Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

HÀ NỘI SẼ LÁT VÀNG RÒNG CHO CÁC TUYẾN PHỐ CỔ?

Lát đá mặt đường phố cổ: 
Hơn 1,5 tỷ đồng cho 55 mét

Trọng Đảng - Dũng Nguyễn
Báo Tiền Phong
06:31 ngày 18 tháng 08 năm 2015

TP - Trước việc dư luận quan tâm đến đề xuất lát đá xanh mặt đường nhiều tuyến phố cổ, chiều 17/8, Ban Quản lý phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về sự việc. Lãnh đạo Ban Quản lý phố cổ cho biết, kinh phí lát 55 mét đá xanh đầu tiên tại phố Tạ Hiện là hơn 1,5 tỷ đồng.

 
Đầu tư hơn 10 tỷ, trong đó có hơn 1,5 tỷ lát đá nhưng nhiều KTS cho rằng, 
phố Tạ Hiện vẫn lộn xộn, chưa có bản sắc. Ảnh: T.Đảng.

Tiếp tục nhân rộng

Chủ trì buổi họp báo, ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang phố cổ, từ năm 2010 UBND quận Hoàn Kiếm, cụ thể là Ban Quản lý phố cổ đã triển khai nhiều phần việc, trong đó có chỉnh trang, cải tạo hạ tầng trên các tuyến phố. Bằng việc cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đến nay quận Hoàn Kiếm đã cải tạo, hạ chìm cống nổi và lát đá tự nhiên vỉa hè của 77 trên tổng số 79 phố cổ. Đặc biệt, để có hạ tầng đồng bộ, trong các năm 2010, 2011 quận Hoàn Kiếm đã cải tạo mặt đứng (kiến trúc mặt ngoài các công trình hai bên đường - PV) các tuyến phố Mã Mây, Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Tạ Hiện...

“Riêng tuyến phố Tạ Hiện, cùng với mặt đứng hai bên, mặt đường gồm vỉa hè, lòng đường đoạn từ phố Đào Duy Từ đến Lương Ngọc Quyến được lát đá xanh tự nhiên. Điều này tạo nên sự đồng bộ cho phố Tạ Hiện và khu phố trở thành điểm thu hút khách đến phố cổ”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, từ khi tuyến phố Tạ Hiện được lát đá, việc kinh doanh, buôn bán tại đây chuyển sang chuyên dụng và giúp phường Hàng Buồm thu hút thêm 23 nghìn lượt khách du lịch lưu trú trong năm 2014. Từ thực tế trên, vừa qua quận Hoàn Kiếm tiếp tục có đề xuất với UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho nhân rộng việc lát đá tự nhiên kích thước 10x10x10 tại mặt đường 11 tuyến phố cổ.

Chưa rõ kinh phí lát đá 11 tuyến phố

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong: Trong tổng số 10 tỷ đồng đầu tư cho chỉnh trang phố Tạ Hiện thì phần lát 55 m đá hết bao nhiêu; nếu thực hiện tiếp 11 tuyến phố thì số kinh phí này thế nào; trước khi nhân rộng, Ban đã lấy ý kiến nhân dân, kiến trúc sư? Ông Long cho hay: Hiệu quả từ việc lát đá mặt đường phố Tạ Hiện rất rõ rệt, ngoài là điểm thu hút khách du lịch tại phố cổ, đến nay 100% các hộ kinh doanh tại đây từ buôn bán tạp hóa, nhỏ lẻ đã chuyển sang kinh doanh các sản phẩm phục vụ du lịch. Giới trẻ còn gọi ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến là ngã tư quốc tế. Về kinh phí, ông Long cho biết, phần kinh phí, lát 55 m đá xanh tự nhiên trên phố Tạ Hiện hết hơn 1,5 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện lát đá 11 tuyến phố, chưa thể đưa ra vì kế hoạch vẫn đang là đề xuất.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, nhiều phóng viên báo khác tiếp tục chất vấn, nhưng ông Long chỉ đưa ra thông tin chung chung: 11 tuyến phố trên tổng cộng dài 2.200 m; riêng 5 tuyến phố gồm Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy dài 1.000 m; các phố: Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Tạ Hiện dài 1.200 m. Về việc lấy ý kiến dư luận, ông Long cho biết, trước khi lên kế hoạch, Ban đã lấy đầy đủ ý kiến nhân dân, thậm chí còn làm việc với từng gia đình sống trên các tuyến phố dự kiến triển khai kế hoạch trên.

