CÀ PHÊ THỨ BẢY
Thời gian: 14h30 chiều thứ bảy 19/09/2015
Thời gian: 14h30 chiều thứ bảy 19/09/2015
Địa điểm: Quán CÀ PHÊ THỨ BẢY, Số 3, phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI
“Cà phê” với ĐD Đặng Nhật Minh về cuốn phim tài liệu mới của ông:
Tư liệu tham khảo
Lê Bá Đảng - từ Bích La đến Paris
TT - Nhiều người đã rưng rưng nước mắt khi xem bộ phim tài liệu về họa sĩ Lê Bá Đảng. Bộ phim hoàn thành cũng là lúc họa sĩ ra đi.
“Rất xúc động, với chừng đó thời gian mà làm được thế này thì quá tốt” - dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý thốt lên như vậy sau khi xem xong bộ phim tài liệu với nhan đề Lê Bá Đảng - từ Bích La đến Paris vừa được chiếu ra mắt tại Huế nhân dịp 49 ngày mất của người họa sĩ tài danh.
Bộ phim bắt đầu bằng những thước phim về hình ảnh ở ngôi làng thuần nông Bích La của vùng đất gió Lào cát trắng Quảng Trị - quê hương của họa sĩ Lê Bá Đảng. Những cọng tóc rạ, vườn chuối xác xơ đã lột tả cái nghèo của nông thôn VN những năm cuối thập niên 1930.
Chính vì cái nghèo đó mà họa sĩ Lê Bá Đảng ra đi bằng những lời tự sự: “Tôi sinh ra từ chốn đồng quê nghèo nàn thất học, năm 1939, khi mới 18 tuổi, tôi liều bỏ cha mẹ, gia đình, làng nước ra đi. Hồi ấy tay không, đầu trống không, tôi đi sang Pháp trong hàng ngũ lính thợ, chỉ biết rằng là phải ra đi, đi đâu cũng được, miễn thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu”.
Những năm tháng khó khăn trên đất Pháp đã được những người làm phim khéo léo kể lại qua lời kể của bà Micheline Mourrieettee Louus Nguyen Hai - vợ của họa sĩ Lê Bá Đảng.
Người này vẫn còn lưu giữ trong cuốn album ảnh những bức hình của họa sĩ Lê Bá Đảng từ năm 1940, kể cả chứng chỉ tù nhân Đức quốc xã khi Pháp thất trận.
Những bức tranh đầu tiên trên đất Pháp Lê Bá Đảng vẽ mèo, có tháng ông vẽ đến 160 tấm về con mèo.
Con mèo được ông vẽ say sưa và rất chân phương mỗi ngày bởi ông ở trên con phố có tên gọi rất lạ - phố Con mèo đi câu. Ít ai biết được rằng người con trai độc nhất của họa sĩ Lê Bá Đảng đã ra đi vào năm 1980 khiến họa sĩ “khủng hoảng tinh thần, trí óc mờ ảo, tâm hồn đen tối”.
Để rồi, trong tất cả tác phẩm của mình sau đó, họa sĩ đã “cố ý để cho linh hồn của con tôi lai vãng trong đó”.
Ông làm mộ cho con trai bằng thiếc, long lanh, phản chiếu như gương soi. Trên mộ có vài chục bức tượng nhỏ mô tả đời sống của con trai ông và có mây, có trăng, có sao, có chim bay... Như một cuốn sách về cuộc đời Lê Bá Đảng, câu chuyện phim cứ lật đi lật lại với những khuôn hình đối nghịch giữa làng Bích La và thủ đô Paris.
Bộ phim không có lời thuyết minh hay chính kiến cá nhân của người làm phim. Toàn bộ lời tự sự trong phim đều sử dụng những câu nói của chính họa sĩ Lê Bá Đảng được chắt lọc từ các sách, báo.
Với chất giọng miền Trung, NSND Ngọc Bình đã thể hiện lời tự sự ấy khiến người xem như đang được nghe chính giọng nói của họa sĩ Lê Bá Đảng thủ thỉ bên tai.
Phim chỉ có bốn đoạn trích phỏng vấn họa sĩ Lê Bá Đảng, với chất giọng Quảng Trị khẳng khái, họa sĩ chủ yếu kể về ý tưởng các đề tài nghệ thuật của mình.
Nhiều người xem đã rưng rưng nước mắt khi không còn được nghe chất giọng khỏe khoắn nữa, thay vào đó là lời thều thào trong câu trả lời phỏng vấn cuối phim: “Mình làm cái gì mà với cái tâm thì ai cũng hiểu hết”.
Khi bộ phim này hoàn thành cũng là lúc họa sĩ Lê Bá Đảng ra đi. Bộ phim kết thúc bằng một câu nói run run qua điện thoại: “Cho tôi gửi lời hỏi thăm tất cả nhé, về Bích La và bà con trong làng nhé. Thôi. Chào nhé”. Tiếng cười hào sảng của họa sĩ Lê Bá Đảng lại vang lên như lời chào tạm biệt cuộc đời.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - cố vấn bộ phim - cho biết sức khỏe Lê Bá Đảng đã quá yếu, họa sĩ nói rất khó khăn, nhưng khi gọi điện thoại về VN để nói về làng Bích La thì ông lại nói hào hứng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi xem xong bộ phim đã chia sẻ: “Lời chào cuối cùng của họa sĩ Lê Bá Đảng về làng Bích La là tiếng gọi mà rất nhiều người chia sẻ cảm xúc, tiếng gọi hướng tới sự đoàn tụ, hòa giải”
NGỌC HIỂN
_______
_______
VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ ĐẶNG NHẬT MINH
(theo Wikipedia tiếng Việt)
(theo Wikipedia tiếng Việt)
Đặng Nhật Minh là đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim như Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi... Đặc biệt với phim Bao giờ cho đến tháng Mười được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại. Hầu hết các bộ phim do ông làm đạo diễn đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Ông từng giữ chức vụ tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam
Đặng Nhật Minh sinh ngày10 tháng 5 năm 1938 tại Huế. Thân phụ ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ nên ông đã có ý định theo học ngành y để nối nghiệp cha. Tuy nhiên ông lại chỉ bắt đầu công việc bằng vai trò biên dịch cho các phim nói tiếng Nga, rồi đến phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt. Đến năm 1965, ông bắt đầu làm bộ phim đầu tay, một bộ phim tài liệu về các kĩ sư địa chất.
Đặng Nhật Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh. Trước đó, năm 1996, thân phụ ông cũng được truy tặng Giải thưởng này trong lĩnh vực Y học. Đây là trường hợp rất hiếm có cho đến nay của lịch sử giải thưởng cao quý này.
Xin nhắc lời hứa của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và nhóm kiến trúc sư trẻ làm bộ phim "Hà Nội thảm sát cây xanh" hồi đầu năm 2015.
Trả lờiXóa