Toan Toan - Hà Anh
TP - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, ông Phùng Huy Cẩn trả lời Tiền Phong rằng, chiều 16/9 trình Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL văn bản tạm dừng hồ sơ xét tặng danh hiệu của Lê Nguyễn Kiều Anh dù đã qua Hội đồng cấp Nhà nước, vì có đơn khiếu nại.
Tiết mục “Tây Nguyên ngày mùa” do Dàn nhạc dân tộc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trình diễn năm 1998 (không có Lê Nguyễn Kiều Anh). Ảnh: TL.
Khai man?
Bà T.H. (đề nghị giấu tên), giáo viên dạy đàn thập lục, khoa Nhạc cụ Dân tộc, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nêu một số dấu hiệu tiêu cực quanh hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSƯT của bà Lê Nguyễn Kiều Anh, Phó Chủ nhiệm khoa Nhạc cụ Dân tộc, giảng viên đàn tranh và gõ dân tộc, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Điều đầu tiên bà T.H. đề cập là quá trình xem xét ở cấp khoa và cấp trường không công khai, minh bạch, các giáo viên nghệ sỹ ở cơ sở không có điều kiện biết thông tin và tham gia ý kiến.
Trước đó, lá đơn của bà Lương Bích Quỳnh Anh gửi Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu đã yêu cầu xem xét lại việc phong tặng này và cho rằng: Sở VH-TT&DL Hà Nội đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xem xét với chức danh Chỉ huy dàn nhạc dân tộc, nhưng Hội đồng cấp Nhà nước lại xem xét tặng chức danh Nhạc công biểu diễn trống. “Là thành viên Dàn nhạc Dân tộc trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, tôi xin khẳng định từ năm 1987 đến nay, nghệ sỹ Kiều Anh chưa bao giờ chỉ huy dàn nhạc dân tộc. Tất cả các buổi diễn, các cuộc thi của dàn nhạc đều do NSƯT Trọng Đài, NSƯT Doãn Tiến và giảng viên Hoàng Trung chỉ huy. Gần đây, nghệ sỹ Lê Nguyễn Kiều Anh phụ trách Nhóm nhạc dân tộc Pha Lê Xanh nhưng người phụ trách hoàn toàn khác chỉ huy dàn nhạc”, bà Quỳnh Anh viết.
Về chức danh nghệ thuật Nhạc công biểu diễn trống của Kiều Anh, bà Quỳnh Anh cho rằng người được xét tặng “chưa giành bất kỳ huy chương cá nhân nào về biểu diễn trống”. Dàn nhạc Dân tộc Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội từng đạt giải xuất sắc hòa tấu dàn nhạc Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 1998, giải xuất sắc Liên hoan Ca múa nhạc và Triển lãm mỹ thuật các trường nghệ thuật toàn quốc năm 2000, tuy nhiên bà Quỳnh Anh khẳng định Kiều Anh “không tham gia bất kỳ vị trí nào trong dàn nhạc. Đến năm 2008 Dàn nhạc Dân tộc đã đạt giải 3 hòa tấu dàn nhạc của Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ 3, Kiều Anh biểu diễn bè trống”.
Nhiều điểm cần làm rõ
Giải trình với Vụ Thi đua Khen thưởng, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ban giám hiệu đã trao đổi với bà Lương Bích Quỳnh Anh về xác nhận đơn đề ngày 25/7, đồng thời yêu cầu Lê Nguyễn Kiều Anh giải trình.
Về nội dung nêu trong đơn của bà Quỳnh Anh, nhà trường giải trình: Từ 1995-1999, Lê Nguyễn Kiều Anh tham gia tập luyện và biểu diễn, cộng tác với khoa Nhạc cụ dân tộc trong các chương trình biểu diễn, tham gia các cuộc thi. Đến tháng 9/1999 chính thức được nhận về khoa giảng dạy bộ môn đàn tranh, trống. Năm 1998, trường có cử khoa dự cuộc thi hòa tấu và độc tấu nhạc cụ Dân tộc lần thứ 1, Kiều Anh có tham gia tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc và đệm cho một số tiết mục độc tấu cuộc thi này. Dàn nhạc dân tộc của khoa Nhạc cụ Dân tộc tham gia đã đạt giải dàn nhạc xuất sắc.
