Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

TP HCM: HÀNG TRIỆU NGƯỜI DÂN VẬT LỘN VỚI NƯỚC NGẬP LỤT

Ngập lụt kinh hoàng tại TPHCM: 
Triệu dân vật lộn với nước

Ngô Bình - Hữu Huy
Văn Minh - Mạnh Thắng
Tiền Phong
06:16 ngày 17 tháng 09 năm 2015

TP - Đến trưa 16/9, người dân ở TPHCM vẫn còn chật vật ứng phó với tình trạng ngập úng nghiêm trọng, cuộc sống của hàng vạn người bị đảo lộn sau cơn mưa kỷ lục diễn ra vào chiều tối 15/9 làm nhiều khu vực bị ngập sâu.

.
 
Đổ xe vì bị “sóng” đánh trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM. 
Ảnh: Thảo Nguyên.

Sáng 16/9, giao thông trên nhiều tuyến đường vẫn còn bị tê liệt vì nước ngập quá sâu. Các tuyến đường Kinh Dương Vương (quận 6), An Dương Vương, Ấp Chiến Lược, Mã Lò (quận Bình Tân), Lương Định Của (quận 2), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… vẫn còn ngật lút bánh xe, một số đoạn ngập sâu hơn 1 m khiến hàng nghìn phương tiện, cả ô tô lẫn xe máy bị chết máy.


Dầm mưa cả đêm ngoài đường

Nhiều người đi ô tô đội mưa cả đêm ngoài đường chờ xe cứu hộ. Người đi xe máy hì hục đẩy xe bì bõm trong dòng nước đen ngòm. Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ quận Gò Vấp) nói như khóc: Vừa ra khỏi công ty một đoạn thì xe chết máy, đề đạp thế nào cũng không chịu nổ. Dắt lên lề cho thợ sửa, tốn ba mươi nghìn rồi đi tiếp. Đến chân cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp) thì nước ngập cả thước. Xe lại chết máy. Ba mẹ con ướt sũng, gần nửa đêm mới về tơi nhà.

Nước chưa kịp rút thì đến sáng 16/9, triều cường tiếp tục “bồi” thêm khiến nhiều người dân phải bì bõm lội nước đi làm. Đường Lương Định Của (quận 2) nhiều đoạn ngập quá nửa bánh xe. Khu vực quận Bình Tân, ngập còn nặng hơn. Tuyến đường Ấp Chiến Lược (phường Bình Trị Đông) ngập lút bánh xe kéo dài từ chiều tối 15 đến trưa 16/9 nước vẫn chưa rút. Hàng loạt cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, nhà dân bị nước tràn vào gây hư hỏng đồ đạc, tài sản.

Em Trương Việt Thắng, học sinh lớp 8 trường THCS Bình Trị Đông (quận Bình Tân) trên đường đi học không may bị trượt ngã trong biển nước và ngất xỉu phải đi cấp cứu. Thắng phải khâu 3 mũi ở cằm và phần ngực bị bầm tím do va đập xuống đường.

Ông Trương Minh Thương (phụ huynh em Thắng) cho biết, may mắn Thắng được người đi đường phát hiện. “Đã có nhiều cháu học sinh bị ngã do đường ngập ở đây, nhất là bên đường lại có con kênh rất sâu nên mỗi khi con đi học vào trời mưa, bố mẹ ở nhà lại nơm nớp lo sợ”, ông Thương nói.
.

 
Nước ngập nhà khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh: Ngô Bình.

Nhịn “đầu ra”

Đến trưa 16/9, nhiều tuyến đường tại quận Bình Tân - một trong những nơi ngập nặng nhất TPHCM vẫn còn ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân trên đường An Dương Vương nháo nhào thu dọn tài sản lên cao và bơm tát nước ra khỏi nhà. Trong khi đó, có nhiều đoạn đường nước vẫn còn ngập sâu đến gần 1 mét,

Chị Đinh Thị Tuyết Hoa, chủ một tiệm tạp hóa cho biết căn nhà được nâng nền vài năm trước nhưng vẫn bị ngập. Suốt đêm cả nhà thức trắng để bơm nước và đắp bao cát trước cửa ngăn nước tràn vào nhưng nước trong nhà ngày càng dâng cao nên phải dọn đồ đạc, hàng hóa lên cao.

