Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

"TỔ QUỐC GỌI TÊN" ĐANG TRANH CHẤP CÓ PHẢI LÀ BÀI THƠ HAY?


BÀI THƠ "TỔ QUỐC GỌI TÊN" ĐÚNG NHƯNG KHÔNG HAY!
 

Nguyễn Hữu Quý
Lời dẫn của Nguyễn Hữu Quý: Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đang ở bên "mắt bão" khi có một người xa lạ, từng là quân nhân nhận bản quyền bài thơ "Tổ quốc gọi tên", anh Ngô Xuân Phúc. Bài thơ này đã được Đinh Trung Cẩn phổ nhạc và ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" đã chiếm được cảm tình của nhiều người. 
Bài viết sau đây của tôi chỉ phân tích văn bản thơ mang tên "Tổ quốc gọi tên" của Nguyễn Phan Quế Mai để bạn đọc tham khảo về giá trị nghệ thuật của nó.
Tôi thực sự biết ơn Nguyễn Phan Quế Mai đã dịch khá thành công bài thơ "Bông huệ trắng" của tôi (tặng thưởng thơ hay nhất năm 1995 tạp chí Văn nghệ quân đội) sang tiếng Anh. Trong một lần gặp gỡ và giao lưu với các bạn nhà thơ cựu chiến binh đến từ Mỹ tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã đọc "Bông huệ trắng" bằng tiếng Việt và được Nguyễn Phan Quế Mai diễn đạt bằng tiếng Anh. Nhiều nhà thơ Mỹ đã rơm rớm nước mắt khi nghe bài thơ đó. Kỷ niệm đẹp này tôi không bao giờ quên.

Tôi cũng biết Nguyễn Phan Quế Mai đã “Việt hóa” thành công những bài thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, nhiều chất nghĩ, chất cảm của nhà thơ Bruce Weigl vốn là một lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Quảng Trị trong tập "Bài ca bom na pan". Tôi từng nghĩ Quế Mai như một nhịp cầu cùng nhiều người khác nối lại những cách biệt vốn đầy thù hận sau cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam.

Tôi cũng đã đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhận thấy tác giả trẻ này nghiêng về chất tự sự, khá mộc mạc, thấm thía tình yêu quê hương, đất nước và không mấy ồn ào cao giọng. Giọng thơ rì rầm thủ thỉ, kiểu như "Gom rơm mục đồng về lót gối/ hành trình dài, thao thức cơn mơ" (Là Việt); "Trắng trời những ngôi mộ vô danh/ Trắng đất những người con đi tìm mộ bố/ Mưa tả tơi xuống họ…"(Hai nẻo trời và đất) hay: "Tôi ngồi sau xe/ Lắng nghe ông kể chuyện/ Nghe gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc/ Nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc/ Nghe tiếng súng xuyên về từ ngày tôi chưa sinh…"(Thời gian trắng).

Chính vì nhơ nhớ cái giọng thơ ấy của Nguyễn Phan Quế Mai mà tôi hình như đã “vấp” phải sự khang khác khi tiếp xúc với văn bản "Tổ quốc gọi tên" của chị.

Xin nói ngay rằng "Tổ quốc gọi tên" không phải là ý mới. Khi lâm nguy, non sông cất tiếng gọi, lớp lớp con dân đất Việt đáp lời cầm vũ khí đánh giặc. Từ năm 1967, Tố Hữu đã viết: "Thiêng liêng thay, tiếng gọi của Bác Hồ: / Vì độc lập tự do, toàn dân ta quyết thắng!" (Chào xuân 67). Nam Hà cũng đã dựng nên khí phách ấy: "Ôi tuổi thanh xuân/ Mang bốn nghìn năm lịch sử trong tim/ Ta sung sướng được làm người con Đất nước…" (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi)…

Trong bài "Tổ quốc gọi tên", cái dở nhất là Nguyễn Phan Quế Mai “dựa dẫm” hay lấy ý của những câu thơ người khác đã viết nhiều lần.

Ở khổ thơ mở đầu chị viết: "Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây". Câu đầu tiên ý đã cũ như tôi phân tích ở trên. Câu thứ 3 gợi cho người đọc liên tưởng tới tên bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của Nguyễn Việt Chiến.