Báo cáo của trường nêu “Những nội dung trên đã được xác nhận của NGƯT Đoàn Phi Liệt, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Hữu Hậu - Chủ nhiệm khoa Nhạc cụ dân tộc, Nguyễn Ngọc Quyền, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nguyên cộng tác viên của trường”. Nói thêm về điều này, ông Trần Vũ Hoàng khẳng định với Tiền Phong trong buổi làm việc chiều 16/9: “Nhà trường xác nhận sự việc dựa trên xác nhận của lãnh đạo thời trước đó”.
Bà Kiều Anh có nộp giấy đề nghị xác nhận (ngày 10/8) có tham gia tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc đạt giải dàn nhạc xuất sắc năm 1998, có xác nhận của ông Đoàn Phi Liệt và Nguyễn Hữu Hậu. Tuy nhiên, trong đơn giải trình đề ngày 31/8 gửi Ban giám hiệu, bà chỉ lý giải chung chung mà không đề cập giải thưởng: “Về thành tích năm 1998 tôi đã có giấy xác nhận gửi Ban giám hiệu về quá trình biểu diễn tại nhóm Trăng tròn (sau là nhóm Hương cau) và tham gia các hoạt động biểu diễn đối nội, đối ngoại cho khoa từ thời là học sinh đến năm 1999 trước khi được nhận làm giảng viên chính thức của khoa”.
Bà Kiều Anh trong đơn giải trình ngày 31/8 lí giải cụ thể thành tích năm 2000: tại cuộc thi Liên hoan ca múa nhạc và triển lãm mỹ thuật các trường Văn hóa nghệ thuật Toàn quốc, có tham gia đánh trống trong tiết mục hòa tấu Kỷ niệm không quên, đoạt giải xuất sắc. Theo giải trình của nhà trường, bà Kiều Anh tham gia vì anh Nguyễn Ngọc Quyền có tập luyện nhưng đến sát giờ biểu diễn sợ lỗi phạm quy do anh Quyền lúc đó làm việc tại Nhạc viện Hà Nội, không thể tham gia đồng thời hai đơn vị tại một cuộc thi.
Theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, nghệ sỹ phải đạt ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng quốc gia và hai giải bạc quốc gia mới đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSƯT. Trong bảng kê khai của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, phần giải thưởng quy đổi của Lê Nguyễn Kiều Anh ghi: Dàn nhạc xuất sắc, hòa tấu nhạc cụ, Ban nhạc dân tộc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần 1, 1998 (nhạc công chính). Tổng cộng: 1/3 HCV quốc gia.
Về chức danh nghệ thuật xét danh hiệu cho bà Lê Nguyễn Kiều Anh, ông Trần Vũ Hoàng xác nhận, nhà trường đề nghị xét với chức danh dàn dựng dàn nhạc nhiều tiết mục cho học sinh sinh viên tham gia các cuộc thi. Giải thưởng liệt kê trong hồ sơ trường gửi lên các hội đồng cấp trên đều thuộc diện quy đổi từ thành tích của học sinh sinh viên, không có giải cá nhân, đặc biệt không hề có vai trò là “chỉ huy dàn nhạc”. Ông Hoàng nói thêm, việc bổ sung thành tích liên quan chức danh “nhạc công biểu diễn trống” theo yêu cầu của Bộ.
Tuy nhiên, một số thắc mắc chưa có lời giải đáp thỏa đáng: Về giải thưởng năm 1998 mà Lê Nguyễn Kiều Anh kê khai, quy trình làm thủ tục và công khai kết quả xét tặng cấp cơ sở theo thời gian quy định tại Nghị định 89. Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
.
.
Để lại hồ sơ để thẩm địnhĐại diện lãnh đạo Vụ Thi đua-Khen thưởng (Bộ VH-TT&DL), giải thích: Theo Luật Thi đua khen thưởng, đối tượng nào có đơn khiếu nại thì tạm thời để lại để thẩm định. Về văn bản giải trình của nhà trường, vị lãnh đạo nói rằng, văn bản của trường chung chung, không rõ yêu cầu của Bộ. Về việc không công khai trong quá trình làm việc, vị này xác nhận nhà trường chưa thực hiện nghiêm túc việc này, yêu cầu Hiệu trưởng nghiêm túc nhận lỗi.
có cơ quan nào xét danh hiệu sợ vợ cấp ưu tú hoặc sợ vợ cấp nhân dân để tôi còn làm đơn
Trả lờiXóa