Tại bến xe miền Tây, nhiều xe khách chết máy trên đường. Con đường vào Trường tiểu học Hoa Hồng (quận Bình Tân) cũng bị ngập sâu trong nước, khiến nhiều học sinh được bố mẹ cõng đến trường. Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1970, trú khu trọ trong hẻm 447/5, phường An Lạc, quận Bình Tân) kể: Gián từ các lỗ cống chui lên, bò lổm ngổm trong nhà, chui cả vào chăn mền. Nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhiều người phải ra ngoài thuê phòng trọ hoặc đến nhà người quen ngủ nhờ.

Thậm chí nhiều gia đình còn không có chỗ đi vệ sinh do nước ngập, phải đi nhờ nhà hàng xóm hoặc chịu nhịn. Bà Nguyễn Ngọc Anh (ngụ đường Ấp Chiến Lược) kể: Có mỗi cái nhà vệ sinh thì bị nước ngập lên đến đầu gối. Trẻ con thì cho đi vệ sinh vào bô hoặc ra ngoài đường. Còn người lớn phải sang nhà hàng xóm đi nhờ. Ngại thì đành... nhịn chờ nước rút.

Biên Hòa lại ngập sâu

Mưa lớn từ chiều tối 15/9 và sáng 16/9, đã khiến khu dân cư và nhiều tuyến đường qua thành phố Biên Hòa ngập sâu trong nước gây nhiều thiệt hại.

Đây là lần thứ ba trong tháng 9 này, TP Biên Hòa bị thiệt hại nặng do ngập nước. Nước lũ đổ về theo sông Buông gây ngập hàng trăm héc ta hoa màu, nhiều nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 tới 1,5 m. Nước lũ tràn lên cả quốc lộ 51 gây ùn tắc giao thông. Các khu dân cư dọc hai bờ sông Buông thuộc ấp Hưng Phước, ấp Miễu, ấp Dừa (xã Phước Tân) bị nước dâng cô lập suốt đêm cho đến sáng. Nhiều hộ kinh doanh tạp hóa, vật liệu xây dựng hàng điện máy dọc quốc lộ 51 đã bị thiệt hại khi hàng hóa bị ngập trong nước. Đến sáng một số tuyến đường ở TP Biên Hòa người dân phải dùng xe tải lội nước đưa học sinh đến trường.

Tại trung tâm thành phố Biên Hòa, các tuyến đường như Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi ngập sâu từ 50cm đến trên 1m. Hàng trăm xe cộ chết máy, ùn tắc giao thông suốt nhiều giờ. Riêng phường Trảng Dài, nơi có gần 5.000 dân, cứ sau mỗi trận mưa lớn là bị cô lập hoàn toàn bởi hai tuyến đường vào phường đều bị ngập sâu trong nước.

.
Một học sinh tử vong
Chiều 15/9, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn qua phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM) khiến cháu Phạm Kim Ngân (11 tuổi) tử vong. Cháu Ngân cùng người em 6 tuổi được cha đến trường đón về trong cơn mưa. Xe va chạm với xe tải cẩu khiến cháu Ngân tử vong tại chỗ. Cha và em trai cháu Ngân bị thương.
Lê Nguyễn
Kẹt xe, ngập nước...…“đốt nóng” mùa mưa
Trong báo cáo tổng hợp thông tin gửi UBND TPHCM tuần qua, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, cho biết, tình trạng kẹt xe, ngập nước, dịch sốt xuất huyết tái phát là những vấn đề nóng cần quan tâm của thành phố và sẽ tiếp tục gây bức xúc trong những tuần lễ tới. Theo ông Hỷ, những bức xúc trên vừa gắn với việc thực hiện các chương trình đột phá của thành phố, vừa phản ánh về những việc cần làm để TPHCM trở nên thành phố đáng sống theo mục tiêu của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.   
            Quốc Ngọc



2 nhận xét :

  1. Ngày xưa : Hương hải biến vi tang điền, ngày nay Phố thị biến vi thương hải . Thương thay ! thương thay !

    Trả lờiXóa
  2. Các báo đưa tin "Sài Gòn bị ngập nặng" làm dân Saigon xưa chửi quá trời! Họ nói: "Cái gì tệ hại lại gán tên Saigon là sao? Nói TPHCM mới chính xác chứ!".

    Trả lờiXóa