Đến khổ thứ hai thì sự sáo mòn, lặp lại ý người khác rõ hơn. Nguyễn Phan Quế Mai viết: "Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ…". Trong bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi", xuất hiện từ năm 1966, Nam Hà đã viết rất hào sảng thế này: "Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang…"

Trong hai câu thơ sau tôi thấy có những điều không hề ổn chút nào: "Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng/ Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố". Giá như chị viết …"Tổ quốc thiêng liêng" thì không ai bắt bẻ được. Từ "linh thiêng" vốn dành cho cõi khác, thế giới khác mang hàm ý cao quý, ví như tổ tiên, ông bà linh thiêng, chốn tâm linh, chuyện tâm linh. Tổ quốc không bao giờ chết cả, bởi thế mà từ những ngày đầu toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, câu khẩu hiệu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã trở thành tâm niệm của bao chiến sỹ, nhân dân ta. Và, câu thơ tiếp theo "Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố" thì cái ý ấy sao mà giống thế mấy câu của Tố Hữu viết từ mùa xuân 1973: "Một trời êm ả, xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ…." (Việt Nam máu và hoa).

Lại có những câu thơ chị viết như lời nói thường vậy: "Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình/ Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc". Tôi mạo muội nghĩ, đã "rập rình" thì không thể "ngang nhiên" được. Những câu như thế và những câu sau đây hàm lượng sáng tạo nghệ thuật rất ít, nó là hiện thân của sự biếng nhác, dễ dãi trong làm thơ: "Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu/ Sóng quặn đỏ máu những người đã khuất/ Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/ Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam". “Đầu môi chót lưỡi”, người ta hay nói vậy; tiếng trên môi dẫu có thao thức đấy nhưng sao sâu lắng bằng, nhức buốt bằng tiếng trong tim.


Nếu như không được phổ nhạc và xuất hiện trong thời điểm biển Đông dậy sóng, cả nước sôi lên vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng thềm lục địa, lãnh hải nước ta thì chắc bài thơ "Tổ quốc gọi tên" cũng chìm khuất đâu đó. Nó sẽ không được “tụng ca” như một tác phẩm có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật lớn lao như một số người ngộ nhận. Tôi nghĩ, quần chúng tạo ra cộng hưởng lớn từ ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" hơn là từ bài thơ "Tổ quốc gọi tên". Trong trường hợp này, giá trị cổ vũ và lay động do âm nhạc tạo ra nhiều hơn, lớn hơn bài thơ bội phần. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta viết về biển đảo thân yêu bằng sự sâu lắng, minh triết như những trầm tích văn hóa của ông cha để lại trong từng tấc biển, tấc đất máu thịt vậy. Sự ồn ào, lềnh phềnh, xốp xáp sẽ sớm bị thải loại theo thời gian. Sờ sờ ra đấy, những bài hát, bài thơ kháng chiến mang tâm hồn dân tộc, đẫm chất văn hóa cội nguồn thì còn sống khỏe, sống bền với chúng ta còn những gì minh họa sơ lược, mang tính tuyên truyền nhất thời thì không mấy ai nhớ, ai hát, ai đọc nữa.

Tóm lại, trong cảm nhận của tôi, thì bài thơ "Tổ quốc gọi tên" chỉ đúng nhưng không hay. Chắc chắn không phải là tác phẩm có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao.

Tháng 10 năm 2015
N.H.Q
_______________
..
VỀ BÀI THƠ “TỔI QUỐC GỌI TÊN” ĐANG BỊ TỐ CÁO ĐẠO THƠ, GÂY ỒN ÀO TRÊN INTERNET

Trần Mạnh Hảo
FB Tran Manh Hao 

Gần đây, truyền hình Việt Nam liên tục phát bài hát “Tổ Quốc gọi tên mình” qua các giọng ca nổi tiếng, nhạc Đinh Trọng Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Đột nhiên, có anh bộ đội tên Ngô Xuân Phúc gửi thư lên mạng tố cáo bà Nguyễn Phan Quế Mai đạo thơ của anh. Lập tức, dư luận trên Internet và trên các tờ báo chính thống bênh vực bà Mai và nặng lời với anh Phúc, nhất là các nhà thơ được bà Mai dịch thơ càng nặng lời chửi anh Phúc là tâm thần, là kẻ “dây máu ăn phần”…

Cũng đột nhiên nữ nhà thơ Bàng Ái Thi (con gái nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên, cháu ruột nhà thơ Bàng Bá Lân) lên tiếng bênh vực anh Ngô Xuân Phúc, sẵn sàng ra tòa chứng nhận bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” là thơ của anh bộ đội này). Trong khi số các nhà thơ ủng hộ bà Nguyễn Phan Quế Mai chưa ai dám làm chuyện lấy danh dự ra bảo vệ bà Mai.