Không nên vội vàng!

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi, trước ý kiến chung của dư luận, đặc biệt là các tổ trưởng dân phố cũng như kiến trúc sư và chuyên gia đô thị nói rằng việc lát đá rất nguy hiểm với phương tiện tham gia giao thông khi trời mưa, quận Hoàn Kiếm có xem xét lại? Ông Long cho rằng, đơn vị thực hiện sẽ tiếp thu và nghiên cứu, nhưng chủ trương trên vẫn được Ban triển khai thực hiện.

KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết, tuy là khách mời nhưng đề xuất lát đá xanh tại các tuyến phố cổ ông chỉ được biết qua báo chí. Nói về chủ trương trên, ông Kính thẳng thắn, việc này chưa phù hợp về thời điểm. Theo KTS Hoàng Đạo Kính, phố cổ Hà Nội đang có rất nhiều việc cần phải làm trước. Chẳng hạn, phải có cách quản lý không gian, đô thị phố cổ hiệu quả, để “dẹp” được tình trạng mái che, mái vẩy, buôn bán lộn xộn.

“Vừa qua Hà Nội đã thảm lại bê tông nhựa nhiều tuyến phố cổ và đi lại có bị làm sao đâu? Việc lát đá ở phố cổ đừng vội vàng. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ việc lát đá dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kế hoạch lát đá vỉa hè ở mấy chục con phố vừa qua rất cẩu thả, vội vàng; thậm chí có nơi chỉ xếp đá vào đó thôi. Hệ quả là để lại cho Hà Nội là những vỉa hè khấp khểnh, cẩu thả”, KTS Hoàng Đạo Kính nói.
 
 

6 nhận xét :

  1. Theo ông Long, lát đá phố Tạ Hiện cho kết quả rất tốt với việc buôn bán của dân phố và chắc chắn Thành phố nhờ đó mà cũng tăng được thu nhập. Vậy thì nên phổ biến rộng rãi hiệu quả của việc này cho các phố khác và kêu gọi/yêu cầu dân các phố đó đóng tiền vào để lát nhằm nhanh chóng đem lại lợi ích cho họ. Thành phố chỉ chi tiến thiết kế, hỗ trợ thủ tục pháp lý...Với cách làm như vậy, tôi tin chắc mấy ông KTS có nói gì thì dân cũng không nghe một khi họ đã tự nguyện đóng tiền còn thành phố cũng khỏi mang tiếng bày việc ra để kiếm chác.

    Trả lờiXóa
  2. Ở ta bây giờ đang rất thiếu "CỦ CẢI', nên ý kiến của các chuyên gia cũng chỉ là ý kiến thế thôi các bác ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghĩ bọn này đề xuất làm đắc công trình Ko ngoài mục đích chia hoa hồng cao mà thôi Quá phung phí. Xử dụng đi lại rất nguy hiểm trơn trợt chỉ cần 1 cơn mưa nhỏ. Sẽ thấy hậu quả ngay Chỉ có người kém hiểu biết và có lợi ích mới mới dám làm dại mà thôi. Có ai đó nhắn Ông Long mua về Lót trước hè mình có dám Ko Đồ thằng Ngu.tham vợ vét Bậy bạ.

    Trả lờiXóa
  4. Chúng nó đang "sống gấp" mà, sắp qua rồi cái đoạn muốn làm gì thì làm!

    Trả lờiXóa
  5. Dưng mà đá lát nhỡ đặt và trả tiền rồi cũng nên? Vậy cứ lát cho oách ! Cái gì thời cổ chưa làm được thì thời nay làm và gọi là tôn tạo, chứ có phải bảo tồn phục chế đâu mà tranh cãi? Thế kỷ 21 rồi, các cha phải suy nghĩ thoáng lên chứ ?

    Trả lờiXóa
  6. Có "làm" thì mới có "ăn"!

    Trả lờiXóa