Ông Nguyễn Văn Linh:
công trạng với đảng và với dân
công trạng với đảng và với dân
30-06-2015
Hôm còn ở Sài Gòn, đi trên đường thỉnh thoảng thấy hình ông Nguyễn Văn Linh (NVL) được treo khá ư trang trọng. Bây giờ mới biết là ngày mai là ngày lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nói đến tên ông này, rất nhiều người (trong đó có tôi) nghĩ rằng ông là người rất cấp tiến, người chủ xướng phong trào “Đổi mới” cứu Việt Nam khỏi sự suy sụp về kinh tế, người cởi trói văn nghệ, v.v. Nhưng sau này biết thêm chút thì thấy tất cả những hiểu biết đó đều … sai, vì trong thực tế ông là một người rất bảo thủ.
Chẳng cần tìm chứng cứ đâu xa về tính bảo thủ của ông. Ví dụ như hôm nay, có bài “Người không chấp nhận đa nguyên, đa đảng” trên Vietnamnet (1), và “người” ở đây chẳng ai khác hơn là ngài NVL! Tôi hết sức ngạc nhiên khi người ta chạy cái tít hết sức bảo thủ như thế trên báo, giữa thanh thiên bạch nhật. Điều đó cũng là một phát biểu của vài người đang lãnh đạo đất nước hiện nay.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta biết được tính bảo thủ của ông NVL. Theo Hồi kí “Hồi ức và Suy nghĩ” của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ (ông mới qua đời tuần này) thì ngay từ thập niên 1980s khi thế giới XHCN sụp đổ, ông NVL đã triệu tập Bộ Chính trị là nói rằng: “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa!” (2) Nói là làm. Sau đó, ông sang Tàu kí kết hiệp định Thành Đô mà cho đến nay chẳng ai biết nội dung là gì, chỉ biết ông Trần Quang Cơ nhận định rằng “Sở dĩ ta bị mắc lừa ở Thành Đô vì chính ta lừa ta! Ta ảo tưởng Trung Quốc giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và XHCN thế giới, chống lại hiểm họa “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Sai lầm đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm: Giải háp Đỏ”. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nhận định rằng “Trung Quốc đã sử dụng Hội nghị Thành Đô để phá mối quan hệ Việt Nam với các nước, chia rẽ nội bô ta, kéo lùi tiến trình đổi mới của ta” và ông cảnh báo rằng một thời Bắc thuộc thứ IV đã bắt đầu.
Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng CSVN đến Thành Đô, cam kết theo Tàu.
Trong cuốn sách “Bên thắng cuộc”, Huy Đức thuật lại rằng năm 1989, khi mà thế giới XHCN đang sụp đổ liên hoàn, thì ông NVL có một chuyến công du sang Đông Đức với mục tiêu chính là cứu vãn chủ nghĩa xã hội. Ông định nhân dịp này triệu tập một hội nghị các đảng cộng sản để cứu phong trào cộng sản quốc tế. Trong buổi họp, ông NVL gọi Gorbachev là “kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Chẳng hiểu sao lời nói đó đến tai Gorbachev, và như là một trả đũa Gorbachev tỏ thái độ khinh miệt NVL ra mặt. Khi NVL xin được tiếp kiến Gorbachev (lúc đó cũng đang có mặt ở Đông Đức) để bàn việc cứu vãn tình thế, Gorbachev cố tình cho NVL “leo cây” vài lần. Nhưng cuối cùng thì Gorbachev cũng ban cho ông Linh một ân huệ: được diện kiến ông ấy. Huy Đức viết về buổi tiếp kiến như sau:
“Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. […]
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: ‘Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh’.”
Đúng là một lời mỉa mai chẳng cần dấu giếm gì cả. Nhưng đọc đoạn Gorbachev đối xử với ông NVL mới thấy chua chát. Trong khi ông NVL nhiệt tình trình bày đại kế hoạch nhằm cứu phong trào cộng sản thì Gorbachev tỏ ra thờ ơ và lãnh đạm, và khinh thị ra mặt. Ý kiến nào của ông NVL cũng được Gorbachev phê là “rất tốt”, mà không buồn tình nói gì thêm. Khi NVL đề nghị Gorbachev đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản quốc tế, thì “Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: ‘Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!’.” Vui nhất là khi ông NVL mời Gorbachev đến thăm Việt Nam, thì “Gorbachev lại kêu lên: ‘Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước’.” Khi ông NVL đề cập xin viện trợ thì “Gorbachev xua tay, không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: ‘Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi’.” Ấy thế mà ngày hôm sau báo Nhân Dân đưa tin “cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.
Câu chuyện trên cho thấy ông NVL hình như không biết những diễn biến trên thế giới, nên ông vẫn nghĩ rằng có thể cứu vãn chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản. Ông không hề biết kẻ ông phê phán là “cơ hội” lại chính là kiến trúc sư đang giật sập bức tường Bá Linh. Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi hội kiến với ông NVL trong nỗ cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng bí thư Nicole Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn ở Romania.
Trong “Bên thắng cuộc”, Huy Đức qua lời kể của những người trong cuộc mô tả ông NVL có tính hơi nhỏ mọn (3). Ít ai biết rằng ông NVL không ưa ông Võ Văn Kiệt. Khi ông NVL mất chức trong Bộ Chính trị và về sống ở Sài Gòn, ông phàn nàn rằng “Khi tôi mất Bộ Chính trị, về Sài Gòn, Sáu Dân không bao giờ gặp tôi.” Đó là một trong những lí do ông Linh không chọn ông Kiệt làm thủ tướng. Ông NVL từng nhận xét ông Kiệt như sau: “Dốt mà không chịu học. Làm Uỷ ban Kế hoạch còn không xong lấy đâu ra thủ tướng” (3). Chẳng những không ưa ông Kiệt, ông NVL còn làm hại đàn em của ông Kiệt, như cụ thể việc ông ra lệnh bắt giam ông Dương Văn Ba (4), một người từng giúp ông Kiệt trong thời chiến và sau này điều hành một công ti khai thác gỗ với Lào.
Báo chí chính thống ngày nay viết rằng ông NVL là người có công Đổi mới. Nhưng hình như ông Trường Chinh (chứ không phải NVL) mới là người đề xướng chủ trương này. Mà thật ra, cũng chẳng có gì hay ho trong việc “Đổi mới” vì đó là điều tất yếu trong bất cứ xã hội nào. Nhưng tôi nghĩ báo chí đánh giá đúng là ông NVL có “cống hiến to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đảng” (5), vì rõ ràng là ông đã thành công duy trì sự lãnh đạo của đảng CS ở VN trong khi các đảng CS khác bên Đông Âu đều tiêu tan. Còn công trạng của ông NVL đối với đất nước và nhân dân — nếu có — thì nên để cho các nhà sử học sau này đánh giá công minh hơn, nhất là đến ngày mà sự kiện “Thành Đô” sẽ được bạch hoá.
____
(1) Người không chấp nhận đa nguyên, đa đảng (VNN).
(2) Hậu họa “Giải pháp Đỏ” của Nguyễn Văn Linh (viet-studies).
(3) Bên Thắng Cuộc – Chương 14: Khoảng cách Linh – Kiệt (vinadia).
(4) Hồi ký Dương Văn Ba: Những Ngã Rẽ (viet-studies).
Bác Mao nói với Bác Hồ
Trả lờiXóaVăn Linh kiến tạo Thành Đô công đầu.