Việc bà Mai hay anh Phúc là tác giả bài thơ “ Tổ Quốc gọi tên”, có lẽ sẽ ra môn ra khoai hoặc mãi mãi chìm vào quên lãng như chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh bị hàng chục bài tố trên mạng rằng ông Thỉnh đã đạo thơ của một nhà thơ nữ người Đức để thành bài thơ “Hỏi” của ông đang được dạy trong sách giáo khoa.

Nay chúng tôi xin bàn qua về chất lượng bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” cứ tạm cho là của bà Nguyễn Phan Quế Mai, xem nó hay hay dở. Chính tác giả phổ nhạc, ông Đinh Trọng Cẩn đã đổi tên bài thơ “ Tổ Quốc gọi tên” thành tên “ Tổ quốc gọi tên mình”, như lời bà Nguyễn Phan Quế Mai viết trong thư tố cáo ông Ngô Xuân Phúc vu cáo mình gửi cho các nhà lãnh đạo và giới truyền thông, được in trên báo “Thanh Niên” như sau :

"Như đã nói ở trên, phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam. Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10.10.2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống. Hiện tôi đang liên lạc với luật sư, và sẽ làm việc đến cùng để chứng minh rằng tôi không thể nào dối trá trong tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình dành cho Tổ quốc.


Nhân đây, tôi xin gửi lời tri ân đến bạn đọc đã dành tình cảm cho bài thơ Tổ quốc gọi tên cũng như bài hát Tổ quốc gọi tên mình. Tôi khẳng định đó là bài thơ mà tôi viết dâng Tổ quốc với tất cả tấm lòng thành kính và đó là bài thơ tôi chỉ có thể viết được sau rất nhiều trăn trở, trải nghiệm, những gian khổ và dấn thân trong sự nghiệp viết lách."
 

http://www.thanhnien.com.vn/…/lum-xum-chuyen-dao-tho-to-quo…

Trước hết tên của bài thơ: “Tổ Quốc gọi tên” làm người ta hiểu như là “Gọi tên Tổ Quốc”. Tổ Quốc gọi tên ai ? Đầu đề bài thơ rơi vào vô nghĩa. Chính tác giả phổ nhạc đã cho chữ MÌNH vào làm bài thơ có nghĩa. Xin đọc bài thơ này, do bà Nguyễn Phan Quế Mai cho in trên mạng :

TỔ QUỐC GỌI TÊN


Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc
linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe
Tổ quốc
gọi tên mình.

 .
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php…
Nguyễn Phan Quế Mai

Bài thơ này không thể gọi là thơ vì không có một câu thơ nào gọi là khá, chứ chưa nói là hay, toàn là những câu nói bình thường được xuống dòng và được ghép vần. Bài này còn phạm một lỗi không trung thực, không dám gọi tên bọn cướp nước, bọn xâm lược ra mà gọi bằng cái tên KẺ LẠ của một chính quyền run sợ và tiếp tay cho bọn xâm lược Trung Quốc.

Khi “ nhà thơ” hét lên Tổ Quốc, hét lên Hoàng Sa, Trường Sa muốn vỡ giọng mà không dám hét lên tên bọn cướp nước là giặc Trung Quốc xâm lược thì thơ ơi ta chào mi, mi chỉ là kẻ phụ họa cho phường bán nước len lén gọi quân thù là KẺ LẠ , NƯỚC LẠ ?

Canberra ngày 8-10-2015

.
T.M.H. 
 

24 nhận xét :

  1. Từ NƯỚC LẠ chắc chắn không phải của Ngô xuân Phúc.

    Trả lờiXóa
  2. Đạo văn, đạo nhạc, đạo thơ
    Đứng đầu hàng "đạo", nhuốc nhơ vô cùng!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thích lời bình của Trần Mạnh Hảo !

    Trả lờiXóa
  4. cảm ơn Trần Mạnh Hảo đã phân tích, cái nước lạ này nghe hèn quá, không xứng đáng người con đất Việt, thôi thôi, bài này không phải do em sáng tác nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Còn những người " nhận vơ" những danh ngôn của tiền nhân là của mình thì "đứng" ở chỗ nào hả bạn TN?

