Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

LUẬT BÁO CHÍ SỬA ĐỔI CHƯA CÔNG NHẬN BÁO CHÍ TƯ NHÂN

Việt Nam nói cần sửa đổi Luật báo chí hiện hành sau 16 năm áp dụng, 
nhưng vẫn không cho phép có báo chí tư nhân.
Luật Báo chí sửa đổi chưa công nhận báo chí tư nhân

Trà My
18.09.2015
VOA  
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam nhất trí với hầu hết nội dung của Luật Báo chí sửa đổi vừa được Bộ Thông tin Truyền thông trình lên ngày 17/9, theo thông tấn xã Bernama dẫn nguồn từ truyền thông trong nước.

Luật sửa đổi bao gồm 6 chương, 60 điều khoản. Trong số này có 31 điều mới và 29 điều sửa đổi - bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn mới, thi hành Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp mà Việt Nam nói là nêu bật cam kết của nhà nước trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do thông tin của người dân.


Báo Thể thao Văn hóa dẫn lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại cuộc họp hôm thứ Năm rằng: "Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hiệp Quốc. Quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình".

Giới chức Việt Nam cho hay trong số các chủ điểm mới của Dự thảo luật so với Luật hiện hành có việc bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Một cựu đảng viên từng công tác trong Ban an ninh Nội chính thành ủy, chuyên nghiên cứu an ninh trong đó có vấn đề an ninh tư tưởng - văn hóa nay là một nhà báo tự do được nhiều người biết đến, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhận xét về nét mới của luật sửa đổi:

“Chỉ có 2 nét . Có bổ sung 1 chương mới hoàn toàn liên quan đến quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí. Một quan chức trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến là cần phải ghép thêm cả quyền tự do ngôn luận vào Luật báo chí vì không thể tách rời tự do ngôn luận của nhà báo với công dân vì nhà báo cũng là công dân. Có vẻ như việc này nằm trong lộ trình cải cách khung luật pháp do Mỹ và một số Tây phương yêu cầu, và là một đề xuất của các quốc gia trong chương trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR tại Thụy Sĩ vào tháng 2/2014 trong đó có gần 20 ý kiến của các quốc gia đề nghị Việt Nam phải cải cách luật báo chí theo hướng tự do, cởi mở. Đó là nét mới của Dự luật báo chí, nhưng có điều là vẫn không có một từ ‘tư nhân’ nào trong Dự luật báo chí này, nghĩa là Việt Nam vẫn chưa chấp nhận cho tư nhân được phép ra báo chí”.

Việt Nam trong nhiều năm nay liên tiếp bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới liệt kê vào danh sách các nước vi phạm tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, với nền báo chí hoàn toàn đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Việt Nam nói Luật báo chí hiện hành sau 16 năm áp dụng cần sửa đổi vì những thay đổi thực tiễn của truyền thông mới và các hoạt động báo chí ngày nay.

Tuy nhiên, theo luật sửa đổi, báo chí vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của đảng Cộng sản cầm quyền, không có báo chí tư nhân.

Truyền thông nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Truyền thông khẳng định ‘Báo chí của chúng ta là phương tiện thông tin, công cụ truyền thông, vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt. Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ này’.

Ông Son nói thêm rằng ‘Phải quán triệt báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của nhà nước’.

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một trong những tổ chức xã hội dân sự mới thành lập cổ súy cho quyền tự do báo chí trong nước, cho rằng dù chưa công nhận báo chí tư nhân, nhưng luật báo chí sửa đổi phần nào cũng mang lại tia hy vọng về một bước chuyển đổi tích cực hơn cho nền tự do báo chí tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán:

“Có một chút hy vọng cho tự do dân chủ tại Việt Nam, đặc biệt là tự do ngôn luận trong báo chí. Trước 2011 ở Miến Điện không thể nói tới báo chí tư nhân, nhưng tới 2013 không thể tưởng tượng là Tổng thống Then Sein đã cho ra luật tự do báo chí và cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Ở Việt Nam, tôi cho là cũng đang diễn tiến theo một lộ trình chậm. Bây giờ có thể bắt đầu cải cách sửa khung luật về tự do báo chí, đôi nét mở cửa một chút cho tự do báo chí nhà nước nhưng chưa đề cập tới báo chí tư nhân, càng chưa đề cập đến mạng xã hội vốn bị coi là nhạy cảm, nguy hiểm chính trị. Nhưng có thể sau đại hội 12, với tỷ lệ những gương mặt ‘kỹ trị’, có thể cởi mở hơn một chút về mặt chính trị trong Bộ Chính trị, thì xã hội có thể hy vọng những gương mặt đó có thể chấp nhận nhiều hơn nữa dân chủ hóa, nhiều hơn nữa tính tự do trong báo chí. Biết đâu theo lộ trình, cùng với đà nhà nước cần chấp nhận mô hình công đoàn độc lập, có thể cuối năm 2016 vừa triển khai từng bước cho công đoàn được độc lập tại Việt Nam và đồng thời cũng có thể bắt đầu chấp nhận từng phần tư nhân hóa báo chí ở Việt Nam”.

Cựu cán bộ của Ban an ninh Nội chính thành ủy nói báo chí tư nhân đã xuất hiện tại Việt Nam từ cuối những năm 90 tới nay vẫn chưa được nhà nước công nhận, nhưng ông tin rằng không bao lâu nữa loại hình này sẽ được ‘chính thức’:

Nhà báo Phạm Chí Dũng:

“Báo chí tư nhân tại Việt Nam là một quy luật, không thể chống lại được. Tôi tin rằng chưa tới 3, 4 năm nữa báo chí tư nhân sẽ xuất hiện một cách chính thức ở Việt Nam”.

Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 quốc gia trong bảng xếp hạng về tự do báo chí do tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF thực hiện, sụt một hạng so với bảng đánh giá năm ngoái. Các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam cũng có tên trong danh sách của RSF về ‘Kẻ thù của Internet’ và ‘Đe dọa ký giả’.

5 nhận xét :

  1. Hồi đó Bác Hồ nói tụi Tây nó ác lắm, tụi nó không cho dân mình làm báo, tụi nó muốn dân mình ngu thiệt lâu để tụi nó tha hồ bóc lột.

    Trả lờiXóa
  2. Điều 25 hiến pháp 2013 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
    Như vậy việc sửa đổi luật báo chí bắt buộc phải bảo đảm quyền "Tự Do báo chí" của công dân. Nếu không cho báo chí tư nhân có nghĩa là đã vi phạm hiến pháp. Khi đó luật báo chí phải đặt tên là "Luật hạn chế tự do báo chí" mới đúng. Chẳng lẽ các nhà làm luật không biết nguyên tắc cơ bản của việc làm luật hay sao?. Buồn lắm thay.

    Trả lờiXóa
  3. Cho đến ngày nay csVN vẫn khư khư ôm lấy độc quyền báo chí ! Hoàn toàn không có báo chí tư nhân . Một tư duy vô cùng lạc hậu . Báo chí QD cũng giống như cái loa phường . Cũ kĩ mà nó vẫn tồn tại . Đúng là nó cũ kĩ như chế độ và tồn tại như cái loa phường . Đó là báo chí XHCN !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không cho báo chí tư nhân, vậy mà điều 25 hiến pháp 2013 vẫn ghi Công dân có quyền tự do báo chí. Vậy thì là sự dốt nát hay lừa bịp ?

      Xóa
    2. Không cho báo chí tư nhân, vậy mà điều 25 hiến pháp 2013 vẫn ghi Công dân có quyền tự do báo chí. Vậy thì là sự dốt nát hay lừa bịp ?

      Xóa