Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

TS. VŨ NGỌC HOÀNG NÓI VỀ CHUYỆN NHẠY CẢM VÀ VÙNG CẤM

TS Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ.

"Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như
chạm vào vùng cấm..."
Vũ Ngọc Hoàng
19/06/15 05:57

(GDVN) - Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại một khái niệm, tạm gọi như vậy, về vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào "vùng cấm"


LTS: Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ sâu sắc của TS Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong hành trình phát triển đất nước.

Nội dung này được TS Vũ Ngọc Hoàng trình bày tại Hội thảo quốc gia về Báo chí được tổ chức tại Báo Nhân dân, ngày 18/6.

Báo chí có đóng góp rất lớn sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước

90 năm qua, với các giai đoạn – trước khi có Đảng, từ khi thành lập Đảng đến cách mạng tháng 8, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ xâm lược và thời kỳ thống nhất đất nước, hòa bình xây dựng và tiến hành công cuộc đổi mới - báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành công và thành tựu của đất nước, trong bảo vệ và xây dựng tổ quốc, phát triển con người Việt Nam.

Từ việc khởi đầu vận động cách mạng, chuẩn bị thành lập Đảng, thức tỉnh cả một dân tộc, tập hợp toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng tháng 8 thành công, giành lại được một đất nước mà trước đó đã mất vào tay xâm lược, đưa một dân tộc từ nô lệ lên làm chủ, đưa một xứ An-Nam thuộc địa của phương Tây thành một quốc gia độc lập có tên tuổi vẻ vang trên thế giới, chiến thắng các đạo quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới đến từ phương Tây và phương Bắc.

Đất nước thống nhất, thu giang sơn về một mối, khi mà có những thế lực muốn ngăn cản để Việt Nam không thống nhất được; đến việc tiến hành công cuộc đổi mới 30 năm qua đạt nhiều thành tựu to lớn, nhất là so với chính mình trước đây.

Qua 5 giai đoạn của báo chí cách mạng, với điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, với công việc và phương thức khác nhau, nhưng thống nhất xuyên suốt là luôn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tập hợp mọi người để cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam “dân chủ và giàu mạnh” như mong muốn của Bác Hồ, tham gia xây dựng một Đảng chân chính, phục vụ nhân dân, một Nhà nước của dân trong sạch và vững mạnh. Đó là mục tiêu xuyên suốt không chỉ đối với đã qua mà còn với thời kỳ tiếp đến.

Trong công cuộc xây dựng nền báo chí nước nhà, với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, khó khăn và sáng tạo, cầm bút và cầm súng, hiểm nguy và anh dũng, bản lĩnh và khôn ngoan, vinh quang và trách nhiệm, với nước và với dân, với đời và với Đảng, với quá khứ và tương lai, với dân tộc và nhân loại… chúng ta đã có những thế hệ làm báo mẫu mực và tài ba, để lại nhiều tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau ngưỡng mộ và noi theo, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương chiếu sáng nhất, như một vì sao tinh tú dẫn đường.

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về sự nghiệp báo chí cách mạng, về những người làm báo chân chính, trung với nước, hiếu với dân, có những người đã ngã xuống giữa trận địa đạn bom trong những ngày kháng chiến cứu quốc, vượt qua gian khổ thử thách trong xây dựng hòa bình không kém phần phức tạp. Đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú ấy.

Mặt khác, chúng ta rất lấy làm tiếc bởi một bộ phận báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu trách nhiệm xã hội, giảm sút tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp, yếu kém về trình độ và tính chuyên nghiệp, đã làm giảm hiệu quả xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo, của nghề làm báo – cái nghề mà ngoài việc chuyển tải thông tin để phục vụ nhân dân, còn truyền bá, làm lan tỏa các giá trị nhân văn, tham gia khai hóa văn minh và xây dựng nền tảng văn hóa cho dân tộc.

Chúng ta đều mong muốn, và không chỉ mong muốn, hãy trực tiếp góp phần bằng công sức và hành động cụ thể, để nền báo chí nước nhà ngày càng trưởng thành, hiện đại, tiên tiến, nâng tầm cao và các giá trị nhân văn, để đóng góp ngày càng xứng đáng hơn cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam, cho Tổ quốc vững bền và cường thịnh, cho một xã hội tốt đẹp thật sự mà lâu nay chúng ta luôn mong muốn phấn đấu và gọi tên là xã hội Xã hội chủ nghĩa.

