Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

"VÌ MỘT HN XANH" TỐ CÁO HÀNH VI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT


“VÌ MỘT HÀ NỘI XANH” TỐ CÁO HÀNH VI 
BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Trong một diễn biến khác, cũng vào buổi chiều 28/5/2015, một số người đại diện cho 19 người bị bắt giữ tùy tiện trong lần tuần hành cách đây một tháng (chủ nhật 26/4, tại Bờ Hồ) đã đến trụ sở Công an Thành phố Hà Nội tại 87 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, để đưa đơn tố cáo.


Đơn tố cáo nêu rõ: “Cũng như đông đảo người dân trên cả nước, chúng tôi rất bức xúc và phẫn nộ trước việc chặt phá cây xanh hàng loạt trên địa bàn Hà Nội... Tuy nhiên, ngay tại nơi chúng tôi gặp gỡ, đã xuất hiện một nhóm khoảng hơn một trăm người lạ, tay đeo băng đỏ có chữ “bảo vệ”, mặc đồng phục công an và dân phòng, thậm chí thường phục, vẻ mặt bặm trợn, hung hãn... Họ dang tay cản đường, dàn quân dày đặc chặn đầu khóa đuôi, chĩa loa công suất lớn hết cỡ, phát ra những âm thanh chói tai nhằm quấy nhiễu, phá rối buổi tuần hành ôn hòa của chúng tôi”.

“Nhóm người trên đã có hành vi rất thô bạo, xô đẩy, cấu véo chúng tôi, nhất là phụ nữ. Một vài phụ nữ mặc áo dài bị lôi kéo rách cả áo, mất giày mất dép, chân tay xây xước, thâm tím... Tổng cộng 19 người bị bắt giữ tùy tiện lúc 10 giờ sáng cùng ngày”.

“Trong quá trình thẩm vấn, họ ra sức mớm cung, ép cung, theo hướng vu khống và bôi nhọ chúng tôi, rằng chúng tôi “tuần hành chỉ vì tiền (được nước ngoài trả)”, “gây rối trật tự công cộng”. Khi chúng tôi hỏi lại họ về bằng chứng, thì không một công an nào đưa ra được bằng chứng về những gì họ cố ý quy chụp, vu khống cho chúng tôi”.

Những người tố cáo khẳng định rằng hành vi của nhóm người mặc thường phục, đeo băng “bảo vệ”, hoặc trang phục dân phòng, công an... đều đã vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền của công dân, cụ thể là vi phạm Điều 20 Hiến pháp và Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Tiếp đoàn tố cáo là Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu (số hiệu 123-981) và Thiếu tá Phạm Hải Thắng (125-098), cán bộ phòng trực ban và tiếp dân. 

.



Nhà báo Đoan Trang, một trong các nguyên đơn, nói: “Chúng tôi nhận thấy vụ bắt người này có đầy đủ các dấu hiệu của việc bắt giữ tùy tiện: Không có lệnh bắt, không có lý do xác đáng, không đúng quy trình, thủ tục do luật pháp quy định”. Thiếu tá Phạm Hải Thắng cắt ngang: “Bắt ai? Những người đó bây giờ đang ở đâu? Bắt giữ hay là đưa về đồn?”. Đoan Trang giải thích: “Cho dù chỉ giữ người trong một tiếng thì đó cũng là bắt giữ. Chúng tôi bị đẩy lên xe, bị bẻ tay, tóm cổ, giằng co, lôi lên xe buýt, trái với ý muốn của chúng tôi. Đó chính xác là bắt giữ, chứ không thể là “mời”, bởi vì nếu là “mời” thì chúng tôi phải có quyền từ chối. Đằng này chúng tôi còn chưa kịp từ chối thì đã bị khống chế, bẻ tay, lôi và khênh lên xe, như trong những hình ảnh các anh có thể thấy”.

Nhà báo Đoan Trang cũng khẳng định: “Hiện tượng bắt giữ người tùy tiện này đã xảy ra rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là từ mùa hè năm 2011. Tất cả những người đi tuần hành, biểu tình, cho dù họ có ôn hòa tới mức nào, cũng đều bị một đám người nào đó xồ ra bắt, với những hành vi rất thô bạo. Đó là chưa kể sự thô bạo về lời nói: Họ lăng nhục người biểu tình”.

Phía công an đã tiến hành “vào sổ”, tức là xác nhận việc tiếp nhận đơn vào một cuốn sổ của Công an Thành phố. Kèm theo đơn, còn có một bộ ảnh và một đĩa CD ghi lại hình ảnh cuộc tuần hành ôn hòa bị cản phá.

Trong lúc hai bên đang làm việc thì đột nhiên có một thanh niên lạ mặt tay cầm máy quay, lén bước vào phòng và tiến hành... quay trộm những người đến gửi đơn tố cáo. Hành vi này của anh ta làm ngay cả Thiếu tá Phạm Hải Thắng cũng phải hỏi: “Em ở đâu? Có cùng đoàn tố cáo không?”. Thanh niên đó bèn nháy mắt với ông Phạm Hải Thắng, song hai thành viên của nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh” là chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết và chị Nguyễn Thúy Hạnh đã phát hiện ra và kiên quyết mời anh ta ra khỏi phòng.

Thiếu tá Thắng và Thượng úy Hiếu khẳng định: “Chúng tôi sẽ có phản hồi bằng văn bản gửi đến địa chỉ người đại diện. Chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo đã, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cụ thể bằng văn bản cho các chị trong thời gian sớm nhất”.

Đại diện cho những người bị bắt giữ hôm 26/4, các nguyên đơn yêu cầu cơ quan công an “điều tra, làm rõ danh tính và hành vi của nhóm đối tượng” có hành vi bắt giữ tùy tiện công dân, “tiến hành các thủ tục cần thiết để xử lý thích đáng hành vi vi phạm của nhóm người bị tố cáo này”, và “làm rõ hành vi lập biên bản trái pháp luật của nhân viên công an tại trụ sở Công an quận Long Biên” cùng ngày 26/4.

Ngoài 19 người đứng đơn, buổi sáng chủ nhật, 26/4, còn có vài sinh viên bị công an bắt nguội trên đường đi tới Bờ Hồ khi còn chưa kịp tham gia tuần hành.

19 người bị bắt cũng yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn việc tái diễn các hành vi bắt giữ tùy tiện trong tương lai với những người dân chỉ đơn thuần thực thi nhân quyền căn bản.

Đây là lần đầu tiên những người dân bị bắt giữ và câu lưu tại trụ sở công an một cách phi pháp lên tiếng phản đối và công khai tố cáo những đối tượng coi thường pháp luật và xâm hại quyền công dân.

Đi nộp đơn tố cáo cũng ăn vận rất lịch sự, trang nhã:




Bài và ảnh: Nhóm Vì Một HN xanh và Tuyết Ánh

3 nhận xét :

  1. "người gây rối" thì ăn mặc, nói năng, tác phong đàng hoàng.
    "kẻ giữ gìn an ninh" thì lúng túng và lo đối phó.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là con cháu bà Trưng bà Triệu ,rất đẹp rất lịch ,nhưng quyết không khoan nhượng với cái xấu và sai trái ,người văn minh tây phương nói rằng "KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH PHỤ NỬ DÙ CHỈ MỘT CÀNH HOA " nhưng CÁC ANH TRONG LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG VN đả bẻ tay ,và lôi quẳng lên xe ,họ đả không đánh bằng cành mà đạp ,văn minh của thế kỷ 21

    Trả lờiXóa
  3. Họ thực sự là những ANH HÙNG !

    Trả lờiXóa