Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

MỘT BỨC THƯ CHẤN ĐỘNG VỀ SỰ THẬT VỤ THẢM SÁT THIÊN AN MÔN

Một bức thư ngỏ làm rung động mọi người:
Sự thật về vụ thảm sát Thiên An Môn

Gina Sturdza – ET Romania
05-06-2015


Ngày 7/6/1989, một nhóm người dân Bắc Kinh nhìn về phía quảng trường Thiên An Môn nơi những chiếc xe tăng đang chiếm giữ (Ảnh: Internet)

Lời dẫn: Thứ năm, ngày 4 tháng 6, hàng triệu người Trung Quốc trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm 26 năm vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn – Bắc Kinh, khi chế độ cộng sản đã điều xe tăng đến đối phó với những sinh viên không có vũ khí và ôn hòa. 


Một bức thư ngày 20 tháng 5 có chữ ký của một số những người đã tham gia vào sự kiện khi đó đang lưu truyền trên internet và trên những trang báo, đã gây sốc cho mọi người. 

Trong một thế giới thiếu lý tưởng, thiếu mất giá trị, một thế giới đánh mất lý trí, kể cả lý trí để tồn tại như một con người bình thường, có lẽ bức thư này sẽ gây ấn tượng với bạn cũng như nó đã gây ấn tượng với rất nhiều người. 

Bức thư viết bằng tiếng Trung, đã lưu truyền thông qua các hòm thư điện tử và trên phương tiện truyền thông xã hội. Gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, đã quảng cáo miễn phí cho bức thư này (hãy click vào đây và vào đây để xem thư) 
___


Chúng tôi là một nhóm sinh viên Trung Quốc sinh ra trong những năm 1980 và 1990, hiện đang học ở nước ngoài. Cách đây 26 năm, vào ngày 4 tháng 6, những sinh viên trẻ, đang trong mùa xuân của cuộc đời, với một tình yêu vô hạn đối với đất nước mình, giống như chúng tôi ngày hôm nay, họ đã bị giết chết bởi những viên đạn của Quân giải phóng nhân dân (PLA) trên đường phố Bắc Kinh. Kể từ đó, sự kiện lịch sử này đã được che giấu một cách cẩn thận, khiến cho nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay biết rất ít về nó. Hiện nay ở bên ngoài Trung Quốc, chúng ta có thể truy cập ảnh, video clip và tin tức những người sống sót. Chúng tôi cảm thấy các cơn dư chấn của thảm kịch này trong suốt một phần tư thế kỷ. Càng hiểu biết nhiều, chúng tôi càng cảm thấy một trách nhiệm trọng đại trên hai vai. Chúng tôi viết bức thư ngỏ này cho các bạn sinh viên bên trong Trung Quốc, để chia sẻ về sự thật với các bạn và để vạch trần những tội ác đã phạm phải trong vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989.
Chúng tôi không có quyền áp đặt  suy nghĩ của các bạn, cũng không yêu cầu các bạn phải làm một cái gì đó, nhưng chúng tôi có một ước mơ: rằng trong một tương lai không quá xa, mỗi người trong chúng ta có thể sống trong một đất nước không có sự sợ hãi, nơi sự thật lịch sử được phục hồi và công lý phải  được thực hiện.
Khoảng 21:30 đêm 3 tháng 6 năm 1989, tiếng súng đã vang lên trên những đường phố đang rất căng thẳng ở Bắc Kinh. Trong ngày hôm đó, quân đội áp đặt thiết quân luật đã nổ súng vào sinh viên và những người dân đã phản đối một cách ôn hòa qua gần hai tháng. Các cuộc biểu tình do sinh viên khởi xướng đã được mọi tầng lớp xã hội tham gia – với hơn 300.000 người trong giai đoạn cao điểm. Khu vực trung tâm của cuộc biểu tình ôn hòa là Quảng trường Thiên An Môn. Đã có thời điểm khi đất nước được khuyến khích bởi bầu không khí chính trị tương đối tự do và cởi mở trong suốt thập niên 80, khi người dân đã có sự tin tưởng nhất định đối với Đảng Cộng sản và họ đã đặt hy vọng vào một chính phủ tự nhận là “của nhân dân”. Vào thời điểm khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang đe dọa và tham nhũng đang trở nên trầm trọng, giới sinh viên và người dân cảm thấy cần bắt đầu một cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo của đất nước để làm cho đất nước này thành một nơi tốt hơn. Nhưng những người biểu tình ôn hòa lại không thể ngờ rằng đang đợi họ là một cuộc tàn sát đã được lên kế hoạch.