    Trả lờiXóa
  6. Bình luận của TMH chỉ hay, và rất hay ở cái ý nước lạ, thôi. Còn lại ông cho rằng, không có một câu thơ nào khá, là không chuẩn về quan niệm thơ. Thơ không cần, và không cứ phải gọt đẽo ngôn từ cho lung linh, bay bổng...kiểu như "...khuôn vàng dưới đáy khe", và nó càng không thuộc về độc quyền sáng tác của những nhà thơ chuyên nghiệp.
    Nguyễn Hữu Qúi viết rất hay về việc nhiều câu thơ như của ai khác, và nhiều từ không chuẩn.Chẳng hạn tác giả không phân biệt được sự khác nhau giữa "linh thiêng" và "thiêng liêng" Chẳng lẽ đây là sản phẩm của một nhà thơ chuyên nghiệp? Không. Rằng nó chỉ là sản phẩm, là trạng thái tinh thần được thăng hoa của lớp người bình dân như anh Phúc mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi thấy việc bắt bẻ từ "Linh thiêng" có vẻ khiên cưỡng. Nó cũng giống "Thiêng liêng".
    Tham khảo tiếng Anh thì Sacred; Hallowed có nghĩa "Linh thiêng; Thiêng liêng; Mang tính thần thánh;..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. linh thiêng là từ để chỉ về thế giới tinh thần thuần túy: thế giới của những linh hồn. Còn từ thiêng liêng có bao hàm trong đó đời sống của cõi trần tục, cát bụi. Từ thiêng liêng chỉ về một sự cao quí, chỉ về sự gửi gắm, hay tôn thờ cái gì đó trong cõi cát bụi này.Vì vậy giữa chúng có một sự khác nhau cần thiết.

      Xóa
  8. Rất tâm đắc lời bình của nguyenhuycanh !

    Trả lờiXóa
  9. Hoan hô lời bình của Nguyễn Huy Canh.Ngày nay vào mạng nhiều khi để đọc các còm hơn là các bài viết. xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  10. "Linh thiêng" và "Thiêng liêng" đâu phải khác hẳn nhau? Chúng cùng nghĩa "mang tính Thần Thánh".
    Cứ cho theo ý tác giả đi, thì Tổ Quốc vẫn là phạm trù cả Duy Vật lẫn Duy Tâm. Nghĩa là đừng nói Tổ Quốc sống hay chết. Vậy thì "Tổ Quốc linh thiêng" không sai. Rất hào hùng.

    Trả lờiXóa
  11. NHQ: bình rất hay
    TMH: gói bài thơ vào mấy câu, dễ dàng như gói kẹo . Tài.

    Trả lờiXóa
  12. Bà Mai viết: “Liệu ông Ngô Xuân Phúc có biết rằng bài thơ gốc tôi viết ra, có một số từ đã được biên tập và chỉnh sửa? Chỉ có tôi và những người trong cuộc mới biết rõ và tôi còn lưu lại tất cả các thư từ về quá trình biên tập”, "Người trong cuộc" này có lẽ là nhà báo Cao hải Giang báo Hà nội mới chăng? và từ "NƯỚC LẠ" này được CHG biên tập chỉnh sửa lại chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bác nặc danh này nắm được bí mật của vụ này roài!
      Nào đến lượt bác Cao Hải Giang ra mặt đi,
      các bác đi tìm bác Cao Hải Giang là ai đi các bác ơi,
      có manh mối rồi đấy!!!!

      Xóa
  13. Thiêng liêng có nghĩa là thần thánh hóa những cái đang sống - ở đây là Tổ quốc, điều đó đúng và cần thiết; còn linh thiêng thì chỉ dùng cho những cái đã chết - khi Tổ quốc đã chết! Dùng từ ngữ mà không chuẩn nó khổ thế đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Linh thiêng" cũng có nghĩa ám chỉ những thứ không bao giờ chết đấy. Phân biệt 2 từ "Linh thiêng" và "Thiêng liêng" quả là việc không tuhyết phục đối với nhiều người. Nhất là những người có học tiếng Anh thì thấy đó là 1 nghĩa mà thôi.
      Nhân tiện cho hỏi nay hay dùng "Bá đạo" để khen ngợi có "chuẩn" không?

      Xóa
  14. Dưới đây là bài thơ của luật sư Lê Quốc Quân, được viết ra từ nhà tù Hỏa Lò, trong đó tuy không nói đến "tổ quốc gọi tên mình", nhưng ý của luật sư Quân chính xác là như thế. Mời quý vị tham khảo:


