vũ Dương Ninh, GS Phan Huy Lê cũng khẳng định: Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã “xóa bỏ” môn Lịch sử”.

“Nhiều vị có mặt trong hội thảo này cũng như dư luận xã hội hết sức kinh ngạc trước chủ trương này của Bộ GD-ĐT”, GS Phan Huy Lê bày tỏ.

PGS.TS. Hà Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Lịch sử - ĐHSP Thái Nguyên cho rằng: Thực tiễn cho thấy, hiện nay lớp trẻ đang còn tuổi học đường xuất hiện hai luồng học sinh. Một rất yêu thích môn Sử, say mê học Sử và học Sử một cách nghiêm túc, nhưng vì cơ hội việc làm không lớn hoặc có việc nhưng thu nhập không lớn nên gác đam mê theo những ngành có kinh tế. Vậy là kiến thức Lịch sử bị quên dần theo tháng năm. Hai là ghét học sử vì khó học, vì người lớn cho rằng nó là môn phụ nên chẳng học.


Về Chương trình học tích hợp Lịch sử với Giáo dục Công dân, GS.TS Trần Thị Vinh, Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội khẳng định: Không ai có thể dạy nổi.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội cho rằng, biết đâu có những người tài năng sẽ dạy được, nhưng với kinh nghiệm của ông và tập thể Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội thì không thể làm nổi.

Bộ GD-ĐT đang "bị oan"

Phát biểu với tư cách người nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông, TS Toán học Tạ Ngọc Trí, Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, nói rằng môn Lịch sử trong chương trình tích hợp không hề bị mất đi tính khoa học.

Theo lý giải của ông Trí, ở bậc Tiểu học, môn Lịch sử được sắp xếp vào các hoạt động tìm hiểu, ở bậc THCS đã có những yêu cầu riêng của môn Lịch sử. Lên đến bậc THPT thì dù học tích hợp nhưng trong chương trình vẫn có môn Lịch sử cũng như môn Địa lý thuộc khối KHXH…

GS.TS Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định rằng các nhà khoa học, nhà giáo đang hiểu lầm Bộ. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu. “Vì chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên một số điều Bộ bị oan. Trước hết, nói rằng khai tử môn Lịch sử, biến môn Lịch sử là tự chọn thì trong tài liệu là tự chọn hay không xin các đồng chí đọc lại. Thứ hai, môn Lịch sử là bắt buộc hay độc lập là hai chuyện khác nhau. Không phải cứ bắt buộc thì phải độc lập”.

KIỀU KHẢI

8 nhận xét :

  1. lịch sử mà dưới sự "lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của kẻ cầm quyền" thì lịch sủ sẽ không có khách quan, nó bị bóp méo theo yêu cầu "định hướng" (ngu dân), và vì vậy, nó coi người có tội thành kẻ có công, coi người có công như kẻ có tội.

    Trả lờiXóa
  2. p.thường dân Nam Bộlúc 15:26 16 tháng 11, 2015

    Thời Pháp thuộc HSSV VN mong có được bộ SGK VN viết đúng đắn về Lịch Sử , Địa Lý VN của Bộ GD VN để học . CP Trần Trọng Kim dù chỉ tồn tại chưa tới nửa năm đã cố gắng làm việc đó . BT Hoàng Xuân Hãn đã ấp ủ việc này từ rất lâu chỉ chờ nước VN độc lập là ông bắt đầu ngay . Các nhà sử học lừng danh như Lê Thành Khôi rất nhiệt tình ủng hộ việc này và cả những nhà nghiên cứu Lich sử VN ở nước ngoài , nhất là ở Pháp cũng thế . HSSV VN từ nay không còn phải học bài nos ancetres sont des Gaulois ( tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule ) hay l ' Annam , la Cochinchine, le Tonkin dans l ' Indochine francaise ( xứ Trung kì, Nam Kì, Bắc Kì trong LB Đông Pháp ) ! Nhưng cho tới tk 21 , môn Lịch Sử linh thiêng của Tổ Quốc đang được các nhà Lđ Bộ GD&ĐT chế biến nó thành món gia vị trong cái gọi là tích hợp vào những món có tên gì đâu không còn là Lịch Sử . Ai yêu mến tổ quốc mình mà lại không biết lịch sử nước mình ? Làm cho HSSV nước mình không yêu thích lịch sử nước mình , thậm chí quên cả lịch sử nước mình là tội của NCQ , trước hết là của ngành GD & ĐT !

    Trả lờiXóa
  3. Lịch sử chống Tàu thì kiêng, lịch sử chống Mỹ thì có chỗ hay, chỗ dở , chỗ đúng, chỗ sai, chỗ nên làm, chỗ không nên làm cũng rất khó nói. Như vậy thì biết viết sử ra sao, dạy sử thế nào ? Chọn cách bỏ không dạy là thượng sách!

    Trả lờiXóa
  4. MẤT LỊCH SỬ LÀ MẤT NƯỚC

    Trả lờiXóa
  5. MUỐN BÁN NƯỚC THÌ PHẢI XÓA BỎ LỊCH SỬ DÂN TỘC.

    Trả lờiXóa
  6. Có làm được cái gì đúng đắn, tốt đẹp cho dân cho nước để ghi công trong lịch sử không ? Vì sao xuất hiện tâm lý sợ lịch sử ? Hay lắm !

    Trả lờiXóa
  7. Lịch sử là sự thật. Mà sự thật thì đáng sợ, phải kiêng. Đơn giản vậy thôi !

    Trả lờiXóa
  8. Thưa các thày cô, chúng em muốn Lịch sử là môn chính ạ, nếu như chúng em được học lịch sử Việt nam có thật ạ. Chúng em muốn biết Việt nam đã thắng lợi thật như thế nào ạ, và thất bại thật như thế nào ạ. Chúng em muốn biết dân tộc mình thắng giặc Pháp thì có sự giúp đỡ như thế nào của Trung Quốc ạ, thắng giặc Mĩ thì có sự giúp đỡ trực tiếp như thế nào của Liên Xô ạ. Và thực ra nước mình có thể tự đánh thắng được không ạ? Chúng em muốn biết về các cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới ạ. Chúng em muốn biết những thỏa thuận ngoại giao đã làm mất đất, mất biển của Việt nam trong lịch sử ạ... Tóm lại chúng em muốn biết sự thật lịch sử ạ, như Lê Văn Tám có anh hùng tự thiêu hay không ạ, Nguyễn Văn Bé có anh hùng hay không ạ, Nguyễn Văn Trỗi bị trói chặt "mà tay anh giật phắt mảnh băng đen" được không ạ...
    Nếu chúng em không được học sự thật lịch sử, thì môn Lịch sử chỉ nên là môn phụ thôi ạ. Và nếu không, không cần học cũng được ạ, vì chúng em sẽ tự tìm đọc lịch sử từ trong sách vở, từ bố mẹ, ông bà, sẽ thấy hay hơn, hấp dẫn hơn nhiều ạ...
    Mong các thày cô đừng mắng em ạ.

    Trả lờiXóa