Hành động theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã phong tỏa các con đường dẫn tới Quảng trường Thiên An Môn để dọn sạch những sinh viên đang chiếm giữ địa điểm này. Họ đưa xe tăng với súng máy gắn trên tháp xe tăng và binh lính thì hét lên: “Tôi sẽ không tấn công trừ khi bị tấn công”, trong khi nổ súng vào sinh viên và dân thường. Trên tuyến đường dẫn đến Mộc Tê Địa, vài trăm người không vũ trang đã ngã xuống, tạo nên một dòng sông máu trong khi hét lên “đồ phát xít!”, “quân giết người!” Trong số đó có Yến Văn, một sinh viên 23 tuổi khoa toán ở Đại học Bắc Kinh, bị chết bởi đạn bắn vào đùi. Cậu ta đang ở đó với một máy ảnh để ghi lại những hình ảnh lịch sử. Một học sinh trung học khác, Tưởng Thiệp Liên, 17 tuổi, quyết định đi vào quảng trường để sát cánh cùng các anh các chị của mình. Vương Nam, 19 tuổi, đã trở thành một liệt sĩ khác. Chiếc mũ anh đội, với một lỗ thủng, đang được trưng bày tại Hong Kong. Ngô Hướng Đông, 21 tuổi, mang trong mình một bức thư, được viết: “Vì dân chủ và tự do, vì số phận của dân tộc, mỗi người đều có trách nhiệm”.

Một nhóm sinh viên, trong đó có 1 cô gái cầm máy ảnh, đang giằng co với quân đội PLA 
tại Thiên An Môn, 1989 (Ảnh: Internet)

Theo lời kể của các nhân chứng, quân đội tiến vào Quảng trường đã đánh sinh viên bằng dùi cui, ngay cả khi sinh viên đã đồng ý rút lui; những chiếc xe tăng đã đuổi theo và cán lên những sinh viên đang rời quảng trường và đang đi bộ trở về khuôn viên của trường. Phương Chính, một sinh viên của Đại học Thể thao Bắc Kinh, đã bị cụt hai chân dưới xích sắt của xe tăng.
 

Có những báo cáo chưa được kiểm chứng cho biết những nhóm người biểu tình đã bị bao vây và bị hành quyết tập thể. Trong ngày 4 tháng 6, thảm sát đã diễn ra ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và các nơi khác. 

Vào giữa và cuối tháng 6 năm đó, chính phủ đã ban hành ba phiên bản của một “báo cáo về cuộc đàn áp bạo loạn”. Trong đó, những người dân thường được mô tả như mafia đang tiến hành bạo loạn. Báo cáo này đưa ra chính xác số người chết và bị thương trong quân đội, về số xe quân sự bị hỏng, nhưng rất mơ hồ và mâu thuẫn về số thường dân thiệt mạng. 

Nhiều câu hỏi tới nay vẫn chưa được trả lời: vì sao các lực lượng vũ trang không thể kiểm soát được tình hình [nếu thực sự có một cuộc bạo loạn]? Nếu họ không thể tự bảo vệ mình, thì làm cách nào họ vượt qua được sự phong tỏa của hàng trăm ngàn người dân? Vì lý do gì mà các đám đông tụ tập trên đường phố thủ đô ngăn chặn quân đội tiến vào quảng trường? 

Bản báo cáo cho rằng chỉ có vài người dân thường bị chết. Nếu vậy, tại sao báo cáo lại nhiều lần thay đổi con số người chết và không công bố một số chính xác? Nếu báo cáo là đáng tin cậy, thì dân thường phải là lực lượng đã tấn công quân đội trước. Nếu vậy, tại sao mãi ba giờ sau khi quân đội nổ súng thì cái chết của người lính đầu tiên mới được báo cáo và lúc đó máu đã chảy ở Mộc Tê Địa? Trong thời gian biểu tình, cảnh sát đã thông báo cho Chu Phong Tỏa, một trong những lãnh đạo sinh viên tại Quảng trường, rằng “trật tự công cộng ở Bắc Kinh chưa bao giờ tốt” như trong hai tháng cuối cùng của “rối loạn” và “bạo loạn”. Theo hồi ký của Hầu Đức Kiện [ca sĩ Đài Loan], người đã ở quảng trường đến giây phút cuối cùng, các sinh viên đã trung thành với nguyên tắc bất bạo động, thậm chí cho đến phút cuối cùng buộc phải rút đi, họ đã ném bỏ lại bất kỳ đồ vật nào có thể dùng để tấn công. 

Trong khi đó, sự tàn bạo của quân đội đã được ghi lại trong các bức ảnh với những người bị thương chảy máu, những thân người xếp chồng lên nhau, video clip quay cảnh bắn vào dân thường, nhận dạng các xác chết trong bệnh viện và số xác chết, phóng sự gây sốc của Vũ Tiểu Dũng từ Đài phát thanh nhân dân Trung ương, đó là chưa nói đến những câu hỏi dai dẳng của các bà mẹ có con chết ở Thiên An Môn trong hai mươi sáu năm qua. Nếu tất cả những điều này đều là dối trá, như tuyên bố của chính phủ, thì họ sẽ trả lời như thế nào với các bậc cha mẹ này, những người cho đến tận bây giờ vẫn đang đi tìm công lý sau nhiều năm như vậy? 

Năm ngoái ở Capitol Hill, Washington DC, tác giả của bức thư đã gặp gỡ một số trong những người sống sót trong vụ thảm sát. Người điều hành lễ kỷ niệm đã đọc to một phần danh sách của những người chết, và mọi người tham dự đã xếp thành một hàng dài, trên tay là những bông hoa để tưởng niệm. Từ hàng trăm và lên đến hàng ngàn, đã có các con số khác nhau, và bạn có thể không bao giờ biết chính xác có bao nhiêu người bị giết chết năm đó tại Bắc Kinh.

Sinh viên biểu tình trên Thiên An Môn (Ảnh: Internet)

Nhưng người Trung Quốc đã chứng kiến ​​nhiều tội ác gây sốc, và có lẽ nhiều tội ác đã xảy ra tại những nơi xa lạ mà không có nhân chứng. Một số nhân chứng đã già đi, số khác đã chết, một số khác nữa thì không dám nói, mặc dù bây giờ họ đang sống ở nước ngoài một cách an toàn. Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ dám công bố con số chính xác người chết, và trước một sự kiện lịch sử lớn như vậy, họ đã chủ trương đóng khung sự kiện này, coi đó như một “cuộc bạo loạn phản cách mạng”, và sau đó, suốt những năm qua đã giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nó, coi như một “làn sóng chính trị”, nhằm xóa bỏ sự kiện này một cách có hệ thống trong trí nhớ của các thế hệ. 

Hàng năm, ngày 4 tháng 6 đã trở thành một ngày “nhạy cảm”, một ngày không thể gọi tên. Một điều cấm kỵ như vậy là một bằng chứng cho thấy sự tàn bạo chống lại dân thường vào năm 1989 là một cái gì đó mà Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục giữ im lặng, vì đây là một đảng có một lịch sử tội ác với cuộc nội chiến, với các phong trào chính trị chống lại hữu khuynh và với cuộc cách mạng văn hóa. 

Một người bạn của tác giả bức thư này cho rằng các sự kiện cách đây 26 năm là quá xa, Trung Quốc ngày nay đã ngày càng tốt hơn, và anh ta có một cuộc sống rất hạnh phúc. Hai năm trước, tôi đã đi trên Đại lộ Hòa bình Vĩnh cửu. Tôi không thấy bất cứ dấu vết nào của máu hay đạn, chỉ thấy những tòa nhà chọc trời và một đường phố nhộn nhịp với người và xe. Chúng ta sống trong thịnh vượng, nhưng là loại thịnh vượng gì, là sự thịnh vượng mà chúng tôi không thể tưởng tượng được bởi sự phất lên đáng ngờ của các quan chức cả cấp cao và cấp thấp, bởi sự câu kết giữa quyền lực và tiền bạc. Vì những biểu hiện này mà sinh viên đã tiến hành phản đối cách đây 26 năm, thế mà ngày nay nó đã trở thành phổ biến. 

Chế độ của Tập Cận Bình giương cờ chống tham nhũng, nhưng những người dân thường đang bị ném vào tù vì mang biểu ngữ đòi các quan chức phải kê khai tài sản. Phe cánh của Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng, với bàn tay đã nhuốm máu của sinh viên, đã trở nên giàu có một cách bẩn thỉu. Chúng tôi bị sốc khi phát hiện ra rằng chúng ta đang bị dẫn dắt bởi các quan chức có người thân sống ở nước ngoài. Nói cách khác, chúng ta bị chi phối bởi một nhóm người nước ngoài, còn Trung Quốc chỉ là con ngỗng đẻ ra những quả trứng vàng cho họ. 

Cách đây 26 năm, những sinh viên đã muốn tự do báo chí; và 26 năm sau, tất cả các phương tiện truyền thông vẫn đang bị cơ quan tuyên truyền của đảng kiểm soát, còn các luật sư và nhà báo bị ném vào tù vì những tội do chính quyền tưởng tượng ra và gán cho họ. Tội của Cao Du là làm rò rỉ bí mật quốc gia. Một số bạn bè của tôi nghĩ rằng những người bị bắt vào tù bởi vì họ đã lên án những sai trái của đảng cầm quyền. Chúng tôi chỉ là những người bình thường không quan tâm đến chính trị. Nhưng những người bình thường liệu có được an toàn trước cái xấu? Hãy nghĩ tới Hạ Tuấn Phong, Từ Thuần Hợp, và con gái của Đường Huệ. Không ai được an toàn trong một chế độ độc tài.

Khi những người lính Bắc Triều Tiên đã vượt qua biên giới và giết những người Trung Quốc, người Miến Điện vô tội, hoặc khi máy bay đã ném bom lãnh thổ Trung Quốc, thì lúc đó chính phủ chỉ lên tiếng “phản đối”. Vì thế, có thể khẳng định rằng chiến thắng quân sự duy nhất của PLA trong ba mươi năm qua chính là đã đàn áp và gây nên dòng sông máu trên đường phố Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989!

Đây là một sự thịnh vượng mong manh và méo mó. Chi phí để duy trì sự ổn định và an ninh trong nước cũng cao như ngân sách quân sự; sự kiểm duyệt và ngăn chặn trực tuyến, do đảng dựng lên với sự giúp đỡ của hãng Cisco đang gia tăng. Tất cả điều này chỉ ra rằng, bất cứ lúc nào, sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng, và sự thịnh vượng có thể sụp đổ.

Một tiếng nói từ bên trong Trung Quốc cho rằng vụ thảm sát Thiên An Môn là rất đáng tiếc và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã học được một bài học, và Đảng không muốn bị ám ảnh vì điều đó nữa. Nhưng sự thật về ngày 4 tháng 6 vẫn còn bị ém nhẹm, người chết vẫn không được minh oan, một số người sống sót đã trải qua những năm dài tù đầy, còn những bà mẹ có con chết ở Thiên An Môn vẫn bị lực lượng an ninh ngăn cản tới thăm nơi chôn cất con cái họ.

Năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu bị bắt vì đã tổ chức một cuộc hội thảo trong một căn hộ để kỷ niệm ngày này; một sinh viên đến từ Đại học nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh đã biến mất sau khi đề xuất việc phát triển phần mềm để lưu truyền sự thật về sự kiện Thiên An Môn.

Trong khi đó, kẻ đã ra quyết định nổ súng vào sinh viên và dân thường lại được ngưỡng mộ và tôn vinh là kiến trúc sư trưởng [của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc], và không có sĩ quan, không có binh lính nào gây ra các tội ác trên bị đưa ra tòa án. Các bạn đừng hy vọng chế độ này nhận tội. Họ đã không thú nhận bất kỳ lỗi lầm nào họ đã làm sau khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa, bởi vì họ biết rất rõ rằng một khi thừa nhận tội ác, họ có thể bị đánh đổ bởi cơn thịnh nộ của người dân. Họ nghĩ rằng họ có quyền làm như vậy và họ đã dựng những bức tường lửa trên Internet, và ngồi ẩn trong phòng tối để xóa đi tin tức và ý kiến bình luận không có lợi cho họ.

Đây là một chế độ đầy tội lỗi. Súng đã nổ trong ngày 4 tháng 6, và những gì chính quyền này đã thực hiện từ sau ngày 4 tháng 6 đến nay không quan trọng. Chúng tôi không yêu cầu Đảng khắc phục những hậu quả của các sự kiện trong mùa xuân năm đó, cũng không đòi hỏi bọn tội phạm  phục hồi lại tên các nạn nhân của chúng. Nhưng chúng tôi không quên, không tha thứ, cho đến khi công lý được thực hiện và chính sách khủng bố hiện nay ngừng lại.

Tác giả của bức thư và những người cùng ký tên trong thư biết rất rõ có thể có những hậu quả cho việc viết và ký bức thư này. Nhưng đó là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng những người hiện đang sống ở Trung Quốc biết được sự kiện này, và xem xét lại bạo lực và tội ác từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921. Từ Tỉnh Cương Sơn [một trong những cơ sở đầu tiên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây] tới Quảng trường Thiên An Môn, hàng triệu người dân vô tội đã chết và họ cần được mọi người ghi nhớ.

 Sinh viên dựng lều tạm trước quảng trưởng Thiên An Môn. Một tấm biển với dòng chữ: “Chiến thắng mãi thuộc về chúng ta”. (Ảnh: Internet)

Chúng ta cũng nên suy nghĩ về những khổ đau vô tận. Chúng tôi không có quyền áp đặt suy nghĩ cho các bạn, không yêu cầu các bạn phải làm một cái gì đó, nhưng chúng tôi có một ước mơ: rằng trong một tương lai không xa, mỗi người chúng ta có thể sống mà không có sự sợ hãi trong một đất nước mà sự thật lịch sử được khôi phục và công lý phải được thực hiện. Đây là ước mơ Trung Quốc của chúng tôi – chúng tôi, một nhóm sinh viên Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài. 

Người soạn: 
Yi Gu (古 懿, Đại học Georgia, slmngy@uga.edu) 

Đồng ký tên:
Feng Yun (封 云, University of Central Lancashire)
Chuangchuang Chen (陈 闯 创, Đại học Columbia)
Dan Zheng (郑 丹, Adelphi University)
Chen Bingxu (陈炳旭, Đại học bang Missouri)
Meng Jin (金 萌 State University ở tây bắc Missouri)
Lu Yan (卢 炎, Đại học Albania, SUNY)
Xiaoyue Wang (王 宵 悦, Đại học Albania, SUNY)
Wang Jianying (王剑 鹰, Đại học Missouri)
Meng Li (Đại học St. John)
Lebao Wu (吴 乐 宝, Melbourne, Australia).
____

Mời xem lại: Nhân dân bao giờ cũng vĩ đại hơn chế độ cầm quyền (Tuấn Khanh/ Ba Sàm). – Một số hình ảnh bị chính quyền Trung Quốc ngăn cấm về vụ thảm sát năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn (ĐKN).

 

3 nhận xét :

  1. Hitler cũng không giết dân mình!

    Trả lờiXóa
  2. nó không những giết dân nó mà nó còn giết luôn dân của thằng bạn nó là dân vn mình cũng không kém phần kinh tởm là đồ ăn ,thức uống , hóa chất độc hại , các công trình kém chât lượng dẫn đến chết người, rồi người việt nam của mình sẽ tự chất dần chết mòn , nó còn xúi giục thằng bạn nó ra những chính sách hại dân như kiểu chặt cây xanh ở Hà Nội v.v.. thử hỏi sống trong ô nhiễm bởi tất cả các nguồn cộng lại thì người vn mình sống được bao lâu , nước việt mình rồi từ từ biến thành một tỉnh của nó , kế hiểm độc vô cùng

    Trả lờiXóa
  3. Sẽ giống như kịch bản của Liên Xô, rồi Khựa sẽ xé nhỏ ra thành những quốc gia độc lập theo nguyện vọng của cộng đồng, tộc người. Rồi xem

    Trả lờiXóa