    HỎA LÒ VỌNG SÓNG BIỂN ĐÔNG

    Đọc vội trên ngay báo Nhân Dân của Đảng đủ làm dậy sóng lòng tôi.
    Đêm nay!
    Sóng biển đông uất ức vỗ vào nghềnh đá
    Tha thiết gọi tên anh tên tôi.
    Đêm nay!
    Có đôi tay bất lực ghì vào song sắt
    Da diết gọi Hoàng Sa-Trường Sa
    Âm vang mãi của sóng giọng của người tù
    Rơi vào khoảng không vô vọng!
    Lũ giặc cướp tung hoành trên biển đông
    Chúng lập tam sa xây nhà tù trên đảo.
    Bắn giết hải quân cầm tù ngư phủ
    Chúng cắt thông tin xua bình minh trên biển
    Xô đổ cả hoàng hôn duyên hải
    Đem đêm tối kinh hồn cho vợ con xóm nhỏ.
    Biển đảo ta đây!
    Tổ quốc ta đây, bao đời ông cha gìn giữ sao chỉ phản đối nước đôi ?
    Bởi lãnh đạo bị bao vây tứ phía
    Chúng lấy học thuyết Tam vô làm vòng kim cô cầm tù não bộ.
    Chúng lấy đại cục, phân mảnh lòng người.
    Chia chác tài nguyên cướp con cá biển trong bữa cơm chiều con trẻ việt.
    Chúng lấy tình môi-răng, căng mình giữ ghế tham quyền cố vị, vơ vét tài nguyên, bỏ đói cả tương lai dân tộc.
    Ôi! Tây nguyên, biên giới, cà mau, thanh hóa
    Vũng áng, thái bình nhan nhản dấu chân tàu
    Hoa quả, gia cầm đồ dùng thức uống
    Văn hóa phi trường, tràn ngập tiếng hoa.
    Quê hương tôi đã mất thật rồi ư?
    Không?
    Sóng đã nổi từ trong ngục tối
    Nơi anh em nhắm mắt biểu tình
    Và lắng nghe tiếng đồng bào cùng bước
    Hào khí đông A ngập tràn khóe mắt
    Tiếng hô vạng dội một góc trời
    Đứng lên đi như ông cha từng đã quét sạch bóng thù nước Việt vững ngàn thu!

    Hoả Lò ngày 25 tháng 3 năm 2013
    (Khi đọc tin trên nhân dân bản lên tiếng vì tàu TQ bắn cháy cabin tàu ngư dân việt nam ngay cạnh tin Nguyễn Phú Trọng điện đàm chúc mừng Tập Cận Bình)

    Trả lờiXóa
  15. Tôi cũng thấy bài thơ không có gì xuất sắc ở góc độ nghệ thuật. Nếu bảo bài thơ này là sáng tác của nhà thơ NPQM thì tôi cho là một bài thơ tồi, không xứng tầm đối với nhà thơ Quế Mai.
    Một điều khác, tôi không có ý nghi ngờ về vấn đề tác giả bài thơ, nhưng quả thật theo cách trả lời của bà Quế Mai rằng "... viết bài thơ trên giấy ăn..." thì tôi thấy có điều gì đấy không ổn. Một bài thơ trên dưới 20 câu như trên mà viết được trên mẩu giấy ăn thì có vẻ không tưởng. Các bạn thử kiểm chứng viết lại toàn bộ bài thơ trên giấy ăn xem có làm được không???

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. 1 câu cũng không viết được chứ đừng nói là 20 câu – đơn giản vì giấy ăn trên máy bay nó ướt nhoét. Thêm vào đó là trên máy bay mát và thơm thoang thoảng, tiếp viên xinh đẹp đi lại phục vụ, nói thật là trong hoàn cảnh ấy làm sao mà bật ra thơ căm thù sục sôi được. Bà Quế Mai ăn cắp là cái chắc!

      Xóa
  16. Theo tôi, nhiều người bình dân trong đó có tôi chỉ thích bài hát, chứ k ai thích bài thơ.
    Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã thành công khi loại bỏ mấy câu khẩu hiệu và ;nước lạ' ...
    LCT

    Trả lờiXóa
  17. Bài thơ chắc đã bị kẻ đạo tặc sửa chữa thay đổi để không ai nhận ra, sau này dễ lấp liếm, lại còn mấy ông bà biên tập thò bút vào thì còn gì là thơ, chắc nguyên bản của NXP hay hơn.

    Trả lờiXóa
  18. Không biết nguyên bản ban đầu như thế nào, nhưng bài thơ chỉ dám rón rén gọi quân giặc cướp nước là “kẻ lạ” rõ ràng là đáng vứt vào sọt rác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Hữu quý là ai vậy, phát biểu vậy sao lại phát biểu. Bài thơ này rất hay,tôi thấy phần đa người Việt Nam đọc bài thơ này chỉ cần một lần thôi là thấy thích.Theo tôi nhận thấy bài thơ cả về nội d
      ung và nghẹ thuật đều xuất sắc, ít có tác phẩm nào lại nhanh đi vào lòng người đến vậy.Có gi thắc mắc tôi xin giải thich.

      Xóa