Đụng vào vấn đề "nhạy cảm" có sợ bị quy chụp?

Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại một khái niệm, tạm gọi như vậy, về vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm… không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như vậy mà do thực tế nó cũng có vậy và chúng ta bảo nhau phải tránh né vấn đề “nhạy cảm”.

Trong đời sống xã hội, những vấn đề “nhạy cảm” thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm, hoặc do quan niệm như vậy, nó phức tạp hơn, và thường là bức xúc – đó chính là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời.

Nếu trả lời đúng, thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu dũng khí.

Mặt khác, giống như sau khi xác định những điểm trọng yếu và nóng bỏng của chiến trường thì lại rút quân ra khỏi khu vực đó, bàn giao cho đối phương; còn ta, do rời xa mặt trận nên năng lực chiến đấu ngày càng kém đi, cũng tức là chọn con đường rút lui, con đường thua.

Đáng lẽ ra xác định vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết, chứ không phải để tránh xa ra. Cuộc sống cần chúng ta là cần như vậy. Tất nhiên việc xông vào ấy không phải chỉ có dũng khí, mà còn cần trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một “hậu phương” vững mạnh nữa.

Tránh né những vấn đề “nhạy cảm” thì cũng có nghĩa là chỉ giải quyết những vấn đề bình thường. Mà những vấn đề bình thường tức là cuộc sống đang bình thường, đang yên ổn, đang tự nhiên, trong đó, có nhiều việc không cần phải khuấy đảo lên, làm khói bụi mù mịt, và do đó, lại làm cho cuộc sống trở thành không bình thường.

Bên cạnh những thành tựu to lớn như đã nói ở phần trên, nước ta, gần 30 năm công nghiệp hóa theo tôi có thể nói là chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapor; hiệu quả đầu tư chỉ bằng một nửa so với các nước, cũng tức là mất mác hoặc lãng phí quá nhiều.

Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD. Còn Việt Nam theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025, sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3000 USD (tính theo giá 2005).

Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là cả đời vẫn nghèo mãi, không ngóc lên được.

Trước khi đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1,3 lần so với Việt Nam, đến nay chỉ số ấy đã lên trên 3,5 lần, tức là tiềm lực kinh tế của Trung Quốc mạnh lên gấp bội so với trước đây, từ đó các sức mạnh khác của họ cũng tăng nhiều, và họ cảm thấy đã đến lúc đủ sức độc chiếm biển Đông, trong đó có biển của Việt Nam ta và của một số nước khu vực Đông Nam Á.

Khoảng 50 năm trước, Hàn Quốc và Việt Nam có trình độ phát triển tương tự nhau, sau chiến tranh 1953 họ là nước nghèo nhất thế giới, có lúc bị đói phải ăn vỏ thông. Vậy mà đến nay kinh tế Hàn Quốc đã bỏ Việt Nam rất xa, đến mức không tưởng tượng nổi.

Hiện nay đã có hơn 10 vạn người Việt Nam sống ở Hàn Quốc, và hơn 10 vạn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam. Nhưng khác một điều: Người Hàn Quốc làm ông chủ ở Hàn Quốc và làm ông chủ kể cả ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì làm thuê ở Hàn Quốc và làm thuê cả ở Việt Nam…

Những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, không thể giấu đi, mà phải chỉ rõ và tìm cho ra nguyên nhân, kể cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, từ đó mà xác định các giải pháp hữu hiệu để thoát ra, để tiến lên. Làm được như vậy mới hoàn thành sứ mệnh đối với dân tộc và do đó mới giữ được vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng.

Phải đổi mới một cách căn bản và đúng hướng mới giải quyết được tình hình tụt hậu hiện nay, mới chống được tham nhũng, lợi ích nhóm, vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình thấp mà nước ta đang rơi vào và tránh nguy cơ chệch hướng sang “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - một sự tha hóa nguy hại đất nước và suy đồi văn hóa.

Tôi nghĩ rằng báo chí cách mạng không thể đứng ngoài câu chuyện này.

Vũ Ngọc Hoàng

8 nhận xét :

  1. Ai đã tự đặt ra "vùng nhạy cảm", "vùng cấm" để nhằm hạn chế hoặc cấm công luận đụng chạm đến các "vùng" đó, Mặc dù các "vùng" đó làm cho rất nhiều người bức xúc, nếu không phải là lãnh đạo CSVN? Chỉ có ở các chế độ CS như VN, Tầu thì người ta mới đặt ra các vùng đó, cón các nước dân chủ, văn minh thì công luận tha hồ nói, tha hồ viết, trừ bí mật quốc gia.
    Một thời gian (giờ đã khá hơn một chút đối với báo chí khi mà giặc Tầu ngày càng trắng trợn phơi ra bộ mặt thật của mình), lãnh đạo CSVN coi những vấn đề liên quan đến giặc Tầu, đặc biệt là vấn đề HS, TS là "nhạy cảm" để cấm báo chí, người dân lên tiếng phản đối hoặc xuống đường biểu tình. Còn ở trong nước, "vùng nhạy cảm" và "vùng cấm" là vùng xung quanh cái "bình quý" (tham nhũng) của ông Trọng. Báo chí và người dân tuyệt đối không được đụng đến vùng đó (hoặc chỉ được mon men xa bên ngoài), nếu không sẽ làm "vỡ bình".
    Gọi là "báo chí cách mạng" nhưng thực ra chẳng "cách mạng" một chút nào, chỉ nói/viết theo định hướng của đảng. Chệch hướng đó là nhà báo bị "cách cái mạng" ngay.

    Trả lờiXóa
  2. Phát biểu của ô. Vũ ngọc Hoàng không có gì mới . Vẫn lặp lại những giọng điệu cũ . Qua đó nhận thấy tư duy của BTGTW và của TWĐ không có gì thay đổi . Cứ đi trên lối mòn thì vẫn quanh quẩn trong đường làng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vùng cấm là vùng nhạy cảm chứ còn gì nữa? Nhưng mà cấm với ai, còn ai không cấm ?

      Xóa
  3. Thưa ông tuyên giáo,dũng cảm chống tiêu cực như nhà báo Hoàng Khương,báo Tuổi Trẻ,bây giờ anh ấy đang ở đâu?

    Trả lờiXóa
  4. Mấy ông thì coi đó là "vùng cấm" còn dân thì coi đó là "vùng kín"

    Trả lờiXóa
  5. Một điểm sáng rất lạ xuất hiện trong bầu trời u ám. Nếu sau đại hội tới ông vẫn tồn tại và ở cương vị cao hơn thì nước Việt có lẽ vẫn còn có phúc. Nếu không thì ngược lại.

    Trả lờiXóa
  6. Chán chả muốn nói nữa. Cái mà những người "dân trí thấp" nhìn thấy từ 10, 20 năm trước, thì đến giờ các ông mới lờ mờ nhìn thấy. Nói và làm thuộc chức phận của các ông (đã ghi trong hiến pháp), thế sao các ông lại khoác cho nó cái áo nhạy cảm rồi lờ đi. Đau nhất là những người vừa hé răng 1 phát là các ông cùm mồm ngay và luôn. Giờ các ông lại giở bài than thân trách phận, xin lỗi! đàn bà họ cũng không làm vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Hàng ngàn DƯ LUẬN VIÊN là do ban tuyên giáo nhào nặn ra để chống lại " những dọng điệu xuyên tạc của bè lũ phản động ..." Hơn 800 loại báo VN hiện nay cũng vậy : Nói gì , viết gì đều do chỉ đạo trực tiếp của ban tuyên giáo . Báo thì nhiều nhưng đều có một nội dung gần giống nhau , để câu khách một số báo đã thêm vào vài nội dung giật gân , nhưng kết quả vẫn không thu hút được người đọc. Thực tế có báo nếu đem bán sẽ chẳng có mấy ai mua như báo Nhân Dân chẳng hạn .Còn trình độ của đội ngũ dư luận viên thì vô cùng thấp kém. Trên các trang mạng, ở mục bình luận , bạn đọc luôn gặp phải những thái độ hung hăng , nói tục , chửi bậy...của họ . Đó là kết quả giáo dục, đào tạo , định hướng ..của bộ 4T và ban khoa giáo trung ương, trong đó có phần đóng góp của ông phó ban tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng.

    Trả lờiXóa