Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

"THÁNH GIÓNG TẮM HỒ TÂY" - TƯỞNG TƯỢNG CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

“Thánh Gióng tắm ở hồ Tây” là tưởng tượng
của Nguyễn Đình Thi
 
Báo Tuổi Trẻ
17/03/2015 14:23 GMT+7

TTO - Chi tiết Thánh Gióng nhảy xuống hồ Tây tắm, rồi chết vì bị thương đang gây xôn xao dư luận có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

 
Đoạn trích có chi tiết Thánh Gióng nhảy xuống hồ Tây tắm được in trong cuốn sách thử nghiệm “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5” của NXB Giáo dục - Ảnh: Facebook

Liên quan đến chi tiết Thánh Gióng nhảy xuống hồ Tây tắm, rồi chết vì bị thương được in trong một số cuốn sách hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5, của NXB Giáo dục, đang gây xôn xao dư luận, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì đây là chi tiết có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Cụ thể, chi tiết trên nằm trong bài tiểu luận “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, được in trong tập tiểu luận, phê bình “Mấy vấn đề văn học” của NXB Văn hóa, năm 1958 (thời điểm đó thuộc Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa).


“Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” là bài nói chuyện của Nguyễn Đình Thi ở ngày hội sinh viên năm 1944. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, Nguyễn Đình Thi nói rõ ràng, đây là chi tiết do trí tưởng tượng của tác giả, sau khi nghe truyện Phù Đổng Thiên vương.

Để độc giả hiểu rõ hơn sự việc này, chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi nói về Thánh Gióng nhảy xuống hồ Tây tắm, ở trang 19-20 cuốn tiểu luận, phê bình văn học “Mấy văn đề văn học” của ông:

“Lịch sử thường sẵn những trang đau thương, mà hiếm những trang vui vẻ: bực anh hùng hay gặp bước gian nguy, kẻ trung nghĩa thường lâm cảnh khốn đốn. Những khi ấy, trí tưởng tượng dân chúng tìm cách chữa lại sự thực, để khỏi phải công nhận những tình thế đáng ưu uất.

Ta thử lấy truyện hai bà Trưng mà xét. Tuy trong lịch sử có chép rõ ràng hai bà phải tự vẫn sau khi đã thất trận, nhưng ngay ở làng Đồng Nhân nơi thờ hai bà vẫn chép rằng hai bà đều hóa đi, chứ không phải tử trận. Đối với các nữ tướng của hai bà cũng vậy, ta chỉ thấy các vị anh hùng đó hóa lên trời.

Nghe truyện Phù đổng thiên vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị, như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế, người trai làng Phù đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo) rồi nhảy xuống hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, ngồi dựa một gốc cây to, dấu kín nỗi đau đớn của mình mà chết.

Bên Pháp cũng có một truyện tương tự, ấy là truyện một người dân quê khỏe mạnh lạ thường tên là Le Grand Ferre (Lơ Gơ-răng Phe-rê), đã giết được nhiều kẻ xâm lăng người Anh cát lợi. Có bận anh ta ốm, nghe tin giặc đến, tức giận cầm búa ra giết được mười mấy tên. Giặc sợ chạy mất. Sau vì mệt nhọc đổ mồ hôi, về uống nước lã nên bệnh nặng thêm mà chết.

Nhưng chàng Le Grand Ferre không được tôn lên ngang với thần minh. Chúng tôi sở dĩ nhắc đến chàng là để thấy tâm hồn hai tráng sĩ hơi tương tự, ở chỗ thô sơ, bình dị”.


(Trích trang 19-20, “Mấy vấn đề văn học” - Nguyễn Đình Thi, NXB Văn hóa, in năm 1958).
.

Đoạn trích được in trong tập tiểu luận phê bình “Mấy vấn đề văn học” 
của nhà thơ Nguyễn Đình Thi - Ảnh: Khánh Văn

Như vậy, chi tiết viết Thánh Gióng nhảy xuống hồ Tây tắm, rồi chết vì bị thương là có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, việc trích dẫn trong sách “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5” của NXB Giáo dục đã không ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc của đoạn văn trên nên dễ gây hiểu nhầm cho độc giả, phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo.

Hơn nữa, cái kết của truyền thuyết Thánh Gióng hiện cũng có nhiều dị bản khác nhau và không hoàn toàn giống nhau như kết thúc truyện Thánh Gióng mà công chúng thường biết là sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng hóa thân về trời.

Chiều 17-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tùng - phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - cho biết NXB đang soạn văn bản trả lời báo chí để giải thích rõ ràng sự việc này. NXB Giáo dục sẽ đưa ra câu trả lời trong chiều nay.


Vũ Viết Tuân

3 nhận xét :

  1. Tôi nhận xét ở bài trước trúng phóc rồi nha. Tội của người viết sách giáo khoa không trích dẫn rõ ràng gây hiểu lầm mà. Rõ ràng phải hỏi mồ ma ông Thi. Báo Tuổi trẻ đã hóa giải được vấn đề này.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng rồi, hồi ấy đất nghĩa trang không cần mua nên anh Gióng vào rừng chết thoải mái cần gì bay lên giời. Bây giờ qui hoạch hết rồi thì mới cần bay lên giời chứ!

    Trả lờiXóa
  3. Câu chuyện này là tư tưởng giải thiêng thần tượng của Nguyễn Đình Thi, cũng như những truyện giải thiêng của Nguyễn Huy Thiệp hay một số nhà văn khác khi Mở Cửa, Đổi Mới viết về một số nhân vật lịch sử, là dành cho những người lớn u mê sùng bái thần tượng, vốn là điều kiêng kỵ, nhạy cảm của cơ quan tuyên huấn một dạo, mấy vị làm sách giáo dục không hiểu, hay cố tình, cho trẻ con học cách giải thiêng thần tượng khí sớm.

    Trả